DeFi 2.0 là gì? Đây có phải xu hướng sẽ bùng nổ trong năm 2022

Vào giữa cuối năm 2021, thị trường tiền mã hóa đã xuất hiện một thuật ngữ mới với tên gọi là DeFi 2.0. Cùng Coinvn giải mã thuật ngữ DeFi 2.0 trong bài viết này.

10580Total views
DeFi 2.0 la gi? Day co phai xu huong se bung no trong nam 2022 - anh 1
DeFi 2.0 là gì? Đây có phải xu hướng sẽ bùng nổ trong năm 2022

DeFi 2.0 là gì?

Decentralized Finance (DeFi) là một trong những thuật ngữ đã không còn xa lạ với nhà đầu tư tiền mã hóa trong những năm gần đây. DeFi là một nền tài chính phi tập trung (hay còn được gọi là tài chính mở), nơi mà bất kỳ ai cũng có thể truy cập và sử dụng các ứng dụng tài chính ở mọi lúc, mọi nơi mà không chịu sự kiểm duyệt của bất kỳ tổ chức tập trung (ngân hàng, công ty môi giới…) nào. 

Mặc dù, DeFi đã mang tính cách mạng trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính phi tập trung cho bất kỳ ai có ví tiền mã hóa. Một ví dụ điển hình dễ thấy nhất đó là sự ra đời của blockchain thế hệ thứ hai như Ethereum (ETH) được cải thiện trên Bitcoin. 

Tuy nhiên DeFi vẫn còn tồn đọng rất nhiều hạn chế, chính vì thế một khái niệm mới được ra đời, chính là DeFi 2.0. Đây là một phiên bản nâng cấp nhằm khắc phục các hạn chế cũng như thúc đẩy các ưu thế của làn sóng DeFi ban đầu phát triển. DeFi 2.0 cũng sẽ cần tuân thủ các quy định mới mà các chính phủ đưa ra, chẳng hạn như KYC và AML.

Hãy xét một ví dụ nhỏ sau đây để có thể thấy rõ hơn về cách DeFi 2.0 giải quyết một vài vấn đề còn tồn đọng trong DeFi ban đầu: 

Các nhóm thanh khoản (LP) đã góp một phần rất lớn vào thành công trong DeFi thông qua việc cho phép các nhà đầu tư kiếm được một phần thu nhập thụ động thông qua việc cung cấp thanh khoản. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ giá của các token thay đổi, nhà cung cấp thanh khoản có nguy cơ mất tiền đây được gọi là khoản tổn thất tạm thời (Impermanent loss). 

Giao thức DeFi 2.0 có thể cung cấp bảo hiểm chống lại điều này với điều kiện người dùng cần trả một khoản phí nhỏ. Giải pháp này giúp khuyến khích nhà đầu tư cung cấp thanh khoản nhiều hơn, cũng như mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dùng, nhà sản xuất và không gian DeFi nói chung. 

DeFi 2.0 la gi? Day co phai xu huong se bung no trong nam 2022 - anh 2

Những hạn chế của DeFi là gì?

Trước khi tìm hiểu sâu hơn về DeFi 2.0, hãy cùng Coinvn khám phá các vấn đề mà DeFi 1.0 đang gặp phải:

Khả năng mở rộng: Các giao thức DeFi trên các blockchain có lưu lượng người dùng truy cập cao, do đó khiến cho tốc độ xử lý trở nên chậm hơn. Bên cạnh đó phí gas cao cũng là một vấn đề đáng quan tâm khi đây là một trong những rào cản tiếp cận DeFi đối nhà đầu tư có vốn nhỏ. 

Oracle và thông tin của bên thứ ba: Các dự án blockchain hiện tại phụ thuộc vào các Oracle để có thể sử dụng thông tin dữ liệu bên ngoài thế giới thực. Chính vì thế, những dự án này sẽ cần đến một Oracle chất lượng cao hơn (nguồn dữ liệu của bên thứ ba).

Tập trung hóa: Mặc dù, DeFi nhắm đến sự phi tập trung nhưng vẫn còn một số dự án nắm giữ quyền lực. Một cách dễ hiểu hơn thì nhiều dự án vẫn chưa áp dụng các nguyên tắc của DAO (Tổ chức tự trị phi tập trung).

Bảo mật: Hầu hết người dùng không quản lý hoặc staking hàng triệu đô la Mỹ vào các hợp đồng thông minh mà họ không quan tâm đến các rủi ro đang tồn tại trong DeFi. Mỗi năm có đến hàng tỷ đô la Mỹ bị các hacker lấy cắp từ các giao thức DeFi thông qua các lỗ hổng bảo mật.

Tính thanh khoản: Thanh khoản được xem là “huyết mạch” giúp các giao thức DeFi nói chung và Lending & Borrowing nói riêng để duy trì hoạt động của nền tảng. Đồng thời giảm được rủi ro trượt giá, mang lại cho người dùng trải nghiệm giao dịch tổng thể tốt hơn. Tuy nhiên, thanh khoản trong DeFi vẫn còn tương đối thấp.

Các giao thức DeFi hiểu rõ về vấn đề thanh khoản kém mà họ gặp phải, nên đã có những chương trình khuyến khích khai thác thanh khoản với mục tiêu thu hút dòng tiền đổ vào nền tảng của họ. Tuy nhiên, trên thực tế thì việc này đã trở thành “con dao hai lưỡi” vì chương trình khuyến khích khai thác thanh khoản chỉ có thể thu hút người dùng trong thời gian ngắn. Sau một khoản thời gian nhất định thì lãi suất hàng năm (APY) giảm, dẫn đến tình trạng là người dùng không còn hứng thú và rút vốn khỏi giao thức này.

Một vấn đề khác mà DeFi đang phải đối mặt là TVL được xem như một tiêu chuẩn đánh giá sự phát triển của giao thức DeFi đó. Hầu hết người dùng chỉ chú ý đến TVL mà không hiểu rằng, làm thế nào để TVL đó có thể chuyển đổi thành doanh thu lại là một câu chuyện khác.

Ai kiểm soát DeFi 2.0?

Luôn có một xu hướng phân quyền với công nghệ blockchain và DeFi cũng không ngoại lệ. Một trong những dự án đầu tiên của DeFi 1.0 là MakerDAO, nó đã thiết lập một cơ chế quản trị mới khi trao quyền lực cho cộng đồng để mở ra một kỷ nguyên dành cho các tổ chức tự trị phi tập trung (DAO). 

Hiện tại, nhiều token nền tảng cũng hoạt động như token quản trị cung cấp cho chủ sở hữu quyền biểu quyết. Nhiều chuyên gia kỳ vọng rằng DeFi 2.0 sẽ mang lại sự phi tập trung hoàn toàn khi quyền biểu quyết đều sẽ do cộng đồng nhà đầu tư nắm giữ.

Tại sao DeFi 2.0 lại quan trọng?

Ngay cả đối với những nhà đầu tư chuyên nghiệp thì có thể họ vẫn chưa thật sự hiểu rõ bản chất của DeFi. Một cách dễ hiểu thì DeFi được tạo ra nhằm mục đích giảm bớt các rào cản gia nhập và tạo cơ hội kiếm tiền mới cho những người nắm giữ tiền mã hóa. Ở ngoài thế giới thực, người dùng không thể vay tiền từ ngân hàng truyền thống nếu không có tài sản đảm bảo, tuy nhiên họ có thể làm điều đó với DeFi.

DeFi 2.0 quan trọng vì nó có thể dân chủ hóa tài chính mà không ảnh hưởng đến người dùng cũng như hạn chế được nhiều rủi ro của DeFi 1.0.

Các trường hợp sử dụng DeFi 2.0

Mở khóa giá trị của các khoản tiền đã staking

Với DeFi 1.0, người dùng có thể staking token LP với một Yield Farming để gia tăng lợi nhuận. Trước khi có DeFi 2.0, việc cung cấp công cụ tạo lợi nhuận qua hình thức Yield Farming là cách mà mỗi dự án dùng để tạo giá trị cho mình. 

Khi DeFi 2.0 ra đời, việc tạo lợi nhuận của nhà đầu tư không chỉ dừng lại ở bước Farming mà còn có thể sử dụng các token LP làm tài sản thế chấp. Điều này có nghĩa là người dùng có thể thế chấp token LP trên các nền tảng cho vay (Lending & Borrowing) để vay một khoản vay tiền mã hóa nào đó. Như vậy, người dùng sẽ có cơ hội nhận về lợi nhuận nhiều hơn khi đầu tư trong không gian DeFi 2.0.

Bảo hiểm hợp đồng thông minh

Trên thực tế, việc thực hiện thẩm định nâng cao cho hợp đồng thông minh là rất khó. Nó đòi hỏi một nhà phát triển có kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực để có thể đưa ra một cái nhìn sâu sắc về dự án. 

Mặt khác, nếu người dùng chưa có những kiến thức trong lĩnh vực này, họ sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro khi đầu tư vào các dự án DeFi. Tuy nhiên, kể từ khi DeFi 2.0 ra đời thì lợi ích của người dùng được đặt lên hàng đầu và được bảo vệ bởi một loại bảo hiểm hợp đồng thông minh. Tức là khi người dùng thực hiện đầu tư vào một dự án tài chính phi tập trung, họ sẽ nhận được bảo hiểm DeFi đối với các hợp đồng thông minh của dự án đó.

Ví dụ: Người dùng sử dụng một công cụ tối ưu hóa lợi nhuận và đã staking token LP trong hợp đồng thông minh của dự án đó. Nếu ở DeFi 1.0, khi hợp đồng thông minh bị xâm phạm, họ có thể mất tất cả các khoản tiền gửi đó. Tuy nhiên, khi DeFi 2.0 xuất hiện, nhiều dự án bảo hiểm cũng ra đời và cung cấp cho nhà đầu tư một khoản đảm bảo về tài sản đã gửi trong Yield Farming với một khoản phí nhất định. Khi đó, nếu hợp đồng Yield Farming bị xâm phạm, người dùng sẽ nhận được một khoản tiền do bảo hiểm DeFi chi trả.

Bảo hiểm tổn thất tạm thời (Impermanent loss insurance)

Đối với các giao thức cụ thể như Uniswap, các nhà cung cấp thanh khoản có thể thu được khá nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên, bất kỳ sự thay đổi bất lợi nào về giá đều khiến lượng token stake ban đầu giảm giá trị. Đây là một khoản tổn thất tạm thời (Impermanent loss) mà người cung cấp thanh khoản phải gánh chịu. 

Tuy nhiên, các giao thức DeFi 2.0 đang khám phá các phương pháp mới để giảm thiểu rủi ro này. Trong tương lai, các giao thức này sẽ sử dụng doanh thu của họ để xây dựng quỹ bảo hiểm nhằm giảm thiểu các tác động của Impermanent loss đối với tài sản của người dùng. Nếu không có đủ phí để thanh toán các khoản lỗ, giao thức có thể tạo ra các token mới để bù đắp vào khoản lỗ đó. Mặt khác, nếu dự án dư thừa token thì số lượng token đó sẽ được lưu trữ để sử dụng cho việc khác hoặc đốt để giảm nguồn cung lưu hành.

Các khoản cho vay tự trả

Thông thường, khi nhà đầu tư vay tiền sẽ phải đối mặt đến rủi ro thanh lý và các khoản thanh toán lãi suất. Nhưng với DeFi 2.0, các khoản vay sẽ có khả năng tự trả bởi người cho vay nhằm giảm thiểu rủi ro thanh lý tài sản.

Ví dụ: Khi người dùng tiến hành vay 100 đô la Mỹ từ một người cho vay tiền mã hóa. Người cho vay sẽ cung cấp 100 đô la Mỹ với điều kiện người vay sẽ thế chấp 50 đô la Mỹ. Sau khi cung cấp khoản tiền 100 đô la Mỹ, người cho vay sẽ sử dụng khoản tiền thế chấp để kiếm lợi nhuận. Sau khi người cho vay đã kiếm được 100 đô la Mỹ sẽ hoàn trả lại số tiền mà người đi vay đã mượn cộng với khoản phụ thu dưới dạng phí bảo hiểm và nhận về khoản tiền ban đầu. Như vậy, quy trình cho vay này hoàn toàn không có rủi ro thanh lý tài sản. 

Hiệu quả sử dụng vốn và khả năng cải tiến toàn bộ DeFi

DeFi 2.0 mang đến một làn sóng mới, giúp nhà đầu tư có thể sử dụng vốn hiệu quả hơn. Cụ thể, hệ sinh thái DeFi sẽ ra mắt quỹ phát triển hệ sinh thái riêng của họ. Ngoài việc giúp cho các dự án phát triển sản phẩm của họ, quỹ này sẽ trích ra một số tiền lớn để thu hút nhiều người tham gia vào hệ sinh thái của họ hơn.

Khi đó, các dự án tập trung vào hiệu quả sử dụng vốn sẽ giúp DeFi tối ưu hóa TVL và tạo dòng tiền bền vững.

DeFi 2.0 la gi? Day co phai xu huong se bung no trong nam 2022 - anh 3

Những rủi ro của DeFi 2.0 và cách để ngăn chặn

Các hợp đồng thông minh mà người dùng tương tác có thể có điểm yếu hoặc dễ dàng bị tấn công bởi các Hacker. Thậm chí, dù các dự án đã được audit (kiểm toán) bởi những nhà kiểm toán hàng đầu cũng sẽ gặp các rủi ro tương tự. Do đó người dùng nên nghiên cứu kỹ lưỡng về dự án, cũng như chuẩn bị tâm lý trước các rủi ro tiềm ẩn trong đầu tư.

Bên cạnh đó, các quy định pháp lý cũng có thể ảnh hưởng đến các khoản đầu tư của người dùng. Mặc dù các quy định và luật pháp có thể mang lại sự an toàn và ổn định cho tiền mã hóa, nhưng đòi hỏi các dự án có thể sẽ phải thay đổi các dịch vụ của họ để phù hợp với quy tắc đó.

Mặc dù DeFi 2.0 đã có bảo hiểm rủi ro tổn thất tạm thời, nhưng đó chỉ là biện pháp hạn chế. Như vậy, tổn thất tạm thời vẫn là một rủi ro lớn đối với nhà cung cấp thanh khoản. Do đó, người dùng cũng phải chuẩn bị tâm lý trước rủi ro này và chỉ nên đầu tư bằng khoản tiền nhàn rỗi của mình.

Chuẩn bị cho DeFi 2.0 với làn sóng lớn sắp tới

Nhìn chung, các dự án hướng tới hiệu quả sử dụng vốn rất có khả năng tạo ra một tiêu chuẩn mới cho thị trường tiền mã hóa trong thời gian sắp tới. Do đó, nhà đầu tư phải chuẩn bị những kiến ​​thức cần thiết để tiếp nhận làn sóng mới này.

Xem xét hiệu quả sử dụng vốn khi tìm các dự án

Thay vì chỉ tập trung vào TVL, nhà đầu tư cũng nên chú ý đến cách mà dự án sử dụng TVL đó. Mỗi dự án sẽ có một cách khác nhau để tối ưu hóa TVL và đây sẽ là tiêu chí quan trọng để nhà đầu tư đánh giá dự án này.

Ví dụ: Với các dự án sử dụng mô hình AMM, hiệu quả sử dụng vốn sẽ được đánh giá bằng tỷ lệ khối lượng giao dịch trên giá trị TVL của nó. Với các giao thức cho vay, chúng ta có thể đánh giá hiệu quả sử dụng vốn bằng tỷ lệ dư nợ cho vay trên giá trị TVL…

Những dự án tiên phong trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn

Uniswap v3 (UNI): AMM đầu tiên tạo ra mô hình thanh khoản tập trung, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của việc cung cấp tính thanh khoản.

Olympus DAO (OHM): Cơ chế hoán đổi token LP lấy trái phiếu, giúp giảm tần suất xảy ra tình trạng Farming và bán phá giá, đồng thời tạo tính thanh khoản bền vững.

Abracadabra (SPELL): Dự án cho phép sử dụng các token lợi suất (ví dụ như yvYFI, yvUSDC, xSUSHI…) làm tài sản thế chấp để vay stablecoin có tên “MIM”, mở ra một thị trường cho vay mới.

Tokemak (TOKE): Dự án giúp giảm rủi ro tổn thất tạm thời vì nó hoạt động như một nhà tạo lập thị trường và điều hướng tính thanh khoản.

Kết luận

Qua những phân tích trên có thể thấy DeFi 2.0 chính là một giải pháp khắc phục những thiếu sót của phiên bản trước đó. Với những thông tin trên, hy vọng bạn đọc đã có một cái nhìn tổng quan về phiên bản DeFi 2.0, cũng như có thể tự đưa ra nhận định về xu hướng này.