Nhìn lại thị trường tiền mã hóa sau cuộc khủng hoảng Bitcoin tại Trung Quốc

Căng thẳng đang gia tăng khi tỷ lệ băm (hash rate) của Bitcoin giảm mạnh và chính quyền Trung Quốc đưa ra cảnh báo mới cho các ngân hàng.

6907Total views
Listen to article
play!
Nhin lai thi truong tien ma hoa sau cuoc khung hoang Bitcoin tai Trung Quoc - anh 1
Nhìn lại thị trường tiền mã hóa sau cuộc khủng hoảng Bitcoin tại Trung Quốc. Nguồn: Cointelegraph.

Giá tiền mã hóa đang rơi tự do. Hash rate của Bitcoin đã giảm mạnh. Và các thợ đào (miner) Bitcoin đang điên cuồng chuyển bộ dàn máy khai thác Bitcoin của họ ra bên ngoài Trung Quốc. Tất cả đều diễn ra trong bối cảnh cuộc đàn áp mới của Trung Quốc đối với tiền mã hóa. Nhưng mức độ của các biện pháp của Trung Quốc là như thế nào, và chúng có thực sự gây ảnh hưởng đến thị trường tiền mã hóa hay không?

Cuộc đàn áp thị trường tiền mã hóa của Trung Quốc

Trong tuần trước, các công ty khai thác tiền mã hóa trên khắp Trung Quốc đã được yêu cầu đóng cửa, dừng hoạt động. Trong khi đó, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã ban hành một sắc lệnh yêu cầu các nền tảng thanh toán và các ngân hàng ngừng hỗ trợ cho các hoạt động liên quan đến tiền mã hóa. Các tổ chức cũng được yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ trao đổi tiền mã hóa và các nền tảng giao dịch vòng ngoài (OTC).

Cuộc đàn áp lần này của Trung Quốc hiện kéo dài từ tháng 5 và tháng 6, đã vấp phải phản ứng trái chiều từ các nhà phân tích và người trong cuộc. Nhiều luồng ý kiến cho rằng việc khai thác tiền mã hóa chỉ là giai đoạn một, còn hành động đầu cơ là giai đoạn hai. Thậm chí, có ý kiến cho rằng ông Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo độc tài và luôn muốn kiểm soát mọi thứ. Chính điều này khiến cho việc Bitcoin không được hoan nghênh tại quốc gia tỷ dân này.

Điều gì ẩn dấu đằng sau cuộc đàn áp của Trung Quốc?

Tiền mã hóa hoạt động tại Trung Quốc luôn trong tình trạng bị giám sát chặt chẽ nhiều năm qua, luôn phải tránh các chủ đề nhạy cảm, chẳng hạn như dòng vốn chảy ra và cờ bạc trên Internet. Huobi và OKEx là hai ví dụ điển hình. Cả hai đều hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này ở một quốc gia đã cấm các hoạt động ICO kể từ năm 2017.

Nhin lai thi truong tien ma hoa sau cuoc khung hoang Bitcoin tai Trung Quoc - anh 2
Bitcoin hashrate 2020. Nguồn: Statista.

Nhưng bất chấp tất cả các biện pháp nhằm hạn chế giao dịch và đầu tư Bitcoin, Trung Quốc vẫn là trung tâm khai thác tiền mã hóa toàn cầu. Trước cuộc đàn áp, theo thông tin từ Statista, Trung Quốc chiếm hơn 65% hashrate của mạng Bitcoin trên toàn thế giới.

Mọi thứ dường như vẫn tạm chấp nhận được cho đến khi Trung Quốc đưa ra cam kết “trung lập carbon” tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào năm 2020. Để giữ vững và thực thi cam kết kể trên, quốc gia này đặt mục tiêu giảm mức tăng trưởng tiêu thụ năng lượng xuống khoảng 1,9% vào năm 2021. Và việc nghiêm cấm hoạt động khai thác Bitcoin được xem như đóng góp một phần rất lớn để hiện thực hóa cam kết này và hạn chế lượng khí thải carbon ra ngoài môi trường tại đây.

Trên thực tế, đây không phải là lý do duy nhất để Trung Quốc tránh xa bản chất phi tập trung và không thể kiểm soát của các loại tiền mã hóa như Bitcoin. Ruud Feltkamp, CEO của sàn giao dịch tiền mã hóa Cryptohopper cho biết:

“Trung Quốc đang tung ra tiền mã hóa của riêng mình. Như vậy việc cấm các loại tiền mã hóa khác có thể làm giảm sự cạnh tranh với đồng tiền nội địa của quốc gia này”.

Cuộc đàn áp hiện tại bắt đầu khi nào?

Vào cuối tháng 2/2021, chính quyền Nội Mông (một khu tự trị ở miền bắc Trung Quốc) đã công bố một đề xuất nhằm giảm tiêu thụ năng lượng, trong đó có việc đóng cửa các nơi khai thác Bitcoin. Dự thảo kế hoạch cho biết tất cả các dự án khai thác tiền mã hóa đang hoạt động trong khu vực sẽ bị đóng cửa vào cuối tháng 4/2021.

Nhin lai thi truong tien ma hoa sau cuoc khung hoang Bitcoin tai Trung Quoc - anh 3
Các xưởng đào Bitcoin đang dần chuyển ra khỏi Trung Quốc.

Nội Mông là nơi có các mỏ than lớn nên chi phí sử dụng năng lượng tương đối rẻ. Điều này đã thu hút rất nhiều đơn vị khai thác Bitcoin. Tuy nhiên, đây không phải là nỗ lực đầu tiên nhằm hạn chế việc khai thác tiền mã hóa. Vào tháng 4/2021, ngành công nghiệp khai thác tiền mã hóa  này đã phải nếm trải trái đắng khi sự cố mất điện xảy ra do việc kiểm tra an toàn ở khu vực Tân Cương. Hành động này đã tác động đáng kể đến hashrate của nhiều pool khai thác Bitcoin hàng đầu. Trong cùng tháng, tạp chí khoa học Nature đã công bố một nghiên cứu tiết lộ rằng, nếu không được kiểm soát, ngành khai thác Bitcoin của Trung Quốc có thể tạo ra tới 130,5 triệu tấn khí thải carbon vào năm 2024 tới đây.

Mới đây, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã công bố những tài liệu để chứng minh những hệ lụy tiêu cực do hoạt động khai thác tiền mã hóa ở Trung Quốc gây ra. Cơ quan chính phủ cấp cao đã đưa hoạt động khai thác Bitcoin vào danh sách các rủi ro tài chính cần được giám sát. Thông báo này đánh dấu lần đầu tiên Hội đồng Nhà nước lên tiếng phản đối việc khai thác Bitcoin.

Ngay sau đó, Nội Mông đã ban hành các quy tắc mới sẽ đưa các thợ mỏ vào danh sách đen hệ thống tín dụng xã hội của Trung Quốc nếu họ tiếp tục hoạt động. Thậm chí, họ còn thiết lập đường dây nóng để công chúng báo cáo về các hoạt động khai thác tiền mã hóa nếu bị phát hiện.

Các ngân hàng Trung Quốc thận trọng đối với tiền mã hóa

Các ngân hàng Trung Quốc từ lâu đã luôn thận trọng về tiền mã hóa. Mặc dù các nhà chức trách ban đầu đã cho phép tiền mã hóa hoạt động dưới dạng đấu thầu hợp pháp vào năm 2013, nhưng một năm sau đó, Trung Quốc đã cấm các ngân hàng cung cấp một số dịch vụ tiền mã hóa nhất định.

Trong vài tháng qua, các ngân hàng Trung Quốc đã liên tục tăng cường việc chống lại tiền mã hóa. Vào tháng 4/2021, theo Wall Street Journal, một số ngân hàng Trung Quốc, bao gồm cả China Citic Bank Corp., đã chính thức cảnh báo khách hàng của họ không nên sử dụng tài khoản để giao dịch tiền mã hóa.

Sau đó, vào ngày 19/5, một nhóm ba hiệp hội tài chính và thanh toán đã tái lập lệnh cấm của ngân hàng trung ương đối với các công ty tài chính tham gia vào các giao dịch tiền mã hóa. Điều này phản ánh việc chính quyền trung ương đang bắt đầu gây áp lực với các tổ chức tài chính.

Trong một tuyên bố, Hiệp hội Tài chính Internet Quốc gia Trung Quốc (National Internet Finance Association of China), Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc (China Banking Association) và Hiệp hội Thanh toán và Bù trừ Trung Quốc (Payment and Clearing Association of China), cũng cảnh báo các nhà đầu tư không nên giao dịch tiền mã hóa. Họ mô tả đây là một hoạt động đầu cơ. Tin tức này đã kéo giá Bitcoin xuống mức 30.000 USD.

Các xưởng khai thác chuyển khỏi Trung Quốc

Cuộc đàn áp hoạt động khai thác ở Nội Mông được chứng minh là có sức ảnh hưởng lớn, khi chính quyền các địa phương chịu áp lực ngày càng tăng từ Bắc Kinh nhằm giảm mức tiêu thụ năng lượng do khai thác Bitcoin gây ra. Vào ngày 9/6, hai tỉnh khai thác Bitcoin phổ biến khác nữa là Tân Cương và Thanh Hải cũng đã đồng loạt đưa ra lệnh cấm. Các thợ mỏ ở tỉnh Vân Nam cũng tuyên bố rằng họ đã không thể tiếp tục hoạt động vào ngày 11/6, sau một lệnh cấm tương tự ở tỉnh này.

Sau đó, vào ngày 18/6, Tứ Xuyên tiếp tục là tỉnh tiếp theo tại quốc gia này cấm đoán khai thác Bitcoin. Việc đóng cửa các xưởng đảo đã chứng kiến ​​hashrate của một số nhóm khai thác Bitcoin lớn ở Trung Quốc giảm mạnh tới 37% sau khi Tứ Xuyên ra lệnh cho các công ty năng lượng ngừng cung cấp điện cho các xưởng đào trong tỉnh. Các báo cáo cho thấy rằng khoảng 90% các xưởng khai thác tiền mã hóa ở các tỉnh lớn nhất của Trung Quốc hiện đã bị đóng cửa,. Điều này khiến thị trường xôn xao khi các thợ mỏ đổ xô chuyển hoạt động của họ ra bên ngoài biên giới Trung Quốc.

Ulrik K.Lykke, CEO tại quỹ tài sản kỹ thuật số ARK36, cho biết: “Trong ngắn hạn, những điều kiện này tự nhiên gây ra phản ứng tiêu cực trên thị trường, nhưng về lâu dài, chúng có thể mang lại những dấu hiệu tích cực”. Nhiều người chia sẻ quan điểm của ông rằng việc thợ mỏ chuyển ra khỏi Trung Quốc sẽ dẫn đến việc phân cấp nhiều hơn và sử dụng các nguồn năng lượng xanh hơn để khai thác.

Ngân hàng cũng gia nhập vào các lệnh cấm

Gần đây, các ngân hàng đã nhắc lại cảnh báo từ giữa tháng 5 về tính bất hợp pháp của giao dịch và các hành vi giao dịch tiền mã hóa. Hôm thứ Hai (21/6), ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (một trong bốn ngân hàng lớn của nước này) đã trích dẫn một thông báo của ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, cho đến khi thông báo được đưa ra sau đó tin tức đã bị bác bỏ. Vào năm 2014, các ngân hàng ở Trung Quốc đã đưa ra các thông báo tương tự nhằm ngăn chặn khách hàng giao dịch tiền mã hóa nhưng cũng không đem lại quá nhiều tác dụng.

Thông báo năm 2021 có một số khác biệt với thông báo năm 2014 ở một số khía cạnh sau đây. Thứ nhất, nó thể hiện rõ các yêu cầu của ngân hàng trung ương; thứ hai, nó yêu cầu một cuộc điều tra về hành vi trong quá khứ; và thứ ba, nó báo cáo với chính phủ khi phát hiện có hành vi xấu. Trên thực tế, thông báo của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã cấm các ngân hàng và tổ chức phục vụ các hoạt động liên quan đến tiền mã hóa. Thậm chí họ còn hướng dẫn các ngân hàng và tổ chức tăng cường điều tra và áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn.

Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc cho biết họ đang tuân theo hướng dẫn của PBOC và sẽ tiến hành thẩm định khách hàng để loại bỏ tận gốc các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến khai thác và giao dịch tiền mã hóa. Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện của Trung Quốc xác nhận rằng họ sẽ không tạo điều kiện cho bất kỳ giao dịch tiền mã hóa nào. Và Alipay (thuộc sở hữu của gã khổng lồ fintech Ant Group) cho biết họ sẽ thiết lập một hệ thống giám sát nhắm mục tiêu vào các trang Web và tài khoản khách hàng để phát hiện các giao dịch bất hợp pháp liên quan đến tiền mã hóa. Việc cắt đứt các dịch vụ ngân hàng và siết chặt giao dịch như vậy nhấn mạnh rằng những người khai thác và giao dịch Bitcoin sẽ gặp khó khăn khi hoạt động ở Trung Quốc.

Các sàn giao dịch tiền mã hóa cũng bị ảnh hưởng

Các sàn giao dịch tiền mã hóa đã không thể hoạt động ở Trung Quốc kể từ cuộc đàn áp năm 2017. Nhiều trong số đó đã lựa chọn việc đặt trụ sở hoạt động tại nước ngoài. Vào năm 2019, nhà nước Trung Quốc cho biết họ cũng sẽ hạn chế quyền truy cập vào các sàn giao dịch quốc tế và những hạn chế đó bắt đầu có hiệu lực trong năm nay.

Vào ngày 23/5, Huobi cho biết họ sẽ ngừng bán máy khai thác và các dịch vụ liên quan cho người dùng mới ở Trung Quốc. Họ cũng thông báo sẽ tạm ngừng các hợp đồng tương lai, các sản phẩm trao đổi và sản phẩm đầu tư sử dụng đòn bẩy cho người dùng mới ở một số quốc gia và khu vực liên quan. Và OKEx, một sàn giao dịch tiền tệ kỹ thuật số phổ biến khác, cho biết đồng coin của riêng họ OKB, sẽ không còn được giao dịch với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.

Kể từ đầu tháng này, nền tảng mạng xã hội Weibo (được gọi là Twitter của Trung Quốc) và hai công ty Internet Trung Quốc khác đã tích cực kiểm duyệt Huobi, OKEx và Binance. Đây đều là những sàn giao dịch có trụ sở ở nước ngoài nhưng lại bắt nguồn từ Trung Quốc.

Cuộc đàn áp cũng đã ảnh hưởng đến nhiều cá nhân khác trong thị trường này. Đầu tháng 6/2021, Weibo đã từ chối quyền truy cập vào một số tài khoản liên quan đến mã hóa. Đây đều là những tài khoản thuộc sở hữu của những người có ảnh hưởng đến tiền mã hóa với lượng lớn người theo dõi. Không dừng lại ở đó, vào ngày 9/6, Bộ Công an Trung Quốc đã thông báo về việc bắt giữ 1.100 cá nhân vì tội rửa tiền thông qua tiền mã hóa. Thông báo này đã được đăng trên tài khoản WeChat chính thức của Bộ.

Tương lai của Bitcoin và Trung Quốc

Stephen Kelso, người đứng đầu bộ phận thị trường tại công ty môi giới ITI Capital, cho biết: “Trung Quốc đã kìm hãm Bitcoin trước đây vào năm 2013 và 2017 và năm nay cũng tương tự  như vậy. Ông cũng nói thêm: “Điều này cũng tương tự như việc kìm hãm các công ty công nghệ lớn của Hoa Kỳ như Google hay Facebook.”

Trong khi Trung Quốc thường xuyên ca ngợi các ưu điểm của Blockchain, thái độ của họ đối với Bitcoin và các loại tiền mã hóa phi tập trung vẫn chủ yếu là thái độ tiêu cực kể từ năm 2013. Trong năm đó, một nhóm các cơ quan chính phủ và cơ quan quản lý Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo về bản chất ẩn danh, không được kiểm soát của Bitcoin và các tổ chức tài chính và thanh toán không được thực hiện các hoạt động liên quan đến Bitcoin.

Mối quan tâm được chính phủ Trung Quốc đưa ra là sự biến động cực mạnh và tính đầu cơ xung quanh tiền tệ kỹ thuật số. Điều này phù hợp với mong muốn duy trì quyền kiểm soát hệ thống tiền tệ của đất nước này khi họ thúc đẩy dự án đồng nhân dân tệ kỹ thuật số. Trong điều này, Trung Quốc không đơn độc. Nhiều chính phủ đang xem xét kỹ lưỡng tác động môi trường của Bitcoin và chịu áp lực phải thực hiện nhiều quy định giám sát hơn. Tuy nhiên, cuộc đàn áp của Trung Quốc lại có phần trở nên độc tài hơn.

Các biện pháp can thiệp mới nhất ở Trung Quốc gây thêm áp lực lên thị trường này. Luke Sully, CEO của Ledgermatic, cho biết: “Về mặt chiến lược, điều này có vẻ ít liên quan đến việc kìm hãm hoạt động tiền mã hóa bất hợp pháp nhưng nó lại gây khó khăn cho việc sử dụng bất kỳ phương tiện trao đổi nào không được chính phủ cho phép.

Trong khi các tổ chức và công ty khai thác tại Trung Quốc đã và đang bị nhắm mục tiêu, thì Bitcoin có lẽ sẽ không dễ dừng lại như vậy. Các sàn giao dịch tiền mã hóa hoạt động ở nước ngoài vẫn có thể được người Trung Quốc truy cập thông qua mạng riêng ảo (VPN) để vượt qua các hạn chế của Internet và truy cập thị trường ngang hàng (P2P).

Bởi vì giao dịch P2P liên quan đến việc chuyển tiền trực tiếp giữa các cá nhân, nó đã đặt ra những thách thức cho các nhà quản lý Trung Quốc và sẽ tiếp tục chứng tỏ là một trở ngại đáng gờm. Và những người đam mê tiền mã hóa của Trung Quốc sẽ tiếp tục tham gia vào cuộc chiến có thể kéo dài trong nhiều năm tới đây.

Nhận định

Mặc dù Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất góp phần vào việc khai thác Bitcoin, tuy nhiên việc cấm cửa các hoạt động từ khai thác đến sử dụng Bitcoin tại đây cũng đã tạo ra một hiệu ứng tích cực trên toàn thị trường. Hiện tại, tâm lý thị trường đang ở mức 10 (mức cực kỳ sợ hãi). Điều này có thể dẫn đến việc hàng loạt các nhà đầu tư quyết định bán tháo Bitcoin của họ để nhanh chóng rời khỏi thị trường.

Tuy nhiên,, ngược lại chúng ta cũng vẫn thấy những động thái tích cực từ các nhà đầu tư khác. Một trong số đó là Microstrategy vẫn luôn liên tục thu mua thêm Bitcoin để làm giàu thêm giá trị tích lũy của mình. Thậm chí, một số công ty khai thác Bitcoin tại Trung Quốc cũng đã có dấu hiệu rời bỏ quốc gia này để tìm kiếm một vùng đất khai thác mới. 

Có thể thấy rằng, áp lực lên Bitcoin đang ngày càng lớn. Sau Trung Quốc, có thể sẽ có nhiều quốc gia hơn nữa tham gia vào hành trình ngăn cấm và khai thác Bitcoin. Điều này có thể sẽ khiến cho giá của Bitcoin liên tục biến động, thậm chí xuống mức 28.000 USD hôm 22/6 vừa rồi. Do đó, các nhà đầu tư nên có những chiến lược đúng đắn cũng như phân bổ vốn phù hợp để giảm thiểu các rủi ro có thể xảy đến trong tương lai.

Tin tức tiền mã hóa 24/7
Thảo luận về tiền mã hóa tại đây
Xem thêm
articles