Giá Bitcoin không mấy lạc quan nhưng các nhà giao dịch vẫn cảm thấy tự tin về giá BTC trong tương lai
Dữ liệu cho thấy các nhà giao dịch vẫn cảm thấy tự tin về giá BTC vì phí mua quyền (premium) trong tương lai và các nguyên tắc cơ bản khác không có dấu hiệu quá căng thẳng.
Giá BTC sụt giảm, một số Altcoin khởi sắc
Sự cố giảm giá đột ngột của Bitcoin (BTC) vào ngày 10/01/2022 vừa qua đã khiến giá BTC mất mốc 40.000 đô la Mỹ lần đầu tiên sau 110 ngày. Chắc chắn, đây là một lời cảnh báo cho các nhà giao dịch sử dụng đòn bẩy khi chỉ trong ngày 10/1 đã có khoảng hơn 82 triệu đô la Mỹ các lệnh đánh long bị thanh lý. Ở góc nhìn rộng hơn, chỉ tính riêng trong tuần đó đã có hơn 1,9 tỷ đô la Mỹ giá trị các các hợp đồng tương lai theo lệnh long (mua) đã bị thanh lý.
Tiếp đến, chúng ta hãy cùng xét đến chỉ số “Tham lam & Sợ hãi” của Bitcoin. Đây là một chỉ báo đo lường tâm lý của các nhà giao dịch bằng cách sử dụng biến động lịch sử, động lượng thị trường, khối lượng, sự thống trị của Bitcoin (Bitcoin dominance) và các phương tiện truyền thông xã hội. Chỉ báo này đã đạt mức 10 (mức cực kỳ sợ hãi) vào ngày 10/1, đây là mức thấp nhất kể từ đợt giảm giá mạnh vào tháng 3/2020. Và theo lẽ thường, khi thị trường đang trong tâm lý sợ hãi, động thái bán ra là điều chúng ta có thể dự đoán trước.
Nhưng như thường lệ, dường như mỗi lần thị trường trong cơn hoảng loạn thì nó lại cho thấy một cơ hội mua vào và lần này cũng không phải là ngoại lệ. Tổng vốn hóa thị trường tiền điện tử tăng 13,5%, từ mức đáy 1,85 nghìn tỷ đô la Mỹ lên 2,1 nghìn tỷ đô la Mỹ, trong vòng chưa đầy ba ngày (hãy xem biểu đồ dưới đây).
Ở góc nhìn kinh tế vĩ mô, chúng ta hãy quan tâm đến doanh số bán lẻ tháng 12/2021 của Hoa Kỳ. Theo đó, chỉ số này đã giảm 1,9% so với tháng trước. Điều này làm dấy lên lo ngại về một kịch bản lạm phát tăng nhanh mặc dù nền kinh tế vẫn đang trong trạng thái yếu ớt, thiếu đà tăng trưởng.
Như Coinvn đã phân tích trong nhiều bản tin trước đây, khi kịch bản lạm phát gia tăng, sự khan hiếm của Bitcoin (BTC) là thứ giúp nó trở thành một loại tài sản lưu trữ giá trị và là một nơi trú ẩn an toàn cho dòng tiền của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, ngay cả khi điều này xảy ra, thị trường sẽ vẫn trú ẩn với bất kỳ loại tài sản nào khác (ngoài Bitcoin) có khả năng chống lại lạm phát. Do đó, làn sóng đầu tiên mà chúng ta nhắc đến ở trên vẫn có khả năng tạo ra những tác động tiêu cực cho toàn thị trường.
Ở một diễn biến khác, giá BTC đi ngang trong bảy ngày qua đã trái ngược lại với mức tăng 7% của thị trường Altcoin. Một phần của chuyển động bất thường này có thể được giải thích bởi các nền tảng ứng dụng phi tập trung Layer 1 cho thấy hiệu suất tích cực được thúc đẩy bởi các nền tảng như Fantom (FTM), Cardano (ADA), Near Protocol (NEAR) và Harmony (ONE).
Bên cạnh đó, Loopring (LRC) – một giao thức mở zkRollup dành cho các sàn giao dịch phi tập trung trên Ethereum, đã cho thấy hiệu suất tồi tệ nhất trong tuần. Khối lượng giao dịch trên DEX đạt đỉnh là 30 triệu đô la Mỹ mỗi ngày vào đầu tháng 12/2021 nhưng ở thời điểm hiện tại đã giảm xuống chỉ còn gần 6 triệu đô la Mỹ. Trong khi đó, Dfinity (ICP) và Chainlink (LINK) đang điều chỉnh sau mức tăng hơn 40% trong 10 ngày đầu năm 2022.
Chỉ số Tether premium và futures premium
Chỉ số Tether (USDT) premium là mức chênh lệch của đồng USDT so với đồng đô la Mỹ. Theo đó, chỉ số này trên OKEx đo lường sự chênh lệch giữa các giao dịch ngang hàng (P2P) diễn ra tại Trung Quốc và đồng đô la Mỹ. Nếu các số liệu ở trên mức 100%, cho thấy nhu cầu đầu tư tiền mã hóa đang trong trạng thái quá mức. Mặt khác, nếu như có một sự điều chỉnh khoảng 5%, thường sẽ cho thấy các động thái bán số lượng lớn. Chỉ số đã chạm đáy với mức giảm 3% vào ngày 31/12, tuy nhiên mức này cũng không đáng báo động. Đáng chú ý ở đây là số liệu này đã giảm 2% trong tuần qua, báo hiệu không có sự bán tháo hoảng loạn nào từ các nhà giao dịch tại Trung Quốc.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải chú ý đến việc phân tích mức phí mua quyền (premium) cho các hợp đồng tương lai Bitcoin của CME. Số liệu đó cho thấy sự khác biệt giữa hợp đồng tương lai dài hạn hơn với giá giao ngay (spot) hiện tại trên các thị trường thông thường. Bất cứ khi nào chỉ số này chuyển sang trạng thái tiêu cực, đó là một tín hiệu đáng báo động. Tình huống này cho thấy tâm lý giảm giá đang hiện hữu.
Các hợp đồng cố định hàng tháng này thường giao dịch với chênh lệch nhẹ. Nó cho thấy rằng người bán yêu cầu nhiều tiền hơn để giữ lại các khoản thanh toán lâu hơn. Do đó, hợp đồng tương lai nên giao dịch ở mức phí mua quyền từ 0,5% đến 2% trên các thị trường dạng contango (contango xảy ra khi giá giao ngay của một tài sản cơ sở thấp hơn giá đang được giao dịch tại thị trường tương lai).
Hãy lưu ý cách chỉ số chuyển sang trạng thái tiêu cực vào ngày 09/12 khi Bitcoin giao dịch dưới 49.000 đô la Mỹ. Điều này cho thấy các nhà giao dịch tổ chức thể hiện sự thiếu tự tin, mặc dù nó chưa phải là nằm trong một xu hướng giảm giá.
Nếu xem xét rằng tổng vốn hóa thị trường tiền điện tử giảm 9,5% cho đến nay, cấu trúc thị trường được tổ chức khá tốt. Chỉ số premium cho các hợp đồng tương lai Bitcoin của CME sẽ âm nếu có quá nhiều nhu cầu đối với người bán khống. Trừ khi những nguyên tắc cơ bản này thay đổi đáng kể, vẫn chưa có đủ thông tin để cho thấy giá Bitcoin được đẩy về dưới 40.000 đô la Mỹ.