Giám đốc FBI: Nga sẽ không ưu tiên chọn tiền mã hóa để né tránh các lệnh trừng phạt
FBI đang thu giữ một lượng lớn tiền mã hóa làm bằng chứng cho thấy lỗ hổng của tài sản này. Do đó, không như mọi người nghĩ, rất có thể Nga sẽ không chọn tiền mã hóa làm phương tiện né tránh các lệnh trừng phạt.
Vào thứ Năm (ngày 10/3/2022), trong phiên điều trần của Thượng viện Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ Martin Heinrich của bang New Mexico đã hỏi Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) về cách Nga né tránh các lệnh trừng phạt như sau:
“Nền kinh tế Nga sẽ phản ứng như thế nào khi Hoa Kỳ cấm nhập khẩu nhiên liệu khí đốt của quốc gia này? Nga sẽ chọn dự trữ vàng, tiền tệ của Trung Quốc hay tiền mã hóa để né tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước khác?”
Christopher Wray, Giám đốc FBI chia sẻ rằng cơ quan này và các đối tác trên toàn cầu đã hợp tác và thu về một lượng lớn tiền mã hóa. Qua đó cho thấy lỗ hổng của loại tài sản này. Vì vậy, không giống như mọi người nghĩ, tiền mã hóa không phải là tài sản Chính phủ Nga lựa chọn để né tránh lệnh trừng phạt. Ông Wray nói:
“Mọi người đánh giá quá cao khả năng Nga sử dụng tiền mã hóa để thoát khỏi các lệnh trừng phạt. Gần đây, FBI và các đối tác ở nước ngoài đã làm việc rất hiệu quả trong việc ngăn chặn loại tài sản này. Hiện tại, chúng tôi vẫn có thể kiểm soát và đã thu giữ thành công một lượng lớn tiền mã hóa. Do đó, rất có thể Nga sẽ chọn một số loại tiền tệ để vượt qua khó khăn này. Vì việc kiểm soát tiền tệ toàn cầu sẽ không hề dễ dàng đối với chúng tôi.”
Avril Haines, Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ cũng chia sẻ thêm:
“Tổng thống Nga Vladimir Putin chắc chắn đã lường trước các lệnh trừng phạt của thế giới trước khi tấn công Ukraine và đã xây dựng một quỹ dự phòng để giảm bớt thiệt hại cho nền kinh tế. Chính phủ Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế đã áp đặt các lệnh trừng phạt nặng nề làm cho nền kinh tế Nga điêu đứng. Tuy nhiên, trước đó, Nga đã giảm dự trữ USD, tăng lượng vàng dự trữ, sử dụng hệ thống SPFS của Nga cũng như CIPS của Trung Quốc để đảm bảo lưu thông tài chính. Những yếu tố này cũng hỗ trợ rất nhiều cho Nga để vượt qua các lệnh trừng phạt.”
Mặc dù Nga có thể không ưu tiên sử dụng tiền mã hóa, nhưng người dân quốc gia này lại tin tưởng lựa chọn nó làm tài sản trú ẩn. Vì vậy, sau khi Nga tấn công Ukraine vào ngày 24/2/2022, rất nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới đưa ra các đòn trừng phạt làm tê liệt hệ thống tài chính của nước này. Hoa Kỳ cùng Liên minh Châu Âu (EU) và các quốc gia khác đều tìm mọi cách để triệt tiêu các con đường giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt. Gần đây nhất, Tổng thống Biden cũng ký sắc lệnh về tiền mã hóa yêu cầu các ban ngành tạo ra khuôn khổ pháp lý để quản lý tài sản này, tránh bị Nga sử dụng làm đòn bẩy thoát khỏi các lệnh trừng phạt.