Blockchain là gì

Blockchain là gì - anh 1

Blockchain là một trong thuật ngữ đã không còn xa lạ với các nhà đầu tư trong thị trường Crypto. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về nó, cùng Coinvn tìm hiểu sơ lược về công nghệ blockchain trong bài viết này.

Blockchain là gì?

Blockchain là một công nghệ chuỗi khối, cung cấp một cơ sở dữ liệu bao gồm thông tin, thời gian diễn ra của các giao dịch… và chúng được lưu trữ trong các khối (block). Mỗi khối trong blockchain sẽ được liên kết với khối trước đó và sẽ được mở rộng theo thời gian để tạo thành một chuỗi (chain). 

Một cách đơn giản hơn, blockchain là một cuốn sổ cái điện tử được chia sẻ cho nhiều người tham gia vào mạng lưới. Các thông tin liên quan đến giao dịch sẽ được lưu trữ trong cuốn sổ cái đó một cách minh bạch và không ai có thể bị thay đổi hoặc xóa đi.

Đặc điểm nổi bật của Blockchain

Tính phi tập trung (Decentralized): Công nghệ blockchain sẽ hoạt động một cách độc lập dựa trên các thuật toán của máy tính và không bị kiểm soát bởi tổ chức hay bất kỳ đơn vị nào. Tính phi tập trung của blockchain sẽ giúp giảm thiểu được rủi ro từ các bên trung gian.

Tính phân tán (Distributed): Mặc dù, các khối lưu trữ dữ liệu giống nhau nhưng sẽ được phân tán ở nhiều nơi. Do đó, khi một nơi gặp sự cố bị hỏng thì dữ liệu sẽ không biến mất mà vẫn còn lưu trữ trên blockchain ở một nơi khác.

Không thể thay đổi: Do đặc tính của sự đồng thuận mà mã hash nên dữ liệu khi được ghi vào trong khối của blockchain thì gần như không thay đổi hoặc sửa chữa được. 

Tính bảo mật: Blockchain chỉ cho phép những người nắm giữ Private Key mới có quyền truy cập vào các dữ liệu được lưu trữ trên mạng lưới này.

Tính minh bạch: Bất cứ ai cũng có thể xem, kiểm tra và truy xuất lịch sử các giao dịch vì các thông tin đó sẽ được lưu lại trên chuỗi.

Tích hợp Smart contract: Blockchain không chịu sự kiểm soát của đơn vị trung gian nào mà các điều khoản sẽ được ghi trong một hợp đồng thông minh. Các hợp đồng này sẽ được thực thi khi các điều kiện trong đó được đáp ứng.

Ứng dụng Blockchain

Trong sản xuất 

Trong lĩnh vực sản xuất, công nghệ blockchain sẽ được ứng dụng để theo dõi quá trình tạo ra một sản phẩm đúng tiêu chuẩn về chất lượng, quản lý thông tin giao dịch, quy trình vận chuyển và phân phối sản phẩm đến người dùng… Nhờ vào công nghệ này,  năng suất của các quy trình quản lý chuỗi cung ứng sẽ được cải thiện và gia tăng đáng kể.

Về phía người tiêu dùng, công nghệ blockchain cho phép họ truy xuất lịch sử quá trình vận chuyển, kiểm tra thông tin của sản phẩm… Và giúp cho người dùng nhận biết được đâu là sản phẩm nhái, hàng giả trên thị trường.

Trong thương mại điện tử 

Trong thương mại điện tử, công nghệ blockchain sẽ giúp giải quyết vấn đề về bảo mật và chi phí. Để làm được điều đó, blockchain sẽ tận dụng các hợp đồng thông minh (smart contract), cho phép các bên ký kết dễ dàng. Qua đó, các doanh nghiệp trong ngành này sẽ tiết kiệm được chi phí, thời gian nhờ lược bỏ được nhiều khâu trung gian.

Trong y tế

Trong lĩnh vực y tế, công nghệ blockchain sẽ được ứng dụng để lưu trữ dữ liệu, đồng thời cấp quyền cho nhiều bên liên quan (bác sĩ, bệnh nhân…) có thể truy cập một thông tin, dữ liệu chung. Bên cạnh đó, họ cũng có thể cấp cho người khác quyền truy cập theo yêu cầu, giảm nguy cơ bị lạm dụng và trộm cắp.

Trong giáo dục

Trong giáo dục, công nghệ blockchain giúp lưu trữ các dữ liệu như bảng điểm, kinh nghiệm giảng dạy, thậm chí là thông tin, lịch sử đào tạo của từng cá nhân… Qua đó, công nghệ này sẽ đảm bảo loại bỏ được vấn đề gian lận khi xin cấp học học bổng, thăng chức…

Ngoài ra, với tính chất của smart contract, blockchain còn được ứng dụng để thực thi điều khoản trong quy chế đào tạo hoặc xử lý các trường hợp vi phạm…

Trong nông nghiệp 

Nhà bán lẻ, người tiêu dùng có thể tận dụng hệ thống sổ cái phân tán của blockchain để lưu trữ các thông tin giao dịch, quá trình vận chuyển, phân phối của từng sản phẩm.

Bên cạnh đó, công nghệ blockchain sẽ giúp lưu trữ, cập nhật liên tục các dữ liệu trong suốt quá trình sản xuất và bán hàng. Từ đó, giúp doanh nghiệp quản lý chất lượng, tài chính, giá cả… một cách dễ dàng hơn.

Trong ngân hàng & thanh toán

Như đã đề cập, blockchain không chịu tác động của các đơn vị trung gian, đồng thời có được tính bảo mật đáng tin cậy, cũng như được tích hợp smart contract. Chính vì thế, việc ứng dụng blockchain vào lĩnh vực này giúp hạn chế được rủi ro cơ dữ liệu khách hàng trong hệ thống của ngân hàng bị các đơn vị thứ 3 tấn công và đe dọa.

Với công nghệ blockchain, người dùng có thể dễ dàng chuyển tài sản cho nhau trên phạm vi toàn cầu và với tốc độ giao dịch nhanh chóng và chi phí thấp. 

Qua những thông tin cơ bản về công nghệ blockchain trong bài viết này, hy vọng bạn đọc đã hiểu hơn về thuật ngữ phổ biến nhất trong lĩnh vực tiền mã hoá.

Xem Thêm
Back to top