Ngân hàng Trung ương Nga đề xuất lệnh cấm khai thác và giao dịch tiền mã hóa

Hôm thứ năm vừa qua, ngân hàng Trung ương Nga yêu cầu tăng cường lệnh cấm sử dụng và khai thác tiền mã hóa trên khắp lãnh thổ Nga.

6233Total views
Listen to article
play!
Ngan hang Trung uong Nga de xuat lenh cam khai thac va giao dich tien ma hoa - anh 1
Ngân hàng Trung ương Nga đề xuất lệnh cấm khai thác và giao dịch tiền mã hóa

Nga đề xuất lệnh cấm sử dụng và khai thác tiền mã hóa

Đây là động thái mới nhất trong chuỗi công cuộc đàn áp tiền mã hóa toàn cầu của chính phủ các nước. Theo đó, các quan chức lo ngại tài sản kỹ thuật số do tư nhân vận hành có độ biến động cao sẽ làm ảnh hưởng đến quyền kiểm soát của nhà nước đối với hệ thống tài chính và tiền tệ. 

Nước Nga đã tranh cãi trong suốt nhiều năm liền về vấn đề tiền mã hóa. Chính quyền Nga cho rằng tiền mã hóa có thể được sử dụng vào mục đích xấu như tài trợ khủng bố hoặc rửa tiền. Cuối cùng vào năm 2020, Nga đã ban hành lệnh cấm thanh toán bằng tiền mã hóa tuy nhiên vẫn cho phép giao dịch đầu tư. 

Ngan hang Trung uong Nga de xuat lenh cam khai thac va giao dich tien ma hoa - anh 2

Trong một báo cáo được công bố vào hôm thứ năm, ngân hàng Trung ương Nga đã kêu gọi một lệnh cấm toàn diện đối với hoạt động khai thác và kinh doanh tiền mã hóa trong nước.

Theo đó, báo cáo có tiêu đề là “Tiền mã hóa: Xu hướng, rủi ro, biện pháp” đã so sánh tiền mã hóa với kế hoạch Ponzi (một hình thức lừa đảo thu hút các nhà đầu tư và trả lợi nhuận cho nhà đầu tư trước bằng tiền từ các nhà đầu tư sau). Các tác giả tuyên bố rằng tiền mã hóa có bản chất là dễ bay hơi và đang được sử dụng như một công cụ cho các hoạt động bất hợp pháp. Báo cáo cũng cảnh báo rằng tiền mã hóa có thể gây rủi ro cho chủ quyền tài chính và có thể hỗ trợ mọi người rút tiền ra khỏi nền kinh tế quốc gia. 

Ngân hàng Trung ương Nga đã yêu cầu một lệnh cấm hoàn toàn đối với việc giao dịch qua quầy (Over-the-counter – OTC), sàn giao dịch tiền mã hóa cũng như sàn giao dịch ngang hàng. Báo cáo cũng kêu gọi củng cố lệnh cấm thanh toán tiền mã hóa và đưa ra hình phạt nghiêm khắc đối với bất kỳ vi phạm nào.

Trong báo cáo, ngân hàng Trung ương Nga tiếp tục đề xuất lệnh cấm khai thác tiền mã hóa hoàn toàn trong nước. Ngân hàng cho rằng nếu các hoạt động khai thác tạo ra nguồn cung mới không bị cấm thì nhu cầu đối với các dịch vụ tiền mã hóa vẫn sẽ còn tăng lên. Bên cạnh đó, việc khai thác tiền mã hóa có thể làm suy yếu chương trình năng lượng xanh hiện có và làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng của Nga. 

“Khai thác tiền mã hóa tạo ra chi phí điện không sinh lợi, làm suy yếu việc cung cấp năng lượng cho các tòa nhà dân cư, cơ sở hạ tầng xã hội và các đối tượng công nghiệp. Đồng thời gây ảnh hưởng đến chương trình nghị sự về môi trường của Liên bang Nga.”

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Bloomberg, Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) chính là đơn vị đã thúc đẩy lệnh cấm, vận động thống đốc ngân hàng Trung ương Elvira Nabiullina theo đuổi đường lối cứng rắn. Bloomberg cho rằng FSB lo lắng về việc ngày càng có nhiều nguồn tài trợ không thể theo dõi được cho các đảng đối lập và phương tiện truyền thông thông qua tiền mã hóa. 

Liệu Nga có đang đi theo hướng của Trung Quốc?

Ngân hàng Trung ương Nga cho biết họ sẽ làm việc với các cơ quan quản lý ở các quốc gia nơi các sàn giao dịch tiền mã hóa được đăng ký để thu thập thông tin về hoạt động của khách hàng Nga. Đường đi nước bước này của Nga có nhiều nét tương đồng với các quốc gia cấm sử dụng tiền mã hóa khác, chẳng hạn như Trung Quốc. 

Vào tháng 9 năm 2021, Trung Quốc đã tăng cường đàn áp tiền mã hóa với lệnh cấm toàn diện đối với tất cả các giao dịch và khai thác tiền mã hóa. Luật được ban hành đánh vào đồng Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác. Đồng thời tạo nên áp lực lên các cổ phiếu liên quan đến tiền mã hóa và blockchain.

Quốc gia đông dân nhất thế giới này có lý do riêng để cấm tiền mã hóa. Trong mắt các nhà phê bình, chế độ ưu tiên giám sát tài chính như một phương tiện duy trì quyền kiểm soát đối với công dân. Trong khi đó, nền công nghệ phi tập trung nghiêng về quyền riêng tư và tự do tài chính hơn. Trung Quốc hiện đang thí điểm tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng Trung ương – một phiên bản ảo của đồng nhân dân tệ. Qua đó vừa cắt giảm được dịch vụ tài chính phổ biến của các tập đoàn tư nhân Ant Group và Tencent cung cấp vừa có thể kiểm soát được dòng tiền. 

Người đứng đầu chiến lược tài chính tại công ty tiền mã hóa Solrise Group – Joseph Edwards không đánh giá cao về nội dung bài báo cáo. Ông nhận định rằng: “Matxcơva giống như Bắc Kinh, luôn luôn căng thẳng về các lệnh cấm tiền mã hóa. Nhưng Nga chưa bao giờ là trụ cột của bất kỳ khía cạnh nào thuộc ngành công nghiệp tiền mã hóa giống như Trung Quốc. Không ai bên ngoài nước Nga vì lệnh cấm này mà mất ngủ cả.”

Nga đã trở thành trung tâm khai thác Bitcoin (BTC) lớn thứ ba sau lệnh cấm khai thác tiền mã hóa của Trung Quốc vào tháng 5. Nếu đề xuất lệnh cấm của ngân hàng Trung ương Nga được thông qua, có khả năng bản đồ khai thác tiền mã hóa toàn cầu sẽ phải sắp xếp lại một lần nữa. 

Tin tức tiền mã hóa 24/7
Thảo luận về tiền mã hóa tại đây
Xem thêm
articles