Nhận định chuyên gia về việc đồng tiền kỹ thuật số Stablecoin tác động đến tiền mã hóa Trung Quốc như thế nào?

Theo bạn, những chuyên gia về ngành công nghiệp Tiền điện tử và Blockchain đến từ Trung Quốc nghĩ gì về đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số và ảnh hưởng của nó?

8388Total views
Listen to article
play!
Nhan dinh chuyen gia ve viec dong tien ky thuat so Stablecoin tac dong den tien ma hoa Trung Quoc nhu the nao? - anh 1
Trung Quốc đã "manh nha" phát triển CBDC từ năm 2014. Nguồn: Cointelegraph.

Vừa qua, Trung Quốc đã có cuộc thảo luận về tiềm năng của tiền mã hóa nước nhà trong nửa thập kỷ qua và đặc biệt là dự án đã triển khai nhiều năm – Thanh toán điện tử tiền tệ kỹ thuật số gọi tắt là DCEP.

Quá trình hình thành của đồng tiền Nhân dân tệ kỹ thuật s

Năm 2014, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã thành lập một nhóm để nghiên cứu về các loại tiền kỹ thuật số cũng như ứng dụng của chúng. Sau đó, theo một số thông tin được đưa ra, họ bắt đầu đề cập và xem xét đến việc phát hành một đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình.

Năm 2016, PBoC chính thức xác nhận thông tin và công bố kế hoạch chi tiết, sau đó bắt đầu thuê các chuyên gia Blockchain về để triển khai dự án. Cùng năm đó, chính quyền Bắc Kinh đã đưa công nghệ Blockchain vào kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của mình.

Năm 2017, PBoC ra mắt Viện nghiên cứu Tiền tệ Kỹ thuật số – nơi chuyên tập trung vào việc phát triển và nghiên cứu đồng tiền kỹ thuật số đang triển khai. Theo Cục Sở hữu Trí tuệ Quốc gia Trung Quốc (Tên chính thức là Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Nhà nước), cơ quan đã nộp 63 đơn đăng ký bằng sáng chế liên quan đến Blockchain và tiền mã hóa chỉ sau một năm thành lập.

Nhan dinh chuyen gia ve viec dong tien ky thuat so Stablecoin tac dong den tien ma hoa Trung Quoc nhu the nao? - anh 2
Đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số được triển khai từ năm 2014.

Vào năm 2018, theo báo cáo từ Viện Tài chính Quốc tế Trung Quốc (hoạt động dưới sự điều hành của PBoC) cho biết, PBoC đang tiến hành một đợt siết chặt các loại tiền kỹ thuật số theo định.

Đến tháng 7/2019, Wang Xin – Giám đốc Viện nghiên cứu PBoC tuyên bố kế hoạch tung ra Stablecoin, sự xuất hiện của Libra cũng đã ảnh hưởng đến đồng tiền kỹ thuật số của Trung Quốc. Vào thời điểm đó, một số chuyên gia dự đoán rằng đồng tiền kỹ thuật số do Chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn sẽ được tung ra sớm hơn thời điểm ra mắt chính thức của Libra.

Năm 2020, dự án DCEP đã có những bước ngoặt đáng kể. Tuy nhiên, thông tin chi tiết thì vẫn chưa được tiết lộ nhiều. Câu hỏi về việc liệu ai sẽ trở thành người đầu tiên tung ra tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC), sự xuất hiện này có thật sự đủ mạnh để giành được vị thế tiền tệ dự trữ toàn cầu hay không vẫn được bỏ ngỏ. Nhưng rõ ràng, Trung Quốc cho thấy rằng họ đang tiến tới việc dẫn đầu xu hướng kỹ thuật số.

Riêng năm nay, Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm cơ sở hạ tầng cho đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số trước khi chính thức cho ra mắt.

Thành phố Thâm Quyến – Trung Quốc còn tạo điều kiện cho công dân của mình tham gia vào một sự kiện xổ số nhằm khuyến khích việc áp dụng đồng tiền kỹ thuật số mới. Cũng trong năm nay, Trung Quốc đã hoàn thành việc phát triển ví phần cứng, một do chi nhánh Tây An của Ngân hàng Nông Nghiệp Trung Quốc ở Hà Bắc sản xuất và một do Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc đảm nhiệm. Đầu tháng 3, Ngân hàng Truyền thông và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm Nhân dân tệ kỹ thuật số tại hai cửa hàng bách hóa lớn ở Thượng Hải.

Tác động của Nhân dân tệ kỹ thuật số đến tiền mã hóa

Một trong những mối bận tâm lớn nhất của các chuyên gia thời điểm này đó là CBDC của Trung Quốc không có khả năng trở thành một loại tiền mã hóa. Như Bloomberg đã từng nhấn mạnh nhiều lần năm 2019: “Tất nhiên PBoC sẽ hỗ trợ đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số, làm cho nó đi ngược lại với tài chính phi tập trung”.

Đồng tiền kỹ thuật số mới của Trung Quốc rất có thể sẽ là một loại tiền kỹ thuật số tập trung hơn với tiền mã hóa đang có trên thị trường bây giờ. Shao Fujun – Chủ tịch China UnionPay đồng thời cũng là một cựu quan chức của PBoC nhận định vào năm 2019: “Tiền kỹ thuật số thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc nên sẽ có nhiều tác động tích cực, bao gồm theo dõi dòng tiền trong các hoạt động kinh tế và hỗ trợ việc hoạch định chính sách tiền tệ”.

Nhan dinh chuyen gia ve viec dong tien ky thuat so Stablecoin tac dong den tien ma hoa Trung Quoc nhu the nao? - anh 3
Các chuyên gia cho rằng Nhân dân tệ kỹ thuật số không có khả năng thành tiền mã hóa.

MuChangChun – Phó Giám đốc bộ phận Thanh toán của Ngân hàng Trung ương cho biết vào năm 2019 rằng, đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số sắp ra mắt sẽ tạo ra sự cân bằng cần có giữa việc tạo điều kiện cho các khoản thanh toán ẩn danh và ngăn chặn rửa tiền.

Ông lặp lại tuyên bố vào đầu tháng này rằng một CBDC hoàn toàn ẩn danh là ”không khả thi” vì tiền kỹ thuật số quốc gia phải đáp ứng được các yêu cầu liên quan đến chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và chống trốn thuế. Trong khi đó, các nhà chức trách Trung Quốc sẵn sàng đảm bảo quyền riêng tư tối đa của người dùng đối với đồng tiền kỹ thuật số của nước này – theo tuyên bố mới đây của Mu.

Câu hỏi được đặt ra là liệu đồng tiền của PBoC sẽ giống với những đồng tiền mã hóa dựa trên công nghệ Blockchain phi tập trung hay nó sẽ cho phép Bắc Kinh kiểm soát nhiều hơn hệ thống tài chính của mình? Suy cho cùng, sự xuất hiện và phát triển của đồng tiền Nhân dân tệ kỹ thuật số không ít thì nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường tiền mã hóa. Trao đổi với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này ở Trung Quốc, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến thú vị.

Chang Jia – người sáng lập Bytom và 8btc:

“Đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số Trung Quốc được thiết kế và đưa ra bởi PBoC. Nó được xây dựng dựa trên mạng lưới tài chính cơ bản của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ và được xác nhận bởi tín dụng nhà nước. Do đó, sự ra đời của Nhân dân tệ kỹ thuật số chắc chắn khuyến khích toàn bộ ngành công nghiệp Blockchain của Trung Quốc, đặc biệt là những tập đoàn đã có khoảng thời gian gắn bó lâu dài với công nghệ này. Họ xây dựng cơ sở hạ tầng tiền tệ kỹ thuật số và các giải pháp Blockchain công nghiệp trong vài năm để thấy được việc sử dụng chúng trong tương lai, thậm chí hiện thực hóa tầm nhìn lớn là niêm yết chúng trên STAR MARKET”.

Daniel Lv – đồng sáng lập Nervos:

“Việc Trung Quốc đang nghiên cứu đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số là minh chứng cho thấy có tồn tại giá trị trong tài sản kỹ thuật số và công nghệ Blockchain cơ bản. Mục đích chính của việc giới thiệu một loại tiền tệ kỹ thuật số mới từ Ngân hàng trung ương là để bảo vệ chủ quyền tiền tệ do lo ngại rằng Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác có thể có tác động. DCEP sẽ ngày một tối ưu để cải thiện hệ thống thanh toán cũng như tăng cường sự thuận tiện của việc thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số.

Đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số áp dụng hệ thống hai lớp để phát hành và phân phối. Ngân hàng Trung ương phát hành DCEP cho các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính khác, sau đó các tổ chức này mới phân phối đồng tiền kỹ thuật số cho công chúng. Trong khi việc phát hành DCEP là tập trung thì việc phân phối chúng có thể dựa trên các hệ thống tài khoản tài chính hoặc Blockchain truyền thống.

Nếu các giao dịch DCEP xảy ra trên một Blockchain công khai, tôi cho rằng nó có thể giúp đồng Nhân dân tệ quốc tế hóa. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc trước đó đã thông báo rằng kịch bản thí điểm DCEP sẽ bao gồm cả các địa điểm tổ chức Thế vận hội Mùa đông. Các pháp nhân nước ngoài có thể chỉ cần mở ví DCEP để thực hiện giao dịch xuyên biên giới vì các yêu cầu để mở ví DCEP thấp hơn nhiều so với yêu cầu mở tài khoản tiền gửi Nhân dân tệ. Các giao dịch ngang hàng có thể được thực hiện giữa hai ví DCEP bất kỳ”.

Discus Fish – đồng sáng lập F2Pool và Cobo:

“Về cơ bản, tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương hoàn toàn khác với Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác bởi bản chất nó vẫn chỉ là tiền tệ Fiat tập trung. Tuy nhiên, CBDC có thể củng cố nhận thức của công chúng về Blockchain và tiền mã hóa. Về lâu dài, dưới sự giáo dục của ngân hàng trung ương, ngành công nghiệp Blockchain sẽ thu hút một lượng lớn người dùng mới, đặc biệt là giới trẻ đang lớn lên trong môi trường Internet di động, từ đó dẫn đến sự phát triển nhanh chóng của ngành. 

Bản chất của CBDC là tiền tệ Fiat tập trung, vẫn là khoản nợ của ngân hàng trung ương đối với công chúng. Do đó, ngân hàng trung ương sẽ tuân thủ chế độ quản lý tập trung. Mối quan hệ giữa quyền của chủ nợ và khoản nợ sẽ không thay đổi khi hình thái tiền tệ thay đổi. Vì vậy, tôi nghĩ dù hình thức phát triển như thế nào thì đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương cũng không thể phi tập trung được”.

Trên đây là ý kiến của chuyên gia trong ngành về đồng tiền kỹ thuật số Trung Quốc và mối tương quan của nó với thị trường tiền mã hóa. Còn bạn, bạn nghĩ sao?

Tin tức tiền mã hóa 24/7
Thảo luận về tiền mã hóa tại đây
Xem thêm
articles