Lợi thế của parachain: Khám phá mô hình thế hệ mới của Polkadot

Polkadot và mô hình parachain với giá trị mà công nghệ đa chuỗi mang lại đang thay đổi cuộc chơi và góp phần xây dựng nên Web 3.0.

7168Total views
Loi the cua parachain: Kham pha mo hinh the he moi cua Polkadot - anh 1
Lợi thế của parachain: Khám phá mô hình thế hệ mới của Polkadot

Parachain là gì?

Được hình thành lần đầu tiên vào năm 2016, mô hình đa chuỗi phức hợp của Polkadot cho phép các blockchain độc lập, chuyên biệt với mục đích sử dụng khác nhau có thể hoạt động cùng nhau một cách bảo mật và thống nhất.

Parachain là blockchain lớp 1 thế hệ mới giúp đưa yếu tố “đa” vào đa chuỗi, định hình xương sống của mạng lưới Polkadot và tạo ra một liên minh miễn phí gồm các chuỗi có chủ quyền. Trong khi đó, Polkadot sử dụng giao thức lớp 0 làm nền tảng và hỗ trợ các parachain lớp 1 này. Khả năng tương tác cross-chain của Polkadot cho phép bất kỳ loại dữ liệu hay nội dung nào cũng có thể gửi được giữa các parachain. Từ đó, tạo ra một mô hình mới cho các dịch vụ, cộng đồng và nền kinh tế trong chuỗi. Kiến trúc đa chuỗi này cho phép Polkadot hình thành nên nền tảng mạng Internet phi tập trung mới, được người sáng lập Polkadot – tiến sĩ Gavin Wood gọi là Web 3.0.

Loi the cua parachain: Kham pha mo hinh the he moi cua Polkadot - anh 2

Mô hình parachain mang lại khả năng mở rộng cho công nghệ blockchain theo cách phi tập trung và đáng tin cậy hơn là chỉ dựa hoàn toàn vào các giải pháp mở rộng lớp 2. Các giao dịch được trải rộng trên toàn mạng lưới, diễn ra song song hoặc đồng thời trên một số blockchain được bảo mật bởi một nhóm validator phi tập trung.

Hơn 130 nhóm phát triển blockchain trên khắp thế giới hiện đang xây dựng và ra mắt parachain của riêng họ trên hệ sinh thái đang phát triển của Polkadot. Phần lớn lý do là bởi, mô hình parachain mang lại cho họ những lợi thế khác biệt so với các công nghệ thay thế khác. Trong trường hợp của Kusama (canary network của Polkadot – một giải pháp nhằm tránh những mạng lưới thử nghiệm giả mạo, gây nhiễu loạn trên blockchain), nhiều parachain đã và đang hoạt động, đồng thời đã xử lý hàng triệu giao dịch kể từ mùa hè năm 2021.

Loi the cua parachain: Kham pha mo hinh the he moi cua Polkadot - anh 3

Lợi ích chính mà parachain mang lại

Mô hình parachain của Polkadot mở ra những khả năng hoàn toàn mới cho công nghệ blockchain và tương lai của Web 3.0. Khó có thể tổng hợp giá trị thực của mô hình parachain, một phần là vì những lợi ích mà công nghệ này mang lại là rất lớn.

Dưới đây là một số lợi ích chính của parachain:

Chuyên môn hóa

Mô hình parachain được tạo ra với tư tưởng gắn liền cùng tương lai của Web 3.0, nơi sẽ có nhiều loại blockchain khác nhau hoạt động cùng nhau. Nguyên nhân là do, không có thiết kế blockchain riêng lẻ nào hoạt động tối ưu cho mọi trường hợp sử dụng. Mỗi chuỗi có một sự cân bằng riêng khiến chuỗi đó chỉ phù hợp với một lượng ứng dụng này mà ít tương thích với những ứng dụng khác.

Cũng giống như phiên bản hiện tại của Internet có khả năng đáp ứng các nhu cầu khác nhau, blockchain cũng cần có khả năng cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau: Một chuỗi có thể được thiết kế để chơi game, một chuỗi khác để quản lý danh tính, một chuỗi khác chuyên về tài chính… Polkadot tạo ra nền tảng Internet cho các blockchain, nơi kết nối các chuỗi đa dạng trên với nhau.

Parachain có thể chuyên môn hóa hầu hết mọi trường hợp sử dụng blockchain. Bên cạnh đó, Parachain cũng được coi như một công cụ để thử nghiệm các trường hợp sử dụng hoàn toàn mới, đặc biệt là trên Kusama. Nhờ sự chuyên môn hóa này, các parachain có thể xử lý công việc hiệu quả cùng nhau hơn bất kỳ chuỗi đơn nào hoạt động riêng lẻ. Từ đó, tạo ra một hệ sinh thái phong phú, nơi các nền kinh tế phi tập trung mới có thể phát triển.

Tính linh hoạt

Khi xây dựng chuỗi, Polkadot cung cấp sự linh hoạt tối đa cho các nhà phát triển parachain. Yêu cầu kỹ thuật duy nhất để trở thành parachain là phải chứng minh được với những validator của Polkadot rằng mọi block của parachain đó tuân thủ theo giao thức. Hơn nữa, không có giới hạn nào cho việc thiết kế ra một chuỗi hoàn hảo đáp ứng được bất cứ trường hợp sử dụng nào hay một nhóm các trường hợp sử dụng.

Việc xây dựng một parachain cũng mang lại cho các nhà phát triển blockchain sự linh hoạt hơn nhiều so với việc họ đang xây dựng trên nền tảng smart contract. Khi xây dựng trên lớp smart contract, các nhà phát triển bị ràng buộc bởi những quyết định thiết kế của nền tảng blockchain. Đây sẽ không phải là giải pháp tối ưu trong trường hợp sử dụng của họ. Polkadot cho phép các nhà phát triển đi sâu vào logic của chính parachain lớp 1, mở ra nhiều khả năng tối ưu hơn.

Tính linh hoạt của mô hình parachain mở ra khả năng hoán vị lớn nhất có thể với công nghệ blockchain. Điều này thúc đẩy sự đổi mới trong Web 3.0 và khắc phục những hạn chế cũng như nguy hiểm tiềm tàng mà các mạng lưới blockchain trước đây gặp phải.

Khả năng tương tác

Một khía cạnh quan trọng của mô hình parachain là các blockchain với thiết kế khác nhau có khả năng trao đổi thông tin với nhau. Khả năng tương tác của Polkadot, hay còn được biết đến là khả năng kết hợp cross-chain, giúp các blockchain không còn là những “hòn đảo” biệt lập bị ngăn cách với nhau nữa. Parachain kết thúc kỷ nguyên của các blockchain bị tách biệt, tạo ra một mạng lưới blockchain được kết nối, phi tập trung, nơi mà trước đây chỉ tồn tại các mạng lưới bị cô lập với cộng đồng của riêng mình.

Quan trọng hơn cả, Polkadot cho phép gửi không chỉ riêng các token mà bất kỳ loại dữ liệu nào giữa các parachain với nhau, mở ra một loạt các trường hợp sử dụng blockchain mới. Các nhà phát triển Polkadot có thể tận dụng tính năng của nhiều blockchain để xây dựng nên các dịch vụ, thay vì bị giới hạn ở tính năng của một chuỗi đơn lẻ nào.

Ta có thể nhận thấy rõ tác động thực sự của khả năng tương tác khi xem xét tác động của thương mại tự do đối với các nền kinh tế so với chủ nghĩa biệt lập. Mỗi blockchain riêng lẻ giống như một quốc gia độc lập có cộng đồng và nền kinh tế riêng. Khi nhìn dưới góc độ này, mô hình parachain đại diện một hệ thống vững mạnh cho thương mại tự do toàn cầu, chấm dứt chủ nghĩa Balkan hóa và chủ nghĩa biệt lập đang kìm hãm sự phát triển kinh tế cũng như hạn chế ảnh hưởng của từng chuỗi riêng lẻ.

Khả năng mở rộng

Với mô hình parachain, Polkadot đạt được khả năng mở rộng ở lớp 1, phân cấp và hiệu quả hơn so với chỉ dựa hoàn toàn vào lớp 2. Tuy nhiên, parachain cũng có thể kết hợp các giải pháp lớp 2, tăng khả năng mở rộng hơn nữa. Polkadot cho phép các giao dịch được dàn trải và xử lý song song trên một hệ sinh thái gồm các blockchain lớp 1 chuyên biệt, cải thiện đáng kể thông lượng và khả năng mở rộng trên các mạng lưới không phân đoạn.

Ngoài ra, một số tối ưu hóa sắp tới sẽ cho phép Polkadot tiếp tục cải thiện khả năng mở rộng cũng như thông lượng giao dịch trong tương lai, đồng thời duy trì tính phi tập trung, bảo mật và tính khả dụng của dữ liệu. Thêm vào đó, trong khi các mạng lưới khác có thể sẽ ưu tiên TPS (giao dịch mỗi giây) và cũng như chi phí của nó, Polkadot không làm điều tương tự vì việc hy sinh tính phi tập trung cho thông lượng sẽ phá hủy mục đích cốt lõi của Web 3.0.

Miễn phí nền tảng

Các parachain được kết nối với Polkadot có thể truy cập bao nhiêu công suất tính toán tùy ý mà không phải trả thêm phụ phí hoặc phí gas. Tính linh hoạt của Polkadot giúp các nhóm parachain và các nhà phát triển Dapp có thể triển khai bất kỳ cấu trúc phí nào họ muốn với người dùng của mình.

Hơn hết, người dùng parachain không bắt buộc phải sở hữu token DOT (token của Polkadot) để tương tác với các ứng dụng và dịch vụ. Thậm chí, họ không cần biết rằng mình đang tương tác với một blockchain. Theo đó, mô hình parachain cho phép công nghệ blockchain vượt qua phần lớn rào cản cả về khả năng sử dụng cũng như việc được chấp nhận sử dụng với các mạng lưới kế thừa. Thay vì buộc người dùng phải sở hữu một token đặc biệt để trả phí mỗi khi họ muốn tương tác với một ứng dụng trên điện thoại của mình, giải phóng người dùng khỏi phí nền tảng sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ việc áp dụng hàng loạt Web 3.0.

Tính bảo mật

Thông thường, các blockchain mới cần khởi tạo chế độ bảo mật bằng cách xây dựng một mạng lưới các validator hoặc miner. Đây là một quá trình cực kỳ khó khăn và tốn thời gian. Do đó, nhiều blockchain không được đảm bảo về vấn đề bảo mật và dễ bị tấn công.

Parachain được bảo mật toàn diện và tự động khi kết nối với Polkadot. Tính năng bảo mật tích hợp này, hay còn được gọi là bảo mật chia sẻ, cung cấp cho các nhóm blockchain mới khả năng bảo mật ngang với mức bảo mật ngân hàng đồng thời giảm tối thiểu công sức bỏ ra. Điều đó cũng giúp giảm đáng kể thời gian cần thiết để khởi chạy một mạng lưới mới.

Khả năng nâng cấp

Chúng ta đang sống trong một thế giới đổi mới liên tục, nơi công nghệ ngày một tiên tiến. Giống như tất cả các phần mềm, blockchain cần cập nhật định kỳ để bổ sung các tính năng mới, sửa lỗi và kết hợp thêm các công nghệ tiên tiến hơn. Nhưng việc nâng cấp các blockchain là một quá trình tốn nhiều công sức, thường liên quan đến việc forking hoặc chia tách chuỗi. Điều này làm chậm sự đổi mới và đôi khi chia rẽ các cộng đồng.

Polkadot và các parachain của nền tảng có thể tận dụng lợi thế của việc nâng cấp dễ dàng hơn mà không cần fork. Điều đó có nghĩa là các parachain có thể dễ dàng được nâng cấp dựa trên mong muốn từ cộng đồng và có thể sẵn sàng trước bất cứ điều gì xảy ra trong tương lai. Với mô hình parachain, các blockchain có thể phát triển tốt hơn và thích ứng với các điều kiện thay đổi. Điều này càng phù hợp trong tương lai khi các công nghệ mới xuất hiện.

Quản trị độc lập, có khả năng tùy chỉnh

Các parachain trên Polkadot được tự do áp dụng bất kỳ mô hình quản trị nào phù hợp, cũng như có khả năng truy cập vào một số module được xây dựng sẵn để triển khai các hệ thống quản trị on-chain khác nhau. Khả năng tiếp cận các cơ chế quản trị on-chain phức tạp cho phép các nhóm giảm thiểu đáng kể khả năng xảy ra các hard fork trong chuỗi, có nguy cơ chia cắt cộng đồng của họ.

Quản trị on-chain cũng cung cấp phương tiện minh bạch có trách nhiệm giải trình cho các cộng đồng parachain. Đây là điều kiện tiên quyết trước khi tham gia vào công nghệ blockchain đối với nhiều tổ chức và công ty khi họ thường xuyên cần xem xét các quy trình ra quyết định. Khi được kết hợp với tính năng nâng cấp không cần fork của Polkadot, một hệ thống quản trị mạnh mẽ cho phép các parachain duy trì lợi thế dẫn đầu của họ. Đồng thời, nó còn thúc đẩy sự gắn kết trong cộng đồng của họ và đảm bảo tất cả các bên liên quan đều có tiếng nói về tương lai của mạng lưới.

Cơ quan tài chính

Các parachain cũng có thể sử dụng đòn bẩy các quỹ on-chain để tạo được một cơ quan tài chính. Bộ phận này hoạt động một cách tự chủ và sẽ tài trợ cho những hoạt động dựa theo mong muốn của cộng đồng. Cùng với quản trị on-chain, quỹ cho phép các cộng đồng parachain dễ dàng hoạt động dưới hình thức DAO (tổ chức tự trị phi tập trung).

Điều này mở ra cánh cửa cho các mô hình tài trợ phi tập trung mới, từ tài trợ cho các dự án có lợi cho mạng lưới đến hoạt động từ thiện phi tập trung, quỹ tài sản có chủ quyền phi tập trung và thậm chí cả mua bán và sáp nhập cross-chain. Do đó, trên cơ sở tài chính, mô hình parachain mang lại cho các blockchain khả năng hành động ở ngoài đời thực, điều mà trước đây chỉ dành cho các tổ chức và tập đoàn tập trung.

Dễ dàng phát triển

Cuối cùng, những lợi ích ở trên sẽ bị hạn chế nếu quá trình phát triển parachain cực kỳ khó khăn. May mắn thay, các nhóm phát triển parachain được hưởng lợi từ một loạt các công cụ phát triển giúp việc xây dựng một blockchain dễ dàng hơn bao giờ hết.

Substrate (một khung chương trình phát triển blockchain được xây dựng bởi Parity Technologies) là công cụ SDK chính của parachain trên Polkadot, giúp các nhóm giảm đáng kể thời gian và độ phức tạp trong việc xây dựng parachain. Với Substrate, các nhà phát triển có thể tận dụng các module được tạo sẵn cho các thành phần blockchain phổ biến (có thể được trộn lẫn và lắp ghép khớp với nhau như các block xây dựng blockchain) để tạo parachain tùy chỉnh phù hợp nhất với trường hợp sử dụng của họ.

Với parachain, những điều trước kia các đội ngũ lớn gồm các chuyên gia phải mất nhiều năm làm việc cật lực mới có được, thì giờ đây những điều đó có thể thực hiện trong vài tháng với nguồn lực của một công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu.

Các hình thức parachain

Vì Polkadot cung cấp cho các nhóm parachain sự linh hoạt tối đa để thiết kế mạng lưới phù hợp nhất với tầm nhìn của họ, các parachain có thể thực hiện được vô số hình thức khác nhau, bao gồm:

  • Nền kinh tế token độc lập: Các parachain có token, cấu trúc phí và hệ sinh thái kinh tế riêng.
  • Các trung tâm parachain: Các parachain cung cấp một loạt các chức năng để phục vụ một cộng đồng hoặc trường hợp sử dụng rộng lớn hơn, chẳng hạn như các trung tâm DeFi và trung tâm quản trị.
  • Nền tảng smart contract: Những nền tảng xây dựng, lưu trữ các Dapp và dịch vụ dựa trên smart contract, đồng thời có khả năng hỗ trợ Wasm-VM, EVM và các loại máy ảo khác.
  • Các parachain lợi ích chung: Được thiết kế vì lợi ích của toàn bộ hệ sinh thái Polkadot, các parachain lợi ích chung được ban quản trị phê duyệt và hoạt động trên cơ sở phi lợi nhuận, thường sử dụng token DOT của Polkadot.
  • Cầu nối: Cầu nối cho phép các parachain và các Dapp của Polkadot kết nối với các mạng lưới bên ngoài như Kusama, Bitcoin và Ethereum.
  • Parathread: Parachain trả tiền khi sử dụng các mạng lưới giai đoạn đầu và những mạng lưới không cần kết nối liên tục với Polkadot. Parathread là một tính năng được đề xuất sẽ được ban quản trị Polkadot bổ sung trong quá trình phát triển.

Đấu giá vị trí và crowdloan trên Parachain

Các parachain kết nối với Polkadot bằng cách cho thuê một vị trí mở trên Relay Chain thông qua đấu giá, điều này liên quan đến việc khóa token DOT trong suốt thời gian thuê. Những người sở hữu token DOT có thể giúp các parachain mà họ yêu thích thắng một cuộc đấu giá, đổi lại họ có thể thu về lợi nhuận, bằng cách đóng góp vào crowdloan và tạm thời khóa token DOT của mình trên trái phiếu của parachain.

Các cuộc đấu giá và crowdloan nâng cao tiêu chuẩn cho các dự án blockchain, khuyến khích họ chứng minh công nghệ của mình và nhận được sự ủng hộ của cộng đồng trước khi ra mắt. Điều này làm giảm khả năng các dự án được gọi là vaporware (các dự án gây quỹ mà không có ý định hoặc khả năng kỹ thuật để triển khai dự án). Các crowdloan cũng đại diện cho một cách thức công bằng hơn, hướng tới cộng đồng hơn để khởi động token gốc theo cách phi tập trung.

Chi phí để khởi chạy một parachain

Các parachain được kết nối với Polkadot bằng cách thuê một vị trí parachain có thể truy cập bao nhiêu công suất tính toán tùy ý mà không phải trả thêm phụ phí hay phí gas. Vì toàn bộ số token DOT (mà một nhóm ủng hộ cho một vị trí parachain) chỉ được mở khóa vào cuối thời gian thuê. Do trong suốt thời gian cho thuê không thể truy cập vào token DOT đã khóa, chi phí khởi chạy một parachain được coi là chi phí cơ hội.

Các nhóm lựa chọn gây quỹ cho vị trí của họ thông qua crowdloan có thể chọn thưởng cho những người đóng góp của họ theo bất kỳ cách nào mà họ thấy phù hợp, tương đương với một khoản chi phí bổ sung. Các chi phí nhỏ khác bao gồm chi phí chạy các nút đối chiếu trên từng parachain.

Đối với các ứng dụng có nhiều người dùng và lưu lượng truy cập, việc vận hành trên Polkadot dưới dạng parachain ước tính sẽ tiết kiệm hơn so với việc vận hành như một blockchain riêng lẻ hoặc xây dựng trên một nền tảng smart contract nào đó.

Thế hệ mới của blockchain

Mô hình parachain đưa công nghệ blockchain sang một thế hệ đổi mới và áp dụng tiếp theo, mở rộng đáng kể khả năng và tác động của công nghệ. Tóm lại, để Web 3.0 thành công, chúng ta cần các hệ sinh thái, nền tảng và ứng dụng phát triển mạnh hoạt động trên cơ sở cộng tác, thương mại tự do và trao đổi mở hơn là chủ nghĩa biệt lập. Bằng cách cho phép một hệ sinh thái phong phú gồm các blockchain chuyên biệt hoạt động cùng nhau dựa trên thế mạnh riêng và kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực của chúng, mô hình parachain tạo điều kiện hoàn hảo để phát triển mạnh các nền kinh tế mới Web 3.0 – phi tập trung và không ngừng phát triển.

Bạn có thể quan tâm: Hướng dẫn stake Polkadot chi tiết tại Coinvn