Sự khác nhau giữa sàn giao dịch CEX và DEX

Phân biệt sự khác nhau giữa sàn CEX và DEX trong thị trường tiền mã hóa.

49761Total views
Su khac nhau giua san giao dich CEX va DEX - anh 1
Sự khác nhau giữa sàn giao dịch CEX và DEX. Nguồn: Cointelegraph.

Sàn giao dịch là nền tảng hỗ trợ các hoạt động mua/bán, trao đổi các loại tiền mã hóa với nhau. Tùy vào tính chất mà các sàn giao dịch cũng được chia thành nhiều hình thức khác nhau như sàn giao dịch tập trung hay phi tập trung. Trong bài viết này, Coinvn sẽ giúp độc giả tìm hiểu và phân biệt kỹ lưỡng hai loại sàn nói trên nhé.

Trước khi bắt đầu, chúng ta sẽ cùng hiểu nhanh về khái niệm sàn giao dịch tiền mã hóa là gì nhé. Nói một cách ngắn gọn thì đây là một nền tảng trung gian được đưa ra để hỗ trợ các hoạt động giao dịch như mua/bán/trao đổi các loại tiền mã hóa với nhau. Nghĩa là bạn đang có một đồng tiền mã hóa A và muốn đổi đồng tiền mã hóa A này sang đồng tiền mã hóa B thì sẽ cần đến sàn giao dịch để thực hiện điều đó.

Và như đã nói ngay từ đầu, sàn giao dịch sẽ gồm có nhiều loại khác nhau. Ở các phần tiếp theo trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng làm rõ về chúng nhé.

Sàn giao dịch tập trung CEX là gì?

Sàn giao dịch tập trung, tiếng Anh là Centralized Exchange, viết tắt là CEX.

Khái niệm

Sàn giao dịch tập trung (CEX) là nơi diễn ra các hoạt động giao dịch mua bán trao đổi tiền mã hóa. Tuy nhiên, mấu chốt vấn đề nằm ở khái niệm tập trung của sàn. Nó có nghĩa là tất cả các tài sản của người dùng khi sử dụng sàn giao dịch dạng này sẽ do sàn quản lý. Người dùng sẽ tạo một tài khoản trên sàn, xác minh danh tính, chuyển tiền mã hóa của họ vào ví của sàn và thực hiện các thao tác giao dịch sau đó. 

Một số sàn giao dịch tiền mã hóa tập trung thuộc top đầu hiện nay có thể kể đến như Binance, Coinbase Pro hay Kraken. Khối lượng giao dịch hàng ngày có thể lên đến hàng chục tỷ USD. Ngoài ra, tùy vào mỗi sàn khác nhau sẽ có số lượng đồng coin và cặp giao dịch được niêm yết. Như hiện tại, sàn Binance đang có khoảng 1.053 cặp giao dịch với 302 đồng coin khác nhau.

Mô hình này tương tự như mô hình về các hình thức sàn giao dịch chứng khoán truyền thống vậy. Tiền và tài sản của nhà đầu tư (NĐT) sẽ được đưa lên sàn, do sàn quản lý.

Các thức hoạt động

Hầu hết các sàn giao dịch tập trung CEX đều hoạt động theo cơ chế order book (sổ lệnh). Người dùng sẽ đặt lệnh mua bán tài sản tại một mức giá mà mình mong muốn. Chênh lệch giữa các mức giá sẽ tạo độ sâu của thị trường và xác định được các mức giá thị trường phổ biến. Khi có người khác mua hoặc bán tại mức giá đó, lệnh của bạn sẽ được khớp và giao dịch được thực hiện. Mặt khác, CEX cũng có thể đóng vai trò là nhà tạo lập thị trường bằng cách cung tính thanh khoản cho các cặp giao dịch trên nền tảng của mình để cải thiện tốc độ giao dịch.

Do tính tập trung, các sàn CEX sẽ quản lý tất cả dữ liệu của người dùng về các lệnh đã đặt, điểm chốt lời, điểm dừng lỗ… Những nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể mua các dữ liệu này từ sàn để phân tích và dự đoán xu hướng tiếp theo.

Su khac nhau giua san giao dich CEX va DEX - anh 2

Ưu điểm

Su khac nhau giua san giao dich CEX va DEX - anh 3
Sàn giao dịch CEX vẫn phổ biến ở thời điểm hiện tại. Nguồn: CoinGecko.

Dễ sử dụng: Đa phần các sàn CEX vận hành tương tự như các mô hình sàn chứng khoán truyền thống. Vậy nên, xét về một khía cạnh nào đó, nó khá quen thuộc với đại đa số người dùng.

Phổ biến: Hiện nay sàn CEX vẫn là một trong những loại sàn phổ biến và có lượng tiền nhất. Không nói đâu xa, chỉ riêng sàn giao dịch Binance trung bình một ngày đã có khoảng 64 tỷ USD giá trị giao dịch.

Nhược điểm

Dễ bị hack: Đây là nhược điểm lớn nhất của các sàn giao dịch tập trung. Hiểu một cách đơn giản, vì tất cả tài sản của NĐT đều được tập trung và lưu trữ tại sàn nên vô tình nó trở thành tâm điểm chú ý của các cuộc tấn công mạng. Trên thực tế cũng đã có không ít vụ hack xảy ra với các sàn CEX rồi. Tâm điểm là vụ hack của sàn KuCoin vào tháng 9/2020 đã gây thiệt hại khoảng 200 triệu USD. Hay trước đó bản thân sàn Binance cũng là nạn nhân và bị lấy đi số tiền 40 triệu USD.

Tính ẩn danh: Để sử dụng được sàn giao dịch CEX người dùng cần phải xác minh danh tính của họ. Bản chất việc xác minh danh tính là để ngăn chặn các hoạt động rửa tiền xuyên quốc gia. Tuy nhiên, nếu xét ở góc độ tính chất của mạng lưới Blockchain thì điều này vô tình đi ngược lại với tính ẩn danh mà nó đề ra. Vậy nên, đây có thể xem như là một nhược điểm mà chúng ta cũng nên lưu ý.

Như vậy, nếu xét về góc độ khối lượng giao dịch hàng ngày thì sàn CEX hiện đang chiếm thế thượng phong. Một phần đơn giản vì nó được ra đời đầu tiên cùng với sự ra đời của tiền mã hóa. Tuy nhiên, điểm yếu chí mạng của nó là vấn đề an toàn bảo mật. Và cũng chính nhờ điểm tới hạn này mà ý tưởng về một sàn giao dịch phi tập trung ra đời. Ở phần tiếp theo trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về loại sàn giao dịch này nhé.

Sàn giao dịch phi tập trung DEX là gì?

Sàn giao dịch phi tập trung, tiếng Anh là Decentralized Exchange, viết tắt là DEX.

Khái niệm

Trước hết, phải khẳng định DEX là một sàn giao dịch để mua bán trao đổi các loại tiền mã hóa khác nhau. Nếu như đặc tính của CEX là tính tập trung thì với DEX nó là dạng phi tập trung. Nghĩa là tài sản của người dùng thay vì do sàn nắm giữ (như sàn CEX) thì người dùng sẽ tự mình bảo quản các tài sản đó. Chỉ khi nào người dùng có nhu cầu giao dịch, họ sẽ kết nối nó với sàn và ngắt kết nối khi giao dịch hoàn tất.

Sàn DEX xuất hiện sau này với mục đích để giải quyết các hạn chế đang tồn tại trên các sàn CEX. Bằng việc người dùng tự quản lý tài sản của họ, nó giúp hạn chế rất nhiều các vụ tấn công mạng quy mô lớn. Hacker sẽ phải tấn công vào từng cá nhân riêng lẻ thay vì tập trung vào cả sàn như trước đây. Binance DEX, Uniswap, Curve là những sàn DEX mà có thể chúng ta sẽ gặp nhiều sau này. 

Su khac nhau giua san giao dich CEX va DEX - anh 4
TVL của các sàn giao dịch DEX có thời điểm đã vượt ngưỡng 27 tỷ USD. Nguồn: Defipulse.

Theo thống kê từ Defipulse, lượng tiền bị khóa (TVL) trong các sàn DEX có thời điểm đã vượt ngưỡng 27 tỷ USD (đầu tháng 5/2021). So với các sàn CEX thì con số này còn cách rất xa. Nhưng nếu xét ở khía cạnh riêng sàn DEX thì cách đây khoảng 1 năm, con số này còn chưa vượt ngưỡng 100 triệu USD. 

Cách thức hoạt động

Các sàn DEX hoạt động theo 2 cơ chế chính gồm:

Order book (sổ lệnh)

Tương tự như các sàn giao dịch tập trung CEX thông thường, một số sàn DEX cũng hoạt động theo cơ chế order book. Các sổ lệnh sẽ tạo ra một bản ghi chứa tất cả thông tin của các lệnh mua và bán đang mở cho một tài sản cụ thể nào đó. Trên các sàn DEX sử dụng cơ chế này, thông tin sổ lệnh thường được lưu trữ trên chuỗi, trong khi tài sản của người dùng vẫn nằm ngoài chuỗi trong ví của họ. Một sàn DEX nổi tiếng sử dụng cơ chế này có thể kể đến như dYdX, Tomo DEX, Binance DEX, ViteX…

AMM (các nhà tạo lập thị trường tự động)

Đây là thế hệ tiếp theo của các sàn giao dịch phi tập trung DEX. Thay vì sử dụng sổ lệnh để giao dịch, các nền tảng này thường sử dụng các giao thức bể thanh khoản (liquidity pool) để trao đổi và xác định giá trị của tài sản. Người dùng sẽ tương tác trực tiếp với bể thanh khoản để trao đổi (swap) tài sản của mình lấy tài sản mong muốn thông qua các hợp đồng thông minh. Một sàn DEX nổi tiếng sử dụng cơ chế AMM có thể kể đến như Uniswap, PancakeSwap, SushiSwap…

Ưu điểm

Tính ẩn danh: Khi sử dụng các sàn giao dịch DEX, bạn sẽ không cần xác minh danh tính. Thậm chí, bạn sẽ không cần phải tạo tài khoản để sử dụng. Việc duy nhất cần làm là tạo một địa chỉ ví và kết nối với sàn giao dịch là xong. Do đó, thông tin của bạn hoàn toàn được ẩn danh trên môi trường Blockchain. Tuy nhiên, nếu xét về góc độ ngăn chặn việc rửa tiền thì hình thức này sẽ là một bất lợi.

Tính bảo mật: Sàn giao dịch DEX không nắm giữ tài sản số của người dùng. Họ trao quyền này lại cho chính người dùng bằng cách chỉ kết nối đến ví điện tử của người dùng mỗi khi họ giao dịch. Do đó, nó sẽ hạn chế được rất nhiều việc sàn là nạn nhân của các cuộc tấn công mạng hiện nay.

Nhược điểm

Sử dụng khá phức tạp: Không giống như CEX, cơ chế trên DEX là việc sở hữu một đồng coin bất kỳ thông qua hoạt động hoán đổi (swap). Trong một số trường hợp, với những đồng coin ít phổ biến hoặc không có nhiều thanh khoản trên sàn DEX đó thì người dùng sẽ phải swap qua nhiều đồng trung gian khác nhau. Điều này vô tình khiến cho phí gas tăng cao hơn so với bình thường.

Khó kiểm soát: Mặc dù tính ẩn danh là một ưu điểm lớn của các sàn DEX tuy nhiên ở góc độ quản lý đây cũng là một trong những nhược điểm của chính nó. Quay lại vụ hack của sàn KuCoin năm 2020 làm ví dụ. Một phần lớn các đồng tiền mã hóa đã bị lấy cắp đi khỏi sàn này. May mắn là người ta có thể truy vết được nó trên mạng Blockchain để giám sát xem những đồng tiền đó đã được chuyển đến những ví nào và nhờ đội ngũ phát triển của dự án đó hỗ trợ khóa lại. Tuy nhiên, khi hacker chuyển những đồng tiền đó lên sàn DEX và thực hiện swap thì không có cách nào có thể phát hiện được cả. Vậy nên đây cũng là một trong những nhược điểm của loại hình sàn này mà bạn cũng nên lưu ý.

Trượt giá: Đối với các sàn DEX hoạt động theo cơ chế AMM, khi người dùng thực hiện một giao dịch có khối lượng quá lớn, vượt quá thanh khoản trong bể sẽ dẫn đến hiện tượng trượt giá gây thiệt hại nặng cho nhà đầu tư.

Tổng kết

Có thể nói CEX và DEX là hai loại sàn mã hóa phổ biến nhất ở thời điểm hiện tại. CEX ra đời trước DEX nhưng DEX lại là cánh cửa chính giúp người dùng tiếp cận với thế giới DeFi nói chung. Từ khi DEX xuất hiện chúng ta mới thấy có những khái niệm về Yield Farming hay Liquidity Mining,… Tuy nhiên, nếu bạn là một người dùng mới, bạn vừa mới tham gia thị trường tiền mã hóa thì việc bắt đầu với CEX sẽ phù hợp hơn bao giờ hết.

Chúng tôi hi vọng bạn nhận được nhiều giá trị thông qua bài viết này. Đừng quên chia sẻ nó nếu như bạn thấy nó thực sự hữu ích. Và hẹn gặp lại bạn trong các bài viết tiếp theo tại Coinvn nhé.