Nội dung
Dự phóng tiềm năng của Solana trong năm 2022
Trong khuôn khổ bài viết này sẽ cung cấp cho nhà đầu tư các thông tin cơ bản về Solana, các cập nhật quan trọng và dự phóng tiềm năng của Solana trong năm 2022.
Solana được nhiều người biết đến với danh xưng là đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Ethereum, khi nó có tốc độ xử lý giao dịch nhanh, phí gas thấp và được nhiều quỹ nổi tiếng đầu tư.
Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, Solana đã gặp phải các vấn đề liên quan đến việc xử lý các giao dịch và phải ngừng hoạt động trong nhiều giờ liền. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu “những ngày nắng ấm” của Solana đã qua hay chưa? Hãy cùng đội ngũ Coinvn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên thông qua bài viết này.
Solana được biết đến là một blockchain Layer 1 có tốc độ xử lý giao dịch cực kỳ nhanh lên đến 65.000 giao dịch mỗi giây và phí giao dịch rất thấp chỉ 0,00025 đô la Mỹ. Đáng chú ý là Solana hiện đang được rất nhiều nhà phát triển lựa chọn để xây dựng Dapp của họ.
Nền tảng này được thành lập vào năm 2017 bởi nhà khoa học máy tính Anatoly Yakovenko và được xây dựng bởi Solana Labs – một công ty phần mềm có trụ sở tại Hoa Kỳ và được điều hành bởi Solana Foundation có trụ sở tại Thụy Sĩ.
Vào năm 2017, Solana đã huy động được khoảng 25 triệu USD thông qua hình thức ICO. Vào năm 2021, Solana huy động thêm 314 triệu USD từ các quỹ đầu tư nổi tiếng trong lĩnh vực này.
Solana sử dụng cơ chế đồng thuận PoH (Proof of History), dựa trên PoS (Proof of Stake) để có thể xử lý hàng nghìn giao dịch mỗi giây. Với thời gian tạo khối của Solana là 400 mili giây, Solana có thể xử lý từ 45.000 đến 65.000 giao dịch mỗi giây. Đây là tốc độ tương đương với mạng lưới thanh toán của VISA và điều này làm cho Solana trở thành nền tảng blockchain nhanh nhất trên thị trường tiền mã hóa.
Nếu so với các sàn giao dịch chứng khoán tập trung, Solana cho tốc độ xử lý giao dịch nhanh hơn. Và mục tiêu cuối cùng của Solana là thay thế chúng, đây là một trong những lý do tại sao dự án lại được nhiều nhà đầu tư, tổ chức sử dụng.
FTX là một trong những tổ chức ủng hộ Solana lớn nhất ở thời điểm hiện tại. Sàn giao dịch này đã sử dụng Solana làm chuỗi trao đổi và rót hàng chục triệu USD vào hệ sinh thái của Solana.
Mặc dù, 90% nguồn cung của USDC hiện đang tồn tại trên Ethereum, nhưng Solana mới là chuỗi chính thức cho stablecoin này.
Tương tự như Ethereum, Solana là một nền tảng hợp đồng thông minh nên đã có hàng trăm Dapp và giao thức DeFi xây dựng trên blockchain này, với tổng giá trị bị khóa (TVL) đạt hơn 6,9 tỷ (dữ liệu được ghi nhận bởi DefiLlama vào ngày 21/04/2022).
Ngoài ra, Solana cũng có một thị trường NFT khá lớn, đạt 2 tỷ khối lượng giao dịch vào thời điểm thực hiện bài viết này (21/04/2022). Điều này làm cho Solana trở thành một blockchain có khối lượng giao dịch NFT lớn thứ 3 trên thị trường, chỉ sau Ethereum và Ronin Network.
Phantom Wallet là một trợ thủ đắc lực để đơn giản hóa quá trình truy cập vào hệ sinh thái Solana. Đây là một ví lưu trữ tiền mã hóa dành riêng cho blockchain Solana, có thể sử dụng trên cả thiết bị di động và tiện ích mở rộng của trình duyệt, đã có hơn 2 triệu lượt tải xuống.
Tất những thành công mà blockchain Solana đạt được, đã giúp nó trở nên phổ biến hơn và tiếp cận với người dùng ở một phạm vi rộng hơn. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến sự phân cấp (tính phi tập trung) và một số lượng nhỏ trình xác thực sẽ phải lưu trữ toàn bộ dữ liệu cho toàn mạng lưới.
Đây là lý do tại sao Solana sử dụng một dự án blockchain khác có tên Arweave (AR) để lưu trữ dữ liệu. Nhà đầu tư có thể tìm hiểu thêm về Arweave trong bài viết “toàn cảnh sự phát triển của hệ sinh thái Arweave”.
Ngay sau khi bản cập nhật cuối cùng dành cho Solana được phát hành vào tháng 12/2021, nền tảng này đã bị tấn công DDoS, dẫn đến hiệu suất mạng lưới bị suy giảm.
Sự việc này đã đánh dấu lần thứ ba blockchain của Solana gặp phải các vấn đề nghiêm trọng kể từ khi ra mắt. Vài ngày sau khi ngừng hoạt động do sự cố, Solana Ventures đã thông báo thành lập quỹ trị giá 150 triệu USD dành cho các trò chơi NFT với sự hợp tác của Forte và Griffin Ventures.
Đầu tháng 01/2022, sự cố tương tự lại xảy ra, đánh dấu 2 lần liên tiếp blockchain Solana gặp phải vấn đề giảm hiệu suất hoạt động.
Mặc dù, việc Solana gặp sự cố giảm hiệu suất liên tiếp đã làm cho nhiều người hoài nghi về mức độ tin cậy của nền tảng này. Tuy nhiên, những suy nghĩ đó đã không thay đổi quyết định của Bank of America khi tuyên bố rằng “Solana là mạng lưới thanh toán VISA của thị trường tiền mã hóa” vào giữa tháng 01/2022.
JP Morgan cũng nói rằng Ethereum đang mất thị phần ở mảng NFT vào tay Solana vì phí giao dịch trên blockchain Ethereum khá cao.
Vào cuối tháng 01/2022, sàn giao dịch Coinbase đã niêm yết SOL (đồng coin gốc của Solana). Điều này đã mở ra nhiều cơ hội cho các ứng dụng trên Solana hơn trong tương lai, tương tự như Coinbase đã làm với Ethereum.
Phantom Wallet của Solana cũng đã huy động được số tiền khổng lồ là khoảng 109 triệu USD từ các quỹ đầu tư nổi tiếng trong thị trường tiền mã hóa. Qua đó giúp nâng mức định giá của công ty đứng sau ứng dụng này lên hơn 1,2 tỷ USD.
Vào đầu tháng 02/2022, Solana đã công bố sự ra mắt của Solana Pay, giúp nhà đầu tư có thể thanh toán hàng hóa và dịch vụ bằng cách sử dụng stablecoin USDC trên Solana. Và không có gì đáng ngạc nhiên khi Solana Pay sẽ được tích hợp với Phantom Wallet và FTX.
Vài ngày sau thông báo trên, cầu nối Wormhole của Solana với Ethereum đã bị tấn công và một số lượng lớn ETH trị giá 320 triệu USD đã bị đánh cắp. Hacker đã tận dụng lỗ hổng của hệ thống cầu nối và lấy cắp 120.000 ETH ở phía Solana mà không khóa bất kỳ ETH nào ở phía Ethereum. Sau đó, hacker đã chuyển 120.000 ETH từ phía Solana sang phía Ethereum.
Tuy nhiên, vận may lại đến với Solana, khi một quỹ đầu tư có tên là Jump Crypto đã bổ sung toàn bộ số lượng ETH bị lấy cắp vào phía Ethereum của cầu nối Wormhole. Đây được xem là gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử DeFi.
Trong một cuộc phỏng vấn, chủ tịch của Jump Crypto, Kanav Kariya giải thích rằng lý do mà ông đưa ra gói cứu trợ này vì “Jump Crypto đã góp phần xây dựng cầu nối Wormhole và nó bắt buộc phải làm như vậy”.
Cầu nối Wormhole được xây dựng bởi các nhà phát triển tại một số công ty blockchain khác và được Jump Crypto mua lại vào tháng 08/2021, với mục đích là xây dựng một cơ sở hạ tầng an toàn cho Solana.
Kanav Kariya cũng cho biết Jump Crypto tin tưởng rằng tất cả ETH bị đánh cắp cuối cùng sẽ được thu hồi. Để đạt được mục tiêu đó, Jump Crypto hợp tác chặt chẽ với FBI và công ty phân tích chuỗi khối Chainalysis, để theo dõi tất cả ETH đã bị đánh cắp nhằm đóng băng nó khi hacker cố gắng rút tiền. Bên cạnh đó, Jump Crypto còn treo một khoản tiền thưởng là 10 triệu USD cho những ai cung cấp bất kỳ thông tin nào về vụ hack này.
Tuy nhiên, vụ hack Wormhole này đã nhanh chóng bị lu mờ bởi việc phát hành ứng dụng di động STEPN – một dự án Move-to-Earn trên Solana và đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư.
Với mô hình mới lạ, STEPN đã bùng nổ và vốn hóa của nó trên thị trường đã đạt gần 2 tỷ USD, xuất sắc lọt vào top 100 tài sản tiền mã hóa hàng đầu theo vốn hóa thị trường.
Vào giữa tháng 02/2022, nền tảng phát trực tuyến phi tập trung Audius đã thông báo rằng token AUDIO đã có sẵn trên Solana thông qua cầu nối Wormhole. Nếu bạn quan tâm, bạn có thể tham khảo về Audius trong bài viết “đánh giá từ A đến Z dự án Audius”.
Vào giữa tháng 03/2022, Coinbase Wallet đã bổ sung hỗ trợ cho đồng coin gốc của Solana – SOL. Điều này bổ sung thêm độ tin cậy cho thông tin Coinbase sẽ bắt đầu niêm yết token của các ứng dụng trên Solana.
Solana cũng thông báo rằng Solana Pay đã tiếp cận thành công 600 cửa hàng trong hai tháng đầu hoạt động. FTX và CoinShares thậm chí còn hợp tác để tạo ra Solana ETP và được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Frankfurt tại Đức.
Vào cuối tháng 03/2022, WisdomTree đã tung ra các ETP hỗ trợ cho Solana, Cardano và Polkadot trên các sàn giao dịch chứng khoán ở Thụy Sĩ và Đức.
Grayscale cũng đã công bố ra mắt quỹ hợp đồng thông minh bao gồm các lựa chọn thay thế Ethereum và Solana giữ vị thế lớn nhất trong quỹ này.
Mặc dù là một thị trường NFT dành cho Ethereum, nhưng OpenSea cũng đã có động thái mở rộng phạm vi hoạt động khi chính thức thông báo sẽ ra mắt trên Solana và quá trình tích hợp đã hoàn tất.
Sau đó, Chicago Mercantile Exchange (CME) đã thông báo rằng họ đang xem xét cung cấp hợp đồng tương lai cho Solana và Cardano. Chicago Mercantile Exchange là một sàn giao dịch tương lai hầu như chỉ được sử dụng bởi các nhà đầu tư tổ chức và hai loại tài tiền mã hóa duy nhất mà nó hiện cung cấp là Bitcoin và Ethereum.
Thực tế thú vị là việc CME giới thiệu hợp đồng tương lai Bitcoin vào cuối năm 2017 đã giúp BTC củng cố vị trí hàng đầu trong thị trường.
Mặc dù, Solana không ngừng cho ra các bản cập nhật, thông báo về quan hệ đối tác mới. Tuy nhiên, những ảnh hưởng từ sự cố giảm hiệu suất hoạt động và vụ hack của Wormhole, giá của SOL chưa thể tăng trưởng trở lại.
Mặt khác, với sự điều chỉnh của Bitcoin đã khiến toàn bộ tài sản tiền mã hóa trên thị trường “chìm trong sắc đỏ”, Solana cũng không ngoại lệ. Chính vì thế, SOL không thể tăng trưởng trở lại, khi BTC điều chỉnh mạnh kể từ giữa tháng 12/2021.
Sự cố mạng lưới xảy ra liên tục và vụ hack Wormhole đã làm giảm độ tin cậy của Solana và có thể dẫn đến việc nhiều người dùng và nhà đầu tư chuyển sự tập trung của họ sang các lựa chọn blockchain Layer 1 thay thế Ethereum khác. Và NEAR Protocol có thể là đối tượng tiếp nhận sự quan tâm của người dùng và nhà đầu tư đến từ Solana. Chính vì thế, NEAR Protocol đã trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Solana.
Mặt khác, Solana vẫn chứng minh được sức hút của nó trên thị trường tiền mã hóa, khi Grayscale giới thiệu Grayscale Solana Trust vào cuối tháng 11/2021, quỹ ủy thác này quản lý một lượng tài sản trị giá 10 triệu USD.
Cho đến thời điểm hiện tại, Grayscale Solana Trust vẫn quản lý một lượng tài sản như ban đầu, mặc dù giá của SOL đã giảm 50%. Điều này có nghĩa là tổng số SOL mà quỹ uỷ thác nắm giữ đã tăng gấp đôi trong hơn bốn tháng qua.
Sự ra mắt gần đây của OpenSea trên Solana dường như đã dẫn đến sự gia tăng nhu cầu về tiện ích của người dùng đối với SOL. Điều này có thể thúc đẩy tổng giá trị bị khóa trên các giao thức DeFi của Solana tăng trở lại, sau một đợt sụt giảm nghiêm trọng.
Có thể bạn quan tâm: Hướng dẫn mint NFT trên sàn OpenSea cho người mới.
Tuy nhiên, như Coinvn đã đề cập, vốn hóa thị trường của Solana đã quá cao. Điều này có nghĩa là tiềm năng tăng giá của đồng SOL không còn cao như trước đây. Qua đó cho thấy giá của SOL không thể tăng mạnh trong một khoảng thời gian ngắn.
Việc giá SOL tăng trưởng trở lại mức ATH sẽ phụ thuộc vào những công việc mà Solana sẽ thực hiện trong tương lai. Việc đầu tiên liên quan đến một dự án Solana có tên là Neon – một EVM với khả năng mở rộng và tạo thanh khoản của Solana.
Theo như những thông tin mà Neon cung cấp thì việc triển khai EVM sẽ có thể xử lý 4.500 giao dịch mỗi giây. Điều này sẽ làm cho Solana trở thành nền tảng blockchain Layer 1 tương thích EVM nhanh nhất trên thị trường tiền mã hóa.
Dự án Neon dự kiến sẽ ra mắt vào cuối tháng 06/2022, một khi nó hoạt động Solana có thể sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư, dòng tiền từ cả Ethereum và các nền tảng tương thích EVM khác như Avalanche.
Thứ hai, việc phát triển trong tương lai của Solana sẽ liên quan đến Circle – một công ty phát hành stablecoin USDC. Giám đốc điều hành Circle – Jeremy Allaire đã đề cập trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 2/2022 rằng Circle đang trong quá trình phát triển giao thức định danh kỹ thuật số phi tập trung, và có thể Solana là cơ sở hạ tầng được chọn để xây dựng. Chính vì thế, Solana trở thành blockchain chính thức của USDC.
Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức đầu tư vào Solana và các dự án của nó. Điển hình là thị trường NFT Magic Eden của Solana đã nhận được một khoản đầu tư khi Solana triển khai KYC.
Thứ ba, việc phát triển trong tương lai của Solana liên quan đến tổ chức đằng sau nó – Solana Foundation. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước, các thành viên của Solana Foundation tiết lộ rằng đội ngũ của họ đang cố gắng tăng cường sự chấp nhận của Solana bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, Solana Foundation cũng đang sử dụng kho quỹ dự trữ để khởi động chiến dịch thu hút các trình xác thực và cũng như là các chiến lược staking dành cho người dùng. Một thành viên trong Solana Foundation tiết lộ rằng họ đang có ý định hỗ trợ cho giao thức IBC của Cosmos.
Một cột mốc quan trọng khác trong lộ trình phát triển của Solana là việc cạnh tranh để trở thành nền tảng blockchain dùng để phát triển CBDC của Hoa Kỳ, có thể sẽ là USDC.
Có thể bạn quan tâm: Hơn 80% Ngân hàng Trung ương trên thế giới xem xét triển khai CBDC.
Giả thuyết Solana sẽ trở thành blockchain được lựa chọn để phát triển CBDC không thực sự chắc chắn. Lý do là mạng lưới Solana không đạt mức độ an toàn như các tổ chức kỳ vọng. Điều này đã được Anatoly thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn với Jeremy Allaire.
Sự kém an toàn của mạng lưới Solana đã trở thành rào cản để nó có thể phát triển vượt bậc trong tương lai. Nếu sự cố giảm hiệu suất của mạng lưới tiếp tục xảy ra thì Solana có thể mất vị thế trước các đối thủ cạnh tranh khác.
Sự tập trung hóa là mối quan tâm thứ hai của Solana. Anatoly đã thừa nhận rằng blockchain Solana hiện có một nhà cung cấp dịch vụ duy nhất. Điều này có nghĩa là tất cả các node xác thực của Solana đang sử dụng cùng một dịch vụ để tương tác với blockchain Solana.
Và mô hình hoạt động này không có gì khác biệt với chuỗi khối Ethereum. Do đó, đối mặt với vấn đề mà Ethereum đang gặp phải, thì câu hỏi đặt ra rằng: Liệu Solana đã giải quyết triệt để hay chưa? Đây vẫn là một câu hỏi khó trả lời ở thời điểm hiện tại. Trong tương lai, có thể Solana sẽ cải tiến hệ thống và giải quyết được các vấn đề đang tồn đọng trên Ethereum.
Mặt khác, Solana dường như đang gặp khó khăn trong việc giới thiệu nhà phát triển và người xác thực. Đây là điều mà Anatoly và các thành viên của Solana Foundation đã thừa nhận.
Đối với trình xác thực, Solana dường như đưa ra các yêu cầu phần cứng quá cao. Điều này cũng có nguy cơ khiến mạng lưới Solana trở nên tập trung hóa. Đặc biệt là nếu các yêu cầu phần cứng ngày càng tăng khi Solana phát triển hơn.
Qua đó, chúng ta có thể thấy tốc độ của Solana phụ thuộc vào số lượng Solana Cluster. Điều này có nghĩa là Solana sẽ cần nhiều trình xác thực hơn để mở rộng tối đa quy mô và phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Trên đây là toàn bộ thông tin về những cột mốc mà Solana đã trải qua, cũng như là những dự phóng về tương lai của Solana. Nhìn chung thì Solana không thiếu nguồn tài chính để giải quyết những vấn đề mà nó đang gặp phải. Và thực tế là các tổ chức đã tiếp tục đầu tư vào Solana và hỗ trợ dự án bên trong hệ sinh thái của nó.
Bất chấp những vấn đề, sự cố mà Solana đã trải qua, sức hút của Solana vẫn chưa hạ nhiệt. Việc có nhiều nhà đầu tư tiếp tục đổ tiền vào hệ sinh thái của nó đã là bằng chứng cho thấy Solana vẫn có tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.