Đi tìm nguyên nhân và giải mã những chiêu trò lừa đảo phổ biến trong không gian NFT

Thị trường NFT thường xuất hiện nhiều trò lừa đảo khiến nhà đầu tư bị thiệt hại tài sản nghiêm trọng. Vì vậy, hiểu rõ các chiêu trò cũng như nguyên nhân dẫn đến các vụ lừa đảo sẽ giúp nhà đầu tư trở nên “khôn ngoan” hơn trên thị trường.

8842Total views
Di tim nguyen nhan va giai ma nhung chieu tro lua dao pho bien trong khong gian NFT - anh 1
Đi tìm nguyên nhân và giải mã những chiêu trò lừa đảo phổ biến trong không gian NFT

Chúng ta thường thấy tần suất xuất hiện các vụ lừa đảo trong không gian NFT lớn hơn các không gian khác trên thị trường mã hóa. Dù rằng những chiêu trò này không có gì quá mới mẻ, vậy tại sao người dùng vẫn bị lừa? Nguyên nhân sâu xa của những vụ lừa đảo này là gì? Hãy cùng chúng tôi giải mã “nút thắt” của lừa đảo trong không gian NFT trong bài viết dưới đây nhé!

Tại sao NFT lại có nhiều kẻ lừa đảo?

Chúng ta dễ dàng nhận thấy khi thị trường NFT ngày càng nhận được sự quan tâm của cộng đồng nhà đầu tư thì số vụ lừa đảo ẩn danh xuất hiện ngày càng nhiều. Vậy tại sao ngày càng có nhiều kẻ lừa đảo như vậy? Trước tiên, hãy cùng nhìn lại các đặc điểm của không gian NFT:

  • Nhà đầu tư hy vọng làm giàu một cách nhanh chóng.
  • Không gian NFT không có quy định rõ ràng. 
  • Ẩn danh đã trở thành tiêu chuẩn của ngành.

Những chiêu trò lừa đảo NFT phổ biến

Trong phần này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cách những kẻ lừa đảo NFT nhà đầu tư để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. 

Rug Pull – cuỗm sạch tiền của nhà đầu tư

Di tim nguyen nhan va giai ma nhung chieu tro lua dao pho bien trong khong gian NFT - anh 2

Hãy cùng chúng tôi nghiên cứu cách những kẻ lừa đảo thực hiện một vụ Rug Pull NFT. 

Bước 1: Những kẻ lừa đảo tạo ra sự phóng đại điên cuồng về dự án NFT của họ và thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư quan tâm. 

Bước 2: Bước tiếp theo là hứa hẹn với nhà đầu tư về tương lai của NFT và đợi cho đến khi dự án đã bán toàn bộ NFT.

Bước 3: Những kẻ lừa đảo xóa kênh liên lạc và biến mất với tất cả tiền của nhà đầu tư. Số tiền những kẻ lừa đảo thu lại rất lớn vì chi phí bọn chúng bỏ ra thường khá ít. 

Điển hình như vụ lừa đảo Frosties NFT, những kẻ lừa đảo có khả năng bán được gần 10.000 NFT với giá 130 USD cho mỗi NFT, bọn chúng đã có thể thu về hơn 1 triệu USD.

Di tim nguyen nhan va giai ma nhung chieu tro lua dao pho bien trong khong gian NFT - anh 3

Ethan Nguyen và Andre Llacuna chính là người tạo lập dự án và cũng là những kẻ lừa đảo trong vụ NFT này. Trước khi ra mắt, Frosties đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng và hứa hẹn về tiềm năng phát triển cũng như sự tăng trưởng đáng kinh ngạc trong tương lai. 

Tuy nhiên, ngay sau khi dự án chính thức ra mắt, chỉ một giờ sau Frosties đã bán sạch 8.888 NFT trên OpenSea thanh toán bằng ETH tương đương với mức giá 130 USD/NFT. Sau đó, hai kẻ lừa đảo này đã xóa sạch những thông tin liên quan tới Frosties bao gồm Twitter, Discord, trang web, địa chỉ ví trên OpenSea. 

Những tưởng số tiền lên tới hơn 1 triệu USD của nhà đầu tư sẽ bị cuỗm mất, nhưng may mắn thay vì lòng tham chuẩn bị thực hiện một vụ lừa đảo tiếp theo, chúng đã để lộ dấu vết và đã bị Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu chuyển khoảng 1,1 triệu đô la Mỹ tiền thu được qua một số ví tiền mã hóa để trả lại cho cộng đồng nhà đầu tư. 

Di tim nguyen nhan va giai ma nhung chieu tro lua dao pho bien trong khong gian NFT - anh 4

Frosties là một vụ Rug Pull đầu tiên của năm 2022 và may mắn có cái kết “happy ending”, nhà đầu tư đã lấy lại được tiền, nhưng nhà đầu tư trong các vụ án Rug Pull đã không được may mắn như vậy. Theo dữ liệu của Chainalysis, tổng số tiền bị thiệt hại trong các vụ Rug Pull tính riêng năm 2021 đã lên tới 2,8 tỷ USD. 

Giả mạo NFT từ những tác phẩm nghệ thuật

Trong không gian NFT có không ít người thực hiện hành vi giả mạo NFT và dễ dàng niêm yết trên nền tảng trao đổi tài sản này. Với những người không có kiến thức nền tảng thì họ hoàn toàn có thể bị mua phải một NFT giả mạo. Bởi vì, những kẻ lừa đảo này đã trau dồi và rèn giũa kỹ năng, hình thức đến mức có thể đánh lừa người mua rằng hàng giả của họ là hàng thật. 

Thực tế vẫn có nhiều trường hợp nhà đầu tư có ít kinh nghiệm vẫn bị mua phải NFT giả mạo. May mắn là vẫn có một cách rất hiệu quả giúp nhà đầu tư mới dễ dàng xác định NFT của người bán là thật hay giả. NFT được lưu trữ và có thể truy cập thông qua blockchain, hơn nữa chúng là duy nhất nên rất dễ dàng xác minh bởi vì sẽ không có hai NFT giống hệt nhau cùng tồn tại. Việc của bạn rất là đơn giản, bạn có thể truy xuất thông tin của người đầu tiên tạo ra chúng để xác định NFT đó là thật hay giả. 

Di tim nguyen nhan va giai ma nhung chieu tro lua dao pho bien trong khong gian NFT - anh 5

Bên cạnh đó còn có một vấn đề lừa đảo đáng lên án hơn đó là việc những kẻ lừa đảo biến những tác phẩm của một nghệ sĩ nào đó ngoài đời thực thành NFT và bán chúng trên OpenSea, Rarible… mà không hề xin phép bản quyền của tác giả. 

Điển hình như, Aja Trier, một họa sĩ sống tại thành phố San Antonio cho biết các tác phẩm của cô đã bị đánh cắp và được chuyển thành gần 86.000 NFT đang được giao dịch trên nền tảng OpenSea mà cô không hề biết. Mỗi NFT của cô được bán với giá 0,003 ETH và số tiền thu về lên tới gần 1 triệu USD. Lợi nhuận cực khủng này chính là lý do khiến nạn đánh cắp bản quyền ngày càng trở nên “phổ biến”. 

Di tim nguyen nhan va giai ma nhung chieu tro lua dao pho bien trong khong gian NFT - anh 6

Đáng chú ý, các tính năng miễn phí của các sàn giao dịch giúp người dùng có thể tạo NFT mà không cần phải ghi vào blockchain, cũng chính là yếu tố quan trọng tiếp tay cho nạn ăn cắp bản quyền gia tăng. Theo ghi nhận có rất nhiều nghệ sĩ bị đánh cắp tác phẩm theo cách này nhưng chỉ có một số ít tác giả may mắn đòi lại được các tác phẩm bị “trộm”. Vì thế, những vụ việc như vậy xuất hiện hàng ngày hàng giờ trên OpenSea và các nền tảng giao dịch khác mà chưa thể xử lý triệt để.

Có thể trong tương lai, hệ thống kiểm soát bản quyền sẽ gắt gao hơn để xác minh thông tin về các bộ sưu tập, nghệ sĩ và người bán hợp pháp, đồng thời trừng phạt những kẻ lừa đảo trên thị trường nhưng hiện tại vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, theo Mert Hilmi Iseri, chuyên gia của Math Venture Partners.

Pump and Dump

Chúng ta thường nghe thấy cụm từ Pump and Dump (P&D) trên các thị trường tài chính như tiền mã hóa, chứng khoán, ngoại hối … Hình thức lừa đảo này không còn quá xa lạ với các thị trường tài chính và NFT cũng không ngoại lệ. 

Di tim nguyen nhan va giai ma nhung chieu tro lua dao pho bien trong khong gian NFT - anh 7

Được biết, hình thức lừa đảo này bắt đầu từ âm mưu của một số nhà kinh doanh cổ phiếu penny khét tiếng trong những năm 1990. Đây thực chất là những loại “cổ phiếu ma” không thực sự có giá trị, họ sẽ tìm cách bơm thổi vào nó khiến giá trị của cổ phiếu tăng lên đồng thời kêu gọi thêm nhiều nhà đầu tư và sau đó họ sẽ xả hàng, tháo chạy và chỉ còn lại “con mồi” vẫn đang quay cuồng mua vào, kỳ vọng về tương lai tươi sáng.

Bằng cách này, những kẻ lừa đảo có thể kiếm được lợi nhuận khổng lồ một cách nhanh chóng và đương nhiên, những tay mơ bị lừa ôm đống cổ phiếu vô giá trị sẽ là đối tượng bị thiệt hại nghiêm trọng nhất. 

Di tim nguyen nhan va giai ma nhung chieu tro lua dao pho bien trong khong gian NFT - anh 8

Những trò gian lận P&D NFT cũng rất phổ biến và dường như có phần “nhộn nhịp” hơn các thị trường tài chính khác. Đây là ngành công nghiệp số mà mỗi diễn biến của giá cả đều chịu tác động rất lớn vào tin tức và những nhân vật có tầm ảnh hưởng trên thị trường. Ngoài ra, NFT được biết đến với tài sản có tính năng ẩn danh nên cũng có thể một lý do khiến chiêu trò lừa đảo này phổ biến hơn trong thị trường NFT.

Giả mạo Airdrop chiếm đoạt NFT

Gần đây liên tiếp xuất hiện 2 vụ lừa đảo NFT bằng hình thức giả mạo tài khoản Twitter thông báo thực hiện Airdrop để chiếm đoạt tài sản của người dùng. Hai vụ lừa đảo mới nhất bằng cách này liên quan đến 2 dự án đình đám đó là ApeCoin và Azuki NFT với thiệt hại lên tới hàng triệu USD. 

Di tim nguyen nhan va giai ma nhung chieu tro lua dao pho bien trong khong gian NFT - anh 9

Những kẻ lừa đảo sẽ hack một vài tài khoản trên Twitter từ nhà báo hoặc cá nhân nào uy tín, đã được nền tảng này xác minh. Sau đó, chúng đổi tên hoặc bổ sung thông tin giống như những nhân vật quan trọng của dự án này và tiến hành tweet thông báo về việc sẽ chuẩn bị Airdrop kèm theo link trang web để người dùng kết nối ví nhận NFT. 

Dĩ nhiên, người dùng sẽ không nhận được NFT nào mà còn bị bốc hơi toàn bộ số NFT đang sở hữu, trong đó có nhiều bộ sưu tập đắt giá như BAYC, CryptoPunks…

Di tim nguyen nhan va giai ma nhung chieu tro lua dao pho bien trong khong gian NFT - anh 10

Những yếu tố bạn cần tìm hiểu về một dự án NFT

Để đảm bảo đầu tư vào những bộ sưu tập NFT thực sự có giá trị và không bị lừa thì bạn cần dành càng nhiều thời gian tự nghiên cứu càng tốt. Dưới đây là những điểm quan trọng bạn cần phải tìm hiểu về một dự án NFT. 

Tìm hiểu về người đứng sau dự án

Di tim nguyen nhan va giai ma nhung chieu tro lua dao pho bien trong khong gian NFT - anh 11

Dù là NFT hay các sản phẩm đầu tư khác, bên cạnh sự độc đáo và giá trị của sản phẩm thì phần lớn thành công của dự án sẽ quyết định bởi người sáng lập nên nó. Vì vậy, một dự án NFT được đánh giá cao nếu người sáng lập có một hồ sơ uy tín và có đủ năng lực dẫn dắt dự án tiến xa hơn. Do đó bạn cần phải biết ai là người thực sự đứng sau dự án NFT mà mình có ý định đầu tư. 

Thực tế là bạn đầu tư vào NFT nhưng bản chất là bạn đang đầu tư vào những người sáng tạo nên NFT. Vì thế, bên cạnh việc thu thập thật nhiều thông tin cá nhân về nhà sáng lập, bạn cũng nên xem xét lộ trình của dự án. Từ đó, bạn sẽ thấy lộ trình, tầm nhìn và đánh giá được mức độ tiềm năng của dự án.  

Một dự án NFT cuối cùng có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào khả năng của người tạo ra nó. Ngoài ra, hãy cảnh giác với các dự án mới được thành lập chỉ khoảng vài tuần hoặc những dự án có chiều hướng ăn theo các dự án đang thành công trên thị trường. Rất có thể chúng là lừa đảo hoặc chỉ gây sốt tạm thời và không thực sự tiềm năng. 

Cộng đồng của dự án NFT

Di tim nguyen nhan va giai ma nhung chieu tro lua dao pho bien trong khong gian NFT - anh 12

Sau khi nắm bắt được sơ bộ về dự án, lộ trình, kế hoạch hành động cùng người sáng tạo nên NFT thì việc tiếp theo đó là bạn cần phải tìm hiểu về cộng đồng của dự án, những người đã xuống tiền để sở hữu NFT. Họ có cởi mở để trả lời các câu hỏi không? Họ có vẻ giống như những nhà đầu tư chu đáo hay những kẻ lừa đảo. Bên cạnh đó, bạn cũng cần tìm hiểu thông tin và theo dõi phản ứng của cộng đồng nhà đầu tư trên kênh Discord, Twitter hoặc YouTube. Một cộng đồng NFT tốt sẽ chia sẻ quan điểm tích cực đối với dự án NFT, người sáng tạo, cũng như tiềm năng phát triển trong tương lai. Bất kỳ câu hỏi nào của bạn về NFT phải luôn được các thành viên cộng đồng trả lời một cách minh bạch. Và làm như vậy là một cách tiếp cận tốt sẽ giúp bạn tìm hiểu dự án tốt hơn. 

Hợp đồng thông minh của NFT

Di tim nguyen nhan va giai ma nhung chieu tro lua dao pho bien trong khong gian NFT - anh 13

Sau khi nghiên cứu bạn đã thấy khá tin tưởng với người sáng tạo và cộng đồng sở hữu NFT, thì bạn cần nghiên cứu sâu hơn các thông tin về hợp đồng thông minh của dự án đó. Không phải mọi dự án NFT đều sử dụng hợp đồng thông minh, tuy nhiên, một số NFT có thể mang lại tiện ích thực tế cho các nhà đầu tư, chẳng hạn như quyền truy cập vào tham gia vào các sự kiện đặc biệt rất có thể sẽ sử dụng smart contract. Về cơ bản, nếu một dự án có thể sử dụng hợp đồng thông minh sẽ đem lại cảm giác đầu tư an toàn hơn cho cộng đồng nhà đầu tư NFT.

Kết luận

Chúng ta đều nhận thấy rằng số vụ lừa đảo NFT vẫn diễn ra hàng ngày hàng giờ và đầy rẫy trên thị trường nhưng không phải tất cả các dự án NFT đều lừa đảo. Thị trường NFT thực sự rất tiềm năng và ngày càng bùng nổ mạnh trở thành một xu hướng đầu tư mới và khá hiệu quả. Vì thế, thay vì để tiền trong ngân hàng và bị mất giá trị do lạm phát phi mã thì chủ động nghiên cứu về thị trường này và đầu tư là một lựa chọn chính xác, khôn ngoan hơn. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn phải cẩn trọng với những chiêu trò lừa đảo trong không gian NFT để bảo vệ chính tài sản của mình.