Một số dự đoán về thị trường tiền mã hóa trong năm 2022
Năm 2022 có thể sẽ chứng kiến sự thoái lui của các giải pháp monolithic blockchain để nhường chỗ cho mô hình modular blockchain.
Lưu ý: Bài viết dựa theo những quan điểm cá nhân của Hà Dương, hiện là Giám đốc quỹ đầu tư Ocean Investment và Giám đốc chiến lược tiền mã hoá tại BIT Capital, có trụ sở tại Berlin.
Tổng quan thị trường tiền mã hóa
Chúng ta vừa kết thúc một năm 2021 với nhiều thành tựu nổi bật trong lĩnh vực tiền mã hóa. Nếu nói rằng 2020 là năm của DeFi, 2021 là năm của NFT thì có lẽ 2022 sẽ là thời điểm chứng kiến khả năng mở rộng hơn nữa của tiền mã hóa trên nhiều phương diện khác nhau.
Nhận định này hoàn toàn dựa trên những biến động của thị trường trong thời gian gần đây. Phần lớn các cuộc thảo luận trên các nền tảng mạng xã hội về sự bùng nổ liên tiếp của các mạng lưới mới… đều xoay quanh một vấn đề chung là khả năng mở rộng và phí giao dịch của các mạng blockchain, điển hình ở đây là Ethereum. Ít nhất trong ngắn hạn, nó giải quyết được vấn đề tồn đọng trước mắt, đưa tiền mã hóa trở nên phổ biến hơn trên toàn cầu.
Các nhà phát triển và người dùng đều đang tìm kiếm các giải pháp có thể cung cấp thông lượng giao dịch cao nhất có thể. Nghĩa là nó giúp giao dịch diễn ra nhanh hơn với mức phí rẻ hơn. Tuy nhiên, một trong những khó khăn với việc mở rộng thông lượng giao dịch là nhu cầu giao dịch thường rất biến động, phụ thuộc vào từng thời điểm khác nhau. Do đó, thông lượng giao dịch cần có khả năng thích ứng uyển chuyển trong việc mở rộng quy mô tùy theo nhu cầu mạng lưới tại từng thời điểm.
Ngay cả các mạng tập trung được tối ưu nhất cũng cho thấy rằng đôi khi nhu cầu giao dịch tăng đột biến (hoặc trong trường hợp mạng bị tấn công DDOS) có thể khiến toàn bộ mạng bị “đơ” tạm thời. Mạng xã hội Facebook đã nhiều lần ngừng hoạt động trong thời gian ngắn là một ví dụ điển hình. Lý do đơn giản là việc giới hạn về yếu tố vật lý sẽ khiến nó phản ứng chậm hơn so với những gì thế giới kỹ thuật số yêu cầu.
Có vẻ như mối liên hệ giữa yếu tố vật lý và kỹ thuật số cũng khá phù hợp với ngữ cảnh về khả năng mở rộng của các mạng lưới blockchain mà chúng ta đang nói đến ở trên. Ví dụ về sự chia tách để hình thành cặp đôi Bitcoin (BTC) và Bitcoin Cash (BCH) là một minh chứng cho vấn đề này. Để có thể tăng thông lượng giao dịch, một trong những giải pháp đó là tăng kích thước khối. Tuy nhiên, hệ lụy kéo theo là nó sẽ đòi hỏi phần cứng mạnh hơn để chạy các node, dẫn đến việc gia tăng rào cản gia nhập cho những người mới và khiến mạng lưới trở nên ít phân cấp hơn.
Monolithic blockchain thoái vị, modular blockchain lên ngôi trong năm 2022
Ngay từ những ngày đầu, các mạng lưới blockchain như Bitcoin hay Ethereum (ETH) vẫn tuân theo một mô típ quen thuộc gọi chung là monolithic blockchain (blockchain nguyên khối). Về cơ bản, một blockchain bất kỳ sẽ có ba nhiệm vụ chính gồm thực thi giao dịch, bảo mật và tính khả dụng của dữ liệu. Những blockchain theo trường phái monolithic có thể hiểu một cách đơn giản là nó sẽ xử lý cả ba tác vụ trên trên cùng một blockchain duy nhất. Điểm yếu lớn nhất của mô típ này là việc mạng lưới sẽ trở nên chậm hơn, dẫn đến phí cao hơn như chúng ta vẫn thấy.
Để giải quyết vấn đề này, các mạng blockchain đời sau lựa chọn theo một mô típ khác, gọi là modular blockchain (blockchain mô đun) thay vì blockchain nguyên khối. Nghĩa là thay vì làm tất cả các tác vụ trên thì nó tách rời từng nhiệm vụ một và xử lý chúng một cách song song. Các giải pháp mở rộng hứa hẹn nhất của Ethereum đều giải quyết một số phần hoặc kết hợp nhiều ngăn xếp (stack) lại với nhau. Ví dụ như Sharding sẽ giải quyết tính khả dụng của dữ liệu, sự đồng thuận và xây dựng khối trong khi Rollups cho phép các giao dịch được xử lý ở Layer 2 với bảo mật gắn với Layer 1 thông qua các bằng chứng hợp lệ (validity proof) hoặc gian lận (fraud proof).
Hình thức này giúp đẩy nhanh quá trình xác thực trên mạng lưới, từ đó khiến nó trở nên tối ưu hơn so với các blockchain Layer 1. Đó là lý do tại sao năm 2022 được kỳ vọng sẽ là năm mà thị trường xuất hiện nhiều mạng lưới blockchain đi theo kiến trúc mô đun hơn. Validiums và Volitions là những cách tiếp cận thú vị khác sử dụng các bằng chứng hợp lệ và có thêm nhiều nền tảng hơn tận dụng các công nghệ này, hứa hẹn sẽ ra mắt mainnet vào năm 2022.
Với việc các kiến trúc mô đun đang hoàn thiện, nhu cầu về các nền tảng hợp đồng thông minh Layer 1 nguyên khối sẽ giảm dần trong tương lai. Đối với nhiều nền tảng hợp đồng thông minh chuyên biệt, việc quyết định lựa đặt nặng yếu tố bảo mật từ đầu và xây dựng một chuỗi nguyên khối sẽ kém hấp dẫn hơn so với việc chạy dưới dạng Layer 2 như hiện nay.
Đồng thời, chúng ta cũng mong đợi sẽ thấy một số phát triển mới, thú vị của các phương pháp tiếp cận mô đun hơn nữa. Một trong số đó là việc tập trung vào khả năng kết hợp giữa các khối xây dựng theo hướng mô đun. Mặc dù chúng ta đã thấy có một số giải pháp giải quyết vấn đề này nhưng chúng ta cần phải xem xét và đánh giá trên quy mô lớn, nó sẽ phát triển như thế nào?
Gia tăng khả năng mở rộng không gian thiết kế cho các Dapp trong lĩnh vực Web 3.0
Thời gian đến, chúng ta cũng mong đợi về khả năng mở rộng và trải nghiệm người dùng (UX) được cải thiện cho các Dapp trong lĩnh vực Web 3.0. Bởi lẽ, bản thân các Dapp cũng bị hạn chế trong kiến trúc hiện tại của nền tảng mà chúng được xây dựng trên đó.
Ví dụ, chúng ta đã thấy sự gia tăng về số lượng các nhà tạo lập thị trường tự động (AMM) và các pool thanh khoản như một giải pháp thay thế cho các sàn giao dịch với mô hình sổ lệnh giới hạn (limit order book) trong lĩnh vực DeFi. Điều đó không phải vì AMM hiệu quả hơn vì bằng chứng là chúng ta không thấy mô hình AMM xuất hiện ở các sàn giao dịch chứng khoán trên phố Wall. Vấn đề ở đây là do AMM là một giải pháp lý tưởng cho môi trường hạn chế tính toán của nền tảng Web 3.0 hiện tại.
Bởi lẽ, việc liên tục tạo, chỉnh sửa và hủy các đơn đặt hàng giới hạn từ hàng triệu người dùng sẽ làm nghẽn mạng tổng thể và tiêu tốn nhiều phí gas hơn cho từng người dùng cá nhân. Với khả năng mở rộng cao hơn, chúng ta có thể mong đợi sự trở lại của sổ đặt hàng giới hạn trong DeFi. Tuy nhiên, ở một góc độ khác thì điều đó lại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chính thị trường DeFi. Vì việc dùng sổ lệnh giới hạn và ít phụ thuộc hơn vào AMM, có thể dẫn đến có ít nhu cầu hơn đối với các chương trình khai thác thanh khoản (liquidity mining program) và ít cần đến stablecoin trong DeFi. Nó dẫn đến việc các cuộc chiến tranh Curve (Curve war) hiện tại có thể kết thúc và dòng vốn có thể sẽ lại tìm được cách sử dụng hiệu quả hơn.
Nhờ khả năng mở rộng tăng lên, DeFi có thể vượt ra khỏi các nguyên tắc tài chính cơ bản và hình thành các trường hợp sử dụng phức tạp, có thể thúc đẩy nhu cầu của người dùng trong thế giới thực, ví dụ như xây dựng ngân hàng DeFi. Một trong những lĩnh vực đáng chú ý hiện nay là các tùy chọn trong lĩnh vực DeFi. Nó tạo ra các thị trường tùy chọn trong thế giới tiền mã hóa ngoài Bitcoin và Ethereum. Tuy nhiên, hiện tại không có thị trường thứ cấp nào cho các tùy chọn trong lĩnh vực DeFi. Nếu khả năng mở rộng cho phép các sàn giao dịch với hình thức sổ lệnh giới hạn tái xuất đồng thời giảm đến mức tối thiểu kích thước của giao dịch (thông qua chi phí giao dịch thấp hơn), thị trường thứ cấp quyền chọn DeFi có thể trở thành hiện thực.
Gia tăng nhu cầu về các công cụ và phần mềm trung gian trong một thế giới đa chuỗi và nhiều Layer
Một hệ sinh thái tiền mã hóa đa chuỗi (multi-chain) và đa lớp (multi-layer) theo hình thức mô đun cũng sẽ yêu cầu nhiều giải pháp công cụ, cơ sở hạ tầng và phần mềm trung gian hơn những gì hiện có. Các mạng blockchain hiện tại hoặc sắp xuất hiện sẽ tạo ra vị thế trên thị trường bằng cách tập trung vào mô hình mới này.
Có thể, các giao thức lưu trữ đám mây hiện có sẽ mở rộng khả năng cung cấp của nó để phát triển thành một mạng lưới đồng thuận và sẵn có dữ liệu đầy đủ. Về khả năng, các mạng khác xuất hiện sẽ tập trung vào việc cung cấp các tài nguyên tính toán thuần túy để xử lý các bằng chứng zero-knowledge cho zk-Rollups dưới dạng dịch vụ. Các giao thức lập chỉ mục để truy vấn dữ liệu trên mạng từ các lớp dữ liệu khác nhau như các oracles trong cross-chain và cross-layer hoặc các Layer tạo thanh khoản & có khả năng kết hợp cũng sẽ tiếp tục phát triển.
Kết luận
Chúng ta vẫn đang ở giai đoạn đầu để có thể hiểu được tất cả những điều đó có nghĩa là gì. Do đó, có thể tất cả chúng ta đều tò mò muốn khám phá vấn đề tokenomic hay thu thập giá trị phát triển trong một thế giới mô đun như vậy như thế nào? Ngoài ra, còn nhiều điều đáng mong đợi ví dụ như khả năng kết hợp MEV và DeFi chẳng hạn.
Trong giai đoạn chuyển đổi này, sẽ có nhiều cơ hội tạo ra cho các nhà đầu tư và những người tham gia hệ sinh thái dưới bất kỳ hình thức nào. Các giao thức mới sẽ xuất hiện, các giao thức cũ sẽ biến thiên để phù hợp hơn và có thể một vài trong số đó sẽ trở nên lỗi thời. Với bản chất mở của tiền mã hóa, sẽ luôn có vô số cách tiếp cận để mang lại hiệu quả tối ưu nhất.
Hãy theo dõi Coinvn mỗi ngày, để liên tục cập nhật những phân tích chuyên sâu cũng như những thông tin khách quan và đáng tin cậy nhất về thị trường tiền mã hoá nhé!