Hậu drama “lùa gà” của Khoa Pug & ViruSs: Con dao hai lưỡi khi đầu tư theo người nổi tiếng
Nhất nhất tin theo thần tượng, người nổi tiếng không phải lúc nào cũng là một trường phái đầu tư thành công và hiệu quả. Hãy xem những thông tin từ thần tượng như một nguồn thông tin tham khảo cho các quyết định đầu tư của chính mình.
Tâm lý chung của các nhà đầu tư sau các drama “đầu tư cùng người nổi tiếng”
Những người như Khoa Pug hay ViruSs được xếp vào tầng lớp những người nổi tiếng hay có tầm ảnh hưởng (key opinion leader – KOL). Theo sau họ thường là một lượng lớn những người hâm mộ (fan) trên các nền tảng mạng xã hội hay ngoài đời thực. Điều đó đồng nghĩa với việc, mỗi lời họ nói ra ít nhiều sẽ có những tác động nhất định đến các fan. Có nhiều giả thuyết cho rằng ViruSs hay Khoa Pug đã dựa vào tầm ảnh hưởng của mình trong cộng đồng để quảng bá các đồng coin mà họ đang đầu tư.
Ở đây chúng ta sẽ không phán xét việc quảng bá các đồng tiền mã hóa của ViruSs hay Khoa Pug là đúng hay sai. Trong lĩnh vực tài chính nói chung, tiền mã hóa nói riêng, việc đầu tư theo thần tượng vốn không phải là điều gì đó quá mới. Điều đáng nói ở đây là bên cạnh việc những thông tin về dự án mà KOL mang lại, việc nhất nhất tuân theo những điều đấy có phải là một sự lựa chọn sáng suốt?
Sau những vụ drama của Khoa Pug hay ViruSs, có lẽ nhóm người bị thiệt hại nhiều nhất vẫn là những nhà đầu tư nhỏ lẻ, những người đã trót tin tưởng vào dự án này. Họ có thể được xếp vào một trong hai nhóm tâm lý chính sau đây.
Nhóm một, bao gồm các nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Họ yêu thích thần tượng của mình dẫn đến việc tin theo một cách mù quáng mọi điều mà thần tượng đưa ra. Họ không hoặc thiếu khả năng để phán đoán cũng như đánh giá mức độ rủi ro của những nguồn thông tin đấy.
Nhóm hai, bao gồm các nhà đầu tư đã tham gia thị trường lâu năm, họ có kiến thức về lĩnh vực này. Họ nuôi dưỡng cho mình một tâm lý vào sớm ra sớm hòng kiếm lời từ các dự án một cách chớp nhoáng. Điều này đúng và thực tế cũng đã có nhiều người kiếm được lợi nhuận kếch xù từ chính suy nghĩ này. Tuy nhiên, tâm lý tham lam đôi khi đã khiến họ trở nên liều lĩnh và tự gây thiệt hại cho chính mình.
Ranh giới khác biệt giữa người nổi tiếng và chuyên gia
Điểm chung của những người nổi tiếng hiện nay là việc họ sở hữu trong tay một lượng lớn fan hâm mộ cuồng nhiệt. Thậm chí, trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin và các thiết bị di động như hiện nay, không khó để bạn có thể sở hữu cho mình một lượng fan hùng hậu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ chuyên môn trong tất cả mọi lĩnh vực.
Nhằm tận dụng tầm ảnh hưởng của những người nổi tiếng, một số dự án đã trả tiền để họ có thể quảng bá (PR) dự án đến đông đảo cộng đồng. Hẳn bạn vẫn còn nhớ đến vụ việc hàng loạt nghệ sĩ Việt cùng PR cho đồng tiền mã hóa FXT, đã được các phương tiện thông tin đại chúng lên án trước đó. Phần lớn trong số những nghệ sĩ này đều là các nhà đầu tư không chuyên nếu như không muốn nói là chưa từng tham gia vào thị trường này.
Sự quảng bá từ người nổi tiếng có thể gây hại cho nhà đầu tư khi tạo cảm giác FOMO (nỗi sợ bị bỏ lỡ), trong khi họ chưa có đủ thời gian để nghiên cứu và đánh giá chính xác nhất về dự án họ quảng cáo. Tuy nhiên, vì lợi nhuận trước mắt họ đã dễ dãi trong việc quảng bá đến chính những fan hâm mộ của họ. Đó là lý do tại sao ngoài vấn đề lợi nhuận, những người nổi tiếng cũng cần có trách nhiệm xã hội và đạo đức khi quảng bá các đồng coin bởi chúng có thể ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh kế nhiều người trong xã hội.
Sẽ không ai có trách nhiệm với tiền của bạn trừ chính bạn
Sẽ không quá nếu như nói phần lớn nạn nhân của các vụ drama này đều đến từ nhóm một. Họ dễ dàng bị kích động nhưng đổi lại cũng dễ dàng bị tổn thương. Để giúp bạn có thể vượt qua được những vấn đề này và không tự biến mình trở thành miếng mồi ngon cho kẻ khác, một vài gợi ý dưới đây hy vọng sẽ giúp được bạn trong quá trình đầu tư. Hãy nhớ rằng, đó là tiền của bạn. Vì vậy hãy tự nghiên cứu và quyết định dựa trên khả năng chấp nhận rủi ro và hoàn cảnh của chính bán. Nếu mọi thứ trở nên tồi tệ, bạn mất tiền, những người nổi tiếng ấy sẽ không đứng ra bảo lãnh hay trả lại tiền cho bạn được đâu.
- Thứ nhất, đừng quá tin tưởng mù quáng vào thần tượng: Không phải lúc nào thông tin từ thần tượng cũng chính xác hoàn toàn. Bạn hãy xem mọi nguồn thông tin bạn nhận được như một thứ tài liệu dùng để tham khảo. Việc của bạn là học cách để phân biệt đâu là thông tin hữu ích cho việc đầu tư.
- Thứ hai, DYOR: DYOR là viết tắt của từ “do your own research”. Bạn hãy học cách phân tích và đánh giá từng dự án hiện có trên thị trường. Điều này sẽ giúp bạn xây dựng được một bộ tiêu chí để có thể đánh giá nhanh một dự án có phải là lừa đảo hay không?
- Thứ ba, hãy phân bổ khoản đầu tư cho phù hợp: Mỗi một dự án cho dù là lừa đảo thì sẽ có một chu kỳ để phát triển. Nếu bạn nắm bắt được đúng chu kỳ đó, bạn có thể dễ dàng kiếm lời từ nó. Tuy nhiên, hình thức này sẽ tương đối rủi ro. Vậy nên sẽ là hợp lý hơn khi bạn có một kế hoạch phân bổ các khoản đầu tư cho hợp lý, tránh việc “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”.
Bỏ qua mặt tiêu cực từ các vụ việc như của Khoa Pug hay ViruSs, xét về một khía cạnh khác, chúng ta nên coi đây như là những cơ hội để rút ra được những bài học trong đầu tư. Đừng để lợi nhuận hay các yếu tố cảm xúc nhất thời khiến bạn mất đi lý tính. Hãy giữ cho mình một cái đầu lạnh trong đầu tư và có trách nhiệm với tiền của chính mình. Chúng tôi hy vọng rằng bài viết này đã mang đến cho bạn cái nhìn khách quan hơn về thị trường này.