Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm CBDC với ứng dụng e-CNY

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bắt đầu cho ra mắt và thử nghiệm ứng dụng e-CNY trên iOS và Android.

6994Total views
Listen to article
play!
Trung Quoc bat dau thu nghiem CBDC voi ung dung e-CNY - anh 1
Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm CBDC với ứng dụng e-CNY

Chính phủ Trung Quốc ra mắt ứng dụng e-CNY

Theo thông tin từ Regulation Asia, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số (digital yuan) của Trung Quốc sẽ sử dụng một hệ thống gồm hai lớp. Trong đó lớp lõi được tập trung bằng cách sử dụng các công nghệ không phải blockchain và các ngân hàng hoạt động như người trung gian giống như cách họ làm đối với tiền tệ fiat. 

Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), lý do chính cho việc e-CNY không ứng dụng công nghệ blockchain bởi vì bản thân công nghệ này vẫn chưa thật sự hoàn thiện và vẫn còn nhiều thiếu sót. Tuy nhiên, đồng tiền này đã có chức năng tích hợp để làm cho tiền kỹ thuật số có thể lập trình được thông qua các hợp đồng thông minh (smart contract).

Trước đó, Trung Quốc cũng đã bắt đầu thử nghiệm thí điểm đồng tiền này ở  Thâm Quyến, Tô Châu, Thành Đô, Thượng Hải, Hải Nam, Trường Sa, Đại Liên, Quingdao, Xi’an và Xiong’an. Các thành phố Quảng Châu, Phúc Châu, Thiên Tân và Nghĩa Ô gần đây đã tiết lộ rằng họ đang cạnh tranh để được đưa vào danh sách các thành phố thí điểm tiếp theo. Với đồng nhân dân tệ kỹ thuật số thí điểm, các cá nhân có thể sử dụng e-CNY để mua hàng trực tuyến và ngoại tuyến, cũng như thanh toán hóa đơn điện, phí cầu đường và giá vé giao thông.

Phó thống đốc PBOC – ông Fan Yifei nhấn mạnh rằng, trong khi các đợt chạy thử nghiệm đồng nhân dân tệ kỹ thuật số cho thấy tiềm năng to lớn nhưng vẫn còn một số vấn đề cần được giải quyết. Những vấn đề này bao gồm hệ thống quy định, hệ thống thanh toán và môi trường chấp nhận, mà Yifei tuyên bố vẫn cần cải thiện và tối ưu hóa trước khi có bản ra mắt đầy đủ.

Trung Quốc đã dẫn đầu trong cuộc đua CBDC

Như là bước tiếp theo trong quá trình nhân rộng đồng e-CNY của mình, mới đây Trung Quốc đã tung ra phiên bản thử nghiệm của ví di động cho đồng nhân dân tệ kỹ thuật số e-CNY. Ứng dụng này là nền tảng dịch vụ chính thức cho CBDC của Trung Quốc dành cho người dùng cá nhân để thực hiện các thử nghiệm thí điểm, cung cấp dịch vụ mở và quản lý ví cá nhân e-CNY, trao đổi và lưu thông e-CNY. Cả người dùng iOS cũng như Android đều có thể truy cập ứng dụng này trên các cửa hàng ứng dụng tương ứng của họ.

Trung Quoc bat dau thu nghiem CBDC voi ung dung e-CNY - anh 2
Ứng dụng ví e-CNY

Hơn nữa, để tải xuống và kích hoạt ví, người dùng phải sống ở một trong 11 khu vực được đề cập bên dưới ở Trung Quốc. Danh sách này bao gồm Trường Sa, Thượng Hải, Thâm Quyến, Xiong’an, Tây An, Thành Đô, Hải Nam, Thanh Đảo, Tô Châu, Đại Liên và khu vực Thế vận hội mùa đông.

CBDC sẽ giúp Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ?

Trong khi các quốc gia trên toàn cầu mới chỉ bắt đầu dừng lại ở việc xem xét triển vọng của một loại tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành thì có vẻ như Trung Quốc đang khá gấp rút trong vấn đề này. Tham vọng về việc giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ có thể được xem như là lời lý giải cho động thái này.

Bởi lẽ, trong khi các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới vẫn đang cân nhắc về những rủi ro và lợi ích của CBDC thì Trung Quốc có thể sẽ tận dụng sự kém hiệu quả của các kênh thanh toán xuyên biên giới hiện có để tăng cường hỗ trợ cho tầm nhìn của họ về các giải pháp thay thế chi phí thấp hơn được xây dựng dựa trên CBDC. Nếu các thỏa thuận xoay quanh CBDC được mở rộng có thể cho phép các công ty, đối tác thương mại của Trung Quốc giảm sử dụng đồng đô la Mỹ cho các giao dịch xuyên biên giới. Điều này sẽ phá vỡ các kênh thanh toán mà chính phủ Hoa Kỳ có thể cấm các thực thể mà họ trừng phạt vì lý do an ninh quốc gia.

Để hỗ trợ và thúc đẩy tham vọng này, Trung Quốc còn muốn đồng nhân dân tệ kỹ thuật số phải có khả năng tương tác với CBDC của các quốc gia khác. Do đó, PBOC cũng đang hỗ trợ phát triển các tiêu chuẩn CBDC toàn cầu và làm việc với các cơ quan quản lý tiền tệ khác để khởi động một thỏa thuận đa CBDC. Theo ước tính, hơn 95% các giao dịch xuyên biên giới toàn cầu là giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và các loại thanh toán này được dự đoán sẽ đạt trên 150 nghìn tỷ đô la Mỹ mỗi năm vào năm 2022.

Điều đáng chú ý ở đây là phần lớn các giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp liên quan đến Trung Quốc và các thị trường mới nổi lân cận được thực hiện bằng đồng đô la Mỹ. Trên thực tế, dữ liệu cho thấy khoảng 80% hàng hóa xuất khẩu của Trung, Đông và Đông Nam Á bằng đô la Mỹ. Trong khi đó chỉ 20% xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc được thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ. Trên toàn cầu, các ước tính cho thấy rằng các giao dịch sử dụng đồng đô la Mỹ chiếm khoảng 40% xuất khẩu toàn cầu, mặc dù Hoa Kỳ chỉ chiếm khoảng 10% xuất khẩu. 

Những số liệu thống kê này khiến nhiều Chính phủ Trung Quốc phải bận tâm nếu như họ không muốn gia tăng sự thống trị của đồng đô la Mỹ và có thể gây ảnh hưởng đến an ninh tài chính của Trung Quốc. Thậm chí, với lợi thế về sự thống trị đó, Hoa Kỳ có thể đóng cửa các tổ chức tài chính Trung Quốc khỏi cơ sở hạ tầng thanh toán toàn cầu nếu các tổ chức này tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch liên quan đến các doanh nghiệp hoặc cá nhân bị Hoa Kỳ trừng phạt.

Có thể thấy, sự xuất hiện của CBDC nói chung đã cho thấy sự yếu kém của hệ thống thanh toán truyền thống. Điều này cũng đã và đang tạo ra cơ hội mới không chỉ cho CBDC mà ngay cả các loại tiền mã hóa hiện có trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên, việc CBDC phát triển quá mức cũng có thể là một trong những rào cản đối với các loại tiền mã hóa. Các Chính phủ có thể sẽ ngày càng siết chặt hơn để mở đường cho sự chấp nhận CBDC tại từng quốc gia.

Tin tức tiền mã hóa 24/7
Thảo luận về tiền mã hóa tại đây
Xem thêm
articles