FED là gì? Đây là những gì bạn cần phải biết về Cục Dự trữ Liên bang Mỹ

Khi tìm hiểu về thị trường tiền mã hoá, bạn chắc chắn sẽ nghe rất nhiều về FED (hay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ), về các quyết định của tổ chức FED.

8484Total views
FED la gi? Day la nhung gi ban can phai biet ve Cuc Du tru Lien bang My - anh 1
FED là gì? Đây là những gì bạn cần phải biết về Cục Dự trữ Liên bang Mỹ

Vậy FED là gì, ra đời như thế nào, cơ cấu tổ chức ra sao cũng như tầm ảnh hưởng của các quyết định đến từ FED ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới như thế nào? Mời bạn tìm hiểu cùng Coinvn ngay sau đây nhé.

FED là gì?

FED (Federal Reserve System) hay còn gọi là Cục dự trữ Liên bang, là Ngân hàng Trung ương Mỹ, được thành lập từ ngày 23/12/1913. FED được ký bởi Tổng thống Woodrow Wilson theo đạo luật mang tên “Federal Reserve Act” nhằm duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt, ổn định và an toàn cho nước Mỹ. 

FED hoàn toàn độc lập và không bị phụ thuộc hay tác động bởi chính phủ Hoa Kỳ. Đây là tổ chức duy nhất trên thế giới được phép in tiền USD (đô la Mỹ). Chính vì vậy FED là cơ quan có vai trò quan trọng trong việc hoạch định cũng như điều chỉnh chính sách tiền tệ. Việc FED thay đổi về lãi suất, lượng cung tiền sẽ tác động trực tiếp đến thị trường và nhà đầu tư.

Chủ tịch FED hiện nay là ông Jerome Powell, được Tổng thống Donald Trump đề cử vào vị trí người đứng đầu Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ vào tháng 11/2017.

FED la gi? Day la nhung gi ban can phai biet ve Cuc Du tru Lien bang My - anh 2
Ông Jerome Powell – Chủ tịch FED

Lịch sử ra đời của FED

Năm 1791, ông Alexander Hamilton – Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Mỹ – đã trình lên Quốc hội về việc thành lập một ngân hàng trung ương có tên First Bank of United States (BUS1) nhằm mục đích giải quyết các vấn đề về tiền tệ của Hoa Kỳ. Tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ là ông Washington đã ký thông qua đề xuất này và cho phép hoạt động trong vòng 20 năm (1791 – 1812).

Năm 1812, khi BUS1 vừa hết thời gian hoạt động cũng là thời điểm cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Anh nổ ra. Cuộc chiến này khiến cho Mỹ gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, các ngân hàng ở Hoa Kỳ gần như mất khả năng thanh toán do tình trạng nợ kéo dài, đầu tư cho các hoạt động quân sự của Mỹ.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Madison đặt bút ký vào một quyết định thông qua thành lập một ngân hàng trung ương Second Bank of United States (BUS2) để tái thiết lập nền kinh tế, chính sách tiền tệ tại Hoa Kỳ. Hiệu lực này cũng có thời hạn là 20 năm (1816 – 1836).

Sau BUS2, giai đoạn 1862 đến năm 1913 xảy ra hàng loạt các biến động trong lĩnh vực ngân hàng ở Hoa Kỳ . Đặc biệt là giai đoạn 1907 chứng kiến cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng. Lúc này, Quốc hội Hoa Kỳ đã quyết định thành lập “Ủy ban tiền tệ quốc gia” với nhiệm vụ xây dựng kế hoạch cải cách hệ thống ngân hàng, đáp ứng nhu cầu điều phối thị trường.

Nelson Aldrich – người đứng đầu đảng Cộng hòa ở quốc hội đồng thời là chuyên gia tài chính, được chỉ định là Chủ tịch Ủy ban tiền tệ quốc gia. Ông đã tiến hành hàng loạt cuộc khảo sát và tìm hiểu các mô hình tiên tiến của ngân hàng trung ương Anh và Đức. Sau đó, ông đề xuất phải thành lập một Cục dự trữ liên bang mới có thể giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Tuy nhiên, đề xuất của ông đã bị phản đối trước Quốc hội vào năm 1911 vì đa số ghế trong quốc hội là thành viên của đảng Dân chủ.

Năm 1913, Tổng thống Woodrow Wilson đã làm đủ mọi cách để tác động và thông qua đạo luật của Aldrich để thành lập Cục dự trữ Liên bang. Cuối cùng đạo luật dự trữ liên bang cũng được thông qua cuối năm 1913 và FED chính thức đi vào hoạt động vào năm 1915.

Vai trò và nhiệm vụ của FED

Hoa Kỳ đã trải qua giai đoạn không có FED tồn tại và đã chứng chiến khá nhiều cú sốc kinh tế ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của nước này. Do đó, việc thành lập FED là cần thiết. Ban đầu, Quốc hội Hoa Kỳ chỉ xác định 3 mục tiêu cơ bản của FED là tăng cơ hội việc làm, bình ổn giá và điều chỉnh lãi suất.

Tuy nhiên, kể từ năm 2009 thì vai trò, nhiệm vụ của FED được mở rộng hơn và được thể hiện rõ ràng qua 4 ý chính sau:

  • Thực thi các chính sách tiền tệ nhằm mục đích ổn định việc làm, bình ổn giá cả thị trường. Đồng thời tác động điều chỉnh lãi suất trong dài hạn.
  • Tiến hành giám sát các tổ chức tín dụng, ngân hàng hoạt động nhằm đảm bảo hệ thống tài chính được an toàn và đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, người đi vay.
  • Phát hiện, ngăn chặn và đưa ra phương án giải quyết các rủi ro có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến thị trường tài chính của Hoa Kỳ.
  • Cung cấp các dịch vụ tài chính phục vụ cho các tổ chức tài chính của chính phủ Hoa Kỳ, các tổ chức tài chính ở nước ngoài. Đồng thời, nắm vai trò chủ chốt trong việc vận hành hệ thống thanh toán chi trả của quốc gia.

Bản chất của FED

Cơ quan này hoàn toàn độc lập, không phụ thuộc và không bị tác động bởi chính phủ Mỹ. Khi phải đảm nhận nhiều vai trò quan trọng, sự độc lập sẽ giúp FED có thể đưa ra chính sách phù hợp với thực tế, đảm bảo sự ổn định cho nền tài chính liên bang và giúp kinh tế của cả đất nước phát triển theo hướng đúng đắn.

Kho dự trữ của FED còn là nơi tập trung lượng tiền và vàng nhiều nhất quốc tế. Ngân hàng Thành phố New York thuộc Cục dự trữ Liên bang Mỹ hiện đang dự trữ 25% lượng vàng trên quốc tế và hầu hết là vàng của quốc tế gửi.

FED la gi? Day la nhung gi ban can phai biet ve Cuc Du tru Lien bang My - anh 3
Bản chất của FED

Độc lập về chính sách

FED được toàn quyền đưa ra các quyết định chính sách tiền tệ mà không cần phải thông qua quyết định của bất kỳ ai trong cơ quan hành pháp và lập pháp chính phủ.

FED được toàn quyền sử dụng các công cụ để điều chỉnh lãi suất cho vay, tiền gửi. Tỷ giá tiền tệ của đồng USD, đồng thời đưa ra mức dự trữ bắt buộc để phục vụ cho nhiệm vụ tối đa của FED là bình ổn giá. Tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế

Độc lập tài chính

FED không nhận được nguồn tài trợ phân bổ từ Quốc hội.

FED có nguồn ngân sách vận hành riêng thông qua việc quản lý tài sản. 

Mặc dù không được tài trợ từ chính phủ nhưng toàn bộ lợi nhuận hoạt động của FED lại chuyển ngược lại cho chính phủ. FED được coi là cỗ máy in tiền khi mạng lại nguồn lợi nhuận mỗi năm lên đến hàng chục tỷ USD.

Độc lập về tổ chức nhân sự

Khác với nhiệm kỳ 4 năm của Tổng thống Mỹ, các thành viên trong hội đồng có nhiệm kỳ lên đến 14 năm. Điều này đồng nghĩa rằng FED hoạt động liên tục và trải qua nhiều nhiệm kỳ tổng thống khác nhau.

Tuy nhiên, tổng thống không có quyền can thiệp vào các quyết định của FED nhưng tổng thống lại có quyền phế truất chủ tịch của FED, mặc dù khả năng này là không cao.

Trong bối cảnh lịch sử, tổng thống Mỹ ông Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích FED là “đứa trẻ ngang bướng” vì không chịu hạ lãi suất đồng USD như ông mong muốn.

Cơ cấu tổ chức của FED

FED la gi? Day la nhung gi ban can phai biet ve Cuc Du tru Lien bang My - anh 4
Cơ cấu tổ chức của FED

1. Hội đồng Thống đốc (Federal Reserve Board)

  • Gồm 7 thành viên, được phê chuẩn bởi Tổng thống và Quốc hội.
  • Mỗi nhiệm kỳ có 14 năm, trải qua nhiều đời tổng thống và làm việc cho đến mãn nhiệm kỳ. Trừ khi bị phế truất bởi Tổng thống.
  • Hội đồng thống đốc không được làm quá 2 nhiệm kỳ.
  • Đây là cơ quan hoạt động độc lập với chính phủ liên bang, chịu trách nhiệm xây dựng và cụ thể hoá chính sách tiền tệ.
  • Đưa ra quy định và giám sát hoạt động của 12 ngân hàng dự trữ liên bang và cả hệ thống tài chính của Hoa Kỳ.

2. Ủy ban thị trường mở liên bang (Federal Open Market Committee – FOMC)

  • Gồm 7 thành viên nằm trong Hội đồng thống đốc và 5 chủ tịch của ngân hàng dự trữ liên bang.
  • Cơ quan này đóng vai trò làm nhiệm vụ thực thi các chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ. 
  • FOMC thực hiện 8 cuộc họp mỗi năm để ấn định các mức lãi suất trong nguồn cung tiền tệ. 
  • Phần lớn các quyết định của FOMC ảnh hưởng đến các khoản tín dụng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

3. Các ngân hàng dự trữ liên bang (Federal Reserve Banks)

FED la gi? Day la nhung gi ban can phai biet ve Cuc Du tru Lien bang My - anh 5
Danh sách 12 ngân hàng dự trữ liên bang
  • Bao gồm 12 ngân hàng dự trữ liên bang nằm rải rác trên khắp nước Mỹ như Boston, New York, Philadelphia, Cleveland, Richmond, Atlanta, Chicago, St. Louis, Minneapolis, Kansas City, Dallas và San Francisco.
  • Các ngân hàng dự trữ liên bang không phải là công cụ của Chính phủ liên bang. Là những ngân hàng tư nhân hoạt động độc lập ở địa phương.
  • Rất nhiều ngân hàng trong danh sách trên còn phát hành cổ phiếu trên thị trường.
  • Giấy bạc do FED phát hành là nguồn cung tiền tệ và được đưa vào thị trường để lưu thông thông qua các ngân hàng dự trữ liên bang ở khu vực.

Các nguyên nhân FED tăng lãi suất

Hiện nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang đẩy mạnh việc tăng lãi suất để kiềm soát lạm phát. Điều này cảnh báo nguy cơ suy thoái nền kinh tế ngày càng gia tăng. Khi FED tăng lãi suất có thể làm đình trệ các hoạt động kinh tế của quốc gia. Tuy nhiên, hiện tại nền kinh tế Mỹ vẫn có một bệ đỡ khá vững vàng để suy thoái nếu xảy ra thì cũng sẽ ở mức độ nhẹ và trong một thời gian ngắn.

Lãi suất FED - Nguồn: Federal Funds Effective Rate (FEDFUNDS) | FRED | St. Louis Fed (stlouisfed.org)

Lãi suất FED – Nguồn: Federal Funds Effective Rate (FEDFUNDS) | FRED | St. Louis Fed (stlouisfed.org)

Nhìn chung, trong thời gian qua, FED đã tăng lãi suất rất nhiều lần trong thời gian qua để kiềm hãm tính trạng lạm phát. Điều này tác động rất lớn đối với phần lớn tài sản như bất động sản, cổ phiếu, nguyên liệu, hàng hóa, và đặc biệt là crypto.

Để hiểu sâu hơn, thì các nguyên nhân chính khiến FED tăng lãi suất thường là:

  • Một khi FED nhận thấy nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng quá nhanh thì FED sẽ có những quyết định tăng lãi suất. Đây là bước đi chuẩn bị để khi thị trường giảm nhiệt và dấu hiệu đi xuống sẽ quyết định hạ lãi suất để kích cầu kinh tế.
  • Mức lãi suất hiện tại vẫn còn quá thấp nếu trừ đi tốc độ lạm phát. Nếu như ở Mỹ lãi suất công bố là 2,5%/năm, tốc độ lạm phát là 1,5%/năm thì lãi suất thực tế chỉ ở mức 1%/năm. Một con số khá khiêm tốn khiến cho FED quyết định tăng lãi suất.
  • Việc tăng lãi suất sẽ làm giảm đi việc người tiêu dùng vay tiền để tiêu xài vào những tiêu sản. Điều này sẽ hạn chế tạo nên bong bóng nợ trên thị trường tài chính. Điều hướng người tiêu dùng vay tiền để đầu tư vào các tài sản khác để tạo ra sự vận động của dòng tiền.

Tác động của việc tăng lãi suất

Bởi vì không thể phủ định vai trò quyết định nền kinh tế thế giới phần lớn nằm ở đồng USD, vậy nên đồng USD từ lâu đã được xem là tiền pháp định có mật độ sử dụng rộng rãi lớn nhất trên thế giới. Các hoạt động giao thương xuất nhập khẩu đều có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến đồng USD.

Do đó, khi FED có quyết định tăng lãi suất hoặc giảm lãi suất thì đồng USD sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên vì việc FED tăng lãi suất khiến tỷ giá USD so với các đồng nội tệ đều tăng tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu. Tuy nhiên điều này lại gây khó khăn cho nhập khẩu và tạo áp lực lạm phát nhập khẩu cho các nước nhập siêu gia tăng lên, và ngược lại.

Lãi suất tăng khiến cho thị trường tài chính biến động, trong đó có tình trạng dịch chuyển vốn đầu tư gián tiếp. Theo đó, một số nhà đầu tư sẽ tìm trú ẩn những kênh an toàn hơn. Họ có xu hướng chuyển một phần danh mục đầu tư của mình quay về Mỹ và khu vực khác, những nơi mà lãi suất tăng và rủi ro có thể chấp nhận được. Điều này có nghĩa là phần lớn các nhà đầu tư sẽ ưu tiên chuyển tài sản của về tiền pháp định và cụ thể hơn là USD để nắm giữ. Do đó, độ khan hiếm USD sẽ tăng và giá USD đồng thời tăng thêm.

Đặc biệt, anh em trader trên thị trường Forex và crypto rất hay giao dịch đồng USD hoặc các token stablecoin như USDC, USDT có cùng tỉ giá với USD. Việc trader phải quan tâm đến các quyết định của FED là điều cần thiết để tránh việc bị cháy tài khoản khi giao dịch.

Chính sách tiền tệ của FED trong tương lai

Rất khó để dự đoán được chính sách tiền tệ của FED trong những năm tới vì việc FED quyết định nâng lãi suất hay không đều phụ thuộc và các phản ứng của nền kinh tế của những đợt tăng lãi suất trước. Như vậy, các trader hoặc các nhà đầu tư chỉ có thể bị động chờ các quyết định của FED sau mỗi kỳ họp để xác định được phương thức hành động tiếp theo.

Coinvn tổng hợp