JPMorgan tham gia thị trường tiền mã hóa có tạo nên “địa chấn”?
JPMorgan có kế hoạch dự định cho ra mắt khách hàng của họ quỹ Bitcoin vào mùa hè năm nay.
Sau khi lên tiếng công khai chỉ trích Bitcoin (BTC) trên báo giới vào thời điểm năm 2017, Giám đốc điều hành JPMorgan ông Jamie Dimon dường như đã có cái nhìn thiện cảm hơn về thị trường này.
Quan điểm thay đổi giữa “yêu – ghét” thường xuyên của JPMorgan Chase với tiền mã hóa luôn là vấn đề hấp dẫn đối với báo giới và nhà đầu tư (NĐT) trong những năm qua.
Mối quan tâm này càng lên đến đỉnh điểm, đặc biệt là kể từ khi lĩnh vực tài sản kỹ thuật số bắt đầu có dấu hiệu bùng nổ hơn kể từ đầu năm 2021. Chỉ nhìn vào giá trị vốn hóa của thị trường thôi chúng ta sẽ thấy, sau 2 tháng (từ tháng 2- tháng 4/2021) tổng vốn hóa thị trường đã tăng gấp 2 lần, lên hơn 2.000 tỷ USD.
Hệ lụy là vốn hóa của 2 đồng tiền mã hóa thuộc top đầu hiện nay là Ethereum (ETH) và Bitcoin (BTC) đã vượt qua giá trị của một số công ty đa quốc gia đã thành lập trước đó nhiều năm. Cụ thể, Bitcoin vượt qua Tesla, Tencent, Visa, Berkshire Hathaway, Alibaba, Facebook, Samsung và nhiều công ty khác nữa.
Quay trở lại thời kỳ năm 2017, Giám đốc điều hành JPMorgan Jamie Dimon đã gọi BTC là một trò “gian lận”. Gay gắt hơn, thậm chí ông còn nói rằng ông sẽ sa thải nhân viên nếu họ tiếp cận Bitcoin. Bốn năm trôi qua nhanh chóng và có vẻ như Dimon đã thẳng thắn nhìn lại và coi đó là một nhận định sai lầm.
Không chỉ vậy, gần đây ông ấy dường như đã dành sự ưu ái nhiều hơn đối với loại tài sản số này. Ông tuyên bố rằng tiền mã hóa được sinh ra để tồn tại. Và bây giờ chỉ là vấn đề thời gian để thích nghi trước khi các chính phủ trên toàn cầu bắt đầu siết chặt hơn việc kiểm soát thị trường tài sản kỹ thuật số. Tuy nhiên, ông ấy đã khéo léo đưa ra khẳng định về lập trường của mình rằng Bitcoin vẫn không phải là khẩu vị đầu tư của mình.
Những lần âm thầm thay đổi
Bất chấp cái nhìn có phần tiêu cực của Dimon đối với Bitcoin và ngành công nghiệp tiền mã hóa, các báo cáo gần đây cho thấy JPMorgan hiện đang chuẩn bị cung cấp cho một số khách hàng của họ một quỹ Bitcoin được quản lý một cách tích cực. Nếu điều này trở thành sự thật, có khả năng đây sẽ trở thành một trong những tổ chức ngân hàng lớn nhất trên thế giới chạm tay vào thị trường Crypto.
Trên thực tế, có những suy đoán rằng quỹ Bitcoin này có thể ra mắt thị trường ngay trong mùa hè này. Một vài tin đồn cho rằng công ty FinTech NYDIG sẽ là đối tác cho gã khổng lồ ngân hàng này.
Ngoài ra, cũng đã có báo cáo rằng quỹ Bitcoin của JPMorgan sẽ được “quản lý một cách tích cực”. Điều này hoàn toàn trái ngược với mô hình hoạt động hiện được cung cấp bởi nhiều tay chơi khác trong thế giới tiền mã hóa như Pantera Capital và Galaxy Digital.
Sam Tabar – Giám đốc chiến lược của Bit Digital, một công ty chuyên về khai thác Bitcoin hiện đã được niêm yết trên sàn Nasdaq. Sam nguyên là Trưởng bộ phận chiến lược vốn cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tại Bank of America Merrill Lynch. Anh cho biết:
“Việc JPMorgan tung ra quỹ Bitcoin của riêng mình chỉ là một phản ứng tất yếu trước nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với Blockchain. JPMorgan thực chất cũng chỉ là một doanh nghiệp. Và lẽ đương nhiên, doanh nghiệp sẽ sử dụng bất cứ hình thức nào để kiếm tiền miễn là nó có thể và hợp pháp. Bất chấp những tuyên bố có phần gây tranh cãi từ Giám đốc điều hành Jamie Dimon, bản thân JPMorgan cũng đã nỗ lực hướng tới việc kết hợp công nghệ Blockchain với mô hình kinh doanh của họ trong nhiều năm”.
Việc bộ phận “Onyx” của JPMorgan đã tung ra một Stablecoin với tên gọi JPM Coin, vào cuối năm 2020 là một minh chứng rõ ràng cho nhận định kể trên. Không chỉ vậy, theo nhận định của Sam, sự đối lập giữa nhận xét trước đây của Dimon và hướng đi hiện tại của JPMorgan là một minh họa mẫu mực cho quá trình thể chế hóa. Anh ấy tin rằng sẽ luôn có những phản hồi từ các thể chế và các nhà lãnh đạo truyền thống, tác động lên những sự thay đổi cốt lõi tại JPMorgan thiên về hướng đổi mới với xu thế Blockchain.
Anh nói thêm: “Phần lớn các tuyên bố của Dimon xuất phát từ việc không nắm được các trường hợp sử dụng nhất định đối với tiền mã hóa, chẳng hạn như token hóa (tokenization) và hợp đồng thông minh (smart contract)”. Tuy nhiên, Sam cũng thẳng thắn thừa nhận là chúng ta có quá ít thông tin về BTC vào thời điểm đó.
Sự xuất hiện của JPMorgan có ý nghĩa gì đối với thị trường?
Không thể phủ nhận rằng mức độ phổ biến của thị trường tiền mã hóa đã tăng lên trong những tháng gần đây. Với các NĐT, họ có thể tiếp cận thông qua nhiều công cụ tài chính truyền thống, bao gồm các quỹ ETF, các sản phẩm được giao dịch trên sàn giao dịch và thậm chí là cổ phiếu dưới dạng các công ty như Coinbase.
Tuy nhiên, sau tất cả hầu hết các tổ chức ngân hàng hiện tại vẫn tiếp tục giữ khoảng cách mặc dù nó cho thấy một lượng lớn tiềm năng về tài chính và công nghệ ẩn sau đó.
Felix Simon – người đứng đầu bộ phận phát triển kinh doanh tại Dsent AG, một nền tảng cho các tài sản kỹ thuật số và các token hóa, cựu giám đốc thị trường cho các khoản đầu tư phái sinh có cấu trúc tại Credit Suisse, tin rằng các ngân hàng có xu hướng né tránh các dịch vụ đầu tư mà theo nguyên tắc đầu tư cơ bản của họ đánh giá chúng là không hoặc chưa rõ ràng. Felix cũng cho biết thêm:
“Trong lịch sử, BTC đã từng có tỷ lệ Sharpe ở mức tốt tới rất tốt (hiểu đơn giản là nếu tỷ lệ Sharpe ở mức tốt – tức là lớn hơn 1, thì được các NĐT coi là chấp nhận được). Tuy nhiên, cho đến năm 2020 khối lượng giao dịch lại quá thấp, ví dụ khối lượng trong 24 giờ thấp hơn nhiều so với mốc 10 tỷ USD. Vì vậy nó khó có thể vượt mặt được các giao dịch ngoại hối hàng ngày của đồng đô la. Kể từ đó, những con số này đã tăng lên và giao dịch hợp đồng tương lai cũng trở nên tích cực hơn dẫn đến những dữ liệu lịch sử lại trở nên phù hợp dần”.
Quay trở lại với tỷ lệ Sharpe kể trên, đây có thể được coi là một số liệu đo lường hiệu suất của một khoản đầu tư so với một tài sản phi rủi ro, sau khi đã điều chỉnh mức độ rủi ro của nó. Nói cách khác, nó có thể được sử dụng để đánh giá tổng số lợi nhuận mà nhà đầu tư nhận được trên một đơn vị rủi ro tăng thêm.
Mattia Rattaggi, đối tác quản lý của Meti Advisory AG, đồng thời là cựu CEO và người đứng đầu các vấn đề quản lý và báo cáo quản trị của UBS, tin rằng phần lớn các ngân hàng từ lâu đã bỏ qua Bitcoin và tiền mã hóa nói chung vì sợ dính dáng với các vấn đề tiêu cực tiềm ẩn. Mattia cũng cho biết thêm nỗi sợ hãi đến từ các lĩnh vực như tài chính phi tập trung, có thể có tác động trực tiếp đến mô hình kinh doanh tập trung của họ.
“Khối các ngân hàng nhập cuộc chưa muộn vì trên thực tế cuộc chơi mới chỉ bắt đầu và đến nay cũng chỉ mới có một số tổ chức tham dự sớm mà thôi. Sự thay đổi thái độ và lập trường đối với tiền mã hóa sẽ không được coi là chắp vá hay chậm tiến. Thay vào đó, nó sẽ được đánh giá là một thái độ cẩn trọng không thích rủi ro”.
Sẽ có nhiều ngân hàng tiếp tục tham gia vào thị trường tiền mã hóa?
Giải thích quan điểm của mình về việc liệu rằng có nhiều hơn các tổ chức tài chính truyền thống sẽ tiếp tục tham gia vào thị trường này hay không, Simon lưu ý rằng các ngân hàng mà đang bắt đầu dần chấp nhận tiền mã hóa mới chỉ là những người tiên phong ban đầu. Điều này ngụ ý rằng, thị trường vẫn còn khá rộng và sân chơi còn nhiều cho những tay chơi khác trên thị trường.
Tương tự, Sam tin rằng mặc dù sự xuất hiện của JPMorgan trong lĩnh vực Blockchain chắc chắn sẽ thu hút được sự chú ý trong cộng đồng tiền mã hóa, nhưng sự tham gia muộn màng của nó sẽ không ảnh hưởng gì đến vị thế của nó đối với cộng đồng.
“Morgan Stanley chỉ mới bắt đầu cung cấp cho khách hàng quyền truy cập vào quỹ Bitcoin và Goldman Sachs thậm chí còn chưa đưa ra một kế hoạch cụ thể nào. Bên cạnh đó, quỹ của JPMorgan vẫn là một dự án thích hợp, nhắm mục tiêu đến các khách hàng tư nhân giàu có thông qua một quỹ được quản lý hơn là một quỹ cố định”.
Tất cả những sự phát triển nêu trên, ở một số hình thức, có thể được cộng đồng tiền mã hóa xem là những cột mốc quan trọng đối với Bitcoin nói riêng cũng như đối với việc thể chế hóa công nghệ Blockchain nói chung.