Nội dung
Price Action là gì và ứng dụng của Price Action trong giao dịch tiền mã hóa
Price Action là một phương pháp phân tích được đa số các trader sử dụng để dự đoán xu hướng giá tiền mã hóa thông qua theo dõi hành vi giá trong quá khứ.
Price Action là phương pháp giao dịch bằng cách nhìn vào hành vi giá (cách mà giá thay đổi), hành động mua bán trên thị trường tác động đến giá tiền mã hóa như thế nào từ đó phân tích sự chuyển động của giá theo thời gian (áp dụng cho tất cả loại nến).
Nguyên lý cơ bản của phương pháp Price Action chính là: Mọi hành động giá đều chịu tác động từ những người mua và người bán trên thị trường. Nếu phe mua đang kiểm soát thị trường, tức là số lượng cũng như khối lượng người mua chiếm ưu thế so với phe bán thì sẽ làm cho giá có xu hướng tăng. Ngược lại, nếu phe bán đang kiểm soát thị trường, tức số lượng cũng như khối lượng người bán chiếm ưu thế so với phe mua, lúc này giá sẽ có xu hướng giảm.
Price Action đã xuất hiện từ rất lâu nên bất kỳ ai cũng có thể tìm thấy vô số tài liệu liên quan đến phương pháp này. Nó là một trong những phương pháp giao dịch được đa số các trader sử dụng nhờ tính đơn giản, dễ học nhưng lại cực kỳ hiệu quả.
Nếu như các phương pháp dựa vào chỉ báo kỹ thuật luôn có độ trễ nhất định so với biến động thị trường thì với Price Action, mọi người chỉ cần nhìn vào biểu đồ (chart) để đưa ra những dự đoán về xu hướng tương lai của giá mà không cần quan tâm đến bất kỳ công cụ nào khác. Do đó các nhà đầu tư có thể đưa ra phán đoán nhanh chóng và kịp thời giúp họ hiếm khi bỏ lỡ những cơ hội đầu tư tốt.
Việc chỉ cần nhìn vào biểu đồ, quan sát hành vi giá để dự đoán xu hướng tiếp theo của thị trường qua dữ liệu quá khứ nghe có vẻ đơn giản, dễ học thế nhưng mỗi nhà đầu tư lại có cách xác định kháng cự, hỗ trợ khác nhau. Vì thế giao dịch theo biểu đồ giá mang tính chất chủ quan nhiều hơn và phụ thuộc vào khả năng phân tích nhận định thị trường của mỗi người.
Ngoài ra, Price Action cũng giống như tất cả các phương pháp phân tích kỹ thuật khác, nhà đầu tư không nên quá chủ quan và bỏ qua những cảnh báo của thị trường. Việc giao dịch theo hành vi giá mặc dù cho tín hiệu sớm hơn các chỉ báo kỹ thuật nhưng mặt khác cũng rất rủi ro khi thị trường biến động bất thường ngoài kế hoạch giao dịch. Các nhà thao túng thị trường hoàn toàn có thể tạo dựng các mô hình giá để đánh lừa những trader chưa có nhiều kinh nghiệm.
Price Action chưa thực sự hoàn hảo, xác suất rủi ro là vấn đề không tránh khỏi. Hành động của giá trong quá khứ không đảm bảo cho biến động giá trong tương lai.
Đồ thị nến là loại công cụ rất cơ bản và cũng có thể nói nó là công cụ phản ánh trung thực nhất trong các indicator (chỉ báo). Để hiểu rõ hơn về nến thì nhà đầu tư cần phải quan sát nến từ quá khứ tới hiện tại để đoán ra phần nào tương lai của cây nến tiếp theo.
Bên cạnh đó, việc xem xét lại lịch sử giá giao dịch trong quá khứ cũng giúp nhà đầu tư có thể xác định được đâu là vùng chiến sự ác liệt giữa 2 phe Buy – Sell để từ đó lựa chọn khung thời gian giao dịch phù hợp.
Nhà đầu tư quan tâm đến mô hình nến, có thể tham khảo thêm bài viết Toàn tập về các loại nến trong biểu đồ hình nến trên Coinvn để có thêm kiến thức bổ ích hỗ trợ quá trình dự đoán xu hướng giá được chính xác hơn.
Nến nhấn chìm là mô hình nến mà nến sau bao phủ toàn bộ nến trước. Đây là một tín hiệu giá đảo chiều rất hiệu quả trong quá trình phân tích hành vi giá. Các nhà giao dịch theo trường phái Price Action rất ưa thích sử dụng mô hình nến này.
Có hai mẫu hình nến nhấn chìm đó là: Bullish Engulfing (mẫu nến nhấn chìm tăng giá) và Bearish Engulfing (mẫu nến nhấn chìm giảm giá).
Mô hình Bullish Engulfing gồm hai cây nến. Cây nến thứ nhất là một nến giảm (nến đỏ) với phần thân khá ngắn còn cây nến thứ hai là một cây nến tăng (nến xanh) với phần thân rất dài và bao trùm toàn bộ cây nến thứ nhất. Khi xuất hiện mô hình Bullish Engulfing cho thấy lực mua tăng mạnh lấn át quá trình bán của nhà đầu tư trước đó, đây là một động lực cho thấy giá tiền mã hóa có thể đảo chiều tăng trở lại.
Tương tự, đối với mô hình nến Bearish Engulfing, nến thứ hai là nến đỏ bao phủ toàn bộ nến xanh thứ nhất. Điều này có thể là dấu hiệu cho một sự đảo chiều về giá từ tăng thành giảm giống như ví dụ trong hình minh họa dưới đây:
Pin bar cũng là một mẫu nến được sử dụng rất nhiều trong việc giao dịch theo phương pháp Price Action. Giống như mô hình nến nhấn chìm, nến Pin bar báo hiệu cho nhà giao dịch biết rằng xu hướng giá tiền mã hóa sắp đảo chiều. Pin bar cũng có hai mẫu hình chính đó là: Bearish Pin bar và Bullish Pin bar.
Pin bar đảo chiều tăng (Bullish Pin bar) có thân bên trên ngắn, râu nến kéo dài xuống dưới. Khi giá đang ở xu hướng giảm nếu xuất hiện mô hình nến này thì có khả năng giá sẽ đảo chiều tăng trở lại, nhà đầu tư có thể cân nhắc chọn điểm vào lệnh Buy.
Ngược lại với Bullish Pin bar, nến đảo chiều giảm (Bearish Pin bar) có râu nến kéo dài lên phía trên và thân nến ngắn. Đây là tín hiệu chứng tỏ lực mua đã giảm và có một lực bán rất mạnh đẩy giá xuống. Mẫu nến này có thể là một dấu hiệu cho thấy thị trường đảo chiều từ tăng thành giảm.
Hình ảnh dưới đây mô tả rõ hai nhận định trên.
Sau khi nhà đầu tư đã nhìn thấy dấu hiệu dự báo xu hướng sắp tới của thị trường thì vấn đề cần giải quyết tiếp theo đó là phân tích điểm vào lệnh hợp lý bằng cách tìm ra những đường kháng cự và hỗ trợ quan trọng. Việc phân tích các hành động giá ở những đường kháng cự, hỗ trợ còn được gọi là key-level.
Bạn có thể đọc bài viết Kháng cự hỗ trợ là gì và cách áp dụng nó vào giao dịch nếu cần tham khảo thêm các cách áp dụng của đường kháng cự, hỗ trợ.
Ví dụ trong hình minh họa sẽ mô tả sự kết hợp giữa đồ thị nến và các đường kháng cự, hỗ trợ theo phương pháp Price Action: Đồ thị giá đang ở trong một xu hướng giảm, khi giá chạm đường hỗ trợ thì một cây nến Pin bar đảo chiều tăng xuất hiện, ngay sau đó là một nến Marubozu xác nhận sự đảo chiều tăng giá, đây chính là một tín hiệu Buy mạnh mẽ, rõ ràng cho các nhà đầu tư vào lệnh.
Trong thị trường tài chính, các trader thường hay nói rằng: “Xu hướng là bạn, cho đến khi nó không còn nữa”. Vì thế, những nhà đầu tư theo trường phái trendline thường chọn cho mình những điểm vào lệnh thuận xu hướng.
Phương pháp Price Action cũng có thể được sử dụng kết hợp với các đường trendline (đường xu hướng). Nhà giao dịch có thể theo dõi phản ứng của giá tại những điểm giá tiếp xúc với đường xu hướng để đưa ra quyết định mua hay bán.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về đường trendline tại bài viết: Ứng dụng của trendline trong giao dịch tiền mã hóa.
Hình dưới thể hiện một đồ thị giá của Bitcoin, quan sát ba điểm mà giá BTC chạm đường trendline, có thể thấy tại hai lần chạm đầu tiên xuất hiện mô hình nến nhấn chìm tăng, nhà giao dịch đã có hai cơ hội kiếm lợi nhuận nếu vào lệnh Buy thuận xu hướng trong trường hợp này. Đến lần chạm thứ ba, mô hình nến nhấn chìm giảm xuất hiện báo hiệu một sự đảo chiều giảm giá sắp xảy ra và đúng như vậy giá đã phá đường trendline, bắt đầu một xu hướng giảm giá.
Price Action là một phương pháp giao dịch khá dễ học, dễ sử dụng. Nhà đầu tư giao dịch theo phương pháp này sẽ không cần học các chỉ báo rắc rối, phức tạp mà vẫn có thể kiếm được lợi nhuận chỉ bằng biểu đồ nến và những đường kẻ đơn giản. Tuy nhiên để thực sự thành thạo Price Action đòi hỏi nhà giao dịch cần tìm hiểu kỹ lưỡng về các mô hình nến cũng như việc xác định chính xác các vùng kháng cự, hỗ trợ, đường xu hướng.
Hy vọng những chia sẻ về phương pháp giao dịch Price Action của đội ngũ Coinvn mang lại cho bạn những thông tin hữu ích trong quá trình đầu tư tiền mã hóa.