Giá Bitcoin giảm mạnh có phải là dấu hiệu của một đợt downtrend?
Thị trường tiền mã hóa ngày 19/5 dưới các chỉ số onchain.
Ngày 19/5 vừa rồi, một đợt bán tháo Bitcoin trên diện rộng đã diễn ra. Giá BTC giảm 54% từ mức đỉnh cao nhất giữa tháng 4, chạm ngưỡng 30.000 USD. Hãy cùng Coinvn tìm hiểu nguyên nhân của đợt bán tháo này thông qua một số chỉ số onchain của thị trường tại thời điểm đó nhé.
Lưu ý: Công cụ để phân tích các chỉ số onchain trong bài viết này được Coinvn sử dụng là CryptoQuant và Glassnode. Độc giả quan tâm có thể tìm hiểu thêm về các công cụ này tại đây.
Áp lực bán Bitcoin đến từ các nhà đầu tư mới
Trong một thị trường vẫn còn khá non trẻ như tiền mã hóa, khi một đợt bán tháo xảy ra, tác nhân sẽ đến từ một trong hai đối tượng chính: Các nhà đầu tư (NĐT) tổ chức hoặc các NĐT cá nhân. Cả hai đều có những tác động đến giá của Bitcoin tại thời điểm đó. Các NĐT tổ chức như MicroStrategy hay Tesla thường sẽ nắm giữ một số lượng lớn Bitcoin nhưng số lượng của họ lại không nhiều. Ngược lại, các NĐT cá nhân chiếm số đông trên thị trường nhưng số lượng Bitcoin họ nắm giữ lại không nhiều.
Tuy nhiên, chỉ riêng nhóm NĐT cá nhân cũng đưa chia ra thành nhiều nhóm nhỏ khác nhau dựa trên lượng thời gian họ nắm giữ. Theo Glassnode, áp lực của đợt bán tháo lần này chủ yếu đến từ các NĐT cá nhân, những người có thời gian nắm giữ Bitcoin dưới 1 năm. Giả thuyết đặt ra cho việc bán này là họ chưa có “cơ hội” được trải qua các đợt điều chỉnh trước đó của thị trường. Do vậy, khi biến động xảy ra, họ thấy sợ hãi và vội vàng bán tháo Bitcoin của mình.
Dữ liệu onchain cho thấy Bitcoin vẫn tích cực được thu gom mạnh
Trái ngược với tâm lý bán tháo của các NĐT cá nhân kể trên, Bitcoin vẫn liên tục được thu mua trong thời điểm này. Đứng đằng sau hành động bắt đáy này bao gồm cả các NĐT tổ chức và cá nhân trên thị trường. Điều này được thể hiện qua một số chỉ số sau đây.
Thứ nhất, lượng Bitcoin được đẩy lên các sàn giao dịch ở mức cao nhất trong một năm trở lại đây. Theo CryptoQuant, chỉ tính riêng trong ngày 19/5 vừa qua có hơn 172.000 BTC được đẩy lên các sàn giao dịch trên toàn thế giới. Thông thường, với mỗi NĐT, hành động đưa Bitcoin lên sàn thường sẽ là dấu hiệu của một đợt bán tháo sắp diễn ra.
Thứ hai, lượng Bitcoin được chuyển từ các ví của sàn ra ngoài cũng ở mức cao nhất trong 1 năm trở lại đây. Tuy nhiên, điều này có thể có hai giả thuyết xảy ra. Hoặc là các sàn chuyển Bitcoin qua lại giữa các ví của họ với nhau. Hoặc là các NĐT khác thu mua Bitcoin trên sàn sau đó chuyển về các ví cá nhân của họ để lưu trữ. Xét về ngữ cảnh của đợt bán tháo này và chỉ báo về stablecoin mà chúng ta sẽ tìm hiểu ở phần sau thì giả thuyết thứ hai sẽ phù hợp hơn.
Thứ ba, chênh lệch giá Bitcoin trên sàn Binance và Coinbase lên mức 500 USD. Thông thường, Coinbase thường là nơi lui tới của các NĐT tổ chức, những người muốn thu gom Bitcoin với số lượng lớn. Ngược lại, Binance là điểm đến của các NĐT nhỏ lẻ trên phạm vi toàn cầu. Trong trận đại bán tháo ngày 19/5 vừa qua, chúng ta thấy giá BTC trên sàn Coinbase đã có thời điểm cao hơn trên Binance lên đến 500 USD. Nếu như bạn là một người biết cách để kiếm tiền từ chênh lệch tỷ giá giữa các sàn, đây sẽ là cơ hội tốt để bạn có thể kiếm được lợi nhuận từ việc này.
Thứ tư, theo thống kê từ BitInforCharts, có một địa chỉ ví đã không ngừng tích lũy Bitcoin trong những ngày qua. Sau đợt bán gần nhất của ví này vào ngày 9/5/2021 với 3.000 BTC, cá voi này đã liên tục thu gom từ thời điểm đó đến nay. Đặc biệt, chỉ từ ngày 18/5 đến 22/5 đã có hơn 6.000 BTC được thu gom bởi địa chỉ ví này. Trùng hợp đây cũng là thời điểm biến động mạnh nhất trong đợt bán tháo vừa xảy ra.
Rất nhiều đồng stablecoin được đưa lên các sàn giao dịch
Thời gian gần đây, các stablecoin lớn như USDT, USDC liên tục in thêm tiền khiến vốn hóa gia tăng. Và một phần tiền này dường như được đẩy và lưu trữ trên các sàn giao dịch. Dẫn đến việc lượng stablecoin được đưa lên các sàn giao dịch hiện đang ở mức cao từ trước đến nay.
Giả thuyết được đặt ra là có thể NĐT đang tích lũy thêm tiền để đón chờ một đợt giảm giá nữa của thị trường để có thể mua vào. Quay lại thời điểm ngày 19/5, khi giá BTC xuống mức 30.000 USD, ngay lập tức có một lực đẩy đẩy giá về ngược sát mức 40.000 USD tại thời điểm đó. Như vậy, dường như luôn có một “thế lực vô hình” nào đó sẵn sàng trực chờ để mua vào Bitcoin với giá rẻ khi thị trường gặp sóng.
Lời kết
Thông qua các chỉ số onchain kể trên, có vẻ như thị trường đã và đang diễn ra một đợt kéo đẩy có chủ đích. Không giống với các đợt downtrend trước đây, các NĐT ồ ạt bán khiến giá tụt thê thảm, mất hơn 80% giá trị. Ngược lại, với lần này, giá được kéo xuống mức thấp nhưng vẫn luôn có người thu mua ngay sau đó.
Như vậy, có thể suy đoán rằng đợt bán tháo trên diện rộng vừa rồi là kết quả của một đợt pump có chủ đích của một nhóm cá mập nào đó trên thị trường. Họ muốn thu mua số lượng lớn BTC với với giá rẻ. Hi vọng rằng một vài chỉ số này sẽ mang đến cho độc giả những góc nhìn mới liên quan đến sự kiện bán tháo lần này của thị trường. Đừng quên chia sẻ nó nếu như bạn thấy nó thực sự hữu ích. Và hẹn gặp lại bạn trong các bài viết tiếp theo tại Coinvn nhé.