Toàn cảnh blockchain – Phần 5: Dự báo tình hình thị trường

Để kết thúc seri Toàn cảnh blockchain, hãy cùng Coinvn tìm hiểu về tiềm năng thị trường của blockchain trong tương lai.

11304Total views
Toan canh blockchain – Phan 5: Du bao tinh hinh thi truong - anh 1
Toàn cảnh blockchain - Phần 5: Dự báo tình hình thị trường

Trước hết, hãy cùng Coinvn tìm hiểu về việc blockchain được quy định như thế nào ở một số quốc gia nổi trội trên thế giới, từ đó ta sẽ có nhận định được rõ ràng hơn về tiềm năng thị trường của blockchain trong thời gian tới.

Các quy định về blockchain ở một số quốc gia tiêu biểu

Trung Quốc

Toan canh blockchain - Phan 5: Du bao tinh hinh thi truong - anh 2

Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm tất cả các hoạt động mở bán ICO (Initial Coin Offerings) từ năm 2017 cho đến nay, và vẫn đang tiếp tục tăng những hạn chế bằng cách loại bỏ quyền truy cập công khai vào các sàn giao dịch nước ngoài.

Bất cứ hoạt động mở bán bất kỳ token hay tài sản kỹ thuật số nào trong lãnh thổ Trung Quốc, hay cho người dân Trung Quốc, đều bị coi là hành vi phạm pháp. Trong khi đó, công nghệ blockchain thì lại rất được ưu ái bởi chính phủ và các thành phố như Hong Kong.

Vào tháng 2/2019, Trung Quốc đã ban hành bộ điều lệ “Các nguyên tắc quản lý dịch vụ thông tin blockchain” tập trung vào các điều sau:

  • Quy định các hoạt động liên quan đến các dịch vụ thông tin ứng dụng công nghệ blockchain
  • Bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích chung
  • Bảo hộ cho những quyền hợp pháp và lợi ích của công dân Trung Quốc, những pháp nhân hợp pháp và các tổ chức khác
  • Đẩy mạnh xúc tiến cho công nghệ blockchain.

Những quy định này được áp dụng cho bất cứ tổ chức nào hoạt động trong lãnh thổ Trung Quốc mà được xem là một đơn vị cung cấp các dịch vụ thông tin ứng dụng công nghệ blockchain, và là một trong những quy định cho ngành công nghiệp blockchain của nước này, bên cạnh việc cấm các loại tiền mã hóa.

Nhật Bản

Toan canh blockchain - Phan 5: Du bao tinh hinh thi truong - anh 3

Nhật Bản đang xây dựng một cơ chế rõ ràng cách thức các sàn giao dịch tiền ảo vận hành. Nhật Bản đang dần trở thành một tiêu điểm cho các sàn giao dịch có thể đáp ứng những quy định nghiêm ngặt của nước này, đồng thời cũng tạo ra một kiểu mẫu về quy định cho các quốc gia khác thuộc khu vực Châu Á noi theo.

Được thôi thúc bởi mong muốn bảo vệ người dùng, Nhật Bản đã kiểm tra và chỉnh sửa lại Điều luật các dịch vụ thanh Toán. Luật mới, có hiệu lực từ tháng 4/2017, quy định 02 điều. Đầu tiên, chính thức công nhận tính hợp pháp của hình thức thanh toán bằng tiền mã hóa, dù Nhật Bản vẫn chưa công nhận Bitcoin như một đơn vị hợp pháp, nhưng vẫn cho phép sử dụng nó để trả cho các giao dịch mua bán. Thứ hai, đạo luật này yêu cầu bất cứ sàn giao dịch tiền mã hóa nào muốn kinh doanh tại Nhật Bản hoặc muốn thu hút công dân của họ thì phải đăng ký với Cơ quan đăng kiểm dịch vụ tài chính (FSA).

Thêm vào đó, những nhà làm luật của Nhật đang cố gắng quản lý các sàn mới, hơn là cấm các doanh nghiệp này ngay từ đầu. Vào tháng 4/2018, họ đã thực hiện bước đầu tiên trong việc hợp thức hóa các sự kiện ICO – một hình thức gọi vốn gây nhiều tranh cãi tại các quốc gia như Trung Quốc và Hàn Quốc. Đồng thời, khi nhận được sự bảo hộ từ chính phủ, các doanh nghiệp công nghệ và tài chính bắt đầu phát triển trong khía cạnh đầu tư.

Chính phủ Nhật Bản đang thực hiện một dự án giúp thống nhất tất cả các thông tin đăng ký đất đai và tài sản ở các vùng nông thôn, khu trang trại và các khu vực trồng rừng, vào một sổ cái duy nhất được vận hành bằng công nghệ blockchain. Liên quan đến hơn 230 triệu khu đất và hơn 50 triệu tòa nhà đã đăng ký trên khắp cả nước, sổ cái này sẽ bao gồm cả những thông tin thế chấp và giá bán của các tài sản này. Công đoạn đăng ký đã được thử nghiệm ở một số thành phố vào mùa hè năm 2018. Nếu thành công, chính phủ Nhật Bản sẽ chuyển toàn bộ quy trình đăng ký bất động sản lên mạng lưới blockchain trong 05 năm tới.

Malta

Toan canh blockchain - Phan 5: Du bao tinh hinh thi truong - anh 4

Với mong muốn biến một đất nước thuộc khu vực Địa Trung Hải trở thành một “Quốc đảo blockchain”, chính quyền nước này đã mở rộng cửa cho blockchain và những công nghệ số cái phân tán tương tự. Vào tháng 7/2018, Quốc hội Malta đã ban hành 03 quyết định làm nền móng cho những quy định trọng yếu để thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ giống như blockchain. Chính phủ nước này hy vọng với những điều luật đã công bố sẽ thu hút được các công ty công nghệ tài chính nước ngoài phát triển cơ sở tại địa phương. Điều này đã giúp đưa Malta trở thành đất nước đầu tiên trên toàn cầu cung cấp những điều lệ chính thức cho những người vận hành blockchain, tiền mã hóa và lĩnh vực DLT (Công nghệ sổ cái phân tán – Distributed Ledger Technology).

Điều luật chính quyền sáng tạo kỹ thuật số của Malta (MDIA Act) giúp thành lập cơ quan chính quyền kỹ thuật số và xác thực cho các nền tảng DLT. Luật này sẽ tập trung vào Bộ nội vụ của chính quyền, giúp sắp xếp, phác thảo các nghĩa vụ và trách nhiệm của cấp chính quyền. Từ đó, để xác nhận cho các nền tảng DLT nhằm mục đích đảm bảo tín nhiệm và cung cấp sự chắc chắn về mặt pháp lý cho người dùng muốn sử dụng các nền tảng này.

Điều luật thứ hai, được gọi là Điều luật chính sách công nghệ và các dịch vụ cải tiến (ITAS Act), chuyên xử lý các chính sách DLT và cung cấp các chứng nhận cho những nền tảng DLT. Quyết định này cũng nhằm mục đích giải quyết những vướng mắc khi thành lập các sàn giao dịch và các công ty hoạt động trong thị trường tiền mã hóa.

Điều luật cuối cùng, Điều luật quy định tài sản tài chính ảo (VFA Act), thiết lập cơ sở quy định nhằm quản lý các sự kiện ICO, các sàn giao dịch tiền mã hóa, các nhà cung cấp dịch vụ ví tiền mã hóa…

Hoa Kỳ

Toan canh blockchain - Phan 5: Du bao tinh hinh thi truong - anh 5

Hoa Kỳ là quốc gia đi đầu trong khuyến khích phát triển công nghệ blockchain. Quốc gia này đã ban bố các quy tắc pháp chế để ủng hộ và thúc đẩy sự phát triển cho công nghệ blockchain. Tuy nhiên, chính quyền nước này lại giữ một động thái dè dặt bằng việc đặt ra những điều luật nghiêm ngặt về tiền mã hóa kỹ thuật số. Điều này có khả năng dẫn đến việc Mỹ sẽ trở thành một nước dẫn đầu trong ngành blockchain và Crypto, thế nhưng đa phần các phiên tòa đều diễn ra kém phần ưu ái cho các bên đại diện của Crypto.

Hơn nữa, Mỹ đã luôn dựa vào Ủy ban giao dịch và chứng khoán (SEC) để đưa ra những quyết định cụ thể cho những nhu cầu đang tăng trưởng mạnh, nhưng trên thực tế thì họ vẫn chưa đưa ra được đường lối cần thiết cho lĩnh vực còn non trẻ này. Tuy nhiên, SEC đã lên tiếng cảnh báo các nhà đầu tư về những rủi ro khi đầu tư vào tiền mã hóa, và chính họ đã hoãn rất nhiều đợt ICO diễn ra tại nước này.

Ủy ban giao dịch hàng hóa kỳ hạn (CFTC) đã trở thành đơn vị quản lý đầu tiên của Mỹ cho phép cổ phiếu phái sinh của các loại tiền mã hóa được giao dịch công khai. Và phần lớn các bang ở Mỹ đều ủng hộ Bitcoin và công nghệ blockchain.

Công nghệ blockchain đã không còn chỉ đơn thuần là một công cụ để khai thác các loại tiền mã hóa hay quản lý cơ sở dữ liệu nữa. Giờ đây, các cơ quan chính phủ của nước này đã công nhận tiềm năng của nền tảng công nghệ này trong các dịch vụ công và đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều cấp độ khác nhau.

Các bang ở Mỹ đã ủng hộ bằng một số hình thức quy định liên quan đến các loại tiền mã hóa và công nghệ blockchain. Tuy nhiên, nhiều văn bản pháp chế của họ chỉ mới giới thiệu sơ qua hoặc đưa ra các quy định để làm làm rõ giao dịch tiền mã hóa so với những luật lệ hiện hành trong vấn đề luân chuyển tiền tệ. Bắt đầu từ năm 2014, một làn sóng từ hơn 20 tiểu bang của Hoa Kỳ đã đề ra những đạo luật liên quan đến các loại tiền mã hóa.

Liên minh Châu Âu

Toan canh blockchain - Phan 5: Du bao tinh hinh thi truong - anh 6

Liên minh Châu Âu đang dẫn đầu về công nghệ blockchain, trong một thông báo, 22 nước Châu Âu đồng loạt ký vào một nghị quyết công bố thành lập Tổ chức hợp danh ứng dụng công nghệ blockchain của Châu Âu (EBP – European blockchain Partnership)  vào tháng 4/2018. Tổ chức này sẽ đóng vai trò làm phương tiện cho các mối quan hệ hợp tác giữa các nước thành viên. Việc này nhằm trao đổi kinh nghiệm và chuyên môn trong phạm trù kỹ thuật và quy định, chuẩn bị sẵn sàng để ra mắt ứng dụng blockchain trên toàn bộ Liên minh Châu Âu, đóng vai trò như một thị trường giao dịch kỹ thuật số hợp nhất và hướng tới lợi ích của cả công thương nghiệp và các ngành nghề khác. Tổ chức này cũng sẽ giúp đảm bảo rằng Châu Âu sẽ tiếp tục đóng vai trò lãnh đạo trong quá trình phát triển và ra mắt những công nghệ blockchain trong tương lai.

Mục đích chính của tổ chức này bao gồm:

  • Tránh những hướng tiếp cận đơn lẻ đến công nghệ blockchain bằng cách chia sẻ thông tin và thúc đẩy hợp tác trong phạm trù kỹ thuật cũng như quy định của nền tảng này giữa các nước thành viên trong nhóm.
  • Đảm bảo và thúc đẩy sự liên kết cũng như tầm phát triển to lớn hơn của các dịch vụ nền tảng blockchain.
  • Tạo một môi trường cho những công nghệ blockchain hợp pháp có thể phát triển khắp Châu Âu và tạo ra nhiều cách để xúc tiến cho những ứng dụng nằm trong chuỗi thị trường giao dịch kỹ thuật số hợp nhất của Liên minh Châu Âu.
  • Xây dựng nền tảng vững chắc cho Châu Âu trở thành thủ lĩnh của thế giới trong việc phát triển và ra mắt những công nghệ blockchain.

Ủy ban Liên minh Châu Âu đang tìm kiếm và khai thác tiềm năng của công nghệ blockchain nhằm cải thiện các dịch vụ xuyên biên giới giữa các nước như: Báo cáo thuế GTGT, quản lý thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, môi trường, báo cáo tài chính và hoạt động công ty, quản lý hồ sơ sức khỏe, báo cáo thử nghiệm lâm sàng, đăng ký thuốc chữa bệnh, quản lý căn cước…

Úc

Toan canh blockchain - Phan 5: Du bao tinh hinh thi truong - anh 7

Trong khi đó ở Úc, chính quyền quan tâm hơn đến các ứng dụng của công nghệ blockchain và công thức tiêu chuẩn của chúng. Vào tháng 4/2016, Ủy ban chuẩn mực Úc đã kêu gọi phát triển chuẩn mực ISO cho blockchain trên toàn cầu. Vào tháng 3/2017, Ủy ban chuẩn mực quốc gia đã công bố một bản kế hoạch phát triển cho khái niệm của những chuẩn mực quốc tế, dựa trên những tác vụ được đề ra bởi tổ chức tiêu chuẩn quốc tế ISO (International Standard Organization).

Vào tháng 2/2018, Văn phòng thuế Úc đã thông báo rằng cơ quan này sẽ sử dụng tính năng xác thực dữ liệu và cơ chế chấm điểm xác thực theo thang điểm 100. Việc này nhằm theo dõi các nhà đầu tư tiền mã hóa, đảm bảo việc tuân thủ các hiệp ước thuế song phương, cam kết bài trừ nạn rửa tiền, nhằm mục đích đảm bảo họ sẽ nộp số tiền thuế chính xác trên các giao dịch đầu tư tiền mã hóa vào năm 2018.

Hiện tại, Úc đang áp dụng các quy chế tính toán, đây có thể là dấu hiệu cho thấy tình hình đang bước vào giai đoạn nghiêm túc khi áp dụng những công nghệ này và dự trù sẽ mở rộng quy mô cho chúng trong tương lai. Khi chính quyền ngày càng quen thuộc với blockchain nhờ vào sự phát triển của các dự án tiền mã hóa, họ có thể bắt đầu chính thức sử dụng công nghệ này. Hiện nay, đã có những công ty tư nhân và các công ty thuộc nhà nước sử dụng công nghệ này cho lĩnh vực điện mặt trời, các nhu cầu du lịch đi lại, quản lý chuỗi cung ứng và tài chính ngân hàng. Nó cũng đang được sử dụng cho rất nhiều những chuỗi cung ứng các loại hàng hóa như lúa mì và khoáng sản.

Trong khi trạng thái hợp pháp và tương lai của tiền mã hóa cũng như blockchain tại Úc còn chưa rõ ràng, có một điều chắc chắn đó là quốc gia này sẽ phụ thuộc vào công nghệ nền tảng blockchain để cách mạng hóa cuộc sống ở đây.

Ấn Độ

Toan canh blockchain - Phan 5: Du bao tinh hinh thi truong - anh 8

Ấn Độ từng là một quốc gia đang phát triển lớn mạnh, một môi trường thân thiện cho các dự án tiền mã hóa, nay đã cắt đứt hoàn toàn mọi hoạt động liên quan đến tiền mã hóa từ năm 2018. 

Ngân hàng dự trữ quốc gia, vào tháng 4/2018, đã đưa ra tuyên bố có hiệu lực ngay lập tức rằng những ngân hàng của Ấn Độ và những cơ quan tài chính không còn được cho phép giao dịch hoặc cung cấp các dịch vụ cho bất kỳ cá nhân hay đơn vị kinh doanh nào liên quan tới hoặc bán các tài sản tiền mã hóa. Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng Ấn Độ không còn được phép cung cấp bất kỳ dịch vụ nào cho các công ty làm về tiền mã hóa, và các sàn giao dịch tiền mã hóa đang phát triển bùng nổ của Ấn Độ là những đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Bộ trưởng tài chính Ấn Độ – ông Arun Jailey, trong khi đang phát biểu tại sự kiện Union Budget 2018, đã cho biết rằng chính quyền trung ương sẽ mở rộng nghiên cứu các ứng dụng của công nghệ blockchain để làm vững mạnh thêm cho nền tài chính kỹ thuật số tại nước này. Những tiểu bang của Ấn Độ như Andhra Pradesh, Maharashtra, Uttar Pradesh và Karnataka đang xem xét ứng dụng blockchain vào phát triển chính quyền điện tử. Và Andhra Pradesh đã trở thành bang đầu tiên của Ấn Độ áp dụng công nghệ blockchain vào việc quản lý hồ sơ đất đai. Công nghệ blockchain giúp bảo vệ các tài sản kỹ thuật số và thông tin giao dịch của bang này, ngăn ngừa việc thay đổi chỉnh sửa từ bên ngoài hoặc từ nội bộ bên trong chính phủ. Maharashtra cũng đang thử nghiệm công nghệ blockchain vào các lĩnh vực tài chính, lưu trữ thông tin đất đai, tài chính cho các chuỗi cung ứng, bảo hiểm hàng hóa cũng như nông trại và đăng kiểm phương tiện giao thông. Uttar Pradesh đang hy vọng sẽ cho ra mắt công nghệ blockchain được áp dụng vào Sở thuế vụ của bang này, nhằm lưu trữ và bảo mật các dữ liệu liên quan đến đất đai trong vài tháng tới đây.

Việt Nam

Toan canh blockchain - Phan 5: Du bao tinh hinh thi truong - anh 9

Hiện nay ở Việt Nam chưa có quy định cụ thể cho blockchain. Tuy nhiên, chính phủ nước ta có vẻ khá thích và ủng hộ các ứng dụng của blockchain. Trong một báo cáo được trình lên chính phủ vào tháng 3/2020, Bộ tư pháp đang nghiên cứu và lên kế hoạch để hoàn tất hành lang pháp lý liên quan đến việc áp dụng và xúc tiến các sản phẩm và dịch vụ được phát triển trên nền tảng công nghệ blockchain. Thủ tướng chính phủ cũng đang xem xét việc áp dụng một môi trường thử nghiệm được quy định cụ thể cho một số lĩnh vực công nghệ tài chính nhất định, bao gồm blockchain.

Bên cạnh đó, luật pháp Việt Nam hiện không công nhận tiền mã hóa như một công cụ thanh toán hợp pháp. Trên thực tế, chính phủ cũng đã có các bước nhằm cấm việc sử dụng nó trong lãnh thổ Việt Nam. Mặc khác, Việt Nam luôn được xếp hạng trong những quốc gia có hoạt động sôi nổi nhất trên thị trường tiền mã hóa. Việc sở hữu tiền mã hóa không bị cấm, chỉ là không được sử dụng chúng để thanh toán mà thôi. Vậy nên, đầu tư vào tiền mã hóa tại Việt Nam là hành động hợp pháp. Tuy nhiên, cũng chưa có quy định cụ thể nào nhằm đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư hay quản lý các khoản đầu tư trong khu vực. Cấp chính quyền cũng nhiều lần lên tiếng cảnh báo về những nguy cơ khi bỏ tiền đầu tư vào lĩnh vực Crypto.

Tiềm năng thị trường

Toan canh blockchain - Phan 5: Du bao tinh hinh thi truong - anh 10

Theo trang thống kê Statista, dựa vào các số liệu và xu hướng dòng tiền chảy vào lĩnh vực công nghệ blockchain, từ năm 2022 này cho đến năm 2027, ta sẽ thấy sự tăng vọt và phát triển liên tục trên phạm vi toàn cầu, chứng tỏ giá trị của nó bằng cách quản lý các giao dịch kỹ thuật số trong thời gian thực khắp các châu lục, từ đó thúc đẩy nhiều doanh nghiệp và lĩnh vực kinh tế tham gia vào cuộc đua này.

Toan canh blockchain - Phan 5: Du bao tinh hinh thi truong - anh 11

Cũng theo trang thống kê Statista và Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDC, lượng tiền chi cho các giải pháp blockchain được dự đoán sẽ đạt gần 15,9 tỷ USD vào năm 2023. IDC cho rằng mức chi tiêu cho các giải pháp công nghệ này sẽ tăng trưởng ổn định trong giai đoạn 5 năm từ 2019 đến 2023, với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR – Compound Annual Growth Rate) ở mức 60,2%. Lượng chi tiêu trong năm 2022 được dự đoán sẽ đạt mức 12,4 tỷ USD, tăng hơn 359% so với năm 2019.

Toan canh blockchain - Phan 5: Du bao tinh hinh thi truong - anh 12

Những yếu tố chính giúp thúc đẩy thị trường:

  1. Nhu cầu đối với công nghệ sổ cái phân tán tăng trưởng mạnh
  2. Lượng vốn hóa thị trường của tiền mã hóa và các sự kiện ICO ngày càng phát triển
  3. Nhu cầu ứng dụng công nghệ blockchain trên khắp các dịch vụ tài chính ngày càng tăng
  4. Công nghệ blockchain được ứng dụng ngày càng nhiều trong lĩnh vực bán lẻ và quản lý chuỗi cung ứng
  5. Nhu cầu đẩy nhanh tốc độ và tăng tính minh bạch cho các giao dịch trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề
  6. Giảm chi phí sở hữu.
Toan canh blockchain - Phan 5: Du bao tinh hinh thi truong - anh 13

Dựa vào tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm trong 5 năm từ 2018 – 2023, những lĩnh vực ngành nghề sẽ được ứng dụng công nghệ blockchain hàng đầu bao gồm:

  1. Quản lý hàng hóa và tài sản
  2. Bảo hiểm và bảo hành
  3. Kiểm tra nguồn gốc xuất xứ
  4. Tài trợ thương mại và thanh toán sau giao dịch
  5. Quản lý quyền sở hữu tài sản
  6. Các mảng khác

Dựa trên thống kê các dự báo những khoản đầu tư vào blockchain, trong giai đoạn 05 năm từ 2018 – 2023, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường toàn cầu, với tỷ trọng chiếm hơn 39%, hay 1/3 tỷ lệ của cả thế giới.

Toan canh blockchain - Phan 5: Du bao tinh hinh thi truong - anh 14

Cuối cùng, những xu hướng chủ đạo trong năm 2022 mà những nhà đầu tư và phát triển cần chú ý:

  1. Giai đoạn bơm thổi khiến thị trường biến động trong năm 2021 đã qua, thị trường đã, đang và sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều doanh nghiệp bước chân vào lĩnh vực này bị thất bại.
  2. Với tình hình biến động dòng tiền của tiền mã hóa và động thái của các quốc gia trên thế giới, trong năm nay rất có thể sẽ xuất hiện các loại tiền mã hóa của một số quốc gia.
  3. Xu hướng áp dụng blockchain và biến nó thành một mảng dịch vụ trong thời gian tới sẽ tiếp tục được phát triển rộng rãi hơn.
  4. Ứng dụng công nghệ blockchain sâu hơn trong việc quản lý các bộ máy nhà nước.
  5. Với động thái của các ông trùm trong làng công nghệ như Microsoft, Apple, NVIDIA, Ubisoft, Tesla, SpaceX, Meta (Facebook), Samsung… trong việc xây dựng các nền tảng công nghệ, dịch vụ, thiết bị và cộng đồng thế giới ảo, rất có thể năm nay sẽ là năm blockchain kết hợp và phát triển mạnh với lĩnh vực IoT (Internet of Things).

Tổng kết

Thông qua các bài viết thuộc seri Toàn Cảnh blockchain này, Coinvn hy vọng độc giả đã có cái nhìn đúng đắn hơn về tiềm năng của một nền tảng công nghệ đang có khả năng thống trị tất cả các lĩnh vực khác trên thế giới.