Năm 2021 là thời điểm vàng cho quá trình phát triển và mở rộng của mạng lưới Solana khi token quản trị của dự án này đạt mức tăng trưởng hàng nghìn phần trăm.
Solana được coi là giải pháp mở rộng hoàn hảo cho đến thời điểm hiện tại. Trước Solana, các mạng lưới lớn uy tín như Bitcoin hay Ethereum đều gặp phải một vấn đề liên quan đến khả năng mở rộng và chi phí giao dịch đắt đỏ. Đây chính là điều khiến các nhà đầu tư lo ngại, nhất là khi thị trường tiền mã hóa phát triển mạnh.
Hiểu được điều này, các nhà phát triển đã nghiên cứu và cho ra mắt mạng lưới Solana như một giải pháp blockchain mã nguồn mở có hiệu suất cao với khả năng mở rộng lên đến 700.000 TPS (số lượng giao dịch mỗi giây) và thời gian tạo khối là 400ms. Đặc biệt, Solana được coi là dự án cung cấp cơ sở hạ tầng vững chắc cho các ứng dụng tài chính phi tập trung Dapp phát triển sau này.
Được ra mắt từ năm 2017 trong thời kỳ bùng nổ ICO, mạng lưới Solana đã chứng minh được vai trò và hiệu quả của mình khi thu hút được một lượng lớn nhà đầu tư cũng như huy động được 25 triệu đô la Mỹ thông qua các vòng private và public sale khác nhau.
Mạng lưới Solana hoạt động như thế nào?
Trước khi đi vào tìm hiểu chi tiết về cách thức vận hành, hãy cùng Coinvn điểm qua các công nghệ cũng như tính năng nổi bật được sử dụng trong mạng lưới Solana:
– Proof-of-History (PoH)
– Cơ chế đồng thuận Tower BFT
– Giao thức truyền chuỗi khối Turbine
– Giao thức chuyển tiếp Gulf Stream
– Công cụ xử lý giao dịch song song Sealevel
– Đơn vị xử lý giao dịch Pipelining
– Bộ nhớ Cloudbreak
– Lưu trữ dữ liệu Archives.
Mạng lưới Solana đã sử dụng đồng thời hai cơ chế đồng thuận là Proof-of-Stake và Proof-of-History làm tiền đề cho giải pháp mở rộng quy mô chuỗi khối và giảm thiểu chi phí giao dịch. Với cơ chế PoH, Solana sẽ cung cấp một lịch sử dữ liệu về các sự kiện đã xảy trên mạng blockchain và đảm bảo rằng mọi người có thể kiểm tra và tham khảo các thông tin vĩnh viễn. Đồng thời, chính cơ chế này sẽ được sử dụng để xác minh thứ tự và dòng chuyển biến thời gian giữa các giao dịch đang diễn ra. Sau đó, cơ chế đồng thuận PoS sẽ xác thực các khối được tạo bởi cơ chế PoH. Do vậy, mạng lưới Solana đạt được thông lượng thấp hơn khá nhiều các mạng lưới hoặc nền tảng giao dịch hiện nay.
Hệ sinh thái của Solana
Solana hiện nay được coi là một trong những mạng lưới đã phát triển gần như hoàn chỉnh với đầy đủ các mảnh ghép cần thiết như các nền tảng tài chính phi tập trung DeFi, Stablecoin, sàn giao dịch phi tập trung (DEX), NFT, gaming, collectibles… hay một số các tính năng mới như vay và cho vay, giao dịch phái sinh…
– DeFi: Solana đã thu hút được một lượng rất lớn các dự án DeFi như Orca, LunaSwap, Saber, Serum, Cyclos, SenSwap, Solanium, Oxbull, Everlend… Đặc biệt, các dự án DeFi được xây dựng trên Solana lại đa dạng về tính năng nhằm đáp ứng tốt nhất các nhu cầu của người dùng.
– Stablecoin: Stablecoin được biết đến là bước khởi đầu cho mọi nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường mã hóa. Cùng với sự phát triển bùng nổ của mạng lưới Solana vào khoảng tháng 05/2021, lượng phát hành Stablecoin trong hệ sinh thái tăng trưởng nhanh khi số lượng phát hành USDT và USDC đạt mức 600 triệu đô la Mỹ. Cho đến nay, con số này đã tăng lên theo cấp số nhân khi có 1.19 tỷ đô la Mỹ USDC và gần 300 triệu USDT được phát hành trên mạng lưới.
– Sàn giao dịch phi tập trung: Mạng lưới Solana hỗ trợ cả hai dạng sàn phi tập trung theo cơ chế AMM và Order-book. Trong đó, các DEX theo cơ chế AMM nổi bật như SenSwap, Saros Finance, Raydium, Orca… còn DEX theo cơ chế Order-book có thể kể đến Saber và Merucial Finance.
– Gaming: Solana thu hút rất nhiều các dự án game NFT như DeFi Land, Star Atlas, Aurory, OpenErra, Project Seed…
– Vay và cho vay: Đây là mảnh ghép thu hút được đông đảo nhà đầu tư trên mạng lưới Solana. Nổi bật trong số đó là các dự án Zero Interest, Solaris, Jet Protocol, Larix, Solend, Acumen, Parrot, Oxygen…
Đội ngũ phát triển của dự án Solana
Đội ngũ phát triển của mạng lưới Solana là tập hợp các thành viên có tên tuổi và kinh nghiệm nhiều năm trong thị trường tiền mã hóa lẫn cũng như công nghệ blockchain. Họ hầu như đều có xuất phát điểm từ các tập đoàn quốc tế nổi tiếng như Apple, Intel, Google, Dropbox, Microsoft… Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến Anatoly Yakovenko, Raj Gokal và Gref Fitgerald.
– Anatoly Yakovenko giữ vai trò giám đốc điều hành của mạng lưới Solana. Trước khi thành lập Solana, Anatoly Yakovenko là đồng sáng lập của Alescere. Sau đó, anh theo đuổi đam mê về nghiên cứu công nghệ khi đảm nhiệm vị trí kỹ sư phần mềm cao cấp tại Qualcomm Boulder và Dropbox.
– Raj Gokal là giám đốc phụ trách điều hành của dự án. Anh xuất thân là nhà đầu tư mạo hiểm tại quỹ General Catalyst. Anh có kinh nghiệm nhiều năm trong mảng phát triển và xây dựng cộng đồng khi đảm nhiệm vị trí giám đốc sản phẩm tại Odama Health và Rock Health. Ngoài ra, anh cũng là đồng sáng lập của dự án Sano.
– Gref Fitgerald đảm nhiệm vị trí giám đốc công nghệ. Anh có am hiểu sâu rộng về công nghệ blockchain thông qua vị trí kỹ sư phần mềm cao cấp tại Qualcomm Boulder và Alescere.
Tổng kết
Thông qua bài viết, Coinvn đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết nhất về dự án Solana cũng như sự phát triển các sản phẩm trong hệ sinh thái của mạng lưới này. Nhìn chung, Solana đã có tốc độ tăng trưởng thần kỳ trong năm 2021 nhờ theo kịp các xu hướng đầu tư mới nổi như game NFT, các ứng dụng phi tập trung Dapp, giao dịch phái sinh… Vậy liệu trong năm 2022, Solana có còn duy trì được tốc độ phát triển như hiện tại? Hãy cùng chúng tôi cập nhật liên tục các thông tin mới nhất và chính xác nhất về dự án này tại website chính thức coinvn.com.