Tiền mã hóa hay hệ sinh thái tiền mã hóa đã trở thành cụm từ tìm kiếm hot trend trong năm 2021 khi được rất nhiều các nhà đầu tư trên thế giới quan tâm. Nhờ vào sự ra đời của Bitcoin năm 2009, trải qua hơn một thập kỷ, hàng loạt các sàn giao dịch mã hóa, ứng dụng tài chính phi tập trung, game NFT, công cụ phần cứng… đã được phát triển mạnh mẽ từ đó tạo nên một hệ sinh thái tiền mã hóa lớn mạnh như ngày hôm nay.
Vậy, hệ sinh thái tiền mã hóa là gì? Hãy cùng Coinvn tìm hiểu các mảnh ghép và công nghệ được sử dụng trong hệ sinh thái tiền mã hóa thông qua bài viết dưới đây.
Hệ sinh thái tiền mã hóa là gì?
Bạn có thể hiểu đơn giản, hệ sinh thái tiền mã hóa là một hệ thống các sản phẩm, nền tảng, ứng dụng được xây dựng trên một mạng lưới blockchain nhất định và các sản phẩm này có mối liên hệ tương quan hỗ trợ lẫn nhau để tạo nên giá trị và đáp ứng được hầu hết các nhu cầu của người dùng.
Cho đến nay, tùy theo mức độ phát triển mà các hệ sinh thái được chia thành ba nhóm chính:
– Tier 1: Ethereum và Binance Smart Chain – hai hệ sinh thái phổ biến được xây dựng khá hoàn chỉnh
– Tier 2: Polkadot, Solana, Avalanche – các hệ sinh thái tiềm năng nhưng chưa hoàn chỉnh
– Tier 3: Near, Cardano, Dfinity – các hệ sinh thái mới.
Các thành phần cơ bản tạo nên hệ sinh thái tiền mã hóa
Các thành phần cơ bản trong một hệ sinh thái tiền mã hóa bao gồm: sàn giao dịch tiền mã hóa, dịch vụ tài chính phi tập trung, NFT, ví lạnh, mở rộng quy mô, cơ sở hạ tầng, trình tổng hợp & phân tích chuỗi khối, truyền thông & hội nghị tiền mã hóa.
– Sàn giao dịch tiền mã hóa
Sàn giao dịch tiền mã hóa được coi là thành phần quan trọng nhất của hệ sinh thái, nó phụ trách việc trao đổi, mua bán tài sản mã hóa giữa những người tham gia. Hiện nay, có hai loại sàn giao dịch là sàn tập trung (CEX) và sàn phi tập trung (DEX). Theo số liệu thống kê mới nhất của CoinMarketCap thì Binance hiện là sàn giao dịch lớn nhất trên toàn thế với với khối lượng giao dịch hàng ngày khoảng 18,34 tỷ đô la Mỹ.
– Nền tảng tài chính phi tập trung (DeFi)
Các nền tảng tài chính phi tập trung (DeFi) là mảnh ghép được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhất là trong năm 2021. Nhờ vào việc áp dụng tự động các hợp đồng thông minh cùng sự phát triển và tạo ra các tính năng mới hữu ích cho người dùng như đi vay, cho vay, gửi tiết kiệm, giao dịch, thanh toán, giao dịch phái sinh… nên các ứng dụng tài chính phi tập trung DeFi đã có bước phát triển vượt bậc trong năm vừa qua.
– NFT
NFT (hay Non-fungible token) được hiểu là các tài sản kỹ thuật số giúp liên kết quyền sở hữu của người dùng với bất kỳ mặt hàng nào, từ các tác phẩm nghệ thuật, bất động sản, đồ ăn, video âm nhạc… hay các nhân vật, vật phẩm trong game. Hiện tại, NFT có thể giao dịch, mua bán trao đổi trên các sàn giao dịch có hỗ trợ.
– Ví lạnh
Các nhà đầu tư lớn hay các holder lâu dài thường ưu tiên lưu trữ tài sản mã hóa của mình tại các ví lạnh để đảm bảo tính an toàn do họ lo ngại về hệ thống bảo mật lỏng lẻo của các sàn giao dịch cũng như các ví nóng. Hai loại ví lạnh được sử dụng phổ biến hiện nay đó là Ledger và Trezor. Tùy thuộc vào mục đích đầu tư cũng như phong cách giao dịch mà người dùng sẽ phân chia tỷ lệ tài sản phù hợp để vừa đảm bảo an toàn vừa tối ưu được chi phí.
– Mở rộng quy mô (Scaling)
Nhu cầu mở rộng quy mô là điều tất yếu đối với hầu hết các nền tảng blockchain hiện nay. Khi các nền tảng này phát triển đến một quy mô nhất định thì chính hệ thống của nó sẽ xuất hiện các vấn đề khiến nhà đầu tư lo ngại, đó là tốc độ xử lý giao dịch chậm chạp do có hàng nghìn, hàng triệu giao dịch được xử lý cùng lúc, phí giao dịch đắt đỏ rồi vấn đề bảo mật còn non yếu… Chính vì vậy, scaling là giải pháp mở rộng quy mô mà không thay đổi cách thức hoạt động của hệ thống. Hiện nay, một số giải pháp được áp dụng đó là mở rộng quy mô lớp 1, mở rộng quy mô lớp 2, sidechains hay mở rộng chuỗi song song.
– Cơ sở hạ tầng
Thành phần chính của cơ sở hạ tầng trong các nền tảng blockchain đó chính là các node mạng. Node mạng này có nhiệm vụ rất quan trọng, đó là xác thực các giao dịch, lưu trữ các bản ghi được thực hiện trên blockchain hoặc nhận các phiếu bầu của người dùng về việc cải thiện và định hướng tương lai của nền tảng, ứng dụng cho các nhà quản trị.
– Trình tổng hợp & phân tích chuỗi khối
Để giúp người dùng có thể nắm bắt mọi hoạt động cũng như sự thay đổi giá trị trên các chuỗi blockchain, một vài trình tổng hợp uy tín đã được thành lập như CoinMarketCap và CoinGecko. Họ thu thập toàn bộ các thông tin về dữ liệu giao dịch, tính thanh khoản, vốn hóa thị trường, thông tin về token, sự biến động giá…
– Truyền thông & hội nghị tiền mã hóa
Truyền thông & hội nghị tiền mã hóa được hiểu là những tổ chức, cá nhân có tầm ảnh hưởng và thường xuyên cung cấp các thông tin chính xác, hữu ích về thị trường tiền mã hóa. Một số nguồn thông tin đáng tin cậy hiện nay trên thế giới đó là Cointelegraph, Coindesk, Bitcoinist, NewsBTC… hay tại Việt Nam là Coinvn, Coin98…
Công nghệ được sử dụng trong hệ sinh thái tiền mã hóa
Công nghệ nền tảng được sử dụng trong các hệ sinh thái tiền mã hóa là công nghệ blockchain. Blockchain là công nghệ chuỗi – khối, cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn dựa trên hệ thống mã hóa vô cùng phức tạp, tương tự như cuốn sổ cái kế toán của một công ty, nơi mà tiền được giám sát chặt chẽ và ghi nhận mọi giao dịch trên mạng ngang hàng. Để hiểu hơn về công nghệ blockchain, bạn có thể tham khảo hai cơ chế đồng thuận chính được sử dụng hiện nay là Proof-of-Work và Proof-of-Stake.
Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng các hệ sinh thái tiền mã hóa đang không ngừng phát triển và hoàn thiện các mảnh ghép cuối cùng để tối ưu hóa lợi ích và trải nghiệm cho người dùng. Đặc biệt, năm 2021 được coi là thời điểm vàng cho quá trình phát triển khi thị trường mã hóa nhận được sự quan tâm và tin tưởng của rất nhiều nhà đầu tư mới, điển hình như việc Paypal đang tạo lập kế hoạch chấp nhận giao dịch quốc tế bằng tiền mã hóa. Ngoài ra, một số quốc gia cũng đã cho phép hoặc chấp nhận tiền mã hóa là phương thức thanh toán như El Salvador và dự kiến tiếp theo là Paraguay, Venezuela, India…