Hướng dẫn nghiên cứu Tokenomics dành cho người mới

Trong bài viết này, đội ngũ Coinvn sẽ hướng dẫn nhà đầu tư nghiên cứu Tokenomics, để tìm một dự án tiềm năng trong hàng loạt các dự án hiện có trên thị trường Crypto.

15786Total views
Huong dan nghien cuu Tokenomics danh cho nguoi moi - anh 1
Hướng dẫn nghiên cứu Tokenomics dành cho người mới

Theo thống kê của CoinMarketCap, tính đến năm 2022, thị trường đã có khoảng 18.716 loại tiền mã hóa. Điều này cho chúng ta thấy rằng thị trường tiền mã hóa đang có rất nhiều cơ hội để đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý rằng không phải dự án nào cũng tiềm năng. 

Trên thực tế, các nhà đầu tư trong thị trường đã chứng kiến rất nhiều vụ hack lên đến hàng tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Trong năm 2021, các nhà đầu tư cũng đã mất khoảng 12 tỷ đô la Mỹ cho các dự án tiền mã hóa lừa đảo theo hình thức “rug pull”. 

Như vậy, thị trường tiền mã hóa có rất nhiều cơ hội kiếm tiền, nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Chính vì thế, nhà đầu tư cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn hơn.

Tokenomics là một trong những yếu tố quan trọng để nhà đầu tư đánh giá dự án có tiềm năng hay không. Trong khuôn khổ bài viết này, đội ngũ Coinvn sẽ hướng dẫn chi tiết cách nghiên cứu và đánh giá dự án thông qua Tokenomics của nó.

Sự khác biệt giữa token và coin trong thị trường tiền mã hóa

Cả hai thuật ngữ “token” và “coin” đều được sử dụng để chỉ một đồng tiền mã hóa, nhưng xét về định nghĩa và bản chất thì cả 2 thuật ngữ này có rất nhiều điểm khác nhau.

Thuật ngữ “coin” thường đề cập đến các loại tiền mã hóa của các dự án có blockchain riêng. Còn thuật ngữ “token” được dùng để chỉ các loại tiền mã hóa của các dự án xây dựng trên các nền tảng blockchain có sẵn trong thị trường tiền mã hóa. 

Mỗi token sẽ có tiêu chuẩn giống với blockchain mà nó xây dựng, nếu token tạo trên Ethereum sẽ có tiêu chuẩn là ERC-20, Solana sẽ là SPL.

Ví dụ: SOL là đồng coin của nền tảng blockchain Solana. Các dự án xây dựng trên blockchain Solana như Bonfida (FIDA), RAMP DeFi (RAMP)… thì tài sản của những dự án này được gọi là token.

Tokenomics là gì?

Tokenomics đề cập đến việc nghiên cứu mô hình kinh tế của các loại tiền mã hóa, bao gồm quá trình phát hành, phân bổ, quản lý và đôi khi là phá huỷ. Khi nghiên cứu Tokenomics cho phép mọi người xác định giá trị và chất lượng khi đầu tư vào dự án blockchain. Các số liệu, tỷ lệ phân bổ thể hiện trong Tokenomics sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến quyết định mua và bán của nhà đầu tư. 

Hướng dẫn từng bước nghiên cứu Tokenomics

Việc nghiên cứu Tokenomics cũng không quá khó vì nó không yêu cầu bất kỳ kiến thức kỹ thuật nào. Dưới đây là quy trình thường được các nhà đầu tư sử dụng để nghiên cứu Tokenomics.

Nghiên cứu loại tiền mã hóa đó thuộc blockchain nào?

Đầu tiên, nhà đầu tư cần xem xét kỹ hơn về các loại tiền mã hóa thuộc Layer 1 hay Layer 2 và thuộc blockchain nào. Mỗi blockchain Layer 1 sẽ được khởi chạy độc lập với nhau, chẳng hạn như Ethereum, Avalanche, Solana… 

Các giải pháp Layer 2 là một giao thức được xây dựng trên hệ thống blockchain Layer 1, ví dụ Arbitrum được xây dựng trên Ethereum, giữ vai trò là giải pháp mở rộng quy mô cho Ethereum.

Các blockchain Layer 1 và các giao thức Layer 2 sẽ trực tiếp tác động qua lại lẫn nhau. Nếu blockchain Layer 1 cung cấp cơ sở hạ tầng dễ sử dụng, tốc độ xử lý giao dịch nhanh và an toàn, thì nó sẽ thu hút nhiều nhà lập trình phát triển các dự án Layer 2 hơn. 

Bên cạnh đó, nếu các dự án Layer 2 hoạt động tốt, thì nó sẽ tác động tích cực đến blockchain Layer 1. Điều này sẽ giúp tăng giá trị của tài sản blockchain Layer 1. 

Nghiên cứu hệ sinh thái của blockchain

Từ những gì đã đề cập ở phần trên, thì rõ ràng giữa các đồng coin và token có rất nhiều yếu tố phụ thuộc vào nhau. Như vậy, để xác định được tiềm năng, giá trị của các đồng coin/token của các dự án trong thị trường tiền mã hóa, nhà đầu tư cần phải có được một cái nhìn tổng thể về mối quan hệ giữa chúng.

Để một hệ sinh thái blockchain phát triển bền vững trong tương lai, thì đòi hỏi nó phải có một blockchain Layer 1 chất lượng. Từ đó, hệ sinh thái này mới có khả năng thu hút nhiều nhà lập trình phát triển các dự án Layer 2, cũng như thu hút được nhiều người dùng hơn.

Để hiểu về hệ sinh thái của blockchain Layer 1, nhà đầu tư có thể truy cập vào CoinGecko hoặc CoinMarketCap. Trong khuôn khổ bài viết này sẽ sử dụng CoinGecko.

Trên trang chủ, nhà đầu tư hãy tìm nút “All Categories” và nhập tên của blockchain Layer 1 ở thanh tìm kiếm. 

CoinGecko sẽ cung cấp cho nhà đầu tư danh sách tất cả các dự án tiền mã hóa thuộc blockchain Layer 1 đó. Sau đó, nhà đầu tư có thể chọn các dự án riêng lẻ để xem các thông tin khác, chẳng hạn như dữ liệu thị trường, biểu đồ, tin tức, liên kết đến các nguồn khác…

Huong dan nghien cuu Tokenomics danh cho nguoi moi - anh 2

So sánh chuỗi ban đầu với chuỗi phân nhánh

Tiếp theo, nhà đầu tư cần xem xét blockchain đó là chuỗi gốc hay được fork từ một chuỗi khác (hay còn gọi là chuỗi phân nhánh).

Ví dụ: Litecoin, Bitcoin Cash là các chuỗi được fork từ Bitcoin. 

Trong trường hợp này, nhà đầu tư phải biết thêm những yếu tố mà chuỗi phân nhánh đã sửa đổi. Từ đó, nhà đầu tư có thể đánh giá được những thay đổi đó theo chiều hướng tốt hơn hay tệ hơn so với chuỗi ban đầu. 

Nghiên cứu những thông tin liên quan đến các loại tiền mã hóa

Token tiện ích và token chứng khoán

Các chức năng của token là một thông tin quan trọng không thể bỏ qua khi phân tích Tokenomics. Mỗi loại token sẽ có những chức năng khác nhau, chẳng hạn như thanh toán phí giao dịch, truy cập vào các dịch vụ, staking hoặc giành quyền bỏ phiếu trong quản trị.

Các token tiện ích (Utility token) thường có các trường hợp sử dụng cụ thể như trao quyền cho chủ sở hữu để truy cập vào một sản phẩm hoặc dịch vụ trên blockchain hoặc quyền bỏ phiếu trong quản trị.

Token chứng khoán (Security token) là một dạng hợp đồng đầu tư bị ràng buộc pháp lý. Nó cho phép chủ sở hữu nhận được lợi tức dựa trên số lượng token họ nắm giữ và doanh thu từ việc kinh doanh của công ty. Một điểm đáng chú ý là Security token được đảm bảo bằng tài sản của công ty.

Nếu như các công ty muốn phát hành Security token, thì họ cần phải đáp ứng được các quy định của SEC. Mặt khác, các dự án blockchain sẽ không cần tuân thủ các quy định này khi phát hành các Utility token. Do đó, nhà đầu tư của các Utility token sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn.

Chính vì thế, nhà đầu tư cần phải biết token mà họ muốn đầu tư là token tiện ích hay token chứng khoán. Từ đó đánh giá được rủi ro, cũng như là tỷ suất lợi nhuận mà họ nhận được.

Để biết thêm về 2 loại token này, bạn có thể tham khảo bài viết “các đặc điểm phân biệt Security token & Utility token”.

Token có thể thay thế và NFT

Các loại token có thể thay thế được hiểu đơn giản là các token có thể chuyển đổi qua lại lẫn nhau, chẳng hạn như ETH, BTC, SOL, BNB… 

NFT là viết tắt của cụm từ “Non-fungible token”, một loại tài sản tiền mã hóa độc nhất, không thể thay thế và được phát hành trên blockchain. Các NFT thì đại diện cho những vật phẩm hay tài sản có giá trị sưu tầm khác nhau, bao gồm vật phẩm trong game NFT, các tác phẩm nghệ thuật như tranh, ảnh…

Ví dụ: CryptoPunks, Bored Ape Yacht Club là các bộ sưu tập NFT nổi tiếng ở thời điểm hiện tại.

Tổng nguồn cung

Khi phân tích nguồn cung token, nhà đầu tư cần tính đến các điểm sau:

  • Tổng nguồn cung là số lượng token được tạo trừ đi số token đã bị đốt.
  • Nguồn cung tối đa là tổng số lượng token đã từng tồn tại. (Ví dụ: Nguồn cung tối đa của Bitcoin là 21 triệu BTC, trong khi Ethereum không có nguồn cung tối đa).
  • Nguồn cung lưu thông là số lượng token được lưu thông trên thị trường tiền mã hóa. Chỉ số này rất quan trọng vì nó tác động đến vốn hóa của token đó trên thị trường tiền mã hóa.

Vốn hóa của đồng coin (hoặc token) trên thị trường tiền mã hóa được tính như sau: Tổng  nguồn cung lưu hành của coin (hoặc token) * giá hiện tại trên mỗi coin (hoặc token).

Những chỉ số này đều có thể tìm thấy trên CoinMarketCap và CoinGecko. Bên cạnh đó, vốn hóa thị trường được pha loãng cũng là một chỉ số quan trọng, nó cho biết vốn hóa của đồng coin (hoặc token) trong trường hợp nếu nguồn cung tối đa của nó đang được lưu hành.

Trong trường hợp các thông tin về vốn hóa của các loại tiền mã hóa không được cập nhật trên CoinMarketCap (hoặc CoinGecko), nhà đầu tư có thể kiểm tra dữ liệu trên trình khám phá khối của nó.

Khi nhìn vào vốn hóa của tài sản tiền mã hóa sẽ giúp nhà đầu tư biết được giá trị kinh tế của token. Nếu như nhà đầu tư nhìn vào giá của token, thì có thể sẽ tự ngộ nhận rằng giá của token đó rất thấp và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn các token có giá cao.

Trên thực tế, thị trường tiền mã hóa có rất nhiều dự án phát hành hàng tỷ token, với giá rất thấp (dưới 0,0001 đô la Mỹ cho mỗi token, với tổng cung hàng nghìn tỷ token). Họ làm điều này để khiến các nhà đầu tư nghĩ rằng giá có thể dễ dàng tăng gấp 1.000 lần. Nhưng thực tế là vốn hóa thị trường của token đã rất lớn, do đó tiềm năng tăng giá của chúng sẽ rất thấp. Có thể hiểu đơn giản là nếu vốn hóa thị trường càng cao, thì giá của token đó càng khó bị thao túng.

Token có được khai thác trước không?

Token được khai thác trước đề cập đến những token đã được tạo ra trước khi nó khởi chạy dự án. Đây là một yếu tố quan trọng mà nhà đầu tư cần quan tâm khi nghiên cứu về Tokenomics của bất kỳ dự án nào. 

Thông thường, các token được khai thác trước sẽ phân phối cho nội bộ (đội ngũ phát triển cốt lõi, những người đóng góp cho sự phát triển của dự án), trước khi chúng được mua bởi cộng đồng nhà đầu tư. Nếu một lượng lớn token được nắm giữ bởi những người trong cuộc, thì khi ra mắt giá của token có thể dễ dàng bị họ thao túng.

Ngoài ra, tỷ lệ phân bổ và thời gian phân phối token cũng cần được nghiên cứu kỹ. Việc nắm được các thông tin đó sẽ giúp nhà đầu tư dự đoán được các mốc thời gian mà họ có thể mua, lưu trữ và bán token đó. Các thông tin này sẽ được trình bày trong các Whitepaper của dự án hoặc các trang web tổng hợp thông tin như messari.io hoặc icodrops.com. 

Huong dan nghien cuu Tokenomics danh cho nguoi moi - anh 3

Mô hình token bị lạm phát hay có cơ chế giảm phát?

Nếu đồng coin (hoặc token) không có nguồn cung tối đa thì nó sẽ bị lạm phát. Một số dự án sử dụng cơ chế đốt coin (hoặc token) để kiểm soát sự lạm phát này. Về mặt lý thuyết, việc đốt coin (hoặc token) sẽ làm giảm nguồn cung, tạo sự khan hiếm cho token đó và giúp giá của chúng tăng. 

Tuy nhiên, trên thực tế coin (hoặc token) được định giá bằng những giá trị mà nó cung cấp cho người dùng, chứ không phải là số lượng mà nó cung cấp. Do đó, một số coin (hoặc token) có cơ chế đốt để giảm nguồn cung, nhưng lại không mang nhiều giá trị cho người dùng nên giá của coin (hoặc token) đó không thể tăng trưởng.

Kết luận

Như vậy, đội ngũ Coinvn vừa mang đến cho bạn đọc cách nghiên cứu Tokenomics phổ biến nhất ở thời điểm hiện tại. Trên thực tế, khi nhà đầu tư nghiên cứu kỹ Tokenomics của một dự án bất kỳ, thì rủi ro họ đầu tư vào một dự án lừa đảo sẽ rất thấp. 

Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên xem Tokenomics là “chén thánh” trong việc đầu tư, mà cần phải kết hợp thêm nhiều yếu tố khác như công nghệ, tính ứng dụng của dự án, đội ngũ phát triển… Hy vọng với những thông tin trên, bạn đọc có thể hiểu thêm một số tiêu chí đánh giá tiềm năng của một dự án bất kỳ. Từ đó, bạn đọc có thể đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn hơn.