Cardano là một đồng tiền mã hóa đang thu hút sự chú ý của rất nhiều nhà đầu tư khi có tốc độ tăng trưởng lên đến hàng nghìn phần trăm trong năm 2021.Tìm hiểu tổng quan Cardano là gì qua bài viết này.
Cardano là gì?
Cardano là một dự án blockchain phi tập trung sử dụng thuật toán Proof of Stake đồng thời cũng là một đồng tiền mã hóa phân quyền dựa trên nền tảng mã nguồn mở.
Dự án Cardano được phát triển vào năm 2015 bởi CEO của IOHK là Charles Hoskinson, anh đồng thời cũng là Co-Found của Ethereum và BitShares. Theo như Hoskinson chia sẻ, Cardano là blockchain thế hệ thứ ba được tạo ra nhằm khắc phục các vấn đề mà cả Bitcoin và Ethereum đều không giải quyết được như tốc độ chậm, phí giao dịch cao… Ngoài ra, tính bền vững, khả năng mở rộng và tính minh bạch là điều mà Cardano tập trung phát triển.
ADA là token chính thức của hệ sinh thái Cardano. Một số thông tin về token ADA:
– Tên dự án: Cardano
– Ký hiệu: ADA
– Loại token: Platform, Governance
– Tổng cung: 45.000.000.000 ADA
Đội ngũ phát triển Cardano là ai?
Charles Hoskinson – CEO & Co-Founder
Hoskinson là người có tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực tiền mã hóa. Hiện ông đang là CEO của IOHK – một công ty chuyên cung cấp các giải pháp blockchain. Ông từng là thành viên sáng lập nên mạng lưới Ethereum và BitShare.
Jeremy Wood – Co-Founder
Năm 2013, Jeremy Wood là thành viên tổ chức cuộc gặp gỡ Bitcoin Kansai tại Nhật Bản. Ông đã bị thu hút bởi tiềm năng của các nền tảng blockchain. Vì vậy, đến cuối năm 2013 ông gia nhập Ethereum với vị trí trợ lý điều hành. Sau đó đến tháng 9/2014, ông thôi việc tại Ethereum và cùng Hoskinson nghiên cứu tạo ra một nền tảng blockchain mới, đó chính là Cardano.
Ngoài ra, Cardano còn được sự hậu thuẫn từ ba tổ chức lớn. Đó là:
– IOHK (Input Output Hồng Kông) là công ty chuyên cung cấp giải pháp blockchain với gồm hơn 300 nhân sự giàu kinh nghiệm về toán học, mật mã, tiền điện tử, blockchain…
– Cardano foundation là công ty phi lợi nhuận có trụ sở tại Thụy Sĩ. Cardano foundation hỗ trợ dự án Cardano về vấn đề pháp lý và thương mại với các tổ chức hoặc chính phủ. Đồng thời, công ty này còn đảm nhiệm vai trò hỗ trợ và giải đáp cộng đồng Cardano.
– Emurgo hỗ trợ các khoản đầu tư và nghiên cứu của dự án Cardano.
Ưu điểm của Cardano
Cardano ra đời nhằm khắc phục các vấn đề của mạng lưới Bitcoin và Ethereum cho người sử dụng. Vì vậy, Cardano tập trung làm nổi bật các ưu điểm sau: Khả năng mở rộng, tốc độ giao dịch…
Cardano có khả năng mở rộng không giới hạn, có thể xử lý giao dịch với số lượng lớn. Nhờ sử dụng công nghệ RINA để chia nhỏ các subnetwork nên băng thông của dự án được cải thiện đáng kể. Đồng thời, Cardano còn sử dụng subscription (chia vùng) và sidechain để giảm dung lượng data trên mỗi giao dịch.
Với cơ chế đồng thuận Proof of Stake Cardano đã cải thiện đáng kể tốc độ và phí trên mỗi giao dịch.
Cardano hoạt động như thế nào?
Cardano là blockchain gồm hai lớp riêng biệt là CSL và CCL.
CSL hay Cardano Settlement Layer là lớp đầu tiên của Cardano. Nó được thiết kế gần tương tự với blockchain, chỉ khác nhau ở thuật toán sử dụng. Cardano sử dụng thuật toán đồng thuận Proof of Stake còn Bitcoin sử dụng thuật toán Proof of Work. CSL cho phép người dùng gửi và nhận token ADA từ ví này sang ví khác một cách dễ dàng.
CCL hay Cardano Computation Layer là lớp thứ hai tạo nên sự khác biệt cho Cardano. Lớp CCL duy trì tính bảo mật của chuỗi, có khả năng tự phê duyệt nhanh chóng bằng việc sử dụng hợp đồng thông minh. Từ đó mà tốc độ xử lý giao dịch cũng như các tuỳ biến khác được cải thiện đáng kể.
Đối thủ của Cardano hiện nay
Giống với các nền tảng blockchain khác, Cardano luôn phải đối mặt và cạnh tranh khốc liệt với nhiều nền tảng khác nhau. Trong đó, một số cái tên điển hình như Ethereum, Tether, Solana, Polkadot…
Hiện tại, Cardano đang giữ vị trí thứ bảy trong bảng xếp hạng 10 loại tiền điện tử có vốn hoá lớn nhất trên thị trường. Nó đã vượt qua Terra và Polkadot. Trong diễn biến gần đây nhất, do giá trị token ADA giảm nên Cardana đã bị thụt lùi phía sau Solana, Tether và Ethereum.