Tìm hiểu các vòng gọi vốn trong một dự án Startup về Crypto

Trong thị trường tiền mã hóa nói chung, có nhiều vòng gọi vốn khác nhau dành cho các công ty khởi nghiệp. Theo đó, mỗi vòng gọi vốn đều có một ý nghĩa nhất định, ảnh hưởng đến quá trình phát triển dự án.

72697Total views
Tim hieu cac vong goi von trong mot du an Startup ve Crypto - anh 1
Tìm hiểu các vòng gọi vốn trong một dự án Startup về blockchain

Khái quát chung

Để một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực tiền mã hóa biến ý tưởng kinh doanh thành hiện thực thì cần có nhiều yếu tố cùng đóng góp. Và quan trọng trong số đó, không thể không kể đến nguồn vốn. Các Startup công nghệ thường sử dụng một số cách để duy trì nguồn vốn vận hành, bao gồm: Founder chung vốn lại với nhau, vay mượn ngân hàng, kêu gọi vốn từ nhà đầu tư… 

quỹ đầu tư

Trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn các vòng tài trợ này là gì, cách chúng hoạt động và có sự khác biệt nào. 

Mức độ tăng trưởng của việc đầu tư vào các dự án tiền mã hóa

Ngày càng có nhiều quỹ đầu tư đổ tiền vào các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực Crypto. Theo số liệu tổng hợp từ CB Insights, các công ty khởi nghiệp về blockchain và tiền mã hóa đã có một năm 2021 bùng nổ. Theo đó, các dự án đã huy động được hơn 15 tỷ USD từ các quỹ đầu tư mạo hiểm trong 9 tháng đầu năm 2021, gần gấp 5 lần tổng đầu tư của năm 2020. Điều đó cho thấy thị trường tiền mã hóa đang thu hút được những tín hiệu đầu tư tích cực và sẽ còn tiếp tục phát triển trong tương lai.

Việc hiểu được ý nghĩa các vòng đầu tư trong một dự án Crypto sẽ giúp chúng ta nắm được phần nào chiến lược đầu tư của những “cá mập” trong thị trường tiền mã hóa. 

Tim hieu cac vong goi von trong mot du an Startup ve Crypto - anh 2

Những vòng gọi vốn thường gặp của một dự án tiền mã hóa

Pre-seed Round

Vòng tài trợ Pre-seed là khái niệm đề cập đến giai đoạn người sáng lập dự án bắt đầu các hoạt động đầu tiên của họ. Theo đó, người sáng lập có thể gây quỹ Pre-seed từ chính đội ngũ điều hành hoặc những mối quan hệ thân quen như bạn bè, gia đình, cộng đồng đáng tin cậy…

Việc huy động tiền trong giai đoạn này đòi hỏi các nhà đầu tư phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Cũng không sai khi nói đây là vòng tài trợ cho những giấc mơ. Trong hầu hết mọi trường hợp, các nhà đầu tư cấp vốn trước khi bắt đầu một dự án thường chính là những người sáng lập công ty.

Seed Round

Seed Round (Vòng tài trợ hạt giống) là giai đoạn tài trợ vốn cổ phần chính thức đầu tiên. Vòng tài trợ hạt giống giúp dự án có những bước đi quan trọng như nghiên cứu thị trường hay phát triển sản phẩm. Với sự tài trợ của hạt giống, các dự án sẽ được hỗ trợ trong việc xác định sản phẩm cuối cùng và tìm ra đối tượng khách hàng muốn hướng tới.

Mục đích của vòng tài trợ hạt giống rất đơn giản. Nó cung cấp cho nhóm sáng lập một nguồn vốn vừa đủ để theo đuổi một ý tưởng hoặc một thị trường nhất định. Qua đó chứng minh rằng ý tưởng, thị trường đó có thật sự hiệu quả hay không.

Những nhà đầu tư vào dự án ngay từ vòng Seed Round được xem là những nhà đầu tư “ thiên thần” hoặc những quỹ đầu tư mạo hiểm.

Các vòng đầu tư cơ bản

các vòng gọi vốn

Series A 

Vòng series A tập trung chủ yếu vào các công ty khởi nghiệp có mô hình kinh doanh được chứng minh là hoạt động tốt, sở hữu cơ sở dữ liệu khách hàng ổn định và đã tạo ra lợi nhuận.

Các khoản đầu tư ở giai đoạn này có thể bắt đầu từ 3 triệu USD và yêu cầu một chiến lược cụ thể để đạt ROI cao hơn. Các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ đòi hỏi những công ty khởi nghiệp này phải trình bày các dữ liệu thực tế và tiến độ nhận được từ các khoản đầu tư trước đó. Họ muốn thấy công ty khởi nghiệp trở thành một cỗ máy kiếm tiền có giá trị, sẵn sàng mở rộng quy mô và lên cấp độ tiếp theo.

Series B

Vòng series B giúp các công ty khởi nghiệp chuyển mình thành doanh nghiệp. Theo đó, tại thời điểm này, các dự án khởi nghiệp đã trưởng thành và có cơ sở dữ liệu người dùng lớn. Các khoản đầu tư ở giai đoạn này có thể dao động khoảng 10 triệu USD trở lên. Số tiền trong giai đoạn gọi vốn này thường được dùng để mở rộng quy mô nhân sự và khám phá các thị trường mới.

Một số quỹ đầu tư lớn thường đầu tư trong vòng Series B là Accel, Insight Venture Capitals và Sequoia Capital.

Series C

Các dự án vào đến vòng gọi vốn series C đã chứng minh được năng lực phát triển của mình đồng thời đang muốn mở rộng mạnh mẽ hơn. 

Vòng series C là nơi dành cho các dự án Startup thành công với định giá từ 100 triệu USD trở lên và đang hướng đến việc nhận được nguồn vốn tương đương. Là một trong những giai đoạn tài trợ cuối cùng, vòng series C không chỉ bao gồm việc mở rộng các khả năng hiện tại mà còn tạo ra các sản phẩm mới có giá trị hơn cho dự án. 

Các công ty ở giai đoạn này thường phải có chiến lược phát triển rõ ràng để tiến tới IPO một cách suôn sẻ.

Strategic Round

Strategic Round (Vòng gọi vốn chiến lược) là vòng gọi vốn khi các dự án tiền mã hóa, blockchain… đã hoàn thiện sản phẩm và có chiến lược tiếp cận thị trường cụ thể. Số vốn huy động thường sẽ được sử dụng cho việc triển khai kế hoạch quảng bá thương hiệu, tiếp cận thị trường và xây dựng cộng đồng.

Private Sale 

Private Sale được biết là việc bán coin hoặc token cho những nhà đầu tư cụ thể. Hình thức bán này sẽ không công khai và không được báo trước. Các công ty tiền mã hóa, blockchain… sẽ tổ chức những đợt Private Sale cho những nhà đầu tư đã được lựa chọn sẵn. Mục đích cuối cùng là thu hút nhà đầu tư nổi bật tài trợ cho dự án để đổi lấy những đồng tiền mã hóa có khả năng mang lại lợi nhuận cao trong tương lai.

Public Sale

Trong thế giới tiền mã hóa, Public Sale là thuật ngữ được sử dụng khi một công ty, dự án cung cấp token hoặc coin cho công chúng trước khi token hoặc coin ấy được niêm yết trên các sàn giao dịch tiền mã hóa. 

Các hình thức huy động vốn phổ biến của Public Sale, bao gồm: ICO, IEO, IDO và ILO. Vòng Public Sale không chỉ nhằm mục đích kêu gọi vốn mà còn giúp dự án mở rộng đến cộng đồng.

Khác với các vòng đầu tư trước, vòng mở bán Public Sale sẽ được thông báo công khai. Trong vòng gọi vốn này, các nhà đầu tư đều được quyền tham gia. Tuy vậy, dự án sẽ giới hạn một lượng người nhất định có thể mua token. Đồng thời mỗi nhà đầu tư cũng chỉ được mua token hoặc coin với một khoản tiền giới hạn,  thường dao động trong khoảng 100 USD – 1000 USD. 

Đánh giá ưu, nhược điểm của các vòng gọi vốn

Các vòng gọi vốn Early Stage

Ưu điểm

Với các vòng Early Stage như Seed Round, Strategic Round và Private Sale, nhà đầu tư đã đánh cược niềm tin và khả năng đánh giá của mình để đổi lấy cơ hội kiếm được lợi nhuận vượt trội.

Do đó, ưu điểm của các vòng đầu tư này chính là lợi nhuận lớn. Nhìn chung, đã có nhiều nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận lên tới hàng chục thậm chí là hàng trăm lần khi mua token từ các vòng Early Stage, trước lúc dự án được listing lên sàn giao dịch.

Nhược điểm

Nhược điểm của các vòng đầu tư này chính là tính rủi ro. Khi nhà đầu tư quyết định “đổ tiền” vào một dự án ở giai đoạn đầu như trong các vòng Seed Round hay Strategic Round, họ phải chịu những rủi ro lớn hơn nhiều so với thời điểm dự án thành hình. Tuy nhiên, nhà đầu tư trong giai đoạn này thường là các quỹ đầu tư lớn với đội ngũ nhân sự chất lượng. Do đó, họ có thể sử dụng khả năng phân tích để đánh giá dự án và quản trị rủi ro.

các vòng gọi vốn

Một nhược điểm nữa của vòng đầu tư trong giai đoạn đầu này là không dành cho số đông. Thường chỉ có các quỹ đầu tư lớn hoặc các đối tác, cố vấn, những người có thể giúp đỡ dự án phát triển mới nhận được quyền đầu tư. 

Thêm vào đó, việc đầu tư từ vòng Early Stage sẽ có tính thanh khoản thấp do nhiều dự án quy định việc trả token theo từng giai đoạn khác nhau. Điều này nhằm mục đích tránh những đợt xả mạnh token, khiến giá giảm đột ngột gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của dự án.

Chính vì lý do đó, nhà đầu tư sẽ phải chờ đợi một khoảng thời gian khá dài (tùy vào lịch trả token của dự án) thì mới có thể nhận hết token tại các vòng đầu tư.

Vòng gọi vốn Public Sale

Ưu điểm

Ưu điểm của vòng Public Sale chính là việc nhiều người có thể tham gia vào việc mua, sở hữu token của dự án. Và nếu đó là một dự án tiềm năng thì mức giá mua được ở vòng Public Sale cũng sẽ rẻ hơn rất nhiều so với thời điểm token được listing trên các sàn giao dịch tiền mã hóa. Có thể xem đây là cơ hội thay đổi vị thế cho những nhà giao dịch nhỏ lẻ.

Khuyết điểm

Mặc dù vòng gọi vốn Public Sale dành cho tất cả mọi nhà đầu tư quan tâm đến dự án tuy nhiên sẽ có giới hạn số lượng người mua. Điều này sẽ khiến mức độ cạnh tranh để có tấm vé may mắn trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Kết luận

Trên đây là bài viết giới thiệu về các vòng đầu tư cơ bản nhất trong một dự án tiền mã hóa nói chung. Hiểu được sự khác biệt giữa những vòng huy động vốn này sẽ giúp bạn giải mã và đánh giá triển vọng của dự án. Qua đó, nắm bắt rõ hơn về chiến lược đầu tư của những tổ chức lớn thông qua các vòng đầu tư này. 

Đừng quên thường xuyên truy cập Coinvn để cập nhật tin tức thị trường tiền mã hóa mới nhất nhé!