Điểm tin Crypto cùng Coinvn ngày 03/02/2022 (Mùng 3 Tết ÂL)

Ngày mùng 3 Tết Nguyên Đán 2022, hãy cùng Coinvn điểm qua những tin tức mới nhất trên thị trường Crypto và NFT nhé.

6301Total views
Listen to article
play!
Diem tin Crypto cung Coinvn ngay 03/02/2022 (Mung 3 Tet AL) - anh 1

Tin Crypto

Người Nga nắm giữ hơn 200 tỷ đô la Mỹ tiền mã hoá

Người Nga được cho là đang nắm giữ tổng cộng hơn 16,5 nghìn tỷ Rúp, tương đương khoảng 214 tỷ USD giá trị các loại tiền mã hoá. Con số này được các quan chức Chính phủ ước tính dựa trên địa chỉ IP của người dùng trên các sàn giao dịch tiền mã hoá. Con số 214 tỷ USD tương đương khoảng 12% lượng nắm giữ tiền mã hoá toàn cầu hoặc một phần ba giá trị vốn hóa thị trường của chỉ số chứng khoán của Nga.

Điều đáng chú ý là con số 214 tỷ đô la Mỹ mà Chính phủ đưa ra có thể thấp hơn so với tình hình thực tế. Nguyên nhân vì nhiều người Nga có thể sử dụng mạng ảo (VPN) để mua và bán tiền mã hoá theo cách riêng tư hơn, dẫn đến phần IP có thể không thực sự chính xác.

Thời gian gần đây, Nga luôn có một sự phân cực trong các ý kiến đối với tiền mã hoá. Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng cường các lệnh cấm thanh toán bằng tiền mã hoá. Ngoài ra, Nga cũng cấm toàn diện đối với hoạt động khai thác và kinh doanh tiền điện tử trong nước. Hành động này phần nào được cho là động thái dọn đường cho đồng CBDC mà Nga đang nung nấu ý định thử nghiệm giai đoạn 1, giai đoạn 2 vào đầu và giữa năm nay.

Trái ngược với quan điểm này, Bộ Tài chính Nga lại lên tiếng ủng hộ tiền mã hoá. Theo Bộ Tài chính, việc cấm các hoạt động khai thác tiền mã hóa sẽ dẫn đến việc đất nước bị tụt hậu so với ngành công nghiệp công nghệ trên toàn thế giới. Thay vào đó, họ đề xuất rằng tiền mã hoá nên được quản lý thay vì cấm toàn bộ.

FTX mua lại một sàn giao dịch tại Nhật Bản, mở đường cho động thái tiến vào châu Á

Sàn giao dịch tiền mã hoá FTX đã quyết định mua lại Liquid của Nhật Bản để thúc đẩy sự phát triển ở châu Á. Hành động này của FTX phần nào cho thấy ngành công nghiệp tiền mã hoá ở châu Á đã và đang trở nên cạnh tranh và sôi động hơn.

Thương vụ FTX mua lại Liquid cũng bao gồm tất cả các công ty con đang hoạt động như Quoine Corporation và công ty con có trụ sở tại Singapore. Vào năm 2017, Quoine là một trong những sàn giao dịch tiền mã hoá đầu tiên đăng ký với Cơ quan Dịch vụ Tài chính của Nhật Bản. Sau động thái sáp nhập, Quoine sẽ dần dần tích hợp các sản phẩm và dịch vụ của FTX vào dịch vụ của riêng mình. Các khách hàng tại Nhật Bản của FTX sẽ được chuyển sang sử dụng nền tảng của Quoine. Ngoài ra, theo thoả thuận, Liquid vẫn tiếp tục cung cấp các dịch vụ cho người dùng Nhật Bản hiện có của mình và hạn cuối cùng chuyển sang Quoine vào ngày 30/03/2022.

Liquid được thành lập vào năm 2014 và là một trong những sàn giao dịch tiền mã hoá với khối lượng giao dịch hàng ngày hơn 70 triệu đô la Mỹ vào thời điểm đó. Vào năm 2019, khối lượng giao dịch hàng năm của nó là khoảng 60 tỷ đô la Mỹ Liquid đã trở thành nạn nhân của một vụ hack với số tiền khoảng 100 triệu đô la Mỹ vào tháng 8/2021. Và FTX đã đóng góp 120 triệu đô la Mỹ dưới dạng các khoản nợ để hỗ trợ khắc phục thiệt hại của vụ tấn công này.

323 triệu đô la Mỹ bị đánh cắp từ giao thức chuỗi chéo Wormhole

Wormhole là một giao thức cầu nối (bridge) cho phép các tài sản di chuyển qua các giao thức blockchain khác nhau. Theo một loạt các giao dịch được thống kê trên Etherscan, kẻ tấn công đã khai thác lỗ hổng trên cầu nối giữa chuỗi khối Ethereum và Solana của Wormhole. 

Diem tin Crypto cung Coinvn ngay 03/02/2022 (Mung 3 Tet AL) - anh 2
Các vụ hack DeFi. Nguồn: The Block

Hiện vẫn chưa rõ kẻ tấn công đã thực hiện khai thác bằng cách nào, nhưng nó đã dẫn đến việc đánh cắp 120 nghìn WETH, trị giá khoảng 323 triệu đô la Mỹ theo thời giá hiện tại. Theo dữ liệu ghi nhận từ Etherscan đã tìm thấy một địa chỉ ví với khoảng hơn 93.000 ETH từ vụ hack. Trong khi chờ đợi, nền tảng cho biết họ sẽ bổ sung thêm ETH trong vài giờ tới, đảm bảo đủ lượng WETH để tiếp tục được hỗ trợ 1:1. Hiện tại thì Wormhole đã ngừng hoạt động để điều tra cũng như bảo trì giao thức.

Dune Analytics huy động 69,42 triệu đô la Mỹ trong Series B, được định giá 1 tỷ đô la Mỹ

Vòng này được dẫn dắt bởi quỹ đầu cơ Coatue và đưa định giá của Dune Analytics lên 1 tỷ đô la Mỹ. Các nhà đầu tư hiện tại, bao gồm Multicoin Capital và Dragonfly Capital, cũng tham gia vào vòng này. Dune đang có những kế hoạch lớn với nguồn vốn mới trong tay. Fredrik Haga – đồng sáng lập và CEO của công ty cho biết, mục tiêu hướng đến của Dune là xây dựng một cộng đồng lên đến 1 triệu nhà phân tích, hỗ trợ nhiều blockchain hơn, xây dựng API và mở rộng đội ngũ hiện tại để đáp ứng tốc độ phát triển này.

Dune không tiết lộ về việc liệu vòng Series B này là gọi cho vốn chủ hay bán token thông qua một thỏa thuận đơn giản cho việc bán token trong tương lai (SAFT). Vòng Series A của Dune được công bố vào tháng 07/2021 là vòng gọi cho vốn chủ trị giá 8 triệu đô la Mỹ.

Được thành lập vào năm 2018, Dune cho phép người dùng tạo biểu đồ và trang tổng quan dữ liệu trên các chỉ số như khối lượng giao dịch DEX và NFT. Nền tảng hiện có 10.000 nhà phân tích và 100.000 mẫu phân tích. Dune hiện cho người dùng sử dụng miễn phí, nhưng nó cũng có một sản phẩm trả phí cho dữ liệu tùy chỉnh, với mức phí 390 đô la Mỹ mỗi tháng cho mỗi người dùng.

Dune có kế hoạch đưa nhiều nhà phân tích hơn vào nền tảng này và thanh toán cho họ bằng tiền mã hoá. Bên cạnh việc xây dựng một cộng đồng lớn các nhà phân tích, Dune cũng có kế hoạch hỗ trợ nhiều blockchain hơn cho nền tảng của mình. Nó hiện giúp tìm nạp dữ liệu từ Ethereum, Polygon, Optimism, Binance Smart Chain và xDAI. Haga cho biết tất cả các chuỗi máy ảo Ethereum (EVM) chính, Solana và các mạng khác cũng sẽ được hỗ trợ.

Dune cũng đang tìm cách xây dựng một API được nhiều người yêu cầu. Để tải được khối lượng công việc này, Haga cho biết họ cũng đang có kế hoạch mở rộng đội ngũ hiện tại từ 20 người lên khoảng 200 người. Đáng tiếc là tính đến thời điểm hiện tại, nền tảng này chưa có ý định khởi chạy một token của riêng nó. Sau vòng Series B này nâng tổng số tiền gọi vốn được của Dune cho đến nay lên 80 triệu đô la Mỹ.

Thái Lan điều chỉnh kế hoạch áp thuế thu nhập 15% đối với tiền mã hoá

Sở Thuế Vụ của Thái Lan đã từ bỏ kế hoạch áp thuế 15% đối với các giao dịch tiền mã hoá. Kết quả của động thái này được cho là do vấp phải làn sóng phản đối của các nhà giao dịch trong nước. Theo đó, cách tiếp cận mới cho phép các nhà giao dịch ở quốc gia này bù đắp khoản lỗ hàng năm của họ so với lợi nhuận đạt được trong cùng năm.

Tin tức được đưa ra sau những nỗ lực của Thái Lan nhằm thu hút các nhà đầu tư tiền mã hoá đến với đất nước Chùa Vàng này. Vào tháng 11/2021, Cơ quan Du lịch Thái Lan (TAT) đã định hướng tiền mã hoá như một phương tiện thúc đẩy nền kinh tế sau ảnh hưởng bởi đại dịch của đất nước. Nghĩa là người dùng Thái Lan có thể sử dụng và chi tiêu các tài sản kỹ thuật số của mình ngay trong nước. 

Tuy nhiên, vào tuần trước, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Thái Lan (SEC) cho biết họ có kế hoạch ban hành các hướng dẫn xung quanh việc hạn chế thanh toán bằng tiền kỹ thuật số. SEC Thái Lan trước đây cũng đã kiểm soát sàn giao dịch tiền điện tử Binance. Vào tháng 06/2021, cơ quan quản lý đã đệ đơn khiếu nại hình sự đối với Binance vì đã điều hành hoạt động kinh doanh tài sản kỹ thuật số mà không có giấy phép.

Ngoài ra, SEC Thái Lan cũng đang nhắm đến mục tiêu phát triển thế giới tài chính phi tập trung (DeFi) trị giá 197 tỷ USD. Vào tháng 6 năm ngoái, cơ quan quản lý cho biết các dự án DeFi có thể yêu cầu giấy phép để hoạt động trong khu vực tài phán.

Giá Bitcoin giảm xuống dưới 37.000 đô la Mỹ và những điều cần chú ý

Thị trường tiền mã hoá một lần nữa chìm trong sắc đỏ vào ngày 02/02/2022 khi thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục chứng kiến nhiều ​​sự biến động. Sau khi giá dao động quanh mức 38.200 đô la Mỹ, một làn sóng bán đã đẩy giá xuống mức thấp nhất là 36.800 đô la Mỹ. Như những gì được thể hiện trong biểu đồ dưới đây cho thấy mức hỗ trợ vững chắc gần 37.400 đô la Mỹ. Sau khi giá chạm mức hỗ trợ này, việc quay trở lại mức 38.000 đô la Mỹ chỉ như một lần thử lại mà thôi, trừ khi giá có thể bật lại về mức 38.700 đô la Mỹ.

Diem tin Crypto cung Coinvn ngay 03/02/2022 (Mung 3 Tet AL) - anh 3
Mức hỗ trợ ở vùng 37.400 đô la Mỹ

Một động thái giảm giá có thể khiến giá tiếp tục trượt xuống mức thấp hơn. Biểu đồ trên cho thấy rằng phe bò đang gặp khó khăn để bứt lên khi giá dưới mức 36.781 đô la Mỹ.

Ở một góc nhìn khác đã cho thấy khó khăn mà Bitcoin (BTC) gặp phải khi vượt lên trên xu hướng này. Hãy xem biểu đồ dưới đây để thấy rõ. Giá hiện đang thử nghiệm theo mô hình đường chéo lần thứ 4 và điều đáng chú ý là không biết khi nào nó sẽ phá vỡ ra khỏi đường này.

Diem tin Crypto cung Coinvn ngay 03/02/2022 (Mung 3 Tet AL) - anh 4

Hình dưới đây đưa ra quan điểm của một nhà phân tích khác về việc phác thảo một mức giảm có thể xảy ra đối với tiền mã hoá hàng đầu này. Nó cho thấy sóng ABC giảm 4 có khả năng sẽ kết thúc dưới mức thấp nhất của năm ngoái. Có vẻ như là sự điều chỉnh gần như đã được thực hiện ở những mức này, ngay cả khi thị trường cần thêm thời gian.

Diem tin Crypto cung Coinvn ngay 03/02/2022 (Mung 3 Tet AL) - anh 5

Theo một báo cáo từ Arcane Research, các nhà giao dịch quyền chọn đang hướng đến các quyền chọn bán (put option) đối với các lệnh của họ sắp tới. Tuy nhiên, có vẻ như bản thân họ vẫn đang khá do dự xoay quanh vấn đề này. Sau sự sụt giảm của Bitcoin trong suốt tháng 12/2021 và tháng 01/2022 đã cho thấy các nhà đầu tư chưa từng ở trong một chu kỳ thị trường giá xuống lâu đến như vậy kể từ sự cố vào tháng 05/2021. Khi đó, giá BTC giảm xuống 30.000 đô la Mỹ từ mức cao kỷ lục 64.000 đô la Mỹ hồi giữa tháng 04/2021.

Như vậy, có thể hiểu là biến động của Bitcoin hiện đang ở mức thấp nhất so với thời điểm tháng 05/2021, vào khoảng 70%. Tỷ lệ phần trăm đó đề cập rằng giá của BTC sẽ thay đổi 70%. Tuy nhiên, tỷ lệ này chưa hẳn đã là quá cao vì chỉ tính trong năm 2021, mức biến động có thời điểm đạt tới 110%. Nó cho thấy các nhà giao dịch nghĩ rằng giá có thể hoặc là tăng gấp đôi nhưng thậm chí cũng có khả năng giảm một nửa giá trị.

Độ lệch biến động (volatility skew) đo lường sự chênh lệch một cách tương đối về giá giữa quyền chọn mua (call option) và quyền chọn bán (put option) tương ứng với tùy chọn mua hoặc bán Bitcoin. Trong suốt lịch sử của Bitcoin, quyền chọn mua thường đắt hơn quyền chọn bán. Đây là một dấu hiệu tăng giá vì mọi người quan tâm đến việc có thể mua BTC hơn là lo lắng về việc phải bán bớt đi.

Nhưng hiện tại, sự biến động hiện đang đi vào vùng tích cực. Nó có nghĩa là quyền chọn mua thực sự rẻ hơn một chút so với quyền chọn bán. Đó là xu hướng giảm giá đối với Bitcoin. Khi kết hợp với sự biến động ở mức thấp, điều đó có nghĩa là các nhà giao dịch có tâm lý do dự trong việc chọn một hướng đi tiếp theo mà họ nghĩ rằng Bitcoin đang hướng tới. Nó có nghĩa rằng bây giờ có thể là cơ hội để mua một số lệnh call giá rẻ.

Bất chấp thái độ của các nhà giao dịch quyền chọn, nỗi sợ hãi xoay quanh các vấn đề kinh tế vĩ mô dường như đang giảm dần đối với Bitcoin. Những hành động dự kiến từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về việc thắt chặt chính sách tiền tệ, nâng lãi suất đã gây ra những tác động tiêu cực đến tiền mã hoá và cổ phiếu trong hai tháng qua. Điều này đã thúc đẩy các nhà đầu tư rời xa các tài sản rủi ro và quay lại các loại tài sản an toàn hơn. Tuy nhiên, đáng chú ý là giá của Bitcoin đã giảm ít hơn trong thời gian này so với các loại tiền mã hoá khác, thậm chí nó đã tăng nhẹ trong tuần trước đó. Có vẻ như, với logic như trên thì thị trường đang đánh giá Bitcoin là loại tiền mã hoá ít rủi ro nhất

MicroStrategy thua lỗ 146,6 triệu USD do nắm giữ Bitcoin vào quý 4 năm 2021

MicroStrategy – một công ty cung cấp giải pháp phần mềm đã đưa ra báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong quý 4 năm 2021 vào thứ ba vừa qua (01/02/2022). Đáng chú ý trong báo cáo này là công ty này phải gánh chịu khoản lỗ ròng 146,6 triệu USD khi nắm giữ Bitcoin. Tính đến nay, MicroStrategy đã phải chi trả hơn 900 triệu đô la Mỹ cho loại phí này trong sáu quý vừa qua.

MicroStrategy bắt đầu thu mua Bitcoin vào tháng 8 năm 2020 để sử dụng đồng tiền mã hóa này làm khoản dự trữ trong kho bạc thay vì đồng đô la Mỹ như trước đây. Hiện nay, công ty này đang nắm giữ 125.051 BTC được mua lại với mức giá khoảng 3,78 tỷ USD, tức trung bình 30.200 USD cho mỗi BTC. Chưa hết, do Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) từ chối phương pháp tính toán Bitcoin “không phải GAAP” do công ty đề xuất nên họ đã quyết định tính thêm phí tổn thất khi nắm giữ Bitcoin trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. 

Tin NFT

Cổ phiếu giảm 20% nhưng Zuckerberg vẫn “tự tin” vào chiến lược phát triển Metaverse

Meta – công ty mẹ của Facebook đã tiết lộ khoản lỗ hơn 10 tỷ đô la Mỹ kể từ khi công ty này thực hiện chiến lược phát triển Metaverse. Khoản lỗ này đã góp phần khiến lợi nhuận hàng quý của công ty giảm 8%. Theo dự báo của các nhà phân tích, gã khổng lồ truyền thông xã hội này sẽ phải chi trả ít nhất 60 tỷ đô la Mỹ để có thể hoàn thành các mục tiêu tổng thể trong kế hoạch phát triển Metaverse.

Sau khi công bố kết quả hoạt động kinh doanh quý 4 năm 2021, cổ phiếu của công ty đã giảm 20% trong nhiều giờ xuống mức 249 USD/cổ phiếu. Tuy nhiên, với những nỗ lực của Meta Web3, giám đốc điều hành Mark Zuckerberg cho biết con đường phía trước của công ty tuy không được xác định một cách rõ ràng và hoàn hảo. Nhưng anh ấy tự tin với khoản đầu tư chưa từng có vào Metaverse. Anh cho biết thêm công ty sẽ tập trung phát triển các tính năng thực tế ảo và tăng cường. Theo kế hoạch vào cuối năm nay, Meta sẽ cho ra mắt tai nghe thực tế ảo “cao cấp” – sản phẩm đầu tiên đánh dấu bước ngoặt phát triển của công ty trong lĩnh vực mới. 

Ngoài ra, theo một số nguồn tin đáng tin cậy thì Meta đang cân nhắc việc phát hành NFT ra thị trường cũng như cho phép người dùng giới thiệu NFT trên hồ sơ của họ. Động thái đầu tiên minh chứng cho hành động này đó là việc Facebook và Instagram đã triển khai việc tích hợp mã thông báo không thể thay thế (NFT). 

Pixel Vault – nền tảng phát triển NFT được đầu tư 100 triệu đô la Mỹ

Các công ty đầu tư mạo hiểm điển hình như Velvet Sea Ventures và 01A đã đầu tư 100 triệu đô la Mỹ vào nền tảng phát triển NFT có tên Pixel Vault. Đồng thời, sự kiện này cũng thúc đẩy quá trình ra mắt của công ty giải trí nhượng quyền thương mại NFT Pixel Vault Inc.  

Pixel Vault được giới đầu tư biết đến là một bộ sưu tập NFT các nhân vật siêu anh hùng với số lượng và mức độ bảo mật cao. Theo Sean Gearin – Giám đốc điều hành của Pixel Vault thì các dự án của Pixel Vault tập trung vào việc trao quyền kiểm soát cho cộng đồng, quản trị phi tập trung và quyền sở hữu tuyệt đối với các tài sản NFT. Anh còn cho biết thêm mục tiêu liên doanh của Pixel Vault là kết hợp NFT với các tài sản trí tuệ để xây dựng những câu chuyện về cộng đồng tiền mã hóa trên nhiều phương tiện truyền thông khác nhau như truyền hình, phim ảnh và trò chơi điện tử. 

Thị trường âm nhạc NFT HitPiece bị đóng cửa

HitPiece được biết đến là một thị trường mua bán, trao đổi các token không thể thay thế (NFT) của âm nhạc, được ra mắt vào năm 2020 bởi Rory Felton – một nhà sản xuất âm nhạc, người đồng sáng lập hãng thu âm độc quyền The Militia Group. Vào tháng 01/2021, Rory Felton cho biết HitPiece đã huy động được 5 triệu đô la Mỹ tiền Seed Capital (tài trợ hạt giống) trên podcast Business Builders. 

Nhưng một vấn đề mà HitPiece gặp phải đó là chủ sở hữu của những tác phẩm nghệ thuật không biết rằng những tác phẩm của họ đang được mua bán trên HitPiece. Chính điều này đã tạo nên một làn sóng phản đối kịch liệt của các nghệ sĩ cũng như những người hâm mộ âm nhạc. 

Một tài khoản Twitter có tên Jeremy Blake đã chia sẻ:

“Các tác phẩm nghệ thuật của tôi đã được mua bán trên HitPiece dưới dạng NFT mà không có sự chấp thuận của tôi. Các bạn hãy vui lòng xóa chúng ngay lập tức.”

Nhưng trước đó, Rory Felton đã cho biết “Các nghệ sĩ sở hữu tác phẩm nghệ thuật sẽ nhận được tiền bản quyền không chỉ từ cuộc đấu giá mà còn từ các giao dịch được thực hiện trên HitPiece”. Tuy nhiên, có vẻ như HitPiece đã không hề xin phép để nhận được sự chấp thuận của các nghệ sĩ cũng như cung cấp nguồn doanh thu vĩnh viễn cho họ.

Sau phản ứng dữ dội của cộng đồng, HitPiece đã chính thức gửi lời xin lỗi đến các nghệ sĩ cũng như những người dùng trong nền tảng của mình vào ngày hôm qua 02/02/2022 trên Twitter:

“Chúng tôi cam kết sẽ trả tiền cho các nghệ sĩ ngay khi tác phẩm của họ được bán trên HitPiece. Đồng thời, chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe tất cả những phản hồi của người dùng để phát triển những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của nghệ sĩ cũng như những người hâm mộ.”

Hiện tại, chưa thể xác định được rõ ràng tương lai và hướng đi của HitPiece nhưng người dùng hy vọng nền tảng này sẽ tập trung nhiều hơn vào các nghệ sĩ bị ảnh hưởng. 

Trên đây là những tin tức đáng chú ý nhất trong hôm nay mà Coinvn đã tổng hợp. Cảm ơn bạn đã đồng hành cùng Coinvn trong suốt thời qua, chúc bạn và gia đình một năm mới mã đáo thành công.

Tin tức tiền mã hóa 24/7
Thảo luận về tiền mã hóa tại đây
Xem thêm
articles