Nội dung
Những chỉ số cơ bản trong phân tích On-chain mà nhà đầu tư cần biết (phần 2)
Những chỉ số cơ bản trong phân tích On-chain được giới thiệu ở phần này sẽ liên quan đến hoạt động đào Bitcoin.
Đào/khai thác tiền mã hóa là một thuật ngữ mô tả quá trình xác minh và xác thực các giao dịch blockchain, giúp cho mạng lưới tiền mã hoá hoạt động liên tục, đồng thời lưu trữ lại lịch sử các giao dịch trên sổ cái blockchain. Đây cũng chính là một trong những cách tạo ra những coin/token mới.
Không phải tất cả các loại tiền mã hóa đều có thể được khai thác. Bitcoin là ví dụ phổ biến nhất về một loại tiền mã hóa có thể khai thác được. Việc đào hay khai thác Bitcoin dựa trên một thuật toán đồng thuận được gọi là Proof of Work (PoW).
Thợ đào (miner) là người sử dụng các thiết bị điện tử để giải những thuật toán phức tạp nhằm xác minh tính hợp lệ của các giao dịch đang chờ xử lý và sắp xếp chúng thành các khối (block), sau đó gắn những block này vào chuỗi blockchain.
Trong mạng lưới Bitcoin, có tổng cộng 21 triệu BTC. Hiện nay đang có khoảng 18,94 triệu BTC đang lưu thông trên thị trường. Như vậy, mỏ vàng này sẽ chỉ còn hơn 2 triệu BTC cho các miner cùng nhau đào. Theo thời gian, khi số lượng Bitcoin có thể khai thác ngày càng ít đi thì việc đào coin sẽ càng khó khăn hơn.
Do đó các thợ đào phải sử dụng những thiết bị có cấu hình rất cao thậm chí là những siêu máy tính để đào coin. Đổi lại, họ sẽ nhận được phần thưởng sau mỗi khối khai thác thành công, chính là những đồng tiền mã hoá vừa được tạo ra. Thợ đào cũng sẽ được trả phí giao dịch phát sinh bởi các giao dịch mà họ chèn vào khối được xác nhận bởi mạng Bitcoin.
Những người thợ này có vai trò vô cùng quan trọng trong thị trường tiền mã hóa. Các quyết định của họ hoàn toàn có thể gây ra tác động đáng kể đến thị trường.
Thợ đào có ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung tiền mã hoá cũng như sự vận hành của cả một blockchain thông qua việc khai thác các block. Nếu những miner ngừng hoạt động khai thác của họ vì lý do nào đó, mạng lưới blockchain sẽ không thể duy trì.
Bằng cách quan sát hành vi của miner thông qua các chỉ số On-chain, chẳng hạn như dòng tiền của thợ đào, nhà giao dịch có thể tìm thấy những tín hiệu để đưa ra các quyết định đầu tư phù hợp.
Ngoài ra, miner cũng có thể coi là những con cá voi trong thị trường Crypto vì họ nắm giữ lượng tài sản rất lớn, thậm chí có thể tác động đến giá tiền mã hóa. Nếu như ở các thị trường khác (bất động sản, vàng, chứng khoán…) nhà đầu tư khó có thể theo dõi được hoạt động giao dịch mua bán của cá voi, thì đối với Cryptocurrency, mọi giao dịch đều được công khai và minh bạch trên mạng lưới blockchain.
Nhà đầu tư nên theo dõi các hoạt động giao dịch mua bán BTC của thợ đào qua dữ liệu On-chain để giảm thiểu rủi ro và tìm kiếm lợi nhuận.
Miner Outflow là chỉ số thể hiện lượng Bitcoin đang được chuyển ra khỏi các ví đào coin (mining pool). Có hai trường hợp mà các thợ đào muốn chuyển coin của họ ra khỏi các ví này.
Trường hợp thứ nhất đó là các miner chuyển BTC sang các sàn giao dịch với mục đích bán để trang trải chi phí, thu về tiền mặt hoặc mua một loại tiền mã hoá khác dẫn đến lượng cung BTC tăng lên.
Trường hợp thứ hai đó là có thể các thợ đào chỉ chuyển tiền nội bộ giữa các ví mining pool: Các miner có thể hoạt động độc lập hoặc theo nhóm, nên việc chuyển tiền nội bộ này thường không nhằm mục đích giao dịch. Đây là một dấu hiệu trung lập và không gây biến đổi mạnh về giá BTC.
Nhà đầu tư cũng có thể dự đoán giá của BTC theo xu hướng của chỉ số Miner Outflow như sau:
Miner To Exchange là chỉ số thể hiện tổng số coin được chuyển từ các ví mining pool lên các ví trên sàn giao dịch. Không giống như Miner Outflow, thông số này chỉ theo dõi sự dịch chuyển của BTC giữa mining pool và các sàn giao dịch.
Như đã phân tích trong phần trước, các thợ đào chuyển coin từ mining pool sang các sàn giao dịch với mục đích bán ngay lập tức để trang trải chi phí trong quá trình đào coin hoặc chuẩn bị một lượng BTC sẵn sàng bán ra thu lợi nhuận khi giá Bitcoin đang được định giá cao.
Cả hai trường hợp đều làm gia tăng áp lực bán trên thị trường dẫn đến sự giảm giá của đồng Bitcoin.
Miner Reserve là chỉ số mô tả tổng lượng BTC đang được dự trữ trong ví mining pool của thợ đào.
Nếu miner tiếp tục hold BTC trong ví của họ thì đây là một dấu hiệu tích cực đến giá của BTC. Ngược lại, nếu chỉ số Miner Reserve ở mức thấp có nghĩa là các miner không còn nhiều BTC trong mining pool, nhà đầu tư cần phải chú ý, vì rất có thể các thợ đào đã chuyển BTC trong ví của họ lên sàn giao dịch để sẵn sàng bán ra, gây ảnh hưởng không mấy tích cực cho thị trường.
Trong một vài ngày trở lại đây (26/1/2022), giá của BTC có những điều chỉnh giảm, tuy nhiên các miner vẫn có xu hướng hold đồng BTC nhiều hơn trên ví của họ. Rõ ràng đây là một dấu hiệu lạc quan cho các nhà đầu tư.
Chỉ số vị thế của thợ đào (MPI) là tỷ lệ giữa tổng Miner Outflow của tất cả thợ đào (tính bằng USD) chia cho mức giao động trung bình 365 ngày của nó.
MPI là một chỉ báo tốt để xác định thời điểm nên bán BTC bằng cách follow theo những hành vi của miner. Nếu giá trị của MPI lớn hơn 2 có nghĩa là phần lớn các thợ đào đang bán BTC của họ. Tạo ra một lực bán lớn trên thị trường dẫn đến dấu hiệu có thể làm thị trường bearish (giảm giá).
Hoặc người dùng cũng có thể tham khảo chỉ số MPI để thực hiện các giao dịch Bitcoin bằng cách sử dụng một trong những công cụ phân tích kỹ thuật nổi tiếng được gọi là Bollinger-band để phát hiện các giá trị MPI bất thường. Khi MPI vượt ra khỏi đường band trên của Bollinger-band thì nhà đầu tư có thể cân nhắc việc bán BTC.
Biểu đồ dưới đây minh họa các điểm được phát hiện để nhà đầu tư có thể thoát hàng.
Hy vọng qua bài viết, nhà đầu tư đã nắm được cách sử dụng những chỉ số On-chain cơ bản trong việc phân tích hành vi của các thợ đào, một trong những thành phần quan trọng bậc nhất của thị trường tiền mã hóa.
Đội ngũ Coinvn sẽ tiếp tục cập nhật thêm các chỉ số cơ bản trong phân tích On-chain giá trị khác giúp người dùng dự đoán xu hướng giá chính xác hơn và có thể đưa ra những quyết định đầu tư hiệu quả.