Mô hình nêm trong giao dịch Price action

Mô hình nêm được biết đến là mô hình được ứng dụng rộng rãi trong quá trình giao dịch của nhà đầu tư ở nhiều thị trường khác nhau.

9996Total views
Mo hinh nem trong giao dich Price action - anh 1
Mô hình nêm trong giao dịch Price action

Mô hình nêm là gì?

Mô hình nêm là một mô hình quen thuộc đối với các nhà phân tích theo chiến lược Price action. Đây là một dạng phục hồi hoặc tích lũy của giá sau một xu hướng mạnh. Về cơ bản, mô hình nêm là một kênh giá hẹp dần với 2 đường hỗ trợ và kháng cự cùng hội tụ về một điểm bên phải. 

Mô hình sẽ kết thúc khi giá phá vỡ kháng cự hoặc hỗ trợ tạo một xu hướng mới. Có thể nói đây là mô hình giao dịch vô cùng hiệu quả trong thị trường có xu hướng. Cùng Coinvn tìm hiểu và ứng dụng mô hình này trong giao dịch ngay bài viết dưới đây. 

Phân loại các mô hình nêm

Có hai loại mô hình nêm phổ biến, đó là mô hình nêm tăng và mô hình nêm giảm.

Mo hinh nem trong giao dich Price action - anh 2

Mô hình nêm tăng 

Mô hình nêm tăng là mô hình được tạo ra khi giá liên tục có xu hướng tăng. Cụ thể, đường giá nằm trong một kênh giá hẹp dần, đường kháng cự và hỗ trợ đang có dấu hiệu hội tụ tại một điểm hướng lên trên.

Mô hình nêm tăng thường xuất hiện trong downtrend như một dạng tích lũy, sau đó giá phá hỗ trợ và tiếp tục giảm.

Mo hinh nem trong giao dich Price action - anh 3

Hoặc cũng có thể xuất hiện tại đỉnh của một xu hướng tăng và báo hiệu sự đảo chiều xu hướng giá từ tăng sang giảm.

Mo hinh nem trong giao dich Price action - anh 4

Đặc điểm của mô hình nêm tăng

Nếu nêm tăng xuất hiện trong một xu hướng giá tăng, giá đỉnh sau sẽ cao hơn đỉnh trước, giá đáy sau cũng sẽ cao hơn đáy trước. Tuy nhiên độ dốc của đường nối các đáy sẽ lớn hơn độ dốc đường nối các đỉnh. Nói cách khác, đường kháng cự có độ dốc thấp hơn đường hỗ trợ. Hiểu đơn giản thì lúc này phe mua đang yếu dần trong khi phe bán ngày càng chiếm ưu thế. Đến một thời điểm lượng bán đạt con số nhất định, giá sẽ phá vỡ vùng hỗ trợ và đi xuống, mở đầu xu hướng giảm giá mạnh.

Ngược lại, nêm tăng xuất hiện trong xu hướng giảm thể hiện thị trường đang muốn nghỉ ngơi sau một giai đoạn giá giảm mạnh trước đó. Khi đó phe mua trên thị trường khá yếu và phe bán liên tục chống lại phe mua. Có thể nói trong tình huống này, phe bán đang chuẩn bị lấy đà để tiếp tục đẩy giá xuống thấp. Một khi phe bán đã đủ mạnh thì họ sẽ tiến hành đưa giá phá vỡ vùng giá hỗ trợ và tiếp tục đưa giá giảm xuống hơn nữa.

Mô hình nêm giảm

Giống như nêm tăng, nêm giảm có thể là một mô hình đảo chiều hoặc tiếp diễn. Đây là một kênh giá hẹp dần với 2 đường kháng cự và hỗ trợ cùng hướng xuống. Sau khi tạo xong mô hình nêm giảm, giá thường sẽ phá vỡ kháng cự đi lên và tạo xu hướng uptrend.

Trong một xu hướng tăng, nếu nêm giảm xuất hiện có nghĩa là đang báo hiệu một đợt tích lũy trong ngắn hạn. Có thể giá sẽ tiếp tục tăng tiếp sau khi phá nêm.

Mo hinh nem trong giao dich Price action - anh 5

Nêm giảm cũng có thể nằm tại đáy của một xu hướng giảm, đây là tín hiệu cho thấy sự đảo chiều từ giảm giá sang tăng giá. 

Mo hinh nem trong giao dich Price action - anh 6

Đặc điểm của mô hình nêm giảm

Trường hợp nêm giảm xuất hiện khi xu hướng tăng, thể hiện sự tạm dừng của thị trường. Đây là thời điểm một bộ phận trader chốt lời nhanh chóng sau đợt tăng giá mạnh. Lúc này, phe bán sẽ xuất hiện nhưng chỉ là một lượng nhỏ, trong khi đó phe mua lại tiếp tục đẩy giá lên. Quá trình tích lũy đến một thời điểm nhất định thì giá sẽ phá vỡ đường kháng cự và đẩy giá tăng.

Trường hợp nêm giảm xuất hiện bởi xu hướng giá giảm, lúc này dự báo về một xu hướng đảo chiều có thể xảy ra. Độ dốc đường kháng cự sẽ lớn hơn độ dốc của đường hỗ trợ nhiều lần, cho thấy phe bán trên thị trường đang yếu đi. Sau đó, khi lượng mua tích lũy và có sự tăng lên đủ mạnh, giá sẽ breakout khỏi khu vực kháng cự và có hướng đảo chiều đi lên. Qua đó báo hiệu xu hướng đảo chiều và sự tăng giá.

Ứng dụng mô hình nêm trong trading

Nêm tăng 

Chúng ta có thể chia làm hai trường hợp sử dụng mô hình nêm tăng cho hai hình thái thị trường khác nhau, đó là thị trường uptrend và thị trường downtrend.

Trong thị trường uptrend

Trong thị trường uptrend, nêm tăng xuất hiện báo hiệu một sự đảo chiều về giá. Tại đây, chúng ta sẽ có thể đặt một điểm vào lệnh bán khi xuất hiện một nến đỏ phá đường hỗ trợ của nêm. Điểm chốt lời sẽ được tính từ điểm đặt lệnh đến một điểm có chiều dài bằng độ rộng lớn nhất của nêm. Điểm cắt lỗ sẽ ở trên đường kháng cự của nêm.

Ví dụ: Hình dưới đây mô tả một xu hướng tăng của BTC. Giá đang có xu hướng đi trong một nêm tăng. Đến khi xuất hiện một cây nến Marubozu xác nhận phá nêm thì giá BTC sẽ đảo chiều đi xuống.

Mo hinh nem trong giao dich Price action - anh 7

Trong thị trường downtrend

Trong thị trường downtrend, nêm tăng xuất hiện báo hiệu giá có xu hướng tạm thời tích lũy để tiếp tục một đợt giảm giá sâu hơn nữa. Trong trường hợp này, nhà giao dịch sẽ đặt một lệnh bán với điểm chốt lời và cắt lỗ tương tự trong trường hợp thị trường uptrend.

Ví dụ: Hình dưới đây mô tả một xu hướng giảm của BTC. Giá BTC đang đi trong một mô hình nêm tăng, trước khi giá phá nêm và tiếp tục giảm xuống.

Mo hinh nem trong giao dich Price action - anh 8

Nêm giảm

Tương tự như với nêm tăng, chúng ta cũng sẽ áp dụng nêm giảm trong 2 trường hợp, đó là thị trường uptrend và thị trường downtrend.

Trong thị trường uptrend

Trong thị trường uptrend, nêm giảm xuất hiện báo hiệu một sự tích lũy về giá trước khi giá có thể phá nêm và tiếp tục tăng lên. Tại đây, chúng ta có thể đặt một điểm vào lệnh mua khi xuất hiện một nến xanh phá đường kháng cự của nêm. Chúng ta sẽ đặt điểm stoploss ngay dưới đường hỗ trợ của nêm và điểm chốt lời tại 1 vị trí trên điểm vào lệnh đúng 1 đoạn bằng độ dài thân nêm.

Ví dụ: Hình dưới đây mô tả 1 xu hướng tăng của giá BTC, sau đó giá đi trong một nêm giảm. Sau khi giá phá qua đường kháng cự của nêm thì tiếp tục đi lên. 

Mo hinh nem trong giao dich Price action - anh 9

Trong thị trường downtrend

Trong thị trường downtrend, nêm tăng xuất hiện báo hiệu một sự đảo chiều về giá. Tại đây, chúng ta có thể đặt một điểm vào lệnh bán khi xuất hiện một nến xanh phá đường kháng cự của nêm. Điểm chốt lời sẽ được tính từ điểm đặt lệnh đến một điểm có chiều dài bằng độ rộng của nêm. Điểm cắt lỗ sẽ ở dưới đường hỗ trợ của nêm.

Ví dụ: Hình dưới mô tả xu hướng giảm của giá BTC. Sau đó giá dao động trong một nêm giảm, trước khi một cây nến Marubozu xuất hiện phá nêm đi lên. Tại đây giá đảo chiều từ giảm thành tăng.

Mo hinh nem trong giao dich Price action - anh 10

Kết luận

Mô hình nêm được biết đến là mô hình được ứng dụng rộng rãi trong quá trình giao dịch của nhà đầu tư ở nhiều thị trường khác nhau. Hiểu được cách vận hành của mô hình sẽ giúp nhà đầu tư thực hiện giao dịch hiệu quả hơn, đặc biệt là những nhà giao dịch theo trường phái Price action. 

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp đến bạn đọc nhiều kiến thức hữu ích. Đừng quên thường xuyên truy cập Coinvn để cập nhật thêm nhiều thông tin thị trường tiền mã hóa mới nhất!