Phân tích mô hình hoạt động SushiSwap – Mô hình đa sản phẩm

8149Total views
Phan tich mo hinh hoat dong SushiSwap – Mo hinh da san pham - anh 1
Phân tích mô hình hoạt động SushiSwap. Nguồn: Cointelegraph.

Một số thông tin cần biết về Sushi

Sushi là gì?

Theo như đội ngũ phát triển thì Sushi là một tổ chức hoạt động vì cộng đồng được thành lập nhằm giải quyết vấn đề thanh khoản trong thị trường tài chính phi tập trung. Sushi kết hợp nhiều thị trường và các công cụ tập trung vào một hệ thống sản phẩm. Cho đến nay, Sushi đã cho ra mắt nhiều sản phẩm đa dạng lĩnh vực từ sàn giao dịch phi tập trung (SushiSwap), thị trường cho vay phi tập trung (Kashi Lending) cho đến các công cụ tạo thu nhập thụ động như: Yield Farming (Sushi Yield Farms) và Staking (SushiBar Staking). Tương tự như những dự án DeFi khác, các sản phẩm đều được quản lý bởi nhà đầu tư sở hữu SUSHI token.

Một số thông tin về SushiSwap

SushiSwap là một sàn giao dịch phi tập trung, không cần cấp phép theo mô hình AMM và là sản phẩm đầu tiên của Sushi. SushiSwap cho phép người dùng giao dịch ngang hàng với thanh khoản được cung cấp bởi những người dùng khác. Ban đầu SushiSwap được fork từ Uniswap V2, chính vì thế mô hình hoạt động của SushiSwap tương tự như Uniswap, tuy nhiên có một số điểm khác nhau. 

Đọc thêm: Phân tích on-chain của Uniswap (UNI) ra mắt Uniswap V3 dữ liệu tiết lộ gì?

Sự khác biệt giữa SushiSwap và Uniswap

Giống nhau: cả 2 dự án đều là AMM và sử dụng thuật toán đường cong kinh điển với công thức x*y = k; mô hình Pool thanh khoản với 2 token cùng tỉ lệ 1:1; phí giao dịch là 0.3%.

Khác nhau: 

  • Uniswap: nhà cung cấp thanh khoản (Liquidity Providers) sẽ hưởng toàn bộ 0.3% phí giao dịch và không có chương trình khai thác thanh khoản (Liquidity Mining).
  • SushiSwap: nhà cung cấp thanh khoản (Liquidity Providers) sẽ chỉ hưởng 0.25% phí giao dịch và 0.05% sẽ dành cho nhà đầu tư nắm giữ xSUSHI, đồng thời có chương trình khai thác thanh khoản (Liquidity Mining) – khuyến khích người dùng cung cấp thanh khoản và sẽ nhận phần thưởng là SUSHI token.

Mô hình hoạt động của SushiSwap

Mô hình hoạt động của SushiSwap – Multichain AMM

Sự giống nhau của SushiSwap và Uniswap nằm ở mô hình Pool thanh khoản và thuật toán đường cong kinh điển x*y = k. Cả 2 điều này mình đã trình bày chi tiết trong bài “Phân tích mô hình hoạt động của Uniswap V2” vì thế bạn đọc bài viết này trước, để hiểu rõ một mô hình AMM điển hình hoạt động như thế nào nhé. Trong phạm vi bài viết này, mình sẽ chỉ giải thích chi tiết những điểm khác biệt của SushiSwap

Thành phần tham gia vào mô hình gồm có: 

  • xSUSHI holders: là các SUSHI holder mang SUSHI token đi Staking và nhận được mức APR/APY tùy vào thời điểm bạn Staking (kể từ lúc mình viết bài này thì APR là 6.84%) và đổi lại phải khóa SUSHI trong vòng 6 tháng, lợi ích của xSUSHI holders sẽ hưởng được 1 phần doanh thu từ các sản phẩm của SushiSwap, có thể được xem là người tạo ra sân chơi này.
  • Người cung cấp thanh khoản (Liquidity Provider, gọi tắt là LP): đóng vai trò như nguồn cung, cung cấp tài sản để tạo tính thanh khoản cho thị trường.
  • Người dùng (User/Trader): đóng vai trò là nguồn cầu, người dùng có thể giao dịch bất kì token nào có trên SushiSwap và trả 0.3% phí cho mỗi giao dịch.

Quy trình hoạt động của mô hình SushiSwap được mô tả theo 4 bước chính:

Bước 1: Nhà cung cấp thanh khoản (LP) sẽ cung cấp 2 loại tài sản (A và B) vào pool thanh khoản tương ứng (A/B) trên SushiSwap với tỷ lệ 1:1. Sau đó nhận về SLP token (Sushiswap Liquidity Provider), token này đại diện cho quyền sở hữu 1 phần tài sản trong pool đó. 

Bước 2: Người dùng (User/Trader) muốn hoán đổi (swap) token A sang token B thì phải bỏ token A vào pool tương ứng và nhận về token B.

Bước 3: Mỗi giao dịch swap, người dùng phải trả 0.3% phí giao dịch, 0.25% phí này sẽ chuyển cho nhà cung cấp thanh khoản (LP) và 0.05% cho xSUSHI holders.

Bước 4: Để khuyến khích các Liquidity, ngoài việc nhận 0.25% phí giao dịch còn có thể mang SLP token đi Staking và nhận thêm SUSHI token, chương trình này gọi là Liquidity Mining (Khai thác thanh khoản) nhằm khuyến khích cung cấp thanh khoản nhiều hơn.

Cụ thể được minh họa trong hình sau:

Phan tich mo hinh hoat dong SushiSwap - Mo hinh da san pham - anh 2
Mô hình hoạt động của SushiSwap – Multichain AMM

Vậy mô hình SushiSwap cải tiến hơn Uniswap V2 điểm nào?

Cải tiến SushiSwap nhắm đến giải quyết các vấn đề về tối ưu hóa lợi nhuận, nhiều ưu đãi hơn và đặc biệt có thể khắc phục tình trạng Slippage (trượt giá) cao khi không có đủ thanh khoản.

  • Đối với Sushi Holders: được nhận 0.05% còn Uni holders thì không, mặc dù cả 2 đều giữ vai trò gần như tương tự nhau.
  • Đối với nhà cung cấp thanh khoản (Liquidity Providers): SushiSwap tích hợp chương trình Liquidity Mining lâu dài. Như mình có đề cập rủi ro lớn nhất của các nhà cung cấp thanh khoản là phải gánh chịu 1 khoản tổn thất tạm thời (Impermanent loss), việc SushiSwap tích hợp chương trình này giúp tạo lợi nhuận trong lúc các LP gửi tài sản mã hóa vào Pool thanh khoản nhằm giảm thiểu một phần tổn thất nếu thị trường biến động trong quá trình cung cấp thanh khoản.
  • Đối với người dùng (Users/Traders): việc khuyến khích trên sẽ giúp SushiSwap thu hút các nhà cung cấp thanh khoản và tạo ra một nguồn thanh khoản dồi giàu sẽ giúp giảm rủi ro trượt giá (Slippage) hơn. Cùng với đó, giúp SushiSwap thu hút nhiều người dùng, chi phí thu về của xSUSHI holder và nhà cung cấp thanh khoản (Liquidity Providers) sẽ nhiều hơn.

Tóm lại, cải tiến của SushiSwap chính là tối ưu được chi phí và phần thưởng cho toàn bộ đối tượng tham gia. Chương trình khuyến khích sử dụng SushiSwap khá hay và cũng đã thu hút được khá nhiều nhà cung cấp thanh khoản, giúp nguồn thanh khoản trở nền dồi giàu. Bằng chứng là TVL đã đạt $2,7B USD giúp SushiSwap trở thành sàn giao dịch phi tập trung (DEX) đúng thứ 3 trong top các DEX có lượng TVL cao nhất.

Phan tich mo hinh hoat dong SushiSwap - Mo hinh da san pham - anh 3
Giá trị được khóa (TVL)

Mô hình hoạt động của các sản phẩm khác của Sushi

Mô hình hoạt động của SushiBar

SushiBar là nơi dành cho các SUSHI holders mang SUSHI token đi Staking để nhận xSUSHI token, đồng thời nhận những lợi ích từ các sản phẩm khác của Sushi như: phí giao dịch trên SushiSwap, phí sử dụng dịch vụ trên BentoBox, quyền biểu quyết và những lợi ích khác.

Mô hình hoạt động của BentoBox – chiếc ví chứa token

BentoBox là một Vault chứa đựng tất cả các token tạo ra lợi nhuận cho các nhà cung cấp thanh khoản. Khi người dùng gửi các tài sản mã hóa vào BentoBox và sẽ nhận lợi nhuận hằng năm (APY). BentoxBox đóng vai trò là cơ sở hạ tầng cho các giao thức DeFi trong tương lai sắp ra mắt trên SushiSwap và giao thức đầu tiên đó là Kashi, mô hình hoạt động của BentoBox như sau:

Bước 1: Nhà cung cấp thanh khoản gửi tài sản mã hóa vào BentoBox và nhận lại các lợi ích như: lợi nhuận hằng năm, giảm chi phí khi sử dụng các dịch vụ hoặc sản phẩm khác của Sushi, nhận mức phí gas thấp khi giao dịch các token có bên trong Vault,…

Bước 2: Khi người dùng sử dụng dịch vụ của BentoxBox sẽ trả một phần phí tùy vào loại dịch vụ, phí này sẽ chia một phần cho các xSUSHI holders (những người mang SUSHI token đi Staking)

Cụ thể được minh họa trong hình sau:

Phan tich mo hinh hoat dong SushiSwap - Mo hinh da san pham - anh 4
Mô hình hoạt động của BentoBox – chiếc ví chứa token

Mô hình hoạt động của Kashi Lending

Kashi là bộ sản phẩm đầu tiên của BentoBox, mô hình tương tự như các các nền tảng vay và cho vay, tuy nhiên điểm độc đáo của Kashi là cho phép vay và cho vay theo cặp (Isolated Lending Pair), các thành phần tham gia gồm có: người cho vay (Lenders), người đi vay (Borrowers) và nơi vay (BentoBox – Vault chứa các token của người cho vay), mô hình hoạt động của Kashi như sau:

Đối với người cho vay (Lenders):

Bước 1: Người cho vay (Lenders) sẽ gửi tài sản mã hóa vào BentoBox, tương tự như một nhà cung cấp thanh khoản vì thế sẽ nhận lại những lợi ích như mình đã đề cập ở trên.

Bước 2: Chọn Pool tương ứng với tài sản của mình để cho vay và kiếm lãi suất.

Đối với người đi vay (Borrowers):

Bước 1: Người đi vay (Borrowers) cung cấp tài sản mã hóa thế chấp vào BentoBox.

Bước 2: Chọn Pool tương ứng với token muốn vay để vay token và trả lãi suất vay.

Cụ thể được minh họa trong hình sau:

Phan tich mo hinh hoat dong SushiSwap - Mo hinh da san pham - anh 5
Mô hình hoạt động của Kashi Lending

Điểm độc đáo của mô hình Kashi Lending:

Phí gas thấp: được sự hỗ trợ của BentoBox, giúp Kashi giảm bớt những giao dịch không cần thiết.

Cho phép người dùng tạo riêng các cặp Lending bằng những thao tác đơn giản: chỉ cần chọn một loại token làm tài sản cho vay, một loại token làm tài sản thế chấp, là người dùng có thể tạo ra một cặp Lending trên Kashi.

Các Pool riêng biệt: lợi ích của các Pool riêng biệt là sẽ đảm bảo an toàn cho hệ thống, nếu có một token bị hack sẽ chỉ ảnh hưởng đến Pool chứa token đó không ảnh hưởng đến các Pool còn lại và tạo ra thị trường đa dạng được nhiều token vay và cho vay hơn.

Miso – nền tảng IDO (Initial Dex Offering)

MISO là một bộ hợp đồng thông minh mã nguồn mở được tạo ra để đơn giản hóa quá trình khởi chạy một dự án mới trên SushiSwap. Tương tự như các nền tảng IDO khác, Miso được tạo ra để trở thành bệ phóng cho các nhà nghiên cứu và phát triển dự án dễ dàng tiếp cận đến cộng đồng nhà đầu tư tiền mã hóa nhằm ra mắt dự án, cũng như thúc đẩy nguồn vốn thông qua việc mua bán token trên SushiSwap.

Đọc thêm: IDO là gì? Các nền tảng IDO phổ biến hiện nay.

Các thành phần của Miso gồm có:

Token Factory: nơi tạo ra token cho các dự án.

Market: nơi tiến hành IDO, Miso hỗ trợ hình thức đấu giá là Crowdsale và Dutch & Batch.

Liquidity: một phần vốn huy động từ IDO sẽ tạo thanh khoản cho SushiSwap.

Fermentation: các tùy chọn lưu trữ/ký quỹ để khóa token theo thời gian.

Farm Produce: các token mới IDO sẽ được farm trong chương trình Liquidity Mining của SushiSwap.

Để các dự án mới có cơ hội tốt nhất để khởi chạy trên SushiSwap, các thành phần trong Miso sẽ được kết hợp theo nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào dự án. Vì thế sẽ hạn chế cho việc mình phân tích sâu mô hình của Miso, tuy nhiên bạn đọc có thể hình dung một cách cơ bản nhất thông qua hình bên dưới:

Phan tich mo hinh hoat dong SushiSwap - Mo hinh da san pham - anh 6
Miso – nền tảng IDO (Initial Dex Offering)

Lưu ý: Ở (2) dự án sẽ là người quyết định các thành phần của Miso kết hợp như thế nào.

Mô hình hoạt động của Mirin – một tính năng sắp ra mắt

Hiện tại tính năng này chưa được ra mắt, trong tương lai Mirin sẽ được ra mắt cùng với phiên bản SushiSwap V3. Hiểu một cách đơn giản là Mirin sẽ giúp Sushi kế hợp với sàn giao dịch tập trung (CEX) hoặc bên thứ 3 nào đó, cho phép người dùng cung cấp thanh khoản cho SushiSwap thông qua sàn, số thanh khoản này sẽ được chứa trong Subpool được liên kết với Pool thanh khoản chính của SushiSwap, bạn có thể hình dung qua hình minh họa bên dưới:

Phan tich mo hinh hoat dong SushiSwap - Mo hinh da san pham - anh 7
Mô hình hoạt động của Mirin – một tính năng sắp ra mắt

Tổng quan về cách hoạt động của toàn hệ thống trong mô hình SushiSwap

Như vậy, đến đây bạn có thể nắm rõ cơ bản về các mô hình hoạt động của các sản phẩm của SuShi. Bây giờ mình sẽ tổng kết lại tổng thể cách hoạt động của cả mô hình SushiSwap như sau:

  • (1) Sushi cung cấp 1 hệ thống các sản phẩm mà người dùng cần có trong sàn giao dịch phi tập trung và hơn thế nữa, gồm: giao dịch (Swap/Trade); vay và cho vay (Lending & Borrowing), Yield Farming và Staking,… cùng với chương trình khuyến khích cung cấp thanh khoản Liquidity Mining. Hoạt động này được diễn ra trên AMM SushiSwap, Kashi Lending và BentoBox.
  • (2) Thông qua việc hợp tác với bên thứ 3/các sàn giao dịch tập trung giúp đơn giản hóa thao tác kỹ thuật, đặc biệt đối với các người dùng chưa từng thao tác trên bất kỳ nền tảng DeFi nào vẫn có thể dễ dàng sử dụng các sản phẩm SushiSwap nhờ vào mô hình của Mirin (sớm sẽ được ra mắt). 
  • (3) Tạo bệ phóng cho các nhà phát triển dự án nhằm giúp Sushi xây dựng 1 thị trường giao dịch chất lượng để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư hơn. Qua đó tiếp cận các dự án mới cũng như là SushiSwap nhờ vào mô hình của Miso và chương trình Liquidity Mining.
  • (4) Phí giao dịch: phí giao dịch sẽ chuyển trực tiếp đến xSUSHI holder và nhà cung cấp thanh khoản.

Cụ thể được minh họa trong hình sau:

Phan tich mo hinh hoat dong SushiSwap - Mo hinh da san pham - anh 8
Tổng quan về cách hoạt động của toàn hệ thống trong mô hình SushiSwap

Vậy mô hình hoạt động của SushiSwap có hiệu quả?

SushiSwap không còn đơn thuần là một AMM được fork từ Uniswap V2 mà đã trở thành một hệ thống vận hành theo mô hình đa dạng sản phẩm phục vụ nhiều đối tượng. Giải pháp mà SushiSwap mang lại chính là tối ưu hóa hiệu suất sử dụng nguồn vốn, đồng thời hạn chế một phần rủi ro trượt giá khi giao dịch. Các sản phẩm đều hướng đến việc tạo ra một nguồn thanh khoản dồi giàu. Theo quan điểm cá nhân của mình thì đây là một mô hình rất tốt cho SUSHI holders và những người dùng khác khi tích hợp nhiều tiện ích, sản phẩm vào cùng 1 hệ thống. Tuy nhiên nếu xét khía cạnh ngược lại, việc đa dạng nhiều sản phẩm sẽ khó kiểm soát và khó đảm bảo rằng tất cả sản phẩm đều đang hoạt động hiệu quả. Như vậy mình phân tích xong mô hình hoạt động của SushiSwap, liệu với mô hình này có thể giúp SushiSwap soán ngôi đầu bảng của sàn giao dịch có lượng thanh khoản lớn nhất trong thị trường DeFi hay không?

Lời kết

Trên đây là những thông tin về mô hình hoạt động của SushiSwap từ nhiều nguồn mà Coinvn tổng hợp và nghiên cứu mang đến cho bạn đọc. Hy vọng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về dự án và mô hình hoạt động của một mô hình tích hợp đa sản phẩm điển hình như SushiSwap.

Giải pháp mà SushiSwap mang lại cho thị trường tiền mã hóa có thực sự hiệu quả? Cùng thảo luận với chúng tôi tại Telegram Group Coinvn. Và đừng quên ghé thăm website của Coinvn để cập nhật nhanh nhất những sự kiện sắp tới của dự án. Hẹn gặp lại bạn ở những số “Phân tích mô tích mô hình hoạt động” lần sau của Coinvn.

Lưu ý: Tất cả những thông tin trong bài nhằm cung cấp cho người đọc những thông tin mới nhất trong thị trường và không được coi là lời khuyên đầu tư. Hy vọng bạn đọc đánh giá lại các thông tin trên một cách kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định đầu tư.