FED đang gấp rút ngừng bơm tiền, chứng khoán và tiền mã hóa chìm trong sắc đỏ
Bitcoin (BTC) sụt giảm về mức 42.000 đô la Mỹ sau những động thái mới nhất về việc FED sẽ có những động thái tiếp theo để tác động đến thị trường.
Tổng quan thị trường tài chính
Các loại tiền điện tử lớn đã lao dốc vào thứ năm vừa qua. Theo dữ liệu cập nhật từ CoinGecko, giá Bitcoin (BTC) đã bốc hơi 5,2% xuống mức thấp nhất là 42.413 đô la Mỹ (cặp BTC/USD trên sàn Bitstamp). Ethereum (ETH) cũng đã giảm 7,5% trong 24 giờ qua, gần đây đang giao dịch ở mức khoảng 3.387 đô la Mỹ.
Hầu hết các loại tiền mã hóa vốn hóa lớn khác đều cũng chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng vào hôm qua. Solana (SOL) được giao dịch thấp hơn 9,3% so với 24 giờ trước, hiện ở mức khoảng 147 đô la Mỹ. Terra (LUNA) cũng đã giảm 8,6% xuống còn khoảng 77,04 đô la Mỹ. Polygon (MATIC) cũng mất 9,5% ở mức khoảng 2,24 đô la Mỹ. Một số meme coin như Dogecoin (DOGE) mất 7,2%, giao dịch ở mức khoảng 0,159 đô la Mỹ. Shiba Inu (SHIB) đã giao dịch thấp hơn 8% ở mức khoảng 0,00003 đô la Mỹ.
Điều đáng chú ý là đợt giảm giá lần này không chỉ xảy ra đối với thị trường tiền mã hóa mà sắc đỏ cũng bao trùm lên cả các thị trường tài chính truyền thống. Chứng khoán Mỹ giảm mạnh vào thứ Năm với chỉ số Dow Jones (DJIA) giảm 392,54 điểm, tương đương 1,1%, kết thúc ở mức 36.407,11, mức giảm hàng ngày lớn nhất kể từ ngày 20/12/2021. Chỉ số S&P 500 (SPX), giảm 92,96 điểm, tương đương 1,9%, kết thúc ở mức 4.700,58, mức giảm phần trăm hàng ngày cao nhất kể từ ngày 26/11. Chỉ số Nasdaq Composite (COMP), mất 3,34%, đóng cửa ở mức 15.100,17, mức giảm phần trăm hàng ngày mạnh nhất kể từ ngày 25/2/2021.
Bitcoin từ trước đến nay vẫn được tin tưởng như một hàng rào chống lại lạm phát, tuy nhiên, có thể thấy lần này Bitcoin cũng đã biến động theo chiều hướng song song với cổ phiếu và các tài sản rủi ro khác.
Tác nhân nào gây ảnh hưởng đến thị trường?
Dựa vào các nguồn tin tức hiện tại, chúng ta có thể suy đoán đợt giảm giá lần này dưới sự tác động của hai sự kiện chính sau đây.
Một là nghi ngờ về sự xuất hiện của một biến thể mới của Covid-19 tại Pháp. Các biến thể liên quan đến Covid-19 đã và đang kéo tụt nền kinh tế, khiến cuộc sống của người dân trở nên khó khăn hơn. Điều đó dẫn đến việc thắt chặt chi tiêu và dòng tiền có xu hướng rời khỏi các loại tài sản rủi ro cao.
Hai là những động thái mới nhất đến từ Cục dự trữ liên bang (FED) và đây được xem như là ngòi nổ chính của đợt giảm giá mạnh lần này. Theo đó, có hai điểm trong cuộc họp này mà chúng ta cần phải chú ý. Nó phần nào phản ánh những suy nghĩ của các nhà lập pháp và giúp các nhà đầu tư có thể dự phóng về các hành động họ sẽ áp dụng trong tương lai.
Thứ nhất là FED có thể sẽ đẩy nhanh việc ngừng bơm tiền ra thị trường sớm hơn dự kiến. Theo đó, khi đại dịch xảy ra, FED đã lên kế hoạch giảm lãi suất về 0 và hàng tháng “bơm” 120 tỷ đô la Mỹ vào thị trường. Tỷ lệ lạm phát tại Mỹ đạt mức cao nhất trong khoảng 30 năm trở lại đây. Điều này khiến cho FED phải có những động thái để kiểm soát tỷ lệ lạm phát bằng việc giảm dần việc bơm tiền vào thị trường và nâng lãi suất. Theo như những gì được ghi lại từ cuộc họp gần đây, FED có thể sẽ có động thái dừng lại việc này sớm hơn so với dự kiến.
Thứ hai là FED cũng đang cân nhắc đến việc giảm tỷ lệ tài sản được lưu trữ trên bảng cân đối kế toán (balance sheet). Theo dữ liệu từ FED, hiện tại cơ quan này đang nắm giữ khoảng 8,8 nghìn tỷ đô la Mỹ tài sản. Nếu điều này được thông qua, có thể trong thời gian tới FED sẽ không gia hạn thêm đối với những tài sản đến thời gian đáo hạn. Điều đó có nghĩa là sẽ không có thêm tiền được đẩy vào thị trường như cách mà họ vẫn làm trong những năm qua.
Với những động thái này của FED, dường như cơ quan này đang khá lo lắng về diễn biến của thị trường trong thời gian tới. Có vẻ như mọi thứ đã đi quá xa sau một quãng thời gian được FED nới lỏng. Điều này khiến các nhà đầu tư lo lắng về những động thái mạnh tay hơn mà FED sẽ áp dụng trong thời gian tới. Trong những quãng thời gian đầy biến động như này, có lẽ việc lưu trữ tiền pháp định là một trong những phương pháp an toàn nhất thay vì tiền mã hóa hay chứng khoán…