Indonesia đánh thuế thu nhập và VAT đối với các giao dịch tài sản kỹ thuật số
Vào hôm thứ Sáu vừa qua (01/04/2022), một quan chức thuế của Indonesia cho biết nước này đang có kế hoạch áp mức thuế nhất định đối với các giao dịch tiền mã hóa.
Trong thời kỳ dịch COVID-19, nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất ở Đông Nam Á (tính đến năm 2021) đã chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của tổ chức và cá nhân liên quan đến tài sản kỹ thuật số. Số lượng người nắm giữ tiền mã hóa tại Indonesia đã tăng lên 11 triệu người vào cuối năm 2021. Theo dữ liệu từ Cơ quan quản lý Giao dịch hàng hóa tương lai, trong năm 2021, tổng giá trị giao dịch tiền mã hóa trên thị trường hàng hóa tương lai của Indonesia đạt 859,4 tỷ Rupiah (tương đương 59,8 tỷ USD), tăng hơn 10 lần so với giá trị giao dịch năm 2020.
Tuy nhiên, người dân Indonesia chỉ được phép giao dịch tiền mã hóa như một loại hàng hóa chứ không được sử dụng làm phương tiện thanh toán.
Theo Reuters, vào thứ Sáu hôm qua, một quan chức ngành thuế của Indonesia – ông Yoga Saksama thông báo trong cuộc họp với giới truyền thông rằng nước này dự định đánh thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với giao dịch tài sản kỹ thuật số và thuế thu nhập với lãi từ đầu tư tài sản kỹ thuật số từ ngày 01/05/2022, mức thu 0,1%.
Ông Yoga Saksama cũng cho biết thêm: “Vì tiền mã hóa không được xem là tiền tệ nên nó sẽ phải chịu thuế thu nhập và VAT. Tuy nhiên mức thuế VAT của tài sản kỹ thuật số chỉ là 0,1%, thấp hơn nhiều so với mức 11% mà hầu hết các hàng hóa và dịch vụ của Indonesia phải đối mặt.”
Theo chia sẻ của ông Saksama, các quy định bằng văn bản về thuế vẫn đang được thực hiện. Trong đó có một bộ luật thuế được thông qua vào năm 2021 đã trao quyền cho Chính phủ đánh thuế tài sản tiền mã hóa. Bộ luật này ra đời nhằm mục đích tối ưu hóa việc thu ngân sách và cải thiện hoạt động tuân thủ thuế sau khi Kho bạc Nhà nước bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 trong hai năm 2020 và 2021.
Chỉ riêng trong tháng 02/2022, Indonesia đã thực hiện các giao dịch tiền mã hóa trị giá hơn 5,8 tỷ USD (tương đương 83,8 nghìn tỷ Rupiah). Theo đó, nếu triển khai mức thuế 0,1% thì có khả năng Chính phủ Indonesia sẽ thu về Kho bạc đến 5,8 triệu USD (khoảng 83,3 tỷ Rupiah).
Không chỉ riêng Indonesia, Ấn Độ cũng đi theo con đường tương tự khi thực hiện đánh thuế tiền mã hóa đến 30% vào đầu tháng trước, có hiệu lực vào ngày 01/04/2022 vừa qua. Trên thực tế, Chính phủ Ấn Độ lại không quá quan tâm đến việc hoạch định luật quản lý tài sản kỹ thuật số cho đến khi một cuộc điều tra trên toàn quốc về chủ đề này được đưa ra. Mặc dù người dân Ấn Độ đã lên tiếng phản đối chính sách nhưng có vẻ họ sẽ khó “lay chuyển” được quyết định của Chính phủ hiện tại.