Giao dịch tiền mã hóa hiệu quả với mô hình giá hình chữ nhật

Mô hình giá hình chữ nhật là một mô hình được đông đảo các trader sử dụng như một chiến lược giao dịch tiền mã hóa hiệu quả.

10805Total views
Giao dich tien ma hoa hieu qua voi mo hinh gia hinh chu nhat - anh 1
Giao dịch tiền mã hóa hiệu quả với mô hình giá hình chữ nhật

Mô hình giá hình chữ nhật là gì?

Mô hình giá hình chữ nhật là một mô hình được hình thành khi giá tiền mã hóa bị giới hạn bởi hai đường hỗ trợ và kháng cự song song. Mô hình này thường thể hiện cho một khoảng thời gian mà bên mua và bên bán đang cố gắng áp đảo đối phương nhưng chưa bên nào thực sự chiếm được ưu thế. Giá sẽ “kiểm tra” các mức hỗ trợ, kháng cự nhiều lần trước khi bứt phá theo một hướng nhất định.

Nếu như mô hình tam giác thường xuất hiện trong giai đoạn thị trường điều chỉnh, bên mua và bên bán đều đang giảm giao dịch để tích lũy lực lượng thì ở mô hình giá hình chữ nhật cả hai phe đều ở thế chủ động tấn công lẫn nhau. Khi một bên tăng mạnh bán ra ép giá xuống, bên kia lại tích cực mua vào, chạm mức kháng cự thì tình thế lại đảo chiều, lên xuống liên tục mấy lần tạo ra một hình chữ nhật với hai đường xu hướng song song, giá bị tích lũy trong vùng này càng lâu thì khi một trong hai bên mua/bán chiến thắng sẽ đẩy giá càng xa bấy nhiêu.

Giao dich tien ma hoa hieu qua voi mo hinh gia hinh chu nhat - anh 2

Đặc điểm của mô hình giá hình chữ nhật

Mô hình giá hình chữ nhật được tạo bởi ba đường đó là:

  • Đường kháng cự nối các đỉnh với nhau
  • Đường hỗ trợ nối các đáy với nhau
  • Đường giá dao động giữa đường hỗ trợ và kháng cự.

Giá phải chạm vào đường kháng cự và hỗ trợ ít nhất 4 lần (2 lần chạm đường kháng cự, 2 lần chạm đường hỗ trợ) thì mô hình mới có hiệu lực.

Mô hình chữ nhật chỉ được hoàn thiện khi giá phá vỡ đường hỗ trợ hoặc kháng cự. Tuy nhiên cần lưu ý rằng có nhiều trường hợp, khi giá đã thoát ra khỏi hình chữ nhật, nó sẽ quay lại retest đường hỗ trợ hoặc đường kháng cự rồi mới tiếp tục xu hướng trước đó một cách mạnh mẽ. 

Phân loại các mô hình giá hình chữ nhật

Mô hình giá hình chữ nhật tăng

Trong một xu hướng tăng, giá đột nhiên gặp phải một mức kháng cự mạnh, sau đó nó bắt đầu phản ứng và liên tục điều chỉnh nằm giữa các mức kháng cự, hỗ trợ song song tạo thành một mô hình giá hình chữ nhật. Cuối cùng giá phá vỡ được kháng cự để tiếp tục xu hướng tăng trước đó.

Giao dich tien ma hoa hieu qua voi mo hinh gia hinh chu nhat - anh 3

Phương pháp giao dịch tiền mã hóa với mô hình chữ nhật tăng

Với mô hình giá hình chữ nhật tăng, nhà đầu tư có thể tiến hành giao dịch theo một trong hai phương pháp: Vào lệnh ngay khi giá phá qua hình chữ nhật hoặc đợi giá quay lại retest trước khi vào lệnh.

Vào lệnh ngay khi giá phá qua hình chữ nhật

Ngay sau khi một thanh nến có giá đóng cửa phá vỡ cạnh phía trên của hình chữ nhật (mức kháng cự), các trader có thể đặt một lệnh mua. Sau đó, đặt điểm chốt lời (take profit) cách điểm vào lệnh một khoảng đúng bằng chiều rộng của hình chữ nhật còn điểm cắt lỗ (stop loss) nên đặt ngay phía dưới đường hỗ trợ của mô hình. 

Bạn có thể quan sát các điểm vào lệnh, chốt lời và cắt lỗ theo hình minh họa dưới đây:

Chart  Description automatically generated

Đầu tiên, nhà đầu tư cần vẽ 2 đường xu hướng: Đường kháng cự và đường hỗ trợ. Đường kháng cự nằm trên đi qua các đỉnh cao nhất của đường giá còn đường hỗ trợ nằm dưới sẽ nối các đáy thấp nhất. Trong hình các cạnh của mô hình chữ nhật được ký hiệu theo số thứ tự 1, 2, 3 bằng màu đen.

  • Điểm vào lệnh: Số 1 được đánh dấu bằng màu xanh dương là điểm vào lệnh. Ngay khi giá vừa phá vỡ đường kháng cự, đặt một lệnh Buy tại điểm breakout, cũng là giá đóng cửa của cây nến phá vỡ kháng cự.
  • Điểm cắt lỗ: Số 2 màu đỏ chính là vị trí có thể đặt điểm cắt lỗ, nằm ngay bên dưới đường hỗ trợ (cạnh dưới của hình chữ nhật).
  • Điểm chốt lời: Số 3 màu xanh lá là điểm chốt lời, khoảng cách từ số 1 đến số 3 bằng đúng chiều rộng của hình chữ nhật.

Đợi giá quay lại retest trước khi vào lệnh

Có nhiều trường hợp khi giá coin/token đã thành công phá vỡ được hình chữ nhật tăng nhưng không đi lên ngay lập tức mà quay lại để retest đường kháng cự nó vừa phá qua một lần nữa.

Như vậy thay vì vào lệnh ngay khi giá vừa phá mức kháng cự theo cách đầu tiên thì một số nhà giao dịch cẩn thận có thể đợi giá retest lại mới đặt lệnh mua. Lúc này, đường kháng cự đã chuyển thành đường hỗ trợ của xu hướng tăng tiếp theo.

Chart, bar chart  Description automatically generated

Tương tự như cách vào lệnh ngay khi giá phá qua hình chữ nhật thì điểm chốt lời (số 1 màu xanh lá) áp dụng cho cách thứ hai này cũng ở trên điểm vào lệnh một đoạn đúng bằng độ rộng của hình chữ nhật và điểm cắt lỗ (số 1 màu đỏ) được đặt ở ngay bên dưới cạnh trên của hình chữ nhật (mức kháng cự cũ hiện đã chuyển thành hỗ trợ). 

Mô hình giá hình chữ nhật giảm dần

Hình chữ nhật giảm giá là một mô hình tiếp tục xảy ra khi giá có dấu hiệu tạm nghỉ trong một xu hướng giảm mạnh. Tại thời điểm này giá liên tục dao động giữa hai đường kháng cự và hỗ trợ song song tạo thành một hình chữ nhật trước khi xu hướng giảm giá tiếp tục.

Giao dich tien ma hoa hieu qua voi mo hinh gia hinh chu nhat - anh 4

Phương pháp giao dịch tiền mã hóa với mô hình giá hình chữ nhật giảm

Nhà đầu tư cũng có thể lựa chọn hai thời điểm vào lệnh khác nhau sau khi xác định được mô hình giá đang đi theo hình chữ nhật giảm.

Vào lệnh ngay khi giá phá qua hình chữ nhật

Ngay sau khi một thanh nến có giá đóng cửa phá qua cạnh dưới của hình chữ nhật (đường hỗ trợ), nhà đầu tư có thể thực hiện một lệnh bán.

Điểm chốt lời cũng được xác định bằng cách đo chiều rộng của hình chữ nhật và đặt mục tiêu lợi nhuận bằng đúng khoảng cách đó bên dưới đường hỗ trợ (cạnh dưới của hình chữ nhật). Ngoài ra, để quản trị rủi ro nhà đầu tư nên đặt điểm cắt lỗ ngay phía trên của đường kháng cự.

Chart  Description automatically generated

Đợi giá retest lại vùng hỗ trợ

Tuy không phải là thường xuyên nhưng cũng từng có những trường hợp sau khi giá phá qua cạnh dưới của hình chữ nhật, nó sẽ không đi xuống luôn mà quay trở lại retest đường hỗ trợ trước khi tiếp tục đi xuống. 

Ví dụ như trong đồ thị giá phía dưới: Giá sau khi phá cạnh dưới (đường hỗ trợ) của hình chữ nhật đã quay lại retest đường hỗ trợ này trước khi giá tiếp tục đi xuống. 

A picture containing text, antenna  Description automatically generated

Như vậy, nếu gặp phải trường hợp trên nhà giao dịch có thể chờ giá chạm đường hỗ trợ một lần nữa mới đặt lệnh bán. Cách đặt điểm chốt lời cũng tương tự như các phương pháp đã giới thiệu ở các phần trước, đó là đặt ngay phía dưới điểm vào lệnh một đoạn đúng bằng chiều rộng của hình chữ nhật. Điểm cắt lỗ sẽ được đặt ở trên đường hỗ trợ (cạnh dưới của hình chữ nhật).

Tổng kết

Mô hình giá hình chữ nhật có thể coi là mô hình giá đơn giản, dễ hiểu nhất trong các mô hình mà nhà đầu tư có thể nhận biết và áp dụng theo phương pháp Price Action. Tuy đơn giản nhưng nếu biết áp dụng đúng cách thì mô hình này sẽ đem về lợi nhuận không nhỏ cho nhà giao dịch. Bạn hãy thực hành mô hình này nhiều lần và rút ra cho bản thân những kinh nghiệm quý báu trong quá trình đầu tư.