Con đường phát hành NFT trong các game truyền thống

Trước sự bùng nổ của thị trường game NFT, hướng đi nào sẽ dành cho những ông lớn trong ngành game truyền thống, tiếp tục làm tốt hiện tại hay phát hành NFT.

7809Total views
Listen to article
play!
Con duong phat hanh NFT trong cac game truyen thong - anh 1

Hướng đi khác nhau của các ông lớn trong ngành game online

Nguồn doanh thu của các công ty sản xuất game cũng đã thay đổi đáng kể theo thời gian. Nếu như ngày trước, lợi nhuận của những công ty game này chủ yếu đến từ việc bán các vật phẩm game, phần cứng, bản quyền game. Tuy nhiên, hiện nay mọi thứ đã khác, các game đều được phát hành miễn phí và doanh thu chủ yếu đến từ việc mua bán các vật phẩm ảo trong game.

Nintendo kiên trì bền bỉ theo hướng cũ

Cuối thập niên 90 các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này chủ yếu kiếm lợi nhuận từ việc bán những vật phẩm được sao chép từ trong game hoặc bản quyền game. Năm 1996, sản phẩm Nintendo 64 – máy chơi điện tử cầm tay, lần đầu tiên được ra mắt tại Hoa Kỳ. Công ty Nintendo đã thành công thu về 320 triệu USD từ việc bán hơn 1,6 triệu chiếc (trị giá 200 USD mỗi chiếc) chỉ trong quý đầu tiên. 

Năm 2006, Nintendo tiếp tục thu về gần 500 triệu USD. Chỉ trong 1 tuần công ty này đã bán thành công 1,5 triệu chiếc Switch với giá 300 USD. Hơn 20 năm hoạt động, Nintendo là công ty xếp vào diện “hiếm” trong lĩnh vực này khi vẫn trung thành kinh doanh các sản phẩm vật lý từ game, trong khi các công ty khác trong ngành đã chuyển sang kinh doanh các vật phẩm ảo. 

Fortnite tiên phong mở ra một chân trời mới 

Fortnite là ví dụ điển hình cho việc hòa nhập và thay đổi theo thời đại. Tuy nhiên, để đạt được 5 tỷ USD mỗi năm cho Epic Game, Fortnite đã phải kiên trì vượt qua định kiến người dùng từ việc phản kháng, không chấp nhận đến khi họ từ từ đón nhận. Ban đầu, việc bán các vật phẩm trong game khiến người chơi cho rằng đây là kiểu game Pay-to-Win, rất độc hại và không hề lành mạnh. 

Tuy nhiên, Fortnite đã lật ngược tình thế bằng những lập luận nghe có vẻ rất hợp lý. Fortnite cho rằng việc mua bán các vật phẩm ảo trong game chỉ đơn thuần giúp gamer dễ dàng nhận diện bản thân trong các game online. Hơn thế nữa, những sản phẩm ảo này không ảnh hưởng đến lối chơi cũng như số tiền chi cho vật phẩm cũng không thể ảnh hưởng tới kết quả game. Quan trọng nhất, đây còn là một hình thức nhân văn để trả công cho những nhà phát triển game miễn phí.

Sự bùng nổ của NFT trong game 

Theo báo cáo từ DappRadar, các NFT liên quan đến game đã tạo ra doanh thu trị giá gần 5 tỷ USD và chiếm khoảng 1/5 tổng doanh số NFT vào năm 2021.

Từ những game thuở sơ khai như Crypto Kitties đến game Axie Infinity ngày nay, NFT, các mã thông báo không thể thay thế đã từng bước định vị giá trị trong các trò chơi. Cũng không có gì quá ngạc nhiên khi các tên tuổi lớn trong lĩnh vực này đều đã và đang đưa NFT kết hợp với game của họ. Các nhà phát triển game có thể cho phép người dùng sở hữu các NFT đại diện cho vật phẩm trong game được dễ dàng mua đi bán lại. Bên cạnh đó, hình thức Play-to-Earn (P2E) cũng đang được mở rộng để người chơi có thể kiếm được các vật phẩm NFT trong game, ví dụ như Axie Infinity…

Các ông lớn game truyền thống “rục rịch” chuyển mình, kẻ thăm dò người thất bại

Đầu năm nay Gamestop, nhà bán lẻ trò chơi điện tử lớn nhất thế giới cũng thông báo hợp tác với công ty tiền mã hóa Australia để phát triển một quỹ trị giá 100 triệu USD cho những người nhà phát triển game sử dụng vật phẩm NFT. Chủ tịch của Gamestop cũng đã úp mở chuyện kết hợp công nghệ blockchain để phát hành các game sắp tới. Tuy nhiên, dường như đây là động thái thăm dò người dùng vì phía công ty vẫn chưa đưa ra thời gian cụ thể nào.

Đáng chú ý, Ubisoft cũng cố gắng phát hành một bộ sưu tập NFT phiên bản giới hạn cho các game của công ty này. Tuy nhiên, phản ứng của người chơi chính là yếu tố bất ngờ. Có đến 96% người dùng không thích video mà phía Ubisoft đăng lên Youtube và chỉ bán được 15 NFT sau khi phát hành 2 tuần. Thái độ của người chơi đối với việc đổi mới của các công ty game truyền thống đến từ cách tiếp cận với người chơi và việc tham lam chạy theo lợi nhuận, bỏ quên tâm lý người chơi.

Tương lai của NFT trong game truyền thống 

Ngành công nghiệp game online hiện nay đang vô cùng phát triển và các công ty lớn hoạt động chuyên nghiệp như những công ty phần mềm. Các công ty sẽ thuê nhà phát triển, nhà thiết kế, quản lý và giám đốc điều hành, cùng với đội bán hàng và tiếp thị, để xây dựng và bán sản phẩm game online phục vụ một nhóm khách hàng nhất định. Tuy nhiên, việc áp dụng NFT trong các công ty game truyền thống thì lại khác. Bởi vì NFT vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển chủ yếu tập trung vào mảng GameFi, P2E, có vẻ đang thu hút những gamer là con bạc hơn là những game thủ thông thường. 

Hơn thế nữa, NFT trong game là sự kết hợp hài hòa giữa công nghệ, giải trí và tài chính. Vì thế, để chúng thực sự tìm được chỗ đứng trong lĩnh vực này, chúng phải thỏa mãn những điều kiện trong ba yếu tố trên. Không chỉ đảm bảo lợi nhuận cho nhà phát triển, dịch chuyển theo xu hướng công nghệ mới, mà còn phải để người chơi có thời gian thích nghi cũng như đảm bảo yếu tố giải trí trong game. 

Lời kết 

Game NFT đang bùng nổ trong vài năm nay trở lại đây. Công nghệ blockchain đã giúp nhiều studio game non trẻ không chỉ kiếm được lợi nhuận mà còn tìm được chỗ đứng trên thị trường. Vì vậy, nhiều ông lớn trong ngành cũng bắt đầu hòa nhập để chuyển mình trong cuộc cách mạng công nghệ này. Tuy nhiên, thị trường NFT gaming còn sơ khai và có nhiều điểm chưa khả thi. Trong khi đó tâm lý cũng như thói quen của người chơi trong game truyền thống cũng không thể thay đổi một sớm một chiều. Vì vậy, hy vọng rằng trong tương lai không xa, NFT trong thị trường game nói chung và các game truyền thống nói riêng sẽ thực sự bùng nổ mạnh mẽ.

Tin tức tiền mã hóa 24/7
Thảo luận về tiền mã hóa tại đây
Xem thêm
articles