Top 5 câu chuyện tiền mã hoá kỳ lạ nhất năm 2021

Với những ai tham gia thị trường tiền mã hoá, năm 2021 quả là một năm tàu lượn với những sự lên xuống đầy bất ngờ.

5402Total views
Listen to article
play!
Top 5 cau chuyen tien ma hoa ky la nhat nam 2021 - anh 1
Top 5 câu chuyện tiền mã hoá kỳ lạ nhất năm 2021

Năm 2021, vốn hoá thị trường tiền mã hoá tăng phi mã tới 286%, biến giá trị thị trường lên đến 2,17 nghìn tỉ đô. Cùng với sự bùng nổ về giá trị, thị trường cũng có rất nhiều câu chuyện kỳ lạ. Từ cái chết đáng ngờ của huyền thoại an ninh mạng, người ủng hộ mạnh mẽ tiền mã hoá đến những vụ lừa đảo qua tài khoản của người nổi tiếng trên Twitter. Hay những đợt phát hành NFT của những người nổi tiếng gây shock tại các phiên đấu giá. Đây đều là những câu chuyện điên rồ của thị trường tiền mã hoá trong một năm qua. Một năm sắp qua, hôm nay mình ngồi xuống cùng Coinvn điểm qua những câu chuyện kỳ lạ nhất năm 2021 nhé. 

Câu chuyện số 1: Cái chết của John McAfee

Ngày 23 tháng 6 năm 2021, John McAfee, nhà đầu tư tiền mã hoá, nhà sáng lập phần mềm diệt virus nổi tiếng mà ai cũng biết tên – McAfee, được tìm thấy tự sát bằng cách treo cổ trong một nhà tù ở Tây Ban Nha. Vốn dĩ Hoa Kỳ là một trong những quốc gia đánh thuế trên thu nhập của công dân nước mình bất kể nơi cư trú. Chính vì vậy, chính phủ Mỹ đã luôn tìm cách dẫn độ McAfee vì đã không nộp thuế trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến 2018 và cuối cùng ông đã bị bắt tại Tây Ban Nha. Theo cáo trạng, ông kiếm được hàng triệu USD từ việc quảng cáo nhiều vụ ICO tiền mã hoá – nhiều dự án trong số đó được đánh giá là lừa đảo và không nộp thuế cho chính phủ. 

Top 5 cau chuyen tien ma hoa ky la nhat nam 2021 - anh 2
McAfee là một trong những người tiên phong ủng hộ tiền mã hoá

Tuy nhiên điều khiến mọi người tranh cãi không ngừng xoay quanh cái chết của ông xuất phát từ một bài Tweet cách đây 2 năm. Trong bài viết ấy, McAfee chia sẻ: “Nếu thấy tôi tự sát, thì không phải tôi làm. Tôi bị sát hại.” . Bài viết này đã dẫn đến các thuyết âm mưu về cái chết của McAfee bị người ta dàn dựng. McAfee được biết đến như một trong những người tiên phong về lập trình, một trong những đã sớm thừa nhận Bitcoin. Ông nổi tiếng khi dám tuyên bố trước công chúng rằng mình “sẽ đội quần ngay trên sóng truyền hình” nếu giá Bitcoin không đạt được $500,000 vào năm 2020. Sau cái chết của ông, tháng 11/2021, công ty phát triển phần mềm của McAfee đã được các nhà đầu tư  mua lại với giá 14 tỷ USD.

Câu chuyện số 2: Thủ tướng Ấn Độ lại bị hack Twitter để lừa đảo

Top 5 cau chuyen tien ma hoa ky la nhat nam 2021 - anh 3
Dòng Twitter thông báo về việc mua 500 Bitcoin của Thủ tướng Ấn Độ

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lại bị hack Twitter một lần nữa vào tháng 12. Các scammer sử dụng Twitter của ông để thông báo về việc mua 500 Bitcoin và chuẩn bị phân phát cho tất cả người dân trong nước khi đăng ký qua đường link được cung cấp. Dòng tweet được lan truyền nhanh chóng và được xem bởi gần 73,4 triệu người theo dõi trên Twitter của Thủ tướng trước khi bị hạ xuống. Năm trước, một nhóm hacker có tên “John Wick” đã hack tài khoản Twitter của Thủ tướng và đăng tải lời kêu gọi ủng hộ tiền mã hoá. 

Có rất nhiều lời đồn đại xoay quanh việc tại sao tài khoản của Thủ tướng Ấn Độ lại luôn là mục tiêu tấn công của các hacker trên thị trường tiền mã hoá. Một trong những lý giải là sự trả thù cho vụ bê bối Bitcoin diễn ra ở bang Karnataka (Ấn Độ).  Theo các phương tiện truyền thông tại nước này, cảnh sát Karnataka và các quan chức chính phủ bị cáo buộc đã nhận 12.900 BTC tiền hối lộ từ hacker Srikrishna Ramesh, người đã bị bắt vì hack ba sàn giao dịch tiền mã hoá trước đây. Khi chính quyền Karnataka có cuộc trò chuyện với Thủ tướng Modi về vấn này, chính quyền bang đã phủ nhận những lời cáo buộc. Ấn Độ hiện đang đối mặt với một môi trường pháp lý hỗn loạn liên quan đến việc quản lý tiền mã hoá trong nước.

Câu chuyện số 3: Màn đảo ngược tình thế của quỹ DAO

Quay trở lại tháng 11, một nhóm các nhà đầu tư nhỏ đã thành lập một tổ chức tự trị phi tập trung – DAO với mục tiêu mua ấn bản đầu tiên của Hiến pháp Hoa Kỳ tại một cuộc đấu giá công khai do Sotheby‘s tổ chức. Quỹ DAO gọi vốn từ cộng đồng trong đợt đấu giá này. Quỹ đã huy động được 49 triệu đô la thông qua quyên góp Ethereum từ 17.437 người tham gia. Tuy nhiên, vào ngày đấu giá, Ken Griffin, Giám đốc điều hành của Citadel (công ty sở hữu quỹ đầu cơ đã bán khống cổ phiếu Gamestop) đã mua lại Hiến pháp trước sự bất bình của nhiều nhà đầu tư nhỏ, trong đó có nhóm đầu tư cổ phiếu. 

Quỹ DAO giải tán ngay sau đó và hoàn tiền lại cho các bên liên quan. Các nhà đầu tư nhỏ đã dũng cảm đứng lên cùng nhau để chống lại nhóm đầu tư lớn – những kẻ luôn nắm hầu hết lợi nhuận trong tay. Sự đoàn kết lần này tạo được tiếng vang lớn trong cộng đồng những người đầu tư, nhưng chiến thắng đã không thuộc về họ. 

Câu chuyện số 4: Elon, Tesla và Bitcoin

Top 5 cau chuyen tien ma hoa ky la nhat nam 2021 - anh 4
Mỗi dòng tweet từ Elon Musk về Bitcoin hay Dogecoin đều khiến thị trường dậy sóng

Có thể so sánh thị trường tiền mã hoá năm nay như tàu lượn siêu tốc với rất nhiều biến động lớn và người mà gây nên những biến động đó phải kể đến CEO Tesla – Elon Musk. Từ những sự thể hiện công khai ủng hộ meme coin – Dogecoin đến sự thiếu quyết đoán trong việc chấp nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán ở Tesla. Điều này vừa mang đến những cơ hội cho nhiều người nhưng cũng không ít lần gây sóng gió cho thị trường vốn đã rất nhạy cảm. 

Tháng 3, Musk khiến thị trường điên đảo khi người người tranh nhau mua sau thông báo Tesla chấp nhận Bitcoin để thanh toán các sản phẩm xe điện. Hai tháng sau đó khi đà tăng trưởng về giá đang tốt thì Musk đảo ngược mọi thứ khi tuyên bố lo ngại việc khai thác quá mức sẽ gây nên những vấn đề về môi trường. Nhưng vào tháng 10, Tesla lại tuyên bố sẽ xem xét lại về việc thêm Bitcoin vào phương thức thanh toán. Dù vậy, Musk vẫn là một người có sức ảnh hưởng lên quyết định đầu tư của rất nhiều người trong thị trường tiền mã hoá. Đến cuối năm, tạp chí Times bình chọn Musk là Nhân vật của năm. Lưu ý người được chọn cho vị trí này không nhất thiết phải có sự ảnh hưởng tốt mà đơn thuần là một người có sức ảnh hưởng lớn đến cộng đồng. 

Câu chuyện số 5: Bộ sưu tập NFT chưa bán của Tupac Shakur

Trong 29 năm, cựu nhà báo chuyên viết về đề tài hip hop – Lawrence “Loupy D” Dotson đã lưu giữ loạt ảnh của rapper nổi tiếng Tupac Shakur. Các bức ảnh được chụp tại bữa tiệc phát hành album đầu tay “2Pacalypse Now” của rapper vào năm 1992 và đã được công bố bán đấu giá công khai dưới dạng NFT vào tháng 11/2021. Trong một cuộc phỏng vấn với Cointelegraph, Loupy D nói: “Tôi cũng xem xét các cuộc triển lãm ảnh, bảo tàng và nhiều hình thức khác. Tuy nhiên với NFT, đó không chỉ là về bản thân nội dung mà còn là câu chuyện đằng sau đó tôi muốn truyền tải. Chính vì vậy tôi muốn đưa câu chuyện của mình đến với công chúng. “

Phiên đấu giá trên OpenSea khá được giới báo chí quan tâm trong đó phải kể đến hai tạp chí hàng đầu là RollingStone và Fortune.com. Trong suốt một tuần, không một NFT nào của Tupac được bán ra. Thất vọng tột cùng, Loupy D đã dừng đấu giá và dành cho triển lãm riêng. Tuy nhiên, công bằng mà nói, nhiếp ảnh gia đã yêu cầu quá nhiều cho lần đấu giá này. Vì mỗi mảnh NFT có giá thầu tối thiểu là 25 ETH (100.000 đô la). Cũng đầu năm nay, một nghệ sĩ khác đã yêu cầu 200 ETH (1 triệu đô la vào thời điểm đó) cho một bức ảnh của Tupac Shakur được chụp 14 ngày trước khi anh qua đời. NFT đó đã không bán được mặc dù giá giảm xuống chỉ còn 10 ETH. Liệu rằng giá trị như vậy vẫn còn quá cao hay mức độ thần tượng của mọi người dành cho Tupac đã phai nhạt đi ít nhiều? Dù câu trả lời là gì thì người thất vọng nhất chính là Loupy D.

Trên đây là 5 câu chuyện kỳ lạ trong thị trường tiền mã hoá một năm vừa qua. Năm 2022 sắp đến, chúng ta sẽ không biết liệu rằng có những câu chuyện sẽ còn điên rồ hơn nữa hay không nhưng nếu bạn đang hay chuẩn bị tham gia vào thị trường này, hãy luôn chuẩn bị cho mình những bất ngờ.

Tin tức tiền mã hóa 24/7
Thảo luận về tiền mã hóa tại đây
Xem thêm
articles