Các tiện ích đi kèm sẽ là chìa khóa thành công cho các fashion NFT vào năm 2022
Để có một năm 2022 bùng nổ hơn, các fashion NFT của các thương hiệu sẽ cần các tiện ích để kết nối với người dùng.
2021 là năm của các NFT trong lĩnh vực thời trang
Các Non-fungible token (NFT) đã cho thấy sức nóng của nó trong thời gian gần đây. Bằng chứng là doanh số kết hợp giữa các NFT dạng sưu tầm và nghệ thuật đã đạt 7,4 tỷ đô la Mỹ trong Q4/2021. Thị trường NFT nghệ thuật đã tăng từ 17,8 triệu đô la Mỹ vào ngày 1/1 lên 1,8 tỷ đô la Mỹ doanh thu tính đến ngày 5/11/2021.
Vào đầu năm 2021, các NFT dạng sưu tầm cũng bắt đầu với doanh số bán hàng khoảng 55,5 triệu đô la Mỹ. Kể từ đó, nó đã tăng lên 5,6 tỷ đô la Mỹ. Theo báo cáo của Reuters, tổng doanh số NFT đã tăng từ 1,3 tỷ đô la Mỹ trong Q2 lên 10,7 tỷ USD trong Q3/2021. Như vậy, tổng doanh số bán hàng liên quan đến NFT có thể đạt đến con số 18 tỷ đô la Mỹ vào cuối năm 2021.
Dự báo về doanh số này rất có thể xảy ra, vì một số thương hiệu chính thống đã bắt đầu tung ra NFT của riêng mình. Theo nghiên cứu gần đây từ Bain & Company và nền tảng thời trang cao cấp trực tuyến Farfetch, vấn đề tương tác kỹ thuật số với người tiêu dùng ngày càng trở nên quan trọng đối với các thương hiệu. Do đó, việc gắn kết trực tiếp giữa các thương hiệu và người tiêu dùng thông qua các token NFT giờ đây trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Thừa hưởng xu hướng chung của thị trường, có thể nói, năm 2021 là một năm của các NFT trong lĩnh vực thời trang (fashion NFT) với sự tham gia của hàng loạt các tên tuổi quen thuộc như Nike hay Adidas… Tuy nhiên, mọi thứ dường như mới chỉ bắt đầu. Để có một năm 2022 thực sự bùng nổ hơn nữa thì việc tung ra các tiện ích đi kèm với các NFT có thể sẽ là một giải pháp hữu ích mà các thương hiệu sẽ hướng đến.
Đưa ra tiện ích sẽ giúp các fashion NFT bùng nổ hơn trong năm 2022
Câu hỏi đặt ra ở đây là các tiện ích gắn liền với các fashion NFT cụ thể là gì? Theo chia sẻ từ Karinna Grant – CEO của The Dematerialized (một thị trường về thời trang trên nền tảng số) đã chia sẻ rằng các tiện ích là thứ mang lại mục đích và giá trị cho các token NFT. Chúng ta hãy liên tưởng đến các thẻ vật lý thường sử dụng trong đời sống ngày này. Một tiện ích có thể là bất cứ thứ gì từ việc sử dụng NFT để làm thẻ hội viên hoặc đưa một tài sản bất kỳ vào các nền tảng game…
Như vậy, đối với fashion NFT nói riêng sẽ tạo ra một số tương tác đối với người tiêu dùng. Nó cho phép các thương hiệu thời trang tương tác với khách hàng của họ trong cả thế giới thực và thế giới ảo. Xét ở góc độ sâu rộng hơn, trong một số trường hợp, các tiện ích của một số NFT thay vì chỉ đơn giản cho mục đích nghệ thuật thì các thương hiệu thời trang khi tung ra các NFT của riêng mình sẽ cần phải thiết kế những tiện ích tối ưu hơn dựa trên chính nhu cầu từ cộng đồng khách hàng hiện có của họ.
Lấy ví dụ, VaynerNFT gần đây đã giúp nhà thời trang toàn cầu – Coach, ra mắt bộ sưu tập NFT đầu tiên của mình, trong đó có tám con vật Coach Holiday từ trò chơi kỹ thuật số Snow City. Đại diện của VaynerNFT nói thêm rằng sự ra mắt của NFT cũng để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của Coach, dẫn đến việc tạo ra 80 tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số độc đáo có hình ảnh tám con vật trong kỳ nghỉ Coach.
Đại diện của VaynerNFT giải thích rằng mỗi Coach NFT kỹ thuật số cũng cấp quyền cho những người sở hữu đầu tiên cơ hội nhận một chiếc túi phiên bản phi vật lý, sẽ được làm theo đơn đặt hàng vào năm 2022. Các Coach NFT này sẽ được phát triển trên blockchain của Polygon. Coach sẽ đảm bảo không thương mại hóa quá sớm để khách hàng của họ tận hưởng cảm giác của những người sở hữu đầu tiên.
Các fashion NFT cũng phải hoạt động trong Metaverse?
Trên thực tế hiện nay là các thương hiệu hiện phải tương tác với người tiêu dùng cả trong thực tế và ảo. Do đó, một vài trong số họ cũng đã bổ sung thêm một số tiện ích kỹ thuật cho NFT của mình, giúp thương hiệu có thể kết nối với nhóm khách hàng tiềm năng trong thế giới Metaverse.
Lúc này, các NFT sẽ trở thành tấm vé để người dùng của hãng có đủ điều kiện để bước vào thế giới riêng do họ tạo ra. Trong thế giới đó, thương hiệu hoàn toàn có thể đưa ra các ưu đãi cho khách hàng của mình như việc giảm giá hay bán các hàng hóa độc quyền mà vốn chỉ có trên nền tảng Metaverse mà thôi.
Tuy nhiên, các fashion NFT có nên bị ràng buộc với các mặt hàng vật lý hay không? Điều này có lẽ vẫn cần thiết bởi hai lý do chính sau đây. Thứ nhất, đối với những người mới sở hữu các NFT lần đầu tiên, chắc chắn họ vẫn giữ một niềm tin rằng các sản phẩm vật lý vẫn có giá trị hơn so với các NFT. Thứ hai, điều quan trọng là phải có các mặt hàng thật để khách hàng có thể sở hữu được bằng cách mua một thứ gì đó trong Metaverse vì hầu hết người tiêu dùng vẫn sống trong thế giới thực.
Fashion NFT sẽ là một xu hướng mới của tương lai?
Sự gia tăng của NFT vào năm 2021 đã chứng tỏ sự tăng trưởng trong tương lai của các thương hiệu lớn. Và chúng ta sẽ không quá bất ngờ khi fashion NFT được dự đoán rằng sẽ là một xu hướng mới. Dưới đây là ba luận điểm chính lý giải cho điều này.
Thứ nhất, trong khi các công ty như Nike, Adidas… đã thực hiện các bước để gia nhập Metaverse, chắc chắn nhiều nhãn hàng sẽ làm theo họ như hệ lụy của một hiệu ứng Domino. Thứ hai, thế giới cũng đang hướng tới các mô hình kinh doanh kỹ thuật số, nơi mọi thứ đều được đưa lên không gian mạng. Ngoài ra, tác động của các yếu tố ngoại cảnh như Covid-19 cũng góp phần thúc đẩy những xu hướng số như hiện tại.
Tuy nhiên, cơ hội và thách thức cũng luôn song hành với nhau. Các nhãn hàng thời trang cũng sẽ gặp phải một số trở ngại chính sau đây. Đầu tiên là sự thay đổi trong tư duy khi đề cập đến giá trị của Web 3.0 và quyền sở hữu kỹ thuật số. Tiếp đến là việc hiểu rõ mục đích và tầm quan trọng của việc ra mắt và quảng bá các NFT đến với người tiêu dùng. Nếu như nhãn hàng nào giải quyết được các trở ngại này, họ sẽ sở hữu lợi thế dẫn đầu trong xu hướng mới này.