Góc quay xe: Bộ tài chính Nga kêu gọi điều chỉnh lại quy định tiền mã hóa
Hôm qua (25/01/2022), một quan chức Bộ tài chính Nga đã lên tiếng phản đối đề xuất cấm khai thác và giao dịch tiền mã hóa trên khắp lãnh thổ Nga.
Trước đó vào ngày 20/01/2022, Ngân hàng Trung ương Nga đã kêu gọi một lệnh cấm toàn diện đối với hoạt động khai thác và kinh doanh tiền mã hóa trong nước. Chính quyền Nga cho rằng tiền mã hóa có thể bị lạm dụng vào mục đích xấu như tài trợ khủng bố hoặc rửa tiền. Đồng thời việc khai thác đồng coin có thể làm suy yếu chương trình năng lượng xanh hiện có và làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng của Nga.
Tuy nhiên chưa đầy một tuần sau đó, vào ngày 25/01/2022, tức hôm qua, Bộ tài chính Nga đã lên tiếng phản đối đề xuất của Ngân hàng Trung ương. Một Giám đốc trong Bộ tài chính – ông Ivan Chebeskov cho rằng việc cấm các hoạt động khai thác và giao dịch tiền mã hóa sẽ dẫn đến việc đất nước Nga bị tụt hậu so với sự phát triển công nghệ trên toàn thế giới.
Thay vào đó, Giám đốc Chebeskov đề xuất:
“Chúng ta cần tạo điều kiện để những công nghệ mới như blockchain, tài sản kỹ thuật số có cơ hội phát triển. Điều này đồng nghĩa với việc nên điều chỉnh quy định tiền mã hóa chứ không nên ban lệnh cấm. Bộ tài chính đang tích cực tham gia vào việc xây dựng các sáng kiến lập pháp nhằm điều tiết thị trường tiền mã hóa nói chung.”
Những ý kiến này được đưa ra thảo luận trong hội nghị tiền mã hóa RBC diễn ra vào hôm qua. Chebeskov cho biết Bộ tài chính Nga đã chuẩn bị một số đề xuất về quy định tài sản kỹ thuật số và đang chờ tham mưu của chính phủ về vấn đề này.
Trước khi làm việc tại Điện Kremlin, Chebeskov đã từng đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trong các ngân hàng đầu tư của Nga và châu Âu. Trong quá khứ, Chebeskov cũng nhiều lần lên tiếng ủng hộ tiền kỹ thuật số nói chung. Theo quan điểm của ông, đồng rúp kỹ thuật số của Nga hoàn toàn có thể cạnh tranh với đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.
Khi nhìn sang các quốc gia láng giềng của Nga, chúng ta cũng nhận thấy tâm lý chống tiền mã hóa đang lan rộng hơn bao giờ hết. Các quan chức lo ngại tài sản kỹ thuật số do tư nhân phát hành có sự biến động khó lường, sẽ làm ảnh hưởng đến quyền kiểm soát của nhà nước đối với hệ thống tài chính và tiền tệ. Theo đó, các công dân Gruzia đã phải tuyên thệ ngừng khai thác tiền mã hóa, để đối phó với tình trạng thiếu hụt năng lượng do khai thác Bitcoin (BTC). Còn tại quốc gia khai thác Bitcoin lớn thứ 2 thế giới như Kazakhstan, người dân cũng bị buộc phải tắt internet khi các cuộc biểu tình chống chính phủ bùng lên mạnh mẽ.
Nhìn lại những diễn biến xảy ra gần đây ở Nga như: Lãnh đạo El Salvador – quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa Bitcoin, đã có chuyến thăm cấp nhà nước đến Nga. Và giờ là lãnh đạo Bộ Tài chính lên tiếng ủng hộ tiền mã hoá. Liệu rằng nước Nga có “quay xe”, tạo nên bất ngờ mới cho ngành công nghiệp tiền mã hóa trong năm 2022? Để có được câu trả lời chính xác, chúng ta sẽ phải chờ đợi thêm các thông tin chính thức trong thời gian tới.
Đừng quên thường xuyên truy cập Coinvn để cập nhật tin tức nóng hổi hằng ngày nhé.