Ponzi là gì? Dấu hiệu nhận biết của mô hình Ponzi

Ponzi Scheme được Charles Ponzi sáng tạo ra năm 1919. Mô hình này là một mô hình mang tính chất đa cấp lừa đảo. Cùng Coinvn tìm hiểu về Ponzi Scheme nhé!

16329Total views
Ponzi la gi? Dau hieu nhan biet cua mo hinh Ponzi - anh 1
Ponzi là gì? Dấu hiệu nhận biết của mô hình Ponzi

Bạn đã từng nghe đến cụm từ “Ponzi Scheme” chưa? Trong những năm vừa qua, các vụ việc liên quan đến Ponzi Scheme xảy ra khá nhiều trên thị trường đầu tư đầy béo bở này. Nếu bạn có thắc mắc rằng “Ponzi là gì?” thì bài viết này của Coinvn sẽ giải đáp cho bạn. Đồng thời, bài viết cũng sẽ nêu ra những dấu hiệu để có thể nhận biết được Ponzi Scheme. Hãy cùng Coinvn đi vào chi tiết bài viết và tìm hiểu về Ponzi nhé!

Ponzi la gi? Dau hieu nhan biet cua mo hinh Ponzi - anh 2

Ponzi là gì?

Ponzi la gi? Dau hieu nhan biet cua mo hinh Ponzi - anh 3

Ponzi (Ponzi Scheme) là một mô hình mang tính chất đa cấp lừa đảo, dùng vốn người góp lượt sau để trả cho người góp lượt trước. Đây sẽ là hình thức huy động bằng những lời mời chào với lãi suất vô cùng hấp dẫn. Hình thức này sẽ bồi đắp thêm niềm tin cho người nghe bằng những lời cam kết và hứa hẹn về lãi suất khủng, kể về những người tham gia trước đây. Nhờ những điều đó mà mô hình này đã thu hút được nhiều người cho vay cả tin mắc bẫy và những người này sẽ vay những khoản tiền lớn hơn nữa của những người khác như người thân, bạn bè, mọi người xung quanh… Nghe thì thật khó tin nhưng đã có rất nhiều người sập bẫy bởi những lời dụ dỗ “mật ngọt” đó. Thoạt nhìn thì hình thức này vẫn có thể tồn tại đối với những nhà đầu tư nghiệp dư, chỉ cần tìm được những người góp vốn mới. Tuy nhiên, trên thực tế thì việc này rất ít cơ hội để duy trì ổn định và việc phá sản xảy ra là điều tất yếu.

Nguồn gốc của tên gọi “Ponzi”

Ponzi la gi? Dau hieu nhan biet cua mo hinh Ponzi - anh 4

Tên mô hình này được đặt theo tên của “ông tổ ngành đa cấp” – Charles Ponzi. Ông là người đã tạo nên mô hình này năm 1919 khi chỉ là một kẻ vô danh từ Italia sang Mỹ thực hiện giấc mộng làm giàu với số vốn ban đầu chưa tới 3 USD. Sau đó chưa tới một năm, ông đã trở thành một triệu phú khi nắm giữ số tài sản hơn 15 triệu USD trong tay nhờ vào mô hình lừa đảo này.

Cách thức hoạt động của mô hình Ponzi

Ponzi la gi? Dau hieu nhan biet cua mo hinh Ponzi - anh 5

Cách thức hoạt động của mô hình Ponzi sẽ gồm 3 giai đoạn chính:

Giai đoạn 1

Một cá nhân, tổ chức, công ty (tạm gọi là chủ dự án) sẽ đứng ra kêu gọi đầu tư vốn bằng các gói đầu tư có mức lãi suất siêu lợi nhuận. Ví dụ như 20% cho 2000 USD, 40% cho 4000 USD… Các mức lãi suất này cao hơn so với lãi suất của ngân hàng rất nhiều lần, làm các nhà đầu tư thấy hấp dẫn, “ngon ăn” và tin vào sự cám dỗ này đến mức mất tỉnh táo để nhận ra những điều bất thường. Các lĩnh vực lý tưởng cho mô hình này sẽ là: Cổ phiếu, tiền mã hóa, trái phiếu, ngoại hối… hay bất kỳ hình thức đầu tư siêu lợi nhuận nào khác.

Giai đoạn 2

Khi không còn khả năng để trả lãi đúng như cam kết với nhà đầu tư lúc ban đầu, chủ dự án sẽ tiếp tục kêu gọi những nhà đầu tư thứ 2, 3, 4… Những lần kêu gọi sau này thì số vốn sẽ được chi trả cho nhà đầu tư trước và mức kêu gọi vốn ngày càng tăng cao.

Giai đoạn 3

Thời gian đầu chủ dự án sẽ trả lãi suất đúng hạn để giữ lòng tin của những nhà đầu tư và tái đầu tư. Đến khi không cầm cự được nữa thì chủ dự án sẽ ôm khoản tiền và “cao chạy xa bay” một cách không rõ lý do. Khi này, những những nhà đầu tư sẽ bị bỏ lại với mớ hỗn độn và rơi vào tính huống “tiền mất tật mang” khi mất trắng số tiền đầu tư và thậm chí là rơi vào tình trạng nợ nần do đã kêu gọi những nhà đầu tư dưới nữa.

Hiện nay, các vấn đề này trong pháp luật vẫn chưa được rõ ràng nên đã trở thành lỗ hổng cho các kẻ lừa đảo trục lợi. Nếu đem ra xử phạt thì những kẻ lừa đảo này chỉ phải nhận mức án vài năm tù và sau đó lại quay lại xây dựng thêm một mô hình Ponzi mới.

So sánh mô hình Ponzi và mô hình Pyramid

Sau đây là bảng so sánh giữa mô hình Ponzi và mô hình Pyramid:

PonziPyramid
Phương thức hoạt độngKêu gọi vốn bằng những lời mời chào lãi suất cao, dùng vốn đầu tư của nhà đầu tư sau trả cho nhà đầu tư trước.Kêu gọi người mua sản phẩm để trở thành nhà phân phối và tiếp tục bán cho những người muốn trở thành nhà phân phối tiếp theo.
Lệ phí tham giaKhông mất lệ phí để tham giaMua sản phẩm để được tham gia vào hệ thống phân phối
Lợi nhuậnLợi nhuận được tính bằng tỷ lệ lãi suất đã cam kết cộng thêm hoa hồng khi giới thiệu được các nhà đầu tư tiếp theo.Lợi nhuận được tính bằng hoa hồng khi bán được sản phẩm và giới thiệu được các nhà phân phối tiếp theo.
Tốc độ sụp đổTốc độ sụp đổ chậm khi nhà đầu tư tiếp tục tái đầu tư hay tìm được các nhà đầu tư mới.Tốc độ sụp đổ diễn ra nhanh chóng theo cấp số nhân những người tham gia.

Qua bảng so sánh trên thì chúng ta có thể rút ra điểm giống nhau và điểm khác biệt của 2 mô hình như sau:

Điểm giống nhau

  • Mang lớp vỏ kinh doanh nhưng thực chất là lừa đảo theo hình thức đa cấp.
  • Dùng tiền của người tham gia để duy trì và phát triển hệ thống với mục đích cuối cùng là chiếm đoạt tài sản.

Điểm khác biệt

Quy mô của mô hình hay số lợi nhuận mà kẻ lừa đảo thu được sau mỗi phi vụ phụ thuộc vào những yếu tố khác nhau. Cụ thể:

  • Ponzi phụ thuộc vào số vốn góp của nhà đầu tư.
  • Pyramid phụ thuộc vào số lượng thành viên tham gia.

7 dấu hiệu nhận biết mô hình lừa đảo Ponzi

Dưới đây là 7 dấu hiệu cơ bản để nhận biết được một mô hình lừa đảo Ponzi đang được diễn ra:

Cam kết siêu lợi nhuận

Mức lợi nhuận mà các mô hình lừa đảo Ponzi thường cam kết có thể lên tới hàng chục hoặc đôi khi là hàng trăm phần trăm chỉ trong vài tháng đến một năm. Trên thực tế, nếu là dự án trong sạch và hợp phát thì không có một chủ đầu tư nào dám cam kết mức siêu lợi nhuận đến như vậy.

Sẽ luôn có lợi nhuận bất kể thị trường có diễn biến thế nào

Kèm theo mức siêu lợi nhuận đó sẽ là lời hứa hẹn không có bất kỳ rủi ro nào xảy ra, vẫn nhận được lợi nhuận cho dù diễn biến của thị trường có thế nào. Thời gian đầu lợi nhuận sẽ luôn ổn định như cam kết. Bởi khi ấy nguồn tiền đầu tư còn nhiều và vẫn có khả năng chi trả cho lãi suất của người tham gia trước. Tuy nhiên khi số lượng nhà đầu tư giảm xuống, nguồn tiền đầu tư vào thấp và không còn khả năng chi trả lãi suất cho người tham gia thì mô hình sẽ sụp đổ. Lúc này, những nhà đầu tư sau sẽ là người chịu khoản thiệt hại lớn nhất vì hầu như mô hình đã sụp đổ khi họ chưa nhận lại được bất cứ khoản lãi nào.

Hình thức hoạt động rất phức tạp

Những kẻ lừa đảo này thường tạo nên một hình thức hoạt động phức tạp để câu dẫn lòng tin của các nhà đầu tư nghiệp dư. Thậm chí, nhiều nhà sáng lập dự án còn hoạt động dưới hình thức ẩn danh để trong trường hợp điều tra pháp luật thì những người đó sẽ dễ dàng trốn tránh.

Hoa hồng giới thiệu nhiều lớp

Những kẻ lừa đảo sẽ tận dụng những nhà đầu tư ban đầu bằng chính sách hoa hồng khi giới thiệu thêm nhiều người tham gia. Khoản hoa hồng này có thể lên tới hàng chục phần trăm. Hình thức đa cấp này rất khó có thể phân biệt được với hình thức tiếp thị liên kết. Thực chất, hình thức đa cấp này không hoàn toàn xấu nhưng lại bị những kẻ lừa đảo sử dụng để lôi kéo thêm người tham gia vào mô hình của chúng.

Hoạt động chui và không đăng ký với cơ quan chức năng

Các kẻ lừa đảo này sẽ chuẩn bị đầy đủ những giấy tờ chứng nhận hoạt động nhưng hoàn toàn là giả mạo để hòng che mắt các nhà đầu tư. Những giấy tờ làm giả này thường được lấy tên các cơ quan ở nước ngoài để các nhà đầu tư khó lòng mà tra ra được. Vậy nên, nếu không đủ tỉnh táo thì những nhà đầu tư rất dễ rơi vào những chiếc bẫy này.

Sản phẩm đầu tư rất hời hợt, qua loa

Dấu hiệu dễ thấy của Ponzi Scheme là các sản phẩm đầu tư của nó rất hời hợt, qua loa theo kiểu cho có. Điều đó dường như là đương nhiên khi mà các sản phẩm này chỉ được dùng để kêu gọi nhà đầu tư chứ không dùng để phục vụ kinh doanh đơn thuần. Dù sản phẩm có tồn tại trên thị trường thật thì sẽ có giá cao ngất ngưởng còn chất lượng thì không hề xứng tầm với tầm giá.

Nhà đầu tư rất khó rút lại tiền sau khi đã tham gia đầu tư

Khi đã tham gia mô hình này, các nhà đầu tư đã gián tiếp tham gia hoạt động lừa đảo. Đặc biệt là những người tham gia sau, khi muốn gỡ lại vốn góp thì họ bắt buộc phải kêu gọi thêm người tham gia mới. Bởi vì số tiền vốn góp của họ đã thành tiền chi trả lãi suất cho người trước.

Thị trường Crypto có mô hình Ponzi hay không?

Thị trường Crypto là một thị trường “béo bở” cho các đối tượng lừa đảo bởi có tính thanh khoản cao và chưa rõ ràng về mặt pháp lý tại một số quốc gia. Tính cho đến nay thì có khá nhiều phi vụ lừa đảo theo Ponzi Scheme đã xảy ra.

Lý do tại sao nhiều nhà đầu tư Crypto vẫn sập bẫy Ponzi

Hai vấn đề lớn nhất được các nhà đầu tư quan tâm tới khi tham gia thị trường Crypto để kiếm lợi nhuận là:

  • Tỷ suất hoàn vốn – ROI (Return of Investment): Là số lợi nhuận mà nhà đầu tư có thể thu về từ khoản đầu tư ban đầu.
  • Tỷ lệ rủi ro của khoản đầu tư: Khi tỷ lệ này quá cao sẽ khiến nhà đầu tư có thể mất đi một phần hoặc toàn bộ số tiền bỏ ra đầu tư của mình. Điều này tương đương với việc ROI sẽ là số âm.

Nếu xét về bản chất thì bất kỳ khoản đầu tư nào cũng đều có một tỷ lệ rủi ro nhất định. Với mô hình Ponzi thì tỷ lệ rủi ro này rất cao nhưng ROI lại được cam kết, hứa hẹn quá hấp dẫn nên rất nhiều nhà đầu tư đã mất tỉnh táo và rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo này.

Cách các nhà đầu tư bảo vệ bản thân trước các vụ lừa đảo Ponzi

Cách để bảo vệ bản thân trước các phi vụ lừa đảo của mô hình Ponzi mà các nhà đầu tư có thể tham khảo là:

Tìm hiểu tất cả các thông tin liên quan đến dự án

Hãy luôn đảm bảo rằng bạn đã tìm hiểu kỹ về dự án trước khi quyết định đầu tư, dù bạn có phải là người mới hay không. Nếu đội ngũ phát triển của dự án đó ẩn danh hoặc có dấu tích từng lừa đảo hay mập mờ, giữ bí mật các thông tin như: Công nghệ, lộ trình phát triển… thì đó có thể là những dấu hiệu rất lớn của một dự án theo mô hình Ponzi. Đặc biệt lưu ý là chỉ nên đầu tư vào những dự án mà bạn đã hiểu rõ.

Cẩn thận với những cơ hội từ trên trời rơi xuống

Một nguyên tắc bạn nên ghi nhớ là “High risk – High return” (Rủi ro cao – Lợi nhuận cao). Nguyên tắc này dường như luôn đúng trong lĩnh vực kinh doanh. Điều này có nghĩa là để có lợi nhuận cao sẽ luôn đi kèm với rủi ro cực kỳ cao.

Chú ý đến những số liệu thực tế

Bạn không nên đầu tư chỉ vì tin vào sự uy tín hay sức ảnh hưởng của người khác. Hãy chú ý thật kỹ tới những sổ sách công khai, các số liệu và thông tin đầu tư, whitepaper…

Tổng kết

Vậy là bài viết đã giải đáp cho bạn đọc câu hỏi “Ponzi là gì” và cách thức hoạt động của nó. Ngoài ra, Coinvn cũng đã liệt kê ra các dấu hiệu nhận biết mô hình Ponzi và cách để các nhà đầu tư tránh được mô hình Ponzi. Mong rằng bài viết đã giúp bạn trang bị thêm kiến thức bảo vệ mình tránh khỏi những phi vụ lừa đảo trên thị trường Crypto. Chúc bạn sẽ thành công trên con đường đầu tư của mình! Hẹn gặp lại bạn đọc trong những bài viết tiếp theo của Coinvn!