Curve Wars: Lời cảnh báo cho việc gia tăng hành vi chiếm dụng quyền biểu quyết trong lĩnh vực DeFi
Các giao thức DeFi đã và đang tìm mọi cách để “lách luật” để có thể tác động vào quyết định phân phối phần thưởng. Điều này có thể gây hại cho DeFi trong tương lai.
Kịch bản ẩn đằng sau Curve Wars
Curve Wars hiểu một cách đơn giản là cuộc chiến giành tính thanh khoản giữa các giao thức DeFi. Nghĩa là các dự án muốn kiểm soát các thị trường có khối lượng giao dịch cao giữa nhiều người mua và người bán. Theo dữ liệu từ DeFi Pulse, Curve Finance là một trong những thị trường tiền mã hóa có tính thanh khoản cao nhất với khoảng 14,68 tỷ đô la Mỹ tài sản bị khóa tính đến thời điểm viết bài.
Trong giao thức Curve sẽ có rất nhiều cặp tiền khác nhau để phục vụ cho nhu cầu hoán đổi (swap) của người dùng. Tính thanh khoản của các cặp giao dịch này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự trượt giá (slippage) khi giao dịch. Khái niệm trượt giá đề cập đến sự chênh lệch giữa giá mà bạn muốn mua hoặc bán một tài sản và giá cuối cùng bạn nhận được. Nó có ý nghĩa là nếu như thanh khoản càng cao thì tỷ lệ trượt giá càng thấp và ngược lại.
Nếu như bạn chỉ nắm giữ và hoán đổi với một lượng tiền nhỏ, có thể sẽ khó để bạn có thể hình dung ra những tác động tiêu cực của tỷ lệ trượt giá này. Tuy nhiên, nếu như bạn sở hữu một lượng tiền lớn, trượt giá có thể khiến bạn thiệt hại hàng triệu đô la Mỹ. Điều này thậm chí còn rủi ro hơn gấp nhiều lần nếu như bạn quản lý kho quỹ của giao thức.
Có một cách để tối ưu hóa tỷ lệ trượt giá này trên Curve đó là tăng tỷ lệ phần thưởng (bằng token gốc của giao thức Curve Finance – CRV) cho các bể thanh khoản (liquidity pool) nhằm bù đắp lại rủi ro trượt giá kể trên. Và cách duy nhất để làm được điều này là chiếm đa số tỷ lệ biểu quyết trên giao thức từ đó thay đổi tỷ lệ thưởng cho các pool. Cụ thể như sau.
Những người nắm giữ token CRV sẽ cho phép người dùng truy cập vào việc bỏ phiếu cho các đề xuất khác nhau ngoài việc kiếm phí giao dịch như chúng ta vẫn thấy. Để làm điều này, những người nắm giữ CRV sẽ cần phải khóa (lock) token CRV của họ vào giao thức. Đổi lại họ sẽ nhận được token biểu quyết tương ứng gọi là veCRV. Nếu người dùng khóa càng nhiều và càng lâu CRV của họ thì họ càng nhận được nhiều quyền biểu quyết (veCRV). Khi họ đã chiếm ưu thế với một lượng áp đảo phiếu bầu trong giao thức, họ có thể bỏ phiếu để pool họ sở hữu kiếm được phần thưởng CRV cao hơn so với các pool khác. Và hiện tại, các giao thức khác nhau đang cạnh tranh để chiếm được ưu thế này. Đó chính là khởi nguồn cho Curve Wars mà chúng ta đã nhắc đến ở đầu bài viết.
Cuộc đua tranh giành phiếu bầu trên Curve Finance
Giải pháp thì đã rõ ràng nhưng vấn đề bây giờ là làm thế nào để có thật nhiều token CRV để được phân phối veCRV? Bản thân mỗi giao thức có thể tích lũy CRV bằng cách mua nó trên các sàn giao dịch như Binance, WOO Network hay OKEx… Tuy nhiên, cách làm này không thực sự khả thi vì với tổng cung khoảng hơn 3.3 tỷ CRV cùng mức giá 4,87 đô la Mỹ tại thời điểm viết bài thì sẽ cần một lượng tiền lớn để có thể sở hữu được một lượng CRV đáng kể.
Lúc này, các giao thức đã nghĩ ra một phương án khác là huy động từ cộng đồng. Theo cách làm truyền thông thì có nghĩa là họ sẽ huy động các thành viên đang hoặc có ý định nắm giữ veCRV để tham gia bỏ phiếu cho pool của họ. Tuy nhiên, người ta sẽ chỉ thực sự bầu cho pool đó nếu như họ nhìn thấy cái lợi. Và để thu hút là phiếu của những người dùng này, các giao thức sẽ tạo ra một loại token của riêng họ, làm cách nào đó để nó trở nên hấp dẫn để người dùng sẵn sàng bầu cho giao thức của họ.
Convex là một ví dụ điển hình cho vấn đề này. Ngày nay, nó sở hữu hơn 53% tổng số token CRV hiện đang được lưu hành. Bằng cách cung cấp phần thưởng cao nhất cho người dùng, nó ngày càng thu được nhiều CRV. Khi người dùng khóa token CRV của họ trên Convex, họ sẽ nhận được một loại token khác có tên cvxCRV. Việc nắm giữ token này cho phép người dùng có thể trả phí giao dịch từ Curve hoặc nhận được token gốc của Convex là CVX hoặc nhận được phần thưởng tối đa cho một pool Curve cụ thể.
Có một thực tế đáng nói đến ở đây là ngày nay, một số nền tảng đều cho phép thực hiện các hành vi “lách luật” này với một hình thức nào đó. Nếu điều này thực sự xảy ra trên diện rộng, DeFi không còn đúng ý nghĩa phi tập trung, nơi quyền kiểm soát được trao vào tay tất cả người dùng như những gì mà nó hướng đến nữa. Và để DeFi có thể tiếp tục tồn tại và phát triển hơn nữa, có lẽ nó sẽ cần những chế tài nhất định để giải quyết các vấn đề như vậy trong tương lai.