EU gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga: Động thái mạnh tay hay chỉ là “hổ giấy”?
Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra các biện pháp mạnh tay để trừng phạt Nga trên phương diện tiền mã hóa.
Mới đây, các bộ trưởng kinh tế và tài chính đại diện cho các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) cho biết họ sẽ giải quyết việc Nga sử dụng tiền mã hóa để trốn tránh các lệnh trừng phạt áp đặt lên nước này, sau các hoạt động xâm lược ở Ukraine. Một trong những động thái mà EU sẽ thực hiện là đóng băng tài sản trong Ngân hàng Trung ương Nga. EU sẽ kiểm tra hàng ngày về việc thực hiện các biện pháp trừng phạt này, tính hiệu quả của chúng và sẵn sàng bổ sung các biện pháp nếu thấy cần thiết.
Như trước đó Coinvn đã đưa tin, tiền mã hóa là một trong ba cách thức mà Nga có thể sử dụng để né tránh các lệnh trừng phạt. Các biện pháp trừng phạt này sẽ dẫn đến việc đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga bằng tiền gửi và trái phiếu nước ngoài mà chúng ta nói đến ở trên. Nếu điều này xảy ra, EU sẽ “giam lỏng” một phần lớn trong số hơn 630 tỷ đô la Mỹ dự trữ vàng và tiền tệ của Nga.
Tuy nhiên, bản thân các lệnh trừng phạt này lại tồn tại một lỗ hổng. Không phải tất cả các ngân hàng Nga đều bị cấm tham gia SWIFT. Và không phải tất cả các chuyển khoản tài chính đến và đi từ các công ty Nga đều bị cấm. Việc thanh toán từ Tây Âu cho các nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga vẫn đang được thực hiện. Các ngân hàng và công ty liên quan mật thiết nhất đến hoạt động kinh doanh năng lượng đã được miễn trừ cho đến nay.
Việc đóng băng dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga sẽ ngăn không cho ngân hàng này can thiệp vào việc ổn định đồng Rúp và cho các công ty có nhu cầu vay USD và EUR. Tuy nhiên, trên thực tế thì có vẻ như Ngân hàng Trung ương Nga đã chuyển dự trữ của mình từ các ngân hàng thương mại và Trung ương nước ngoài sang Ngân hàng Thanh toán Quốc tế. Điều đó có nghĩa là phần lớn dòng tiền có thể sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi động thái đóng băng này.
Trước động thái trên, việc đánh mạnh vào tiền mã hóa sẽ là một chiêu thức để hạn chế sự ảnh hưởng của Nga hiện nay. EU sẽ thực hiện các hành động để ngăn các cá nhân và tổ chức (bao gồm các cá nhân và ngân hàng có trụ sở tại Nga có tên trong các lệnh trừng phạt) chuyển sang các tài sản tiền mã hóa không được kiểm soát như hiện nay. Sau cuộc họp, EU thông báo rằng họ đã quyết định loại bỏ 7 ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán xuyên biên giới SWIFT và hệ thống này sẽ có hiệu lực trong vòng 10 ngày tới.
Mỹ là “người hâm mộ” các biện pháp trừng phạt và điều này đã lan sang cả châu Âu. Nga đã phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây kể từ năm 2014, khi nước này chiếm bán đảo Crimea của Ukraine một cách bất hợp pháp. Và với lần này, nhiều người tự hỏi về tính hiệu quả của các lệnh trừng phạt tương tự mà EU đang áp đặt vào Nga hiện nay. Liệu nó có thực sự hiệu quả và khiến Nga phải thay đổi quyết định của mình?