Những chỉ số cơ bản trong phân tích On-chain mà nhà đầu tư cần biết (phần 1)

Chỉ với những chỉ số cơ bản trong phân tích On-chain dưới đây, nhà đầu tư hoàn toàn có thể tự phân tích tâm lý chung của thị trường, dự đoán xu hướng giá.

18259Total views
Nhung chi so co ban trong phan tich On-chain ma nha dau tu can biet (phan 1) - anh 1
Những chỉ số cơ bản trong phân tích On-chain mà nhà đầu tư cần biết

Những chỉ số cơ bản trong phân tích On-chain

Phân tích thị trường tiền mã hóa có vẻ dễ dàng hơn các thị trường truyền thống ở công đoạn tìm kiếm số liệu vì công nghệ blockchain có tính minh bạch cao, cho phép ai cũng có thể tra cứu được thông tin chính xác và khách quan. Từ đó nhà đầu tư có thể theo dõi các hành vi thị trường, đưa ra dự đoán xu hướng giá chính xác hơn, giảm rủi ro trong quá trình đầu tư.

Dữ liệu On-chain là những dữ liệu nằm trên mạng lưới blockchain như: Thời gian, phí gas, địa chỉ ví người dùng, số lượng chuyển đến/chuyển đi…

Trong phần một, Coinvn sẽ giới thiệu bốn chỉ số cơ bản trong phân tích On-chain. Các chỉ số này khá đơn giản và dễ áp dụng trong mọi tình huống phân tích. Đó là: Exchange Flow (dòng tiền), Exchange Reserve, Exchange Addresses Count (số lượng địa chỉ ví), Exchange Transactions Count (số lượng giao dịch). 

Các chỉ số về dòng tiền (Exchange Flow)

Có ba chỉ số quan trọng trong bộ chỉ số liên quan đến dòng tiền, đó là:

  • Exchange Inflow: Lượng tiền mã hóa được gửi lên các sàn giao dịch hay dòng tiền vào thị trường
  • Exchange Outflow: Lượng tiền mã hóa bị rút ra từ các sàn giao dịch hay dòng tiền ra khỏi thị trường
  • Exchange Netflow: Được tính bằng sự chênh lệch của lượng tiền được nạp vào và rút ra khỏi sàn.

Ý nghĩa của chỉ số Exchange Inflow

Exchange Inflow là dòng tiền mã hóa mà các nhà đầu tư chuyển từ ví cá nhân của họ sang các ví Spot (giao ngay) trên sàn giao dịch. Chỉ số này thể hiện các nhà đầu tư muốn bán token/coin mà họ đang nắm giữ (hold), thực hiện các giao dịch phái sinh hay đơn thuần chỉ là để sử dụng các dịch vụ của sàn. 

Thông thường, các nhà đầu tư sẽ quan tâm đến lượng Bitcoin (BTC) được giao dịch vì BTC hiện vẫn là đồng tiền mã hóa nắm giữ số lượng vốn hoá thị trường lớn nhất và ảnh hưởng đến các Altcoin còn lại. 

Trong trường hợp có một lượng BTC được chuyển vào ví Spot, rất có thể các nhà đầu tư đang muốn bán chúng. Thay vì lưu trữ BTC trong ví lạnh, việc chuyển vào ví giao ngay cho thấy họ có mong muốn biến coin thành fiat (tiền mặt) hoặc stablecoin. Hành động này khả năng cao sẽ gây ra một sự giảm giá, một trong những dấu hiệu dự báo giá BTC sẽ đi xuống.

Một trường hợp khác, khi có nhiều dòng tiền chảy vào ví thị trường phái sinh thì đây lại là một dấu hiệu cho thấy số lượng các giao dịch trên thị trường phái sinh sẽ tăng cao, giá BTC có thể tăng lên vì BTC trên thị trường phái sinh được sử dụng để mở cả vị thế mua/bán. 

Tuy nhiên, lúc này nhiều người nảy sinh mong muốn chốt lời hoặc tái cân bằng để giảm rủi ro cho danh mục đầu tư của họ. Trong trường hợp này rất khó để xác định giá sẽ đi theo chiều hướng nào. 

Bên cạnh đó, cũng có trường hợp nhà đầu tư chuyển thêm tiền vào ví Spot chỉ để sử dụng các dịch vụ của sàn giao dịch như: Staking, nhận airdrop hoặc để đáp ứng các yêu cầu của các sự kiện ưu đãi khác. Hành động này của các nhà đầu tư mang tính trung lập vì không có một dấu hiệu rõ ràng nào để có thể suy luận về cả giá cả hay độ biến động. 

Nhung chi so co ban trong phan tich On-chain ma nha dau tu can biet (phan 1) - anh 2
Exchange Inflow – Nguồn: Cryptoquant

Ý nghĩa của chỉ số Exchange Outflow

Exchange Outflow cho biết số lượng tiền mã hóa đang bị rút ra khỏi các ví giao ngay. Chỉ số này thể hiện các nhà đầu tư muốn tích trữ tiền mã hóa trong các ví cá nhân hoặc rút ra khỏi các thị trường phái sinh. 

Cũng tương tự như Exchange Inflow, đa số nhà đầu tư sẽ xem xét chỉ số này dựa trên sự biến động của đồng BTC. Nếu có một lượng BTC bị rút ra từ sàn giao dịch Spot, có thể các nhà đầu tư đang chuyển tiền của họ ra khỏi sàn giao dịch để giữ tiền được bảo mật hoặc hold lâu dài. Đây là một dấu hiệu tăng giá của BTC.

Ngoài ra, cũng có thể việc rút tiền mã hóa về các ví lạnh chỉ đơn thuần là vì nhà đầu tư muốn chốt lời hoặc tái cân bằng nhằm giảm rủi ro cho danh mục đầu tư của họ. Lúc này, lượng giao dịch phát sinh trên thị trường phái sinh sẽ giảm đi rõ rệt dẫn đến nhu cầu sử dụng BTC để đóng/mở vị thế cũng giảm xuống, giá BTC có dấu hiệu đi xuống.

Nhung chi so co ban trong phan tich On-chain ma nha dau tu can biet (phan 1) - anh 3
Exchange outflow – Nguồn: Cryptoquant

Ý nghĩa của chỉ số Exchange Netflow

Công thức tính Exchange Netflow:

Exchange Netflow = Exchange Inflow – Exchange Outflow

Dựa vào công thức trên, có thể thấy rằng nếu Exchange Netflow dương chứng tỏ lượng BTC chuyển vào các ví Spot lớn hơn so với lượng BTC ra khỏi các ví. Điều này có thể là một dấu hiệu không tích cực cho giá BTC. 

Ngược lại khi giá trị Exchange Netflow bị âm chứng tỏ lượng outflow lớn hơn lượng BTC inflow, đây là một tín hiệu mang lại sự yên tâm nhất định cho holder BTC.

Chỉ số Exchange Reserve 

Exchange Reserve dùng để chỉ tổng lượng BTC đang lưu hành trong các ví Spot, dựa vào chỉ số này nhà đầu tư có thể dự báo lượng BTC tiềm năng có khả năng sẽ bán ra thị trường. 

Tương tự như cách lý giải của chỉ số Exchange NetFlow, nếu chỉ số Exchange Reserve của BTC trên các sàn giao dịch tăng cho thấy áp lực bán đang có xu hướng tăng và ngược lại nếu chỉ số này giảm cho thấy nhu cầu mua sẽ tăng. Các nhà đầu tư có thể dựa vào chỉ số này để dự báo xu hướng chung của thị trường trong tương lai gần.

Cụ thể là khi chỉ số Exchange Reserve cao có nghĩa là đang có một lượng lớn Bitcoin trên sàn giao dịch, lượng bán ra nhiều gây ra áp lực bán mạnh và giá có dấu hiệu giảm. 

Ngược lại, khi chỉ số Exchange Reserve giảm đi, lượng Bitcoin trong ví của các holder sẽ tăng, các nhà đầu tư có xu hướng tích trữ Bitcoin, độ khan hiếm của BTC tăng lên làm cho giá tăng vì áp lực mua cao.

Nhung chi so co ban trong phan tich On-chain ma nha dau tu can biet (phan 1) - anh 4
Figure Exchange Reserve – Nguồn: Cryptoquant

Chỉ số Exchange Addresses Count

Exchange Addresses Count dùng để chỉ số lượng địa chỉ ví (unique addresses) thực hiện các giao dịch inflow/outflow trên các sàn giao dịch.

Số lượng các địa chỉ ví tăng lên là dấu hiệu cho thấy mức độ chú ý của nhà đầu tư tới thị trường tiền mã hóa ngày càng tăng (chỉ xét các ví đang hoạt động, nghĩa là có số dư trong tài khoản lớn hơn không).

Ngoài ra, số lượng ví hoạt động (active account) còn cho thấy tiềm năng tăng trưởng hay suy giảm của thị trường. Từ đó, nhà đầu tư có thể đưa ra các dự đoán như sau: 

  • Các active account có xu hướng tăng: Số lượng địa chỉ ví hoạt động tăng lên là một tín hiệu lạc quan của thị trường. Khi có nhiều nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường, giá tài sản mã hóa có khả năng sẽ tăng lên.
  • Các active account có xu hướng giảm: Số lượng địa chỉ ví hoạt động giảm xuống chứng tỏ ngày càng ít người tham gia vào thị trường, dẫn đến khả năng biến động giá theo chiều hướng đi xuống.

Ví dụ như: Nhìn vào hình bên dưới cá nhà đầu tư có thể thấy rằng, mặc dù thời gian gần đây giá của BTC có đợt điều chỉnh giảm khá mạnh nhưng lượng active account của BTC vẫn không hề có dấu hiệu đi xuống. Như vậy, sự quan tâm của nhà đầu tư tới Bitcoin nói riêng và thị trường tiền mã hóa nói chung vẫn không hề suy giảm. Từ đó có thể suy đoán rằng xu hướng giảm giá này là do một nguyên nhân nào khác, giá có khả năng sẽ phục hồi nếu các yếu tố thị trường khác trở nên tốt hơn.  

Nhung chi so co ban trong phan tich On-chain ma nha dau tu can biet (phan 1) - anh 5
Exchange Addresses Count – Nguồn: Cryptoquant

Chỉ số Exchange Transactions Count

Exchange Transactions Count là khái niệm chỉ tổng số giao dịch nạp/rút tiền trên các sàn giao dịch. Khi thực hiện nhiều giao dịch đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư sẽ phải trả phí dịch vụ nhiều hơn, do đó số lượng transaction (giao dịch) tăng lên là dấu hiệu tích cực nhất định của người dùng tham gia vào mạng lưới BTC.

Tương tự như địa chỉ ví, số lượng transaction tăng thể hiện sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với tiền mã hóa đang tăng lên. Trong trường hợp này có thể dự đoán rằng giá có khả năng đi lên. 

Ngược lại, khi thấy biểu đồ của chỉ số Exchange Transactions Count có dấu hiệu đi xuống thì nhà đầu tư cần phải đặc biệt lưu ý. Bới có thể đó là một tín hiệu không mấy lạc quan khi số người quan tâm đến thị trường tiền mã hóa giảm dần, giá sẽ có xu hướng giảm trong ngắn hạn.

Ví dụ như: Trong biểu đồ bên dưới mặc dù BTC có biến động mạnh trong 6 tháng vừa qua, nhưng lượng transaction trên mạng lưới bitcoin lại không có quá nhiều biến động và vẫn duy trì ổn định. Tuy nhiên, vào những ngày BTC đạt ATH chính là những ngày mà số transaction trên mạng lưới Bitcoin đạt đỉnh.

Nhung chi so co ban trong phan tich On-chain ma nha dau tu can biet (phan 1) - anh 6
Exchange transaction Count – Nguồn: Cryptoquant

Tổng kết

Qua bốn chỉ số cơ bản trong phân tích On-chain vừa gới thiệu phía trên, hy vọng các nhà đầu tư sẽ có thêm kiến thức bổ ích để áp dụng trong quá trình đầu tư tiền mã hóa. 

Đây là những công cụ phổ biến nhất mà bất cứ nhà phân tích On-chain nào cũng nên nắm bắt và tìm hiểu. Trong những bài viết sau của loạt bài viết On-chain 101, đội ngũ Coinvn sẽ tiếp tục giới thiệu thêm nhiều chỉ số giá trị khác mà các nhà đầu tư thường sử dụng trước khi đưa ra các quyết định đầu tư.