Sự khác biệt giữa tài chính tập trung (CeFi) và tài chính phi tập trung (DeFi)

Sự khác biệt giữa tài chính tập trung và tài chính phi tập trung là gì? Hãy cùng Coinvn khám phá ngay trong bài viết dưới đây!

13004Total views
Su khac biet giua tai chinh tap trung (CeFi) va tai chinh phi tap trung (DeFi) - anh 1
Sự khác biệt giữa tài chính tập trung (CeFi) và tài chính phi tập trung (DeFi)

Khái niệm về tài chính phi tập trung (DeFi) và tài chính tập trung (CeFi)

Tài chính tập trung (CeFi) là gì?

Tài chính tập trung (Centralized Finance – CeFi) được biết đến là loại hình tài chính hoạt động trong lĩnh vực tiền mã hóa. Tại CeFi, các thành phần của thị trường bao gồm sàn giao dịch, công cụ, người dùng và tổ chức đều được quản lý tập trung. Tất cả các sàn giao dịch, lệnh chuyển khoản, cổng thanh toán hay bảo hiểm trong CeFi đều được xử lý thông qua việc ủy thác tài sản của mình cho bên thứ 3. 

Trong tài chính tập trung, tài sản và dịch vụ được quản lý bởi bên thứ 3 nên người dùng cần phải tuân thủ các điều lệ được bên thứ 3 đưa ra. Bao gồm cả việc tin tưởng những người hoặc tổ chức đứng sau nền tảng trung gian này. 

Một số nền tảng CeFi nổi tiếng: Coinbase, TrustToken, Aspen Digital, Onramp Invest và  ZenLedger.

Tài chính phi tập trung (DeFi) là gì? 

Tài chính phi tập trung (Decentralized Finance – DeFi) là thuật ngữ chỉ các ứng dụng tài chính được phát triển trên nền tảng Blockchain thông qua các hợp đồng thông minh (Smart Contract). Các lĩnh vực bao gồm thanh toán, tín dụng, đầu tư và hợp đồng bảo hiểm đều được đưa vào hợp đồng thông minh để xử lý mà không chịu sự chi phối của cá nhân hay tổ chức tập trung quyền lực nào. 

Không giống như CeFi, ứng dụng và giao thức trong DeFi là các mã nguồn mở cho phép bất cứ ai cũng có thể tham gia. Mục đích chính của tài chính phi tập trung chính là tạo nên một hệ thống tài chính công bằng, minh bạch và không cần sự cho phép. Người dùng hoàn toàn có quyền kiểm soát tài sản kỹ thuật số của mình trong DeFi. Điều này có nghĩa là không ai được phép kiểm duyệt, di chuyển hoặc phá hủy tài sản mã hóa mà không có sự cho phép của chính chủ. 

Hiện tại, các nền tảng DeFi chủ yếu tập trung vào các chức năng cho phép người dùng cho vay, mượn tiền, xác định biến động giá bằng công cụ phái sinh, giao dịch tiền mã hóa… Một số nền tảng DeFi nổi tiếng: Aave, Compound, Yearn.finance, Uniswap, Serum, Polkadot và MakerDAO. 

Sự giống nhau giữa CeFi và DeFi

  • Cả hai thị trường tài chính DeFi và CeFi đều cho phép người dùng đi vay, cho vay, gửi tiết kiệm, thanh toán bảo hiểm, thanh toán hóa đơn, ký quỹ, giao dịch phái sinh…  
  • DeFi và CeFi đều là các nền tảng thực hiện dịch vụ chuỗi chéo và hỗ trợ cho các stablecoin
  • Người dùng có thể chuyển đổi tiền pháp định sang tiền mã hóa trên cả hai nền tảng DeFi và CeFi.
  • DeFi và CeFi cũng cho phép thực hiện giao dịch tiền mã hóa trên nền tảng của mình. 

Sự khác nhau giữa CeFi và DeFi

Như đã đề cập trong phần khái niệm ở trên, điểm khác biệt nổi bật nhất giữa tài chính tập trung và tài chính phi tập trung chính là tính ủy thác. Để thấy rõ hơn về sự khác nhau giữa DeFi và CeFi, bài viết sẽ phân tích chi tiết về các đặc điểm của mỗi thị trường. 

Đặc điểm của CeFi

Sàn giao dịch tập trung (Centralized Cryptocurrency Exchanges – CEX)

Sàn giao dịch tập trung là nơi trung gian hỗ trợ giao dịch tiền mã hóa giữa người bán và người mua. Có thể xem CEX là bên thứ 3 cung cấp các dịch vụ và kiểm soát vận hành, cho phép nhà giao dịch trao đổi, mua bán các tài sản kỹ thuật số. Một số sàn giao dịch tập trung nổi tiếng: Binance, Kraken hoặc Coinbase. 

Su khac biet giua tai chinh tap trung (CeFi) va tai chinh phi tap trung (DeFi) - anh 2

Mỗi CEX sẽ có các giấy phép hoạt động khác nhau tùy thuộc vào quốc gia, khu vực. Do đó, người dùng nếu muốn đăng ký tài khoản trên các sàn giao dịch tập trung này đều bắt buộc phải thực hiện KYC và AML để đảm bảo tuân thủ pháp luật và bảo mật thông tin an toàn. 

Tuy nhiên dù có bảo mật tốt đến đâu thì quyền kiểm soát quỹ tiền mã hóa và vận hành nền tảng vẫn nằm trong tay các sàn giao dịch. Người dùng không có quyền quyết định hoàn toàn với tài sản của mình. Do đó, nếu có cuộc tấn công bảo mật xảy ra thì khả năng cao người dùng sẽ bị mất một phần (hoặc toàn bộ) tài sản mã hóa. Điều này tùy thuộc vào quy mô của cuộc tấn công. 

Cho phép giao dịch chuỗi chéo (cross-chain)

Nền tảng CeFi có thể hỗ trợ giao dịch LTC, XRP, BTC và các đồng coin khác được phát hành trên các nền tảng blockchain độc lập. Do độ trễ và sự phức tạp của việc thực hiện hoán đổi chuỗi chéo, các nền tảng DeFi không thể hỗ trợ các token này. CeFi có thể khắc phục vấn đề này bằng cách lưu ký quỹ từ đa chuỗi. Đây được xem là một lợi thế nổi bật của tài chính tập trung. 

Sự linh hoạt khi chuyển đổi tiền pháp định trên CeFi

Việc chuyển đổi giữa tiền mã hóa sang tiền pháp định và ngược lại trên nền tảng CeFi được đánh giá là linh hoạt, nhanh chóng hơn so với DeFi. 

Đặc điểm của DeFi 

Không bị kiểm soát 

Trong tài chính tập trung, người dùng cần đăng ký tài khoản và tuân theo các quy định của KYC. Mục đích của KYC là ngăn chặn các hoạt động tội phạm như rửa tiền và tuân thủ các quy định về tiền mã hóa. Tuy vậy, thực hiện KYC đồng nghĩa với việc người dùng sẽ phải chia sẻ thông tin cá nhân của mình với bên thứ 3 để xác minh danh tính và được cấp tài khoản. 

Su khac biet giua tai chinh tap trung (CeFi) va tai chinh phi tap trung (DeFi) - anh 3

Trong khi đó tại nền tảng DeFi, người dùng có thể truy cập trực tiếp các dịch vụ bằng ví mà không cần cung cấp thông tin cá nhân nào cả. Đó là bởi DeFi được xây dựng bằng mã nguồn mở, cho phép truy cập công khai với tất cả các bên dù ở bất cứ đâu, thời gian nào mà không bị phân quyền hay gặp rào cản nào cả. 

Tính minh bạch

Trong CeFi, người dùng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ủy thác tài sản mã hóa của mình cho bên thứ 3. Họ sẽ không nắm bắt hết được sự lưu thông tài sản của mình. Ngược lại ở nền tảng DeFi, người dùng có quyền kiểm tra tài sản mã hóa trong bất cứ giao dịch gì thông qua mã transaction chuyển tiền. Không một ai có thể thao tác với tài sản của người dùng trong DeFi mà không có sự cho phép của họ. 

Đổi mới nhanh chóng

Một ưu điểm đáng kể khác của DeFi là tốc độ đổi mới nhanh chóng. Hệ sinh thái tài chính phi tập trung liên tục xây dựng và thử nghiệm các phiên bản mới. Bản chất tập trung vào xây dựng không gian đã biến DeFi trở thành một hệ sinh thái phi tập trung với đa dạng các dịch vụ tài chính đột phá. 

So sánh DeFi và CeFi 

Tiêu chí DeFi CeFi
Lưu ký quỹ Người dùng có toàn quyền đối với việc lưu ký quỹNằm ngoài quyền kiểm soát của người dùng. Lưu ký quỹ trong CeFi được vận hành bởi các tổ chức trung gian. 
Tính minh bạch Sử dụng mã nguồn mở để có thể kiểm tra giao dịch bất cứ lúc nào nên nâng cao tính minh bạch trong DeFiĐược quản lý bởi tổ chức trung gian nên không đảm bảo được sự minh bạch, rõ ràng
Sự tin tưởngTin tưởng vào công nghệ, quy trìnhTin tưởng vào con người, tổ chức
Chi phíThấpCao
Quyền truy cậpCó thể truy cập ở bất cứ nơi nào, không phân biệt người dùngHạn chế quyền truy cập của người dùng. Không thể kiểm tra mọi thông tin về tài sản mã hóa của mình. 
Yếu tố rủi roBảo mật dựa trên công nghệ đang sử dụngCác sàn giao dịch tập trung chịu trách nhiệm về bảo mật

Kết luận 

Bài viết trên đây của Coinvn vừa cung cấp đến người đọc sự khác biệt giữa DeFi và CeFi. Nhìn chung, cả hai mô hình: Tài chính phi tập trung và tài chính tập trung đều hướng đến cùng mục tiêu. Đó là làm cho giao dịch tiền mã hóa trở nên đơn giản hơn, phổ biến hơn và có nhiều khối lượng giao dịch hơn. 

Tuy nhiên mỗi nền tảng sẽ có mỗi hướng đi khác nhau để đến được đích. Câu hỏi được đặt ra là: Người dùng nên tin tưởng vào công nghệ hay tin tưởng vào con người? Bởi cả hai nền tảng này đều có ưu và nhược điểm riêng. Câu trả lời phụ thuộc vào nhu cầu đầu tư và giao dịch của người dùng. Nếu bạn quan tâm đến mức phí, sự minh bạch thì hãy chọn DeFi. Ngược lại, nếu ưu tiên của bạn là sự tin tưởng, chia sẻ rủi ro, tính linh hoạt và gia tăng lựa chọn đầu tư, CeFi là sự chọn lựa phù hợp.