DAO là gì? Xu hướng sẽ bùng nổ tiếp theo trong năm 2022

Tổ chức tự trị phi tập trung (DAO) là một thuật ngữ đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Hãy cùng Coinvn tìm hiểu về DAO trong bài viết này.

12288Total views
DAO la gi? Xu huong se bung no tiep theo trong nam 2022 - anh 1
DAO là gì? Xu hướng sẽ bùng nổ tiếp theo trong năm 2022

DAO là gì?

Tổ chức tự trị phi tập trung (DAO) là một cấu trúc doanh nghiệp với quyền kiểm soát được phân tán rộng rãi thay vì phân cấp như các tổ chức truyền thống (Facebook, Google…).

Về cơ bản, các tổ chức tự trị phi tập trung này không có trụ sở công ty. Nó thay thế hệ thống phân cấp truyền thống bằng cấu trúc quản lý phẳng. Mô hình của DAO sẽ vận hành một cách độc lập dựa vào các bộ quy tắc đã được mã hóa bằng code và không chịu sự chi phối của bất kỳ đơn vị nào.

Cụ thể, các DAO được tổ chức bằng cách sử dụng các hợp đồng thông minh trên blockchain và được quản trị hoàn toàn trên chuỗi (On-chain). Nó cho phép những người nắm giữ token quản trị của một dự án bất kỳ bỏ phiếu, đóng góp ý kiến về các đề xuất phát triển dự án. Thậm chí toàn quyền kiểm chứng các đề xuất, hoạt động của tổ chức và tham gia vào quyết định của DAO.

DAO hoạt động như thế nào?

Các quy tắc và giao dịch tài chính của DAO sẽ được ghi lại trên chuỗi và hoàn toàn không có sự can thiệp của bên thứ ba. Đồng thời, DAO cũng đơn giản hóa quá trình thực thi các giao dịch đó thông qua các smart contract.

Trong trường hợp này, smart contract sẽ đại diện cho các quy tắc và lưu trữ dữ liệu của một tổ chức. Chính vì thế các DAO đều mang minh bạch và công khai, nên một khi có ai đó chỉnh sửa dữ liệu sẽ bị phát hiện ngay lập tức. 

Trên thực tế, DAO sẽ hoạt động theo 2 loại hình chính gồm: Token-based DAO và Share-based DAO.

DAO la gi? Xu huong se bung no tiep theo trong nam 2022 - anh 2

Token-based DAO

Trong loại hình hoạt động này, Token của dự án sẽ đóng vai trò chủ đạo. Thông thường, đối với các blockchain như Bitcoin hay Ethereum… miner sẽ giữ vai trò bảo mật mạng lưới. Đổi lại họ sẽ nhận được phần thưởng là các đồng coin/token của dự án đó. 

Mặt khác, các giao thức như Uniswap, SushiSwap, MakerDAO… thì những người nắm giữ token sẽ có quyền biểu quyết cho bất kỳ những thay đổi, quyết định của giao thức đó. Token-based DAO hiện đang là loại hình phổ biến nhất trong ngành công nghiệp tiền mã hóa.

Share-based DAO 

Khác với mô hình vừa kể trên, Share-based DAO sẽ được cấp phép nhiều hơn. Các thành viên muốn tham gia cần phải gửi đề xuất tham gia DAO, đồng thời đáp ứng những điều kiện mà dự án đề ra. Các thành viên sẽ sử dụng cổ phần để biểu quyết hoạt động của tổ chức đó. 

Đối với mô hình Share-based DAO, nhà đầu tư không thể mua token quản trị trên sàn giao dịch để có quyền truy cập vào các DAO đó. Thay vào đó, nhà đầu tư cần phải có kỹ năng chuyên môn và một số vốn nhất định để có thể hỗ trợ các dự án tiềm năng phát triển.

MolochDAO – một giao thức chịu trách nhiệm cấp vốn cho các dự án trên Ethereum, là một ví dụ về Share-based DAO.

Ưu và nhược điểm của DAO

Ưu điểm

Ưu điểm thể hiện rõ nhất của DAO là mang lại cho người tham gia dự án sở hữu quyền quản trị.

  • Mọi thành viên đều có quyền xem xét các kế hoạch của dự án và đề xuất, thậm chí còn đứng ra biểu quyết để chấp thuận các đề xuất đó. 
  • DAO chú trọng vào tính minh bạch và công khai thông qua việc ghi lại các lịch sử hoạt động, giao dịch trên chuỗi (On-chain). 
  • Áp dụng “lý thuyết trò chơi” (Game theory), bất kỳ ai cũng có thể tham gia DAO và đều có thẩm quyền như nhau do tính chất không phân cấp của nó. 
  • Chủ sở hữu token sẽ nắm giữ một phần của DAO và có quyền chấp thuận các đề xuất giúp phát triển DAO. Và kết quả sẽ được thực hiện theo mong muốn của số đông.

Nhược điểm

Tính bảo mật

Như đã đề cập, DAO được tổ chức bằng cách sử dụng các hợp đồng thông minh trên blockchain, nên một khi DAO đã được triển khai thì rất khó thay đổi. Thêm vào đó việc bảo mật hợp đồng thông minh trong DeFi cũng là 1 vấn đề quan trọng và chưa có một giải pháp nào có thể loại bỏ rủi ro này một cách triệt để.

Tính pháp lý

Các quy định pháp lý dành cho DAO còn rất nhiều hạn chế và chưa rõ ràng. Điều này sẽ tạo ra một rào cản lớn đối với việc áp dụng DAO cũng như thu hút nhà đầu tư tham gia bởi họ sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm về mặt pháp lý.

Đôi lúc cộng đồng ra quyết định sai

DAO cho phép thành viên biểu quyết theo cách dân chủ hóa, tức là đề xuất sẽ được thông qua và chấp thuận bởi phần lớn các thành viên trong cộng đồng. Đôi khi, cộng đồng cần phải thông qua nhiều quyết định mang tính phức tạp và học thuật nhưng nó vượt ngoài chuyên môn của các thành viên. Điều này có thể dẫn tới những quyết định sai trong quá trình biểu quyết. 

Thường bị trì hoãn

Trong những trường hợp các đề xuất cần được thông qua ngay lập tức. Tuy nhiên, việc bỏ phiếu kéo dài trong nhiều giờ có thể sẽ tạo hệ quả xấu cho DAO. Ví dụ: Trong trường hợp của MakerDAO khi thị trường sụt giảm vào tháng 3/2020, nếu lúc đó còn đợi bỏ phiếu về việc triển khai các biện pháp đối phó thì sẽ gây ra thiệt hại lớn về tài sản của nhà đầu tư.

Sự riêng tư (Privacy)

Các đề xuất, thông tin, dữ liệu đều được minh bạch trên chuỗi không phải lúc nào cũng tốt. Việc công khai mọi thông tin trên chuỗi đồng nghĩa với việc đối thủ cạnh tranh có thể biết được hướng đi tương lai của dự án. 

Tính tập trung vẫn tồn tại

Biểu quyết sẽ được thông qua khi và chỉ khi số người chấp thuận chiếm hơn 50%. Qua đó, người dùng vẫn cảm nhận được tính tập trung tồn tại ngay trong việc biểu quyết của các giao thức.

Các ứng dụng của DAO 

DAO được ứng dụng trong vô số phạm trù khác nhau. Trong đó, quản trị DApp là ứng dụng phổ biến nhất của mô hình này. Bản chất phi tập trung của DeFi không chỉ dừng lại ở cấp độ mạng lưới. Các nhà phát triển ứng dụng luôn muốn người dùng tự nguyện tin tưởng vào nền tảng mà không phải bị ràng buộc. Và DAO là một giải pháp hữu dụng cho vấn đề này. 

Các nhà phát triển có thể tạo DAO một cách dễ dàng và cho phép chủ sở hữu token đề xuất các thay đổi của nền tảng, thậm chí là bỏ phiếu thông qua các đề xuất đó. Các loại DApp phổ biến nhất thường sử dụng DAO là sàn giao dịch phi tập trung (DEX) và nền tảng cho vay. 

DAO la gi? Xu huong se bung no tiep theo trong nam 2022 - anh 3

Các tựa game NFT và Metaverse cũng đang trở nên phổ biến hơn và có xu hướng phân quyền thông qua DAO. Decentraland – một thế giới 3D do người chơi xây dựng và sở hữu, là một ví dụ điển hình. Nó cho phép các thành viên bỏ phiếu về những thay đổi đối với trò chơi và hệ sinh thái vật phẩm của nó thông qua Decentraland DAO. Sandbox – một trò chơi Metaverse được mệnh danh là đối thủ của Decentraland, mặc dù Sandbox thường được biết đến là một dự án theo mô hình phi tập trung, nhưng trên thực tế không phải như vậy. Dự án cho biết họ có kế hoạch triển khai DAO trong tương lai.

Ngoài ra, các DAO đầu tư dựa trên NFT đã bùng nổ gần đây để bắt kịp cơn sốt của thị trường NFT. Hầu hết yêu cầu chủ sở hữu NFT sẽ stake NFT của họ để bỏ phiếu và kiếm token. HeadDAO là một ví dụ điển hình, nhà đầu tư sẽ sở hữu chung một quỹ gồm các NFT blue-chip như CryptoPunks, Bored Apes… Các DAO như HeadDAO liên tục đổi mới và tìm ra những cách mới để biến công nghệ trở nên tuyệt vời hơn. 

Một số ví dụ về DAO

Đầu tư

Khi nhiều giao thức áp dụng mô hình DAO ra mắt các token thì ngay sau đó cộng đồng người dùng sẽ quyết định đầu tư vào token đó. Nói một cách dễ hiểu hơn thì loại hình này sẽ cho phép những người tham gia đầu tư vào dự án ngay từ ban đầu. BitDAO, FlamingoDAO, DuckDAO… là những dự án nổi bật trong khía cạnh này.

Thu hút nhân sự làm việc cho dự án

Service DAO là hình thức giúp các dự án thu hút những nhân sự tiềm năng. Tại đây, các công việc và hoạt động sẽ được quản lý bằng code và các hợp đồng thông minh phù hợp với cơ chế hoạt động của DAO. PartyDAO, DeepDAO, Yield Guide Games (YGG)… chính là đại diện nổi bật trong khía cạnh này.

Các khoản tài trợ

Cộng đồng tham gia góp vốn để lập quỹ phát triển các dự án và thông qua DAO để biểu quyết việc sử dụng nguồn vốn như thế nào. Uniswap Grants, Compound Grants, AAVE Grants… là các ví dụ điển hình.

Kết luận và nhận định về tương lai của DAO

Trong vài năm gần đây, nhiều nhà phát triển đang nghiên cứu, cải tiến cơ chế quản trị và giải pháp bỏ phiếu. Điều này sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư sẽ có xu hướng quan tâm đến DAO nhiều hơn.

Mặt khác, một làn sóng “DAO đầu tư” cũng đã xuất hiện, trong đó người nắm giữ token có quyền bỏ phiếu và quyết định nên đầu tư vào dự án nào. Một số dự án khác, chẳng hạn như Neptune DAO, đang hướng tới việc cung cấp vốn đầu tư mạo hiểm cho các dự án Web 3.0.

Trên thực tế, xu hướng sử dụng mô hình DAO đang phát triển cực kỳ nhanh chóng. Nó mang đến cơ hội tốt để thay thế các ứng dụng quản trị tập trung khi gắn liền với blockchain và DeFi. 

Bên cạnh đó, các tổ chức tài chính truyền thống đang bị lạm dụng quyền hạn, thao túng tài sản gây thiệt hại lớn cho nhiều nhà đầu tư. Và DAO chính là giải pháp hạn chế vấn đề đáng lo ngại đó.

Với những ưu điểm mà DAO mang lại, liệu chúng có thể trở thành một giải pháp giúp các giao thức thay đổi cách hoạt động và huy động dòng tiền hay không? Hiện tại rất khó để đưa ra câu trả lời cho câu hỏi đó trong khi DAO vẫn còn tồn đọng nhiều hạn chế. Chính vì thế, các nhà đầu tư nói chung và nhà phát triển nói riêng sẽ cần một khoảng thời gian dài để nghiên cứu kỹ lưỡng về mô hình này.