Soft Cap, Hard Cap là gì? Kiến thức cơ bản về Soft Cap và Hard Cap

Soft Cap là số tiền tối thiểu mà các nhà phát triển huy động để ra mắt sản phẩm. Hard Cap là số tiền tối đa mà nhóm phát triển nhận được từ việc bán các token của họ trong giai đoạn ICO.

28255Total views
Soft Cap, Hard Cap la gi? Kien thuc co ban ve Soft Cap va Hard Cap - anh 1
Soft Cap và Hard Cap là gì?

Để đánh giá các dự án ICO, các nhà đầu tư phải tính đến nhiều chỉ số khác nhau. Hai chỉ số nổi bật nhất là Hard Cap và Soft Cap của ICO. Mặc dù Soft Cap là số tiền tối thiểu mà các nhà phát triển huy động để ra mắt sản phẩm của họ, nhưng Hard Cap là số tiền tối đa mà nhóm phát triển nhận được từ việc bán các mã thông báo của họ trong giai đoạn ICO.

Kiến thức tổng quan

Soft Cap và Hard Cap là hai chỉ số gọi vốn trong các dự án tiền mã hóa khi tham gia ICO, IEO…

Soft Cap là gì?

Khi lập kế hoạch cho một dự án bất kỳ, đội ngũ phát triển sẽ lập kế hoạch về các khoản chi phí cần thiết để khởi chạy và tạo ra sản phẩm theo từng giai đoạn. Ứng với từng giai đoạn đó sẽ là số vốn cần thiết cho việc phát triển. Soft Cap được hiểu là số vốn tối thiểu một dự án tiền mã hóa cần kêu gọi từ cộng đồng. Nếu một dự án không thể huy động được số vốn tối thiểu này, sẽ có hai khả năng xảy ra. Hoặc là họ có thể sẽ trả lại tiền cho các nhà đầu tư, hoặc là họ sẽ tiếp tục phát triển với số tiền đó và huy động thêm vốn đầu tư trong các vòng gọi vốn tiếp theo.  

Về lý thuyết, các dự án sẽ cần phải tính toán kỹ lưỡng để ra được chỉ số Soft Cap này. Thông thường, đội ngũ phát triển của dự án sẽ đưa ra một kế hoạch kèm với lộ trình phát triển (roadmap) chi tiết để thông báo cho các nhà đầu tư lý do tại sao họ lại cần số tiền đó. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chỉ số này lại được xác định một cách tùy tiện.

Hard Cap là gì?

Nếu như Soft Cap đề cập đến giới hạn tối thiểu dưới của số vốn cần kêu gọi thì Hard Cap lại ngược lại. Nó được hiểu là giới hạn trên về số lượng token có thể được bán. Từ đó, nhà đầu tư có thể biết được số tiền tối đa mà dự án có thể huy động được tối đa trong vòng gọi vốn đó. Khi đạt đến Hard Cap trong các chiến dịch gây quỹ, nhà đầu tư sẽ hiểu là lượng token được coi là đã bán hết trong vòng gọi vốn đó. Tương tự như Soft Cap, đội ngũ phát triển các dự án cũng cần phải tính toán để ra được chỉ số này. Họ sẽ cần phải cân nhắc giữa mục tiêu gây quỹ và sự khan hiếm của token trên thị trường. 

Soft Cap, Hard Cap la gi? Kien thuc co ban ve Soft Cap va Hard Cap - anh 2
Soft Cap và Hard Cap là hai chỉ số vốn trong thị trường tiền mã hóa

Tại sao tiền mã hóa lại cần có Hard Cap?

Cả Soft Cap và Hard Cap đều được dùng trong các giai đoạn gọi vốn cộng đồng của các dự án. Hard Cap thường được các nhà đầu tư chú ý nhiều hơn. Dưới đây là hai lý do giải thích cho việc này:

Thứ nhất là sự khan hiếm của các token dự án: Không có Hard Cap cộng với việc thiếu cơ chế kiểm soát có thể làm gia tăng tỷ lệ lạm phát của đồng coin đó. Và theo thời gian, giá trị của đồng coin sẽ giảm

Thứ hai là Hard Cap sẽ gắn liền với lộ trình của dự án: Đội ngũ phát triển nên xác định rõ mục đích của số tiền huy động được. Điều này được thể hiện qua lộ trình phát triển với các mục tiêu cụ thể. Nếu không có Hard Cap, các dự án có thể huy động được nhiều hơn số tiền họ cần tại thời điểm đó. Nó dẫn đến việc mất cân bằng về cung cầu, gây ảnh hưởng đến giá trị đồng coin trong tương lai

Thông qua Soft Cap và Hard Cap để đánh giá các dự án ICO như thế nào?

Thông qua hai chỉ số Soft Cap và Hard Cap có thể phần nào giúp các nhà đầu tư đánh giá tiềm năng dự án đó. Cụ thể:

Một dự án có mức Soft Cap & Hard Cap quá cao hoặc quá thấp cũng có thể phát sinh vấn đề. Nó phần nào phản ảnh được năng lực tính toán và khả năng gọi vốn của đội ngũ phát triển

Đi kèm với Soft Cap và Hard Cap nên là một lộ trình phát triển chi tiết. Đầu tư tiền mã hóa cũng giống như góp vốn vào một công ty vậy. Các nhà đầu tư cần phải biết được tiền của họ sẽ được dùng để làm gì và tiến độ thực hiện như thế nào trong suốt quá trình đó

Lời kết

Nhìn chung Soft Cap và Hard Cap không đơn thuần chỉ là mục tiêu gây quỹ. Chúng cho ta biết rất nhiều điều về dự án, các thành viên trong nhóm và tầm nhìn của họ. Đây sẽ là hai trong số rất nhiều tiêu chí để giúp các nhà đầu tư đánh giá một dự án gây quỹ tiềm năng. Với những thông tin trên, hy vọng bạn đã có thêm kiến thức để nhìn ra triển vọng của một dự án đang trong quá trình gây quỹ.

Có thể bạn quan tâm: DAG là gì? So sánh sự khác biệt giữa DAG và Blockchain.