Venture Capital là gì? Tổng hợp những điều cần biết về VC trong Crypto

Được ví như một mắt xích quan trọng trong sự phát triển của thị trường tài chính tập trung và phi tập trung, vậy Venture Capital là gì? Hãy cùng Coinvn tìm hiểu ngay sau đây.

8594Total views
Venture Capital la gi? Tong hop nhung dieu can biet ve VC trong Crypto - anh 1
Venture Capital là gì? Tổng hợp những điều cần biết về VC trong Crypto

Venture Capital là gì?

Venture Capital (VC) là những tổ chức lớn có tiềm lực tài chính dồi dào cùng đội ngũ nhân sự chất lượng, giàu kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực. Họ chuyên tìm kiếm các dự án khởi nghiệp hoặc các dự án đang muốn mở rộng quy mô nhưng lại thiếu hụt nguồn vốn cần thiết để phát triển. Đổi lại các quỹ đầu tư này sẽ mua được một số cổ phần nhất định hoặc một lượng lớn token/coin của dự án với mức giá rất thấp.

Đặc điểm chung của các Venture Capital chính là họ luôn có những chiến lược đầu tư rõ ràng với một quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi quyết định rót vốn vào bất kỳ ý tưởng độc đáo nào. Bên cạnh đó, chiến lược thoát vốn và quản lý rủi ro cũng được các quỹ này cực kỳ coi trọng.

Hiện nay, các Venture Capital có sức ảnh hưởng lớn nhất trên thị trường tiền mã hoá có thể kể đến đó là: Polychain Capital, Pantera Capital, Blockchain Capital, a16z, DeFi Alliance, Alameda Research

Đặc điểm các giai đoạn huy động vốn trong thị trường Crypto

Việc xem xét, đánh giá tiềm năng tăng trưởng một cách kỹ lưỡng tuy có thể giúp các VC giảm thiểu rủi ro nhưng Crypto là thị trường có biến động rất mạnh, khiến cho bất cứ ai cũng không kịp trở tay. Các quỹ đầu tư cấp vốn trong giai đoạn càng sớm thì độ mạo hiểm mà họ phải đối mặt sẽ càng cao.

Venture Capital la gi? Tong hop nhung dieu can biet ve VC trong Crypto - anh 2
Venture Capital là gì? Đặc điểm các giai đoạn huy động vốn trong thị trường Crypto

Những giai đoạn huy động vốn ban đầu

Giai đoạn cấp vốn đầu tiên và cũng là giai đoạn cấp vốn rủi ro nhất có tên gọi Pre-seed Round. Lúc này, các dự án đa phần mới chỉ là những ý tưởng và những nhà đầu tư thường là gia đình, bạn bè hoặc những người tin tưởng vào đội ngũ phát triển dự án.

Giai đoạn thứ hai cũng không kém phần rủi ro so với vòng Pre-seed Round, đó chính là vòng gọi vốn Seed Round hay còn gọi là vòng Private Sale. Trong vòng này, dự án đã bắt đầu có những nền móng cơ sở hạ tầng sơ khai ban đầu nhưng vẫn chưa đem lại bất kỳ kết quả đáng kể nào. Các Venture Capital sẽ phải phân tích thị trường, phân tích sản phẩm cũng như các đối thủ cạnh tranh để xem xét tính khả thi của dự án. Chính vì vậy mà số vốn huy động được ở giai đoạn thứ hai sẽ khá khiêm tốn nhằm kiểm tra xem ý tưởng của đội ngũ phát triển có thật sự hiệu quả hay không.

Các vòng đầu tư cơ bản

Tuy hai giai đoạn huy động vốn trên đây đòi hỏi các quỹ đầu tư phải sẵn sàng chấp nhận một mức độ mạo hiểm lớn nhưng cũng đem về cho họ những khoản lợi nhuận cao hơn nhiều so với các vòng tài trợ Series A, B, C. Thường ở các vòng sau này, dự án đã có Whitepaper, lộ trình phát triển, cộng đồng ủng hộ… và chắc chắn mức định giá của chúng cũng ngày càng được đẩy lên cao.

Cuối cùng là giai đoạn Public Sale khi dự án chuẩn bị phát hành token/coin ra công chúng trước khi niêm yết chúng trên các sàn giao dịch tiền mã hóa. Và trong vòng gọi vốn này, không chỉ các Venture Capital mà cả những nhà đầu tư cá nhân cũng có thể tham gia.

Các Venture Capital phổ biến nhất hiện nay

Polychain Capital

Polychain Capital được thành lập vào năm 2016, hiện nay VC này đang là nhà đầu tư hàng đầu thế giới trong lĩnh vực blockchain. Polychain đã tham gia hơn 146 vòng gọi vốn. 

Venture Capital la gi? Tong hop nhung dieu can biet ve VC trong Crypto - anh 3

Chiến lược đầu tư mà VC này lựa chọn đó là chủ yếu tập trung vào các dự án thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ và đặc biệt là họ thường rót vốn ngay từ vòng Seed-Round.

Những khoản đầu tư nổi bật mà quỹ này đã thực hiện có thể kể đến đó là: CoinDCX, Aleo, DFINITY, Commonwealth Labs…

Pantera Capital

Pantera Capital được biết đến là một trong những quỹ đầu tư tiên phong trong không gian tiền mã hoá. Quỹ này được thành lập từ năm 2003, ban đầu họ chỉ đơn thuần là quỹ đầu tư truyền thống nhưng sau này khi các tài sản mã hoá ngày càng phát triển, Pantera đã ngay lập tức chuyển hướng và gặt hái nhiều thành công rực rỡ với những thương vụ đầu tư vào các dự án như: Ripple, FTX, 1inch.exchange

Venture Capital la gi? Tong hop nhung dieu can biet ve VC trong Crypto - anh 4

Blockchain Capital

Blockchain Capital được thành lập từ năm 2013, bởi ba cá nhân nổi tiếng trong ngành công nghệ tiền mã hoá, đó là: Bradford Stephens, Bart Stephens và Brock Pierce (Chủ tịch của Bitcoin Foundation). Khối lượng tài sản mà quỹ này quản lý đã lên đến hơn 1,8 tỷ đô la Mỹ. Trong gần 9 năm qua, họ đã thực hiện hơn 130 khoản đầu tư vào các công ty và giao thức trong lĩnh vực blockchain.

Venture Capital la gi? Tong hop nhung dieu can biet ve VC trong Crypto - anh 5

Những rủi ro của dự án khi chọn Venture Capital là gì?

Những dự án phải huy động đến nguồn vốn của các Venture Capital đa số là các dự án nhỏ, chưa gây được tiếng vang trên thị trường tiền mã hoá. Họ cũng không đủ uy tín hoặc đủ điều kiện để tiếp cận các khoản vay của ngân hàng.

Do đó, rủi ro mà các đơn vị này phải đối mặt nhiều nhất đó là việc sẽ bị các Venture Capital can thiệp quá nhiều đến việc phát triển và quản trị dự án.

Hay thậm chí có một số Venture Capital lại muốn nhanh chóng chốt lời nên mạnh tay xả token/coin ngay khi chúng đạt đến một mức giá kỳ vọng của họ, bất chấp việc cộng đồng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực và bán tháo theo.

Rủi ro của Venture Capital trong thị trường Crypto

Tuy nhiên, nếu đứng ở vị trí các Venture Capital thì rủi ro mà họ phải chấp nhận khi rót vốn vào các dự án đang ở trong giai đoạn hình thành và phát triển là rất cao. Không phải tất cả mọi khoản đầu tư đều đem về lợi nhuận, có nhiều dự án có vẻ rất tiềm năng nhưng lại thất bại vì những yếu tố khách quan, ví dụ như điều kiện thị trường không thuận lợi, bị hacker tấn công…

Ngoài ra, các quỹ VC còn có nguy cơ gặp phải những dự án không thực hiện đúng các cam kết và lộ trình đề ra khi gọi vốn khiến họ bị chôn vốn trong một khoản thời gian dài. 

Chiến lược mà đa số Venture Capital thực hiện

Các quỹ thường có những chiến lược phân bổ vốn khác nhau tuỳ theo tiềm lực tài chính và kinh nghiệm của họ. Chẳng hạn như trong khi DeFi Alliance tập trung vào việc ươm tạo các dự án DeFi khởi nghiệp thì a16z lại có khả năng đầu tư dàn trải trong nhiều lĩnh vực từ tiêu dùng cho đến tiền mã hoá. 

Theo thống kê của Dove Metrics, trong tổng số 2.942 vòng gọi vốn được các Venture Capital góp vốn đầu tư từ trước đến nay thì thị trường tài chính phi tập trung – DeFi chính là lĩnh vực có tổng số vòng huy động vốn nhiều nhất (733 vòng). Sau đó là các dự án liên quan đến nền tảng cơ sở hạ tầng (638 vòng), Web 3.0 (625 vòng), các dự án tài chính tập trung CeFi (479 vòng) và cuối cùng là các bộ sưu tập NFT (479 vòng).

Venture Capital la gi? Tong hop nhung dieu can biet ve VC trong Crypto - anh 6

Chiến lược được đa số VC lựa chọn trong năm 2021

Nhưng có vẻ như chiến lược trên đang dần thay đổi khi bước sang năm 2021, trên toàn thị trường Crypto đã có 1.313 vòng gọi vốn được tổ chức và huy động được số tiền lên đến 30,2 tỷ đô la Mỹ. Trong đó, các VC chủ yếu rót tiền vào các dự án tài chính tập trung CeFi (52%), tiếp theo là các nền tảng cơ sở hạ tầng (23%), lĩnh vực Web 3.0 và NFT (19%), còn DeFi chỉ huy động được 6% tổng số tiền tài trợ.

Venture Capital la gi? Tong hop nhung dieu can biet ve VC trong Crypto - anh 7

Điều này cho thấy rằng năm vừa qua, các quỹ đầu tư mạo hiểm đã ưu tiên lựa chọn chiến lược rót vốn khá an toàn khi tập trung vào các dự án công nghệ cốt lõi có thể xây dựng một nền móng vững chắc cho sự phát triển bền vững của thị trường tiền mã hóa thay vì các dự án có tiềm ẩn rủi ro cao như DeFi hoặc các bộ sưu tập NFT. 

Kinh nghiệm lựa chọn Venture Capital tiềm năng

Dự án sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ nếu chọn đúng VC

Hầu như các công ty khởi nghiệp dù ở bất cứ lĩnh vực nào kể cả thị trường tài chính truyền thống hay công nghệ blockchain đều có những lúc rơi vào tình trạng kẹt vốn và phải tìm kiếm các nguồn hỗ trợ từ bên ngoài để tiếp tục phát triển sản phẩm. 

Ngoài nguồn vốn, các giá trị khác mà dự án có thể nhận được từ VC có thể là:

  • Sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật
  • Có thể tương tác với các dự án khác trong hệ sinh thái mà quỹ đã đầu tư
  • Mở rộng mối quan hệ đối tác
  • Cố vấn chiến lược về cách vận hành, tổ chức, marketing cho dự án.

Kinh nghiệm lựa chọn VC tiềm năng

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, dự án cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn khi lựa chọn các VC làm chỗ dựa vững chắc. Vì vậy, các startup không nên chỉ nhìn vào số tiền mà các quỹ đầu tư cam kết hỗ trợ mà còn phải tìm hiểu tầm nhìn chiến lược, lịch sử đầu tư của một quỹ để quyết định có nên bắt tay với VC đó hay không.

Một quỹ đầu tư mạo hiểm thường do nhiều đối tác tư nhân, những nhà đầu tư cá nhân giàu có, các công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí… cùng hợp tác với nhau tạo thành một quỹ do một công ty VC kiểm soát. 

Họ thường lựa chọn các VC có đội ngũ quản lý mạnh, có tỷ suất sinh lời cao trong thời gian dài cùng một danh mục đầu tư chất lượng. Nếu bạn không có đủ điều kiện để trở thành một trong những cổ đông của Venture Capital thì cũng có thể quan sát những yếu tố quan trọng này để tìm kiếm cho mình các VC tiềm năng và quan sát động thái của họ để không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội đầu tư nào.

Lời kết

Hy vọng qua bài viết trên đây, bạn đọc đã khám phá được nhiều điều thú vị khi tìm hiểu Venture Capital là gì cùng những cách tìm kiếm một VC tiềm năng. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm những bài phân tích của Coinvn trong chuyên mục Quỹ đầu tư để không mất nhiều thời gian nghiên cứu mà vẫn nắm bắt đầy đủ những tin tức mới nhất về các VC hàng đầu hiện nay.