Lo ngại Nga can thiệp vào kết quả bầu cử, Ireland cấm nhận quyên góp bằng Bitcoin
Chính phủ Ireland muốn loại bỏ tiền mã hóa khỏi quá trình bầu cử vì lo ngại Nga và các đồng minh can thiệp vào các hoạt động tranh cử của nước này.
Bộ Xây dựng, Chính quyền địa phương và Cơ quan Quản lý Di sản Ireland đang soạn thảo một số điều luật cấm các đảng chính trị nhận quyên góp bằng Bitcoin hoặc những loại tiền mã hóa khác.
Bộ trưởng Darragh O’Brien, người giám sát các cuộc bầu cử và cải cách bỏ phiếu, đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm vào tháng 01/2022 để đề xuất các dự luật cần thiết cho việc duy trì sự an toàn và minh bạch của cuộc bầu cử.
Điều mà chính quyền Ireland quan tâm nhất hiện nay đó là bảo vệ đất nước khỏi các cuộc tấn công mạng và thông tin sai lệch được phát ra từ những thành phần có liên quan với Nga. Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã dấy lên nhiều mối lo ngại cho nước này.
Theo O’Brien, lực lượng đặc nhiệm đã cung cấp “văn bản hướng dẫn đầy đủ để xây dựng một bức tường thành pháp lý, chống lại sự can thiệp ác ý vào cuộc bầu cử của chúng tôi”.
Ngoài việc cấm quyên góp tiền mã hóa, các quy tắc sửa đổi sẽ được thực thi bởi một Ủy ban bầu cử, để thắt chặt các yêu cầu đối với những khoản quyên góp nước ngoài và trao cho chính phủ quyền xóa những nội dung chống phá khỏi các nền tảng truyền thông xã hội.
Ireland cho rằng, các hacker và nhân viên tình báo Nga đã nhắm vào các Chính phủ phương Tây cũng như cơ sở hạ tầng chính trị của Mỹ trong suốt thập kỷ qua. Trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, Nga đã lén lút mua quảng cáo trên Facebook và thậm chí còn thuê diễn viên đóng giả người Mỹ để tuyên truyền những thông tin xuyên tạc, nhằm lôi kéo cộng đồng tràn ngập trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Theo nguồn tin từ Cộng đồng Tình báo Hoa Kỳ, bao gồm: CIA, FBI và 15 cơ quan khác thì RT America (một kênh truyền thông do chính phủ Nga tài trợ) chính là “cơ quan tuyên truyền quốc tế chính của Kremlin”. Các cơ quan tình báo rất chắc chắn rằng RT, cũng phát sóng “Báo cáo Keiser” với sự tham gia của nhà tài phiệt Bitcoin – Max Keiser. Họ cho rằng đây là một phần của chiến dịch tin tức giả mạo do Tổng thống Vladimir Putin chỉ đạo.
Trong suốt cuộc tổng tuyển cử năm 2020 của Hoa Kỳ, tin tặc Nga đã đột nhập vào một số cơ sở dữ liệu bầu cử của chính quyền liên bang. Tuy nhiên, các trường hợp này chỉ có quyền truy cập nhưng không thể thay đổi dữ liệu. Năm sau, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã ra quyết định xử phạt các địa chỉ tiền mã hóa được cho là do Cơ quan Nghiên cứu Internet của Nga sử dụng, nhằm phá hoại tính toàn vẹn của cuộc bầu cử.
Động thái trên của Ireland chỉ là một trong những biện pháp ngăn chặn các tổ chức tài chính có liên kết Nga hoặc các đồng minh thân cận của nước này, lợi dụng các khoản quyên góp bằng tiền mã hóa để gây ra những bất lợi cho cuộc bầu cử sắp tới của họ.
Nếu quan sát diễn biến thị trường tiền mã hóa trong thời gian dài, hẳn các nhà đầu tư đều biết rằng, bất kể những tin tức chính trị nào dù tốt hay xấu cũng sẽ gây ra biến động đáng kể đến thị trường Crypto. Do đó, bạn đọc nhớ theo dõi Coinvn mỗi ngày để không bỏ lỡ các diễn biến quan trọng có thể ảnh hưởng đến kết quả đầu tư của bản thân.