Crypto là kênh đầu tư sôi động và nổi bật nhất trong năm 2021 khi hàng chục nghìn tỷ đô la Mỹ đã chảy vào thị trường này bất chấp những biến động lớn về giá cũng như các rủi ro về dự án lừa đảo hay mô hình Ponzi.
Vậy làm thế nào để nhà đầu tư có thể cảnh giác và nhận biết các hình thức lừa đảo trong thị trường tiền mã hóa? Hãy tham khảo ngay các thông tin hữu ích dưới đây được cập nhật bởi đội ngũ chuyên gia của Coinvn.
Dấu hiệu nhận biết lừa đảo trong tiền mã hóa
Các đặc tính phi tập trung, ẩn danh cùng với tính thanh khoản cao cũng như dễ dàng giao dịch xuyên biên giới đã khiến tiền mã hóa trở thành miếng mồi ngon của rất nhiều các hacker cũng như tổ chức lừa đảo trên thế giới. Vậy, đâu là dấu hiệu nhận biết các dự án lừa đảo trong thị trường tiền mã hóa?
Trong bài phát biểu “Những điều cần biết về tiền mã hóa và lừa đảo”, Federal Trade Commission – Ủy ban thương mại liên bang đã đưa ra một số dấu hiệu cảnh báo về sự lừa đảo trong thị trường crypto như sau:
– Cam kết 100% kiếm được tiền hoặc cam kết mức lợi nhuận cố định hàng tháng rất cao từ 15 – 25% hoặc hơn thế nữa. Đây là điều không thực tế bởi tiền mã hóa là phi tập trung, không một cá nhân hay tổ chức nào có thể điều chỉnh và kiểm soát sự biến động của giá.
– Tặng miễn phí người tham gia một số lượng nhất định tiền mã hóa hoặc thậm chí là tiền thật khi tham gia đầu tư.
– Thông tin dự án không minh bạch, chi tiết. Website không có điều khoản, nội quy hoạt động cũng như không cung cấp số điện thoại hỗ trợ. Diễn đàn của dự án có ít người tham gia hoặc ít khi cập nhật các thông tin mới có liên quan.
– Các tuyên bố cam kết lợi ích cũng như hứa hẹn sự tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai của nhà đầu tư nhưng không đưa ra căn cứ rõ ràng.
Các hình thức lừa đảo tiền mã hóa nên cảnh giác, đề phòng
– Tặng quà thông qua các nền tảng mạng xã hội
Đối tượng lừa đảo thường sử dụng các kênh truyền thông chính thức của dự án như twitter hoặc các hội nhóm trên facebook để tặng quà cho người tham gia và yêu cầu họ gửi trước một số tiền nhất định làm phí nhận quà. Ví dụ như bạn sẽ nhận được 1 BTC nếu chuyển trước cho họ 0,1 BTC…
– Dự án tổ chức theo mô hình Ponzi hoặc mô hình kim tự tháp
Các dự án này thường có đặc điểm là người tham gia trước sẽ tích cực truyền thông, lôi kéo những người tham gia mới vào dự án bằng lợi nhuận khủng mỗi tháng được trả thẳng trực tiếp vào tài khoản của họ. Dòng tiền trong các dự án này được huy động trực tiếp từ những người tham gia với cơ chế lấy tiền của người mới trả cho người cũ. Vì vậy, đến khi không huy động đủ số lượng người mới tham gia thì dự án sẽ sụp đổ.
– Các ứng dụng di động giả mạo
Các ứng dụng này được thiết kế riêng biệt để ăn cắp dữ liệu tài khoản cũng như tiền mã hóa của bạn đang được lưu trữ tại các ví điện tử. Nhà phát triển các ứng dụng này thường giả mạo những tổ chức, công ty lớn có tên tuổi trong thị trường và tạo các đánh giá ảo cũng như nâng cao vị trí xếp hạng trên CH Play và App Store để đánh lừa người dùng tải xuống và sử dụng như các ứng dụng thông thường. Vì vậy, để tránh tình trạng trên, bạn hãy tải các ứng dụng trên website chính thức của dự án hoặc đường link ở các nguồn đáng tin cậy.
– Tấn công giả mạo
Kẻ lừa đảo sẽ cố gắng đánh cắp mật khẩu hoặc seed phrase tài khoản bằng cách liên hệ với bạn qua tin nhắn, cuộc gọi, email… và báo rằng có sự cố xảy ra với các giao dịch đồng thời yêu cầu bạn khắc phục sự cố bằng cách làm theo hướng dẫn như nhấp vào đường link hoặc cung cấp thông tin về tài khoản. Thường thì kẻ lừa đảo thường là những người trong các hội nhóm trao đổi của dự án như telegram hay facebook. Vì vậy, bạn hãy cẩn thận và không bao giờ cung cấp mật khẩu hay seed phrase cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên hỗ trợ của các tổ chức uy tín.
Tại sao cần cảnh giác các hình thức lừa đảo tiền mã hóa
Thị trường crypto đang có tốc độ tăng trưởng thần tốc khi nhiều nhà đầu tư tin tưởng và coi đây là kênh trú ẩn an toàn, nhất là khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Và đây cũng là lý do các hacker, tổ chức lừa đảo ra đời để lôi kéo, dụ dỗ những nhà đầu tư không có kinh nghiệm, kiến thức cũng như ham muốn làm giàu nhanh chóng. Đồng thời, nếu người dùng chuyển nhầm sang địa chỉ ví khác hoặc bị đánh cắp thì các giao dịch cũng không thể thu hồi lại và sẽ không có bất kỳ tổ chức nào nhận trách nhiệm về việc này.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn, bạn hãy cẩn trọng, trang bị thêm kiến thức cũng như tìm hiểu chi tiết về dự án mà mình đang đầu tư.
Các biện pháp cảnh giác lừa đảo
Theo bài viết về “Gian lận tiền điện tử” của AARP.org – tổ chức phi lợi nhuận lớn nhất của Mỹ đã đưa ra một số biện pháp cảnh giác lừa đảo trong thị trường crypto như sau:
– Không chia sẻ cho bất kỳ ai thông tin về tài khoản ví điện tử của bạn như mật khẩu đăng nhập hay cụm từ seed phrase và lưu trữ chúng ở một nơi an toàn.
– Tải các ứng dụng hoặc truy cập đường link trên website chính thức của dự án hoặc tại các nguồn uy tín.
– Không thực hiện các giao dịch thông qua lời khuyên hoặc gợi ý của bất kỳ ai trên các nền tảng xã hội, nhất là những người nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng nhất định như các tiktoker, streamer hay những người người có địa vị và giàu có.
– Trang bị đầy đủ và cập nhật liên tục các kiến thức cũng như thông tin, tin tức của thị trường tiền mã hóa.
Một số ví dụ lừa đảo điển hình
Theo thống kê của Chainalysis những kẻ lừa đảo tiền mã hóa trên toàn thế giới đã chiếm đoạt hơn 8 tỷ đô la Mỹ của các nhà đầu tư trong năm 2021. Điển hình trong số đó là sự biến mất của sàn giao dịch tập trung Thodex của Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 04/2021. Faruk Fatih Ozer – người sáng lập sàn giao dịch Thodex đã chính thức bị cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ truy bắt khi lừa đảo hơn 2 tỷ đô la Mỹ của các nhà đầu tư. Sau một thông báo của sàn về việc tạm dừng hoạt động rút tiền để nâng cấp nền tảng thì hàng trăm nghìn người dùng đã không thể truy cập vào ví điện tử của họ.
Còn ở Việt Nam, nhà đầu tư có lẽ sẽ không quên dự án Robimine – một sàn giao dịch tiền mã hóa đến từ Anh Quốc với cam kết lợi nhuận hàng tháng lên đến 15%. Và gần đây nhất là có thể kể đến dự án Zuki Moba – tựa game NFT được lấy cảm hứng từ trò ném tuyết của Nhật Bản đã được streamer ViruSs (Đặng Tiến Hoàng) PR, quảng bá. Nếu tham gia đầu tư theo những hướng dẫn của ViruSs thì các nhà đầu tư sẽ bị chia tài sản từ 6 – 20 lần. Nếu có những hiểu biết nhất định về thị trường tiền mã hóa thì chúng ta có thể phát hiện ngay rất nhiều dấu hiệu bất thường của dự án như cách quản lý token bất thường với 95% token ZUKI không bị khóa và có thể bán tháo bất kỳ lúc nào hay sự chỉnh sửa lộ trình phát triển mà không có thông báo cập nhật công khai.
Tổng kết
Nhìn chung, trên thị trường crypto có rất nhiều các cạm bẫy khác nhau khiến nhà đầu tư mất tiền, nhất là khi tiền mã hóa chưa được luật pháp công nhận và bảo hộ. Vì vậy, để bảo vệ lợi ích của mình cũng như đảm bảo sự an toàn của tài sản, nhà đầu tư hãy tự mình nâng cao tính cảnh giác đồng thời trang bị kiến thức và thông tin cần thiết để không bị dính bẫy của các tổ chức lừa đảo.