Yield Farming là gì? Những điều mà nhà đầu tư mới cần biết về hình thức này

Yield Farming là một trong những hình thức đầu tư thụ động phổ biến trong thị trường tài chính phi tập trung. Đây cũng là một giải pháp giúp nhà đầu tư thu về lợi nhuận trong lúc thị trường ảm đạm.

13666Total views
Yield Farming la gi? Nhung dieu ma nha dau tu moi can biet ve hinh thuc nay - anh 1
Những điều mà nhà đầu tư mới cần biết về Yield Farming

Yield Farming là gì?

Yield Farming là thuật ngữ chỉ hoạt động đầu tư và tạo lợi nhuận từ tài sản tiền mã hóa thông qua việc cung cấp thanh khoản cho các nền tảng DeFi (Decentralized Finance – Tài chính Phi tập trung). 

Nếu mượn một hình thức đầu tư từ thị trường tài chính truyền thống để nói về Yield Farming, thì đó chính là hình thức gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Ngoài mức độ uy tín, các ngân hàng sẽ cạnh tranh với nhau bằng việc đưa ra một mức lãi suất tốt nhất để thu hút nhà đầu tư gửi tiền vào ngân hàng đó. 

Khi đó, ngân hàng sẽ sử dụng nguồn vốn của nhà đầu tư cho các mục đích tạo lợi nhuận khác. Đổi lại, họ sẽ nhận về một khoản lợi nhuận dựa theo mức lãi suất ban đầu mà ngân hàng đề ra.

Việc canh tác năng suất (Yield Farming) trong không gian DeFi cũng tương tự. Người dùng gửi tiền của họ vào một giao thức DeFi cụ thể (như Compound – một giao thức Lending & Borrowing, hoặc các sàn DEX…). Sau đó các giao thức này sẽ cho phép người dùng vay và họ phải trả một mức lãi suất nhất định. Đổi lại, nhà đầu tư sẽ được giao thức chia một phần lợi nhuận nhất định.

Yield Farming la gi? Nhung dieu ma nha dau tu moi can biet ve hinh thuc nay - anh 2

Tầm quan trọng của Yield Farming trong DeFi

Trong không gian DeFi, Yield Farming được xem là một chủ đề phổ biến và được nhiều người quan tâm. Kể từ năm 2020 cho đến nay, thị trường tài chính phi tập trung đang tăng trưởng với tốc độ 150% về tổng giá trị bị khóa (TVL) tính bằng đô la Mỹ. 

Nếu so với vốn hóa thị trường tiền mã hóa ở thời điểm hiện tại thì tỷ lệ tăng trưởng của vốn hóa ở mức 37%. Chúng ta có thể thấy tốc độ tăng trưởng của TVL lớn hơn 4 lần so với vốn hóa thị trường Crypto. 

Điều này đã khiến cho Yield Farming thu hút nhiều nhà đầu tư hơn nữa khi được nhiều chuyên gia đánh giá cao về việc góp phần thúc đẩy DeFi phát triển. Sự xuất hiện của khái niệm Liquidity Farming đã tạo ra một hình thức đầu tư mới. Đó là nhà đầu tư sẽ cung cấp thanh khoản cho các giao thức Lending & Borrowing – những nền tảng cung cấp dịch vụ cho vay và đi vay. 

Đổi lại, các nhà đầu tư sẽ nhận lại một khoản lợi nhuận từ các giao thức này. Đáng chú ý là có những giao thức cho phép nhà đầu tư tận dụng lại các token LP để staking và thu về một khoản lợi nhuận khác.

Như vậy, chúng ta có thể nói Yield Farming là một hình thức giúp cho các giao thức đáp ứng các nhu cầu của người dùng như vay hoặc cho vay. Và cả người dùng lẫn nền tảng đều có thể có được doanh thu từ hình thức này.

Compound (COMP), Curve Finance (CRV) và Balancer (BAL) là một trong những cái tên hàng đầu trong tất cả nền tảng Yield Farming phổ biến trong DeFi.

Yield Farming – Giải pháp cho tính thanh khoản của DeFi

Các giao thức DeFi nói chung và Lending & Borrowing nói riêng cần phải có một nguồn thanh khoản lớn để duy trì hoạt động của nền tảng và nhà đầu tư là đối tượng chính cung cấp tính thanh khoản cần thiết. 

Bên cạnh những giao thức Lending & Borrowing, các sàn DEX cũng là những nền tảng cần có một nguồn thanh khoản dồi dào để tránh rủi ro trượt giá nghiêm trọng, giúp cho người dùng trải nghiệm giao dịch tổng thể tốt hơn.

Do đó, các dự án DeFi thường sẽ có những chiến lược sáng tạo đi kèm với những ưu đãi hấp dẫn để thu hút những người có tài sản nhàn rỗi. Một trong số đó chính là Yield Farming, nó không chỉ là một hình thức đầu tư và tạo lợi nhuận thụ động mà còn giúp nhà đầu tư giảm được rủi ro bán tháo các đồng token/coin khi thị trường sụt giảm.

Mối liên hệ giữa Yield Farming và Liquidity Pool

Uniswap và Balancer là hai nền tảng tiêu biểu giúp người dùng hình dung được mối quan hệ giữa Yield Farming và Liquidity Pool dễ dàng hơn. Cả hai đều chia sẻ một phần lợi nhuận từ doanh thu cho các nhà cung cấp thanh khoản. Đây có thể được xem là một phần thưởng để khuyến khích người dùng gửi tiền vào các pool thanh khoản của giao thức.

Trong các pool thanh khoản của Uniswap sẽ có tỷ lệ 50:50 giữa hai loại tài sản. Mặt khác, pool thanh khoản tại Balancer cho phép tối đa tám tài sản với phân bổ tỷ lệ khác nhau. 

Các nhà cung cấp thanh khoản sẽ nhận được một phần phí do nền tảng kiếm được mỗi khi ai đó giao dịch thông qua pool thanh khoản. Do đó, nếu khối lượng giao dịch trên sàn DEX tăng lên thì các nhà đầu tư có thể hưởng lợi nhiều hơn từ việc cung cấp thanh khoản.

Compound – giao thức đầu tiên khởi tạo cơn sốt Liquidity Farming

Vào thời điểm Compound phân phối token COMP thông qua chương trình Liquidity Farming và TVL của nền tảng này đã đạt 600 triệu đô la Mỹ. Sau đó, sự kiện này đã kéo theo nhiều giao thức khác ra mắt chương trình tương tự để thu hút thanh khoản giúp cho DeFi phát triển và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư hơn.

Theo sau đó, Balancer đã tung ra chương trình khuyến khích phần thưởng giao thức cho người dùng. TVL của Balancer cũng đã đạt được con số ấn tượng là 70 triệu đô la Mỹ.

Synthetix cũng không đứng ngoài cuộc đua thu hút người dùng, họ đã thưởng cho những nhà đầu tư cung cấp tính thanh khoản cho nhóm sETH/ETH trên Uniswap V1 bằng token của dự án.

Curve Finance – đơn giản hóa quy trình canh tác năng suất lúc bấy giờ

Curve Finance là một trong những giao thức hàng đầu cung cấp thanh khoản cho các sàn DEX. Nó được xây dựng để giúp các giao dịch stablecoin hiệu quả hơn. Hiện tại, Curve Finance hỗ trợ USDT, USDC, TUSD, SUDS, BUSD, DAI, PAX, cùng với các cặp BTC. Nền tảng thúc đẩy các nhà tạo lập thị trường tự động (AMM) cho phép các giao dịch được thực hiện với mức trượt giá thấp.

Các nhà tạo lập thị trường tự động cũng giúp Curve Finance giữ được phí giao dịch thấp. Từ đó, nền tảng này đã thu hút được nhiều người dùng hơn và đạt được một khối lượng giao dịch tương đối lớn. Mặc dù ra mắt sau, hiệu suất hoạt động của Curve Finance tốt hơn nhiều khi so với một số tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực Yield Farming.

Trong khi Uniswap tập trung vào việc tăng tính khả dụng của tính thanh khoản thì trọng tâm của Curve Finance là tạo ra mức trượt giá tối thiểu. Do đó, Curve Finance vẫn là lựa chọn hàng đầu cho các nhà giao dịch tiền mã hóa với khối lượng giao dịch lớn. 

Những rủi ro của Yield Farming

Tổn thất tạm thời – Impermanent Loss

Đối với các giao thức cụ thể như Uniswap, các nhà cung cấp thanh khoản có thể thu được khá nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên, bất kỳ sự thay đổi bất lợi nào về giá đều khiến lượng token stake ban đầu giảm giá trị. Đây là một khoản tổn thất tạm thời (Impermanent Loss) mà người cung cấp thanh khoản phải gánh chịu.

Tức là nếu người dùng stake các token không phải là stablecoin thì họ sẽ phải đối mặt với sự biến động về giá. Nói cách khác, khi họ stake 50% ETH và 50% một stablecoin ngẫu nhiên, nếu giá ETH giảm mạnh thì rủi ro mà họ phải gánh là chịu một khoản lỗ tạm thời trước khi kết thúc thời hạn stake và giá ETH tăng trở lại.

Rủi ro hợp đồng thông minh – Smart Contract Risk

Một rủi ro tiếp theo mà nhà đầu tư phải đối mặt đó là hacker có thể khai thác các hợp đồng thông minh và đánh cắp tài sản của người dùng giao thức DeFi cung cấp dịch vụ Yield Farming. 

Rủi ro thanh lý cao

Tài sản thế chấp phụ thuộc vào sự biến động liên quan đến tiền mã hóa. Thị trường biến động cũng có thể khiến các vị thế nợ của nhà đầu tư gặp rủi ro thanh lý. Người dùng cũng có thể phải chịu lỗ thêm vì cơ chế thanh lý kém hiệu quả.

Rủi ro bong bóng của các token DeFi

Rủi ro này có thể liên tưởng như những ngày đầu mà ICO bùng nổ vào năm 2017 và cái kết của xu hướng này. Tuy nhiên, sự bùng nổ DeFi có thể khác, hầu hết các dự án đều được hưởng sự quảng cáo rầm rộ chứ không phải tiện ích của chúng trong việc đạt giá trị vốn hóa thị trường cao hơn dự kiến.

Kết luận

Yield Farming đã trở thành xu hướng mới nhất của những người đam mê tiền mã hóa. Hình thức này cũng đang thu hút nhiều nhà đầu tư mới đến với thị trường tài chính phi tập trung. Tuy nhiên, Yield Farming vẫn tồn tại nhiều rủi ro nghiêm trọng như Impermanent Loss, Smart Contract Risk và rủi ro thanh lý. Chính vì thế, nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ lưỡng để có thể sử dụng vốn hiệu quả cũng như tránh được rủi ro không đáng có.