Nóng: Động thái mới của Ấn Độ, Trung Quốc và Argentina trong việc quản lý tài sản tiền mã hóa
Trong khi hai sàn giao dịch tiền mã hóa hàng đầu của Ấn Độ đã vô hiệu hóa các khoản tiền gửi, thì Hiệp hội các ngân hàng tại Trung Quốc đề xuất hạn chế đối với NFT.
Sàn giao dịch tiền mã hóa lớn của Ấn Độ tạm dừng tiền gửi
Theo báo cáo của Reuters, hai sàn giao dịch tiền mã hóa hàng đầu Ấn Độ đã tiến hành vô hiệu hóa các khoản tiền gửi thông qua một hệ thống thanh toán phổ biến. Cụ thể vào hôm thứ Tư vừa qua (14/04/2022), người dùng đã không thể gửi tiền mặt qua Unified Payments Interface (UPI) để mua tiền mã hóa trên các sàn giao dịch CoinSwitch Kuber và WazirX. Được biết, UPI là hệ thống thanh toán theo thời gian thực phổ biến tại Ấn Độ và được quản lý bởi Ngân hàng Trung ương Ấn Độ.
Người dùng đã bắt đầu phàn nàn về sự thiếu rõ ràng khi các sàn giao dịch không đưa ra được lý do tại sao lại tạm dừng gửi tiền. Sau đó, CoinSwitch lên tiếng thông báo tạm dừng chấp nhận UPI do sự không chắc chắn về quy định tiền mã hóa của Chính phủ Ấn Độ. Còn sàn giao dịch WazirX cho biết cơ sở gửi tiền của họ thông qua UPI đã bị vô hiệu hóa vào tháng 12/2021.
Trong khi đó, Tập đoàn Thanh toán Quốc gia của Ấn Độ (National Payments Corporation of India – NPCI) tuần trước đã đưa ra một thông báo rằng không biết về bất kỳ sàn giao dịch tiền mã hóa nào sử dụng khuôn khổ UPI của mình.
Trước đó, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã đề xuất lệnh cấm đối với tiền mã hóa mặc dù vào tháng 02/2022, các nhà lập pháp đã thông qua mức thuế 30% đối với thu nhập từ tài sản kỹ thuật số. Hơn nữa, kể từ đầu tháng 04/2022, các công ty ở Ấn Độ cũng phải khai báo về việc nắm giữ tiền mã hóa một cách hợp pháp.
Các khoản đầu tư tiền mã hóa đã tăng mạnh trong năm qua để “hô biến” Ấn Độ trở thành thị trường tiền mã hóa trị giá hàng tỷ USD. Theo CoinGecko, ba sàn giao dịch hàng đầu của Ấn Độ đã xử lý hơn 139 triệu USD giao dịch trong 24 giờ qua.
Ba Hiệp hội lớn của Trung Quốc kiên quyết hạn chế NFT lưu hành
Hiệp hội Tài chính Internet Trung Quốc, Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc và Hiệp hội Chứng khoán Trung Quốc đã ban hành một tuyên bố chung vào thứ Tư (13/04/2022), kiên quyết hạn chế lưu hành NFT để giảm thiểu rủi ro của các hoạt động tài chính bất hợp pháp liên quan đến NFT.
Trong tuyên bố hôm thứ Tư, ba Hiệp hội trên cho biết mặc dù NFT có thể đóng góp vào nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc, nhưng họ đã cảnh báo về những rủi ro tài chính liên quan đến tài sản bị thổi phồng, rửa tiền và các hoạt động tài chính bất hợp pháp khác.
Trước đó, Trung Quốc đã cấm cung cấp, giao dịch và khai thác tiền mã hóa. Việc loại bỏ các khả năng tài chính của NFT có thể tạo khoảng cách xa hơn cho quốc gia trong xu hướng Web3 ngày càng nở rộ.
Bất chấp sự ghét bỏ đối với bản chất phi tập trung của tiền mã hóa, Trung Quốc vẫn coi blockchain là cơ sở hạ tầng quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế Internet của mình. Một quan chức từ Ủy ban Điều tiết Chứng khoán của Trung Quốc gần đây đã ca ngợi Web3 là tương lai của Internet, cho rằng có thể giải quyết các vấn đề từ thời đại Web2 như thiếu bảo vệ quyền riêng tư.
Để ngăn chặn rủi ro tài chính của NFT và tận dụng lợi thế của công nghệ cơ bản, các Hiệp hội đã ban hành một bộ hướng dẫn cho ngành. Cụ thể như sau:
- NFT không được sử dụng để phát hành các tài sản chính, bao gồm trái phiếu, bảo hiểm, chứng khoán, kim loại quý hoặc các tài sản tài chính khác.
- Không làm suy yếu các đặc điểm không đồng nhất của NFT bằng cách phân chia quyền sở hữu hoặc tạo hàng loạt và thực hiện tài trợ phát hành mã thông báo (ICO) một cách ngụy tạo.
- Không nên cung cấp giao dịch tập trung.
- NFT không được giao dịch bằng tiền mã hóa.
- Các nền tảng phải tiến hành kiểm tra danh tính và lưu trữ hồ sơ giao dịch của khách hàng để xử lý triệt để hành vi rửa tiền.
- Các tổ chức không nên trực tiếp hoặc gián tiếp cung cấp hỗ trợ tài chính cho các khoản đầu tư NFT.
Một thị trấn tại Argentina dự kiến khai thác tiền mã hóa để hiện đại hóa hệ thống đường sắt
Thị trấn Sorradino thuộc tỉnh Santa Fe của Argentina đang tìm cách khai thác tiền mã hóa để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đường sắt cũng như chống lạm phát thay vì dựa vào ngân hàng và các khoản vay của chính phủ.
Theo một hãng tin địa phương, thị trấn đã mua sáu card đồ họa và có kế hoạch mua một mạch tích hợp dành riêng cho ứng dụng (ASIC). Thị trưởng của thị trấn Sorradino – ông Juan Pio Drovetta lưu ý rằng cộng đồng ủng hộ sáng kiến này và tuyên bố không thu lợi từ đầu cơ mà là tạo ra các token mới.
“Chúng tôi không mua tiền mã hóa và cố gắng kiếm lợi nhuận thông qua đầu cơ. Những gì chúng tôi sẽ làm là tạo ra tiền mã hóa và sử dụng nó cho các hoạt động của thị trấn.”
Cũng như ở nhiều quốc gia khác, quá trình khai thác tiền mã hóa ở Argentina cũng bị phản đối nhiều do hóa đơn tiền điện cao ngất trời. Những chi phí này có thể làm gián đoạn nguồn cung cấp điện của các thị trấn xung quanh. Các quốc gia khác như Trung Quốc và Kazakhstan đã và đang tích cực phản đối các trung tâm khai thác tiền mã hóa trên đất nước của họ.
Đại dịch COVID-19 và lạm phát đã gây căng thẳng cho đất nước Argentina và chính quyền địa phương. Do đó, không dễ dàng gì để có thể tài trợ việc nâng cấp cơ sở hạ tầng đường sắt của thị trấn.
Gần đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (The International Monetary Fund -IMF) đã không khuyến khích Argentina sử dụng tiền mã hóa do thỏa thuận tái cơ cấu khoản nợ 45 tỷ USD. Anthony Pompliano nhận định: “Người dân Argentina sống trong một môi trường có lạm phát khoảng 50% hàng năm. Họ nhận ra rằng họ cần công nghệ mới, tài sản mới, một con đường khác để đến một thế giới an toàn tài chính hơn.”