Hơn 1 tỷ USD đã bốc hơi trong các vụ lừa đảo Crypto kể từ năm 2021
Hơn 1 tỷ đô la Mỹ đã bị mất vào các vụ lừa đảo tiền mã hóa chỉ trong 15 tháng, theo FTC.
Nạn nhân mất tới 1 tỷ đô la Mỹ từ năm 2021
Theo một báo cáo mới từ Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC), tiền mã hóa ngày càng được sử dụng như một phần của các trò lừa đảo hoặc chỉ là cách mà những kẻ lừa đảo sử dụng để giao dịch bất hợp pháp hoặc rửa tiền.
FTC cho biết có 46.000 người đã báo cáo với cơ quan này rằng họ bị lừa đảo và tổng thiệt hại lên đến hơn 1 tỷ đô la Mỹ tiền mã hóa trong các vụ lừa đảo từ tháng 1 năm 2021 đến tháng 3 năm 2022. Lưu ý rằng con số này chỉ là những người đã báo cáo thiệt hại của họ cho FTC. Có khả năng số người thực tế bị lừa và mất tiền còn cao hơn nhiều, vì hầu hết nạn nhân không báo cáo tổn thất của họ cho FTC.
Mặc dù con số 1 tỷ đô la Mỹ đó có thể không phản ánh số tiền thực sự bị mất, nhưng nó cho thấy các vụ lừa đảo mã hóa đã tăng lên nhanh như thế nào. Các khoản tiền từ các vụ lừa đảo được báo cáo vào năm 2021 cao hơn gần 60 lần so với năm 2018. Và chỉ tính riêng trong quý đầu tiên của năm 2022, khoản tiền bị lừa đảo đã bằng khoảng một nửa so với cả năm 2021.
Tiền mã hóa từ lâu đã được coi là một sân chơi cho các giao dịch mua bán bất hợp pháp, đòi tiền chuộc của hacker và rửa tiền. Mặc dù Tổng thống Mỹ Biden đã ký một lệnh hành pháp vào tháng 3 năm ngoái để đưa ra các quy định về tiền mã hóa, nhưng vẫn chưa biết những quy định đó sẽ như thế nào, khi nào chúng được áp dụng hoặc liệu chúng có làm bất cứ điều gì để ngăn chặn lừa đảo hay không.
Báo động nguy cơ gia tăng các vụ lừa đảo trong năm 2022
Các chuyên gia nói rằng quỹ đạo tăng trưởng của các vụ lừa đảo trong thị trường tiền mã hóa là đáng báo động và có thể sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn.
Kathy Stokes, Giám đốc phòng chống gian lận tại AARP, nói với Recode: “Khi tội phạm nắm bắt được một cách mới để đánh cắp tiền của mọi người, những người khác sẽ làm theo.”
Hơn một nửa trong số 1 tỷ đô la Mỹ đến từ các trò gian lận liên quan đến đầu tư khi những người lừa đảo hứa rằng họ có thể đầu tư tiền của nạn nhân vào tiền mã hóa để thu về lợi nhuận lớn. Loại lừa đảo đó không phải là mới ngay cả đối với thị trường truyền thống. Tuy nhiên, trong thị trường tiền mã hóa nơi mà hầu hết mọi người đều không hiểu rõ về Crypto, thì quá trình lừa đảo diễn ra đơn giản hơn.
Tổn thất cao thứ hai đến từ các vụ lừa đảo liên quan đến các mối quan hệ. Thông thường, ai đó có được lòng tin của nạn nhân thông qua một mối quan hệ, sau đó khiến nạn nhân đưa tiền của mình vào một vụ đầu tư. Kẻ lừa đảo hứa sẽ đầu tư tiền vào các dự án tiền mã hóa, nhưng sự thật là không có bất cứ vụ đầu tư nào cả. Những kẻ lừa đảo biến mất cùng số tiền của nhà đầu tư.
Đứng ở vị trí thứ ba là các vụ lừa đảo là hình thức mạo danh doanh nghiệp và Chính phủ yêu cầu thanh toán bằng tiền mã hóa. Thông thường, ai đó sẽ nhận được tin nhắn, email hoặc cuộc gọi về một giao dịch mua hàng mà họ đã thực hiện hoặc số tiền họ nợ cơ quan Chính phủ. Mặc dù nạn nhân chưa bao giờ thực hiện giao dịch mua và không nợ số tiền nào, nhưng họ được thông báo rằng họ phải trả tiền để giải quyết vấn đề. Càng ngày, họ càng được yêu cầu thực hiện các khoản thanh toán đó bằng tiền mã hóa. Nhờ sự phổ biến rộng rãi của các máy ATM tiền mã hóa giúp nạn nhân thực hiện các khoản thanh toán đó nhanh chóng dễ dàng và các nhà điều tra khó lần ra dấu vết của thủ phạm.