Những người trong ngành nói gì về sắc lệnh của Tổng thống Biden?
Nội dung của sắc lệnh yêu cầu các cơ quan quy định rõ ràng hơn về tiền mã hóa và đảm bảo sự phát triển của tài sản này tại Hoa Kỳ. Tuy có nhiều ý kiến trái chiều về sắc lệnh của TT Biden nhưng phần lớn là lạc quan.
Nội dung chính của sắc lệnh
Nhiều năm nay, những người hoạt động trong lĩnh vực tiền mã hóa “tha thiết” xin Chính phủ xem xét và có quy định rõ ràng về tài sản này để các công ty dễ dàng hoạt động. SEC – Uỷ ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ đã nhiều lần “sờ gáy” các doanh nghiệp tiền mã hóa, thậm chí nhiều trường hợp bị phạt nặng nề và luôn được cơ quan này “đặc biệt quan tâm”. Vì thế, sắc lệnh của TT Biden dường như đã trút bỏ hết những gánh nặng này của những người trong ngành.
Nội dung chính của sắc lệnh đó là yêu cầu các cơ quan liên bang và trực thuộc Chính phủ tập trung nghiên cứu và sớm đề xuất các bộ luật cụ thể về tiền mã hóa. Mục đích là hướng tới bảo vệ người sử dụng tài sản mã hóa cũng như hệ thống tài chính toàn cầu, đồng thời ngăn chặn tội phạm trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, ông Biden cũng nhấn mạnh đến những rủi ro mà tiền mã hóa có thể gây ra cho kinh tế vĩ mô, an ninh quốc gia và khí hậu. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định rằng tiền mã hóa cũng đem lại không ít lợi ích cho nền kinh tế. Do đó, Mỹ cân nhắc chuẩn bị phát hành tiền mã hóa quốc gia (CBDC) như Trung Quốc và Thụy Điển.
Nhận định của những người trong ngành
Hiện tại có hai luồng ý kiến tích cực và tiêu cực về nội dung sắc lệnh được thông qua vào thứ Tư (09/03/2022).
Phe nhận định tích cực về sắc lệnh
Kristin Smith, Giám đốc điều hành của Hiệp hội blockchain tại ETH Denver, lạc quan chia sẻ, dường như thông qua sắc lệnh, Đảng Cộng hòa và Dân chủ đã nhìn thấy tiềm năng cũng như sự phát triển nhanh chóng của ngành này. Đồng nhận định, Jeremy Allaire, Giám đốc điều hành của tổ chức phát hành stablecoin USDC, chia sẻ rằng đây là điều đáng khích lệ khi quyết định của Nhà Trắng hướng tới mở rộng, khai thác đồng thời cũng đề cao việc kiểm soát và giảm thiểu rủi ro trong lĩnh vực này.
Denelle Dixon, Giám đốc điều hành của Stellar Development Foundation (SDF), viết: “Việc ghi nhận và đề xuất khung pháp lý rõ ràng cho tiền mã hóa là động lực quan trọng thúc đẩy lĩnh vực này tiếp tục phát triển hơn nữa”.
Candace Kelly,Tổng cố vấn SDF cũng lạc quan chia sẻ:
“Chúng tôi bắt đầu thấy sự rõ ràng và nhất quán khi Chính phủ tạo ra khuôn khổ pháp lý toàn diện cho lĩnh vực này. Từ đó, chúng tôi có chung cơ sở để tham chiếu và nhận định nên làm gì và không nên làm gì để tuân thủ pháp luật.”
Ông Dave Grimaldi, Trưởng ban Quan hệ Chính phủ của Hiệp hội blockchain cũng rất lạc quan:
“Chúng tôi đã lo sợ rằng nội dung sắc lệnh sẽ có những tuyên bố cứng rắn để hạn chế lĩnh vực này. Nhưng kết quả thật nằm ngoài sức tưởng tượng. Những đổi mới, quy định về pháp lý sẽ giúp ngành công nghiệp này có cơ hội chuyển mình và bước sang một trang mới.”
Phe nhận định tiêu cực về sắc lệnh
Trong khi phần lớn cộng đồng đều khá lạc quan về sắc lệnh của TT Biden, Jerry Brito, Giám đốc điều hành Trung tâm Coin, lại có nhận định trái ngược hoàn toàn. Ông chia sẻ:
“Tiền mã hóa đã trở thành điểm nóng trong các vấn đề chính trị kinh tế đặc biệt là trong cuộc chiến Ukraine – Nga. Các chính trị gia hoàn toàn nhìn thấy chúng nguy hiểm và là công cụ giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt. Rõ ràng, sắc lệnh chỉ nhấn mạnh và yêu cầu các quan chức nghiêm túc nhìn nhận một cách tỉnh táo về tiền mã hóa. Đây không phải là tín hiệu cho thấy Chính phủ “dễ dãi” với tiền mã hóa mà chỉ là một sự đổi mới để Hoa Kỳ vươn lên dẫn đầu và giảm thiểu những rủi ro về thị trường này.”
Cũng giống như Jerry Brito, Erik Voorhees, một người theo chủ nghĩa tự do và là người sáng lập nền tảng tiền mã hoá ShapeShift cũng bác bỏ niềm tin của phần đông mọi người rằng:
“Sắc lệnh về tiền mã hóa lần này cơ bản chỉ nói rằng, Chính phủ sẽ xem xét những điểm đổi mới về lĩnh vực tiền mã hóa (những điều họ đã từng nói nhưng nhiều năm nay không thực hiện được). Sau đó là liệt kê một số khó khăn về việc cân bằng sự đổi mới với việc bảo vệ hệ thống tài chính.”
Tổ chức Nhân quyền, CSO Alex Gladstein chỉ ra rằng:
“Sắc lệnh này chủ yếu hướng tới CBDC, mà không đề cập nhiều tới Bitcoin và thị trường mã hóa. BTC là một công cụ cơ bản trong việc truyền bá nhân quyền, trong khi đó các đồng tiền mã hóa của Ngân hàng TW (CBDC), chẳng hạn như đồng CBDC ở Trung Quốc là vật trung gian tiềm năng để giám sát tài chính.”
Lời kết
Sau khi công khai nội dung của sắc lệnh, đồng Bitcoin đã bắt đầu tăng nhẹ, cộng đồng nhà đầu tư cảm thấy nhẹ nhàng và lạc quan hơn. Tuy nhiên, giống như nhiều chuyên gia nhận định, phần lớn nội dung hướng đến CBDC, phương pháp giám sát mới của Chính phủ mà ít chia sẻ về Bitcoin và tiền mã hóa. Vì vậy, cho đến khi các điều luật và khuôn khổ pháp lý cho tiền mã hóa được hoàn thiện, cộng đồng mới thực sự đánh giá chính xác về sắc lệnh này.