Giới thiệu chi tiết mô hình kinh doanh của Polkadot

Mặc dù Polkadot đã không còn xa lạ đối với các nhà đầu tư, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về mô hình kinh doanh của Polkadot. Cùng Coinvn tìm hiểu nó trong bài viết này.

9264Total views
Gioi thieu chi tiet mo hinh kinh doanh cua Polkadot - anh 1
Giới thiệu chi tiết mô hình kinh doanh của Polkadot

Nhiều người vẫn đang lầm tưởng nguồn thu của chính phủ quốc gia chỉ là thuế và các công ty thuộc nhà nước. Trên thực tế, một nguồn thu cực lớn của chính phủ quốc gia mà chúng ta đã bỏ qua đó là khoản thu nhập từ việc sản xuất ra tiền. 

Trong thị trường Crypto, DeFi cũng có thể ứng dụng theo mô hình này để tạo ra thu nhập cho nhà đầu tư, cụ thể là Polkadot. Đây cũng là dự án điển hình ứng dụng mô hình đó để duy trì hoạt động, cùng đội ngũ Coinvn tìm hiểu trong bài viết này.

Chính phủ quốc gia là gì?

Mỗi dự án tiền mã hóa giống như một nền kinh tế, nên để hiểu được bản chất mô hình doanh của Polkadot, trước tiên chúng ta phải hiểu được khái niệm của chính phủ quốc gia cũng như bản chất vấn đề liên quan đến kinh tế chính trị.

Chính phủ được hiểu là một thể thống nhất của một quốc gia nào đó. Nó có thể bao gồm các đơn vị sau: Chính phủ cấp trung ương là cấp cao nhất; tiếp đến là chính phủ cấp tỉnh và thành phố thuộc trung ương; dưới cấp tỉnh là cấp thành phố thuộc tỉnh, thị xã, huyện; dưới cấp huyện là chính phủ cấp phường xã; tiếp đến là thôn, bản, tổ dân phố. 

Về cơ bản, chính phủ là một tổ chức phân cấp rất rộng lớn, nhưng thông thường ở các nước dân chủ phương Tây thì chính phủ được chia thành 2 hoặc 3 loại ngang cấp. Thứ nhất là chính phủ quốc gia hay chính phủ liên bang, thứ hai là chính phủ cấp bang và thứ 3 là chính phủ cấp thành phố. Bản chất của các loại chính phủ này là ngang cấp, tức là chính phủ thành phố không phải cấp dưới của chính phủ cấp bang và chính phủ cấp bang không phải cấp dưới của chính phủ liên bang. 

Trong đó, chính phủ thành phố sẽ hoạt động dựa vào nguồn thu từ thuế đất đai và bất động sản. Chính phủ cấp bang sẽ dựa vào các nguồn thu từ thuế tài nguyên và thuế thuộc bang. Còn chính phủ liên bang hay chính phủ quốc gia sẽ hoạt động dựa vào thuế liên bang. Vì chính phủ liên bang có nhiều hoạt động ở quy mô quốc gia như quân đội, ngoại giao nên thường chi rất nhiều tiền cho các hoạt động đó. 

Khi nhìn vào một quốc gia lớn như Mỹ, nếu các hoạt động chỉ dựa vào nguồn thu từ thuế liên bang thì chính phủ Mỹ sẽ không có đủ năng lực tài chính cần thiết để duy trì các trang thiết bị hiện đại trong quân đội như tàu chiến, máy bay, tàu ngầm… Bên cạnh đó còn có các hoạt động tài trợ cho nhiều quốc gia khác. 

Mặt khác, hầu hết các hàng hoá tiêu dùng ở Mỹ sẽ được sản xuất ở Trung Quốc. Điều này có nghĩa là chính phủ Trung Quốc sẽ đánh thuế trước. Tuy nhiên, trước khi thương chiến xảy ra thì thuế nhập khẩu vào Mỹ thường rất thấp. Như vậy, câu hỏi đặt ra là “tại sao kinh phí quốc phòng của Mỹ lại có thể nhiều hơn của Trung Quốc?”.

Nguyên tắc kinh tế là gì?

Để trả lời câu hỏi ở cuối phần một, chúng ta cùng nhau tìm hiểu một chút về nguyên tắc kinh tế. Giả sử, một quốc gia có sản lượng hàng hóa tương ứng với một số lượng tiền nhất định. Tại quốc gia đó luôn có những cải tiến về công nghệ nên năng suất năm sau thường cao hơn năm trước. 

Nếu lượng tiền không thay đổi mà sản lượng hàng hóa tăng lên sẽ khiến cho giá của các mặt hàng trở nên rẻ hơn. Tức là giả sử số tiền ban đầu của quốc gia đó là 100 đô la Mỹ và sản lượng là 100 sản phẩm thì mỗi sản phẩm sẽ có giá 1 đô la Mỹ. Nhưng nếu số tiền vẫn là 100 đô la Mỹ mà sản lượng của sản phẩm tăng thêm 10%, tức có 110 sản phẩm thì giá của một sản phẩm sẽ là 0,91 đô la Mỹ. 

Khi đó, để duy trì giá mỗi sản phẩm là 1 đô la Mỹ thì chính phủ phải in thêm số tiền tương ứng với sản lượng hàng hóa tăng thêm. Trong trường hợp này, chính phủ phải in thêm 10 đô la Mỹ. 

Mỗi năm, chính phủ các nước sẽ thống kê năng suất của nền kinh tế nhằm kịp thời in thêm số lượng tiền tương ứng, để đảm bảo giá trị đồng tiền không thay đổi so với sản lượng hàng hoá của quốc gia. 

Trong trường hợp việc thống kê không đúng dẫn đến chính phủ in tiền nhiều hơn sẽ khiến lạm phát xảy ra. Tức là lượng tiền in ra bị dư thừa dẫn đến đồng tiền bị mất giá. Để giải quyết vấn đề đó, chính phủ phải dùng các cơ chế kiểm soát tiền tệ để tăng lượng dự trữ bắt buộc, nhằm rút bớt tiền khỏi lưu thông với mục đích ngăn chặn lạm phát. 

Trong một trường hợp khác là chính phủ in tiền ít hơn so với số tiền cần phải in. Điều này sẽ làm lượng tiền ít hơn hàng hoá khiến cho giá của hàng hoá trở nên rẻ hơn và hệ lụy là không kích thích được hoạt động sản xuất. 

Tuy nhiên, việc này sẽ không đơn giản như ví dụ ban đầu là 100 đô la Mỹ và 100 sản phẩm. Trên thực tế ở một nền kinh tế tại một nước nào đó, khi số lượng sản phẩm được sản xuất tăng thêm 10% thì số tiền cần in thêm sẽ rất lớn. Như vậy, nếu lượng sản phẩm của nền kinh tế trên toàn cầu khi tăng trưởng 10%, thậm chí là chỉ cần tăng 1% thì số tiền cần in thêm đã lớn hơn nhiều so với một nước.

Trong trường hợp của nước Mỹ – một quốc gia có đồng USD (đô la Mỹ) được dùng chủ yếu trong hoạt động thương mại quốc tế và dự trữ quốc gia… Vì đồng USD được lưu thông rộng khắp trên toàn cầu nên nó sẽ không phụ thuộc nhiều vào sản lượng hàng hoá của nước Mỹ sản xuất. 

Thêm vào đó, Mỹ và rất nhiều nước khác đều sử dụng đồng USD để mua bán hàng hoá. Cho nên, khi sản lượng hàng hóa của các nước tăng lên thì số USD cũng phải được tăng thêm một lượng tương ứng nhằm giữ giá của hàng hoá đó. 

Như vậy, với trường hợp trên thì Mỹ không cần phải tăng năng suất, mà chỉ cần nước khác gia tăng được năng suất thì Mỹ đều có thể in thêm số lượng USD tương ứng. Khi nền kinh tế trên toàn cầu tăng trưởng thì sẽ giúp nước Mỹ in được thêm nhiều USD hơn. Chính vì thế, Mỹ luôn muốn nền kinh tế của các nước trên thế giới đều tăng trưởng, kể cả là Nga hay Trung Quốc.

Khi giới doanh nhân trên toàn thế giới có lợi từ tăng trưởng kinh tế thì chính phủ Mỹ cũng được hưởng lợi. Do đó, chính phủ Mỹ luôn muốn toàn cầu hoá, hoà bình và nền kinh tế thế giới trở nên thịnh vượng.

Cũng chính vì thế mà Mỹ luôn có những chính sách tài trợ giúp các nước khác phát triển, nhất là các nước đồng minh. Một khi nền kinh tế của thế giới phát triển và đồng USD được sử dụng nhiều trong giao dịch thương mại, quốc tế thì càng có thêm nhiều sản phẩm được sản xuất. 

Do đó, để giữ giá USD cố định thì chính phủ Mỹ phải phát hành thêm một lượng USD tương ứng với sản lượng hàng hóa tăng trưởng. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là tiền có thể không cần phải in mà chỉ liệt kê trên máy tính. Vì thế, cách làm này sẽ mang lại một khoản lợi nhuận siêu lớn.

Mặt khác, những quốc gia muốn chính phủ Mỹ suy yếu thì chỉ cần khiến cho nền kinh tế của thế giới giảm sút, thay vì đánh vào nền kinh tế nước Mỹ. Bởi lẽ, khi nền kinh tế nước Mỹ giảm sút nhưng nhu cầu sử dụng USD để trao đổi, mua bán hàng hóa tăng cao trên toàn cầu thì chính phủ Mỹ vẫn có thể in thêm tiền.

Đến đây, chúng ta đã có được câu trả lời cho câu hỏi “chính phủ của những nước nào đang muốn chiến tranh xảy ra?” và “chính phủ của những nước nào đang muốn nền kinh tế thế giới phát triển?”. Như vậy, việc bán các khẩu súng, kể cả máy bay, tên lửa, tàu ngầm cũng không thể có được khoản lợi nhuận lớn hơn bằng việc in tiền. 

Ngoài ra, khi dựa trên nguyên tắc đó, chúng ta cũng có thể trả lời cho câu hỏi “thời điểm dịch Covid nổ ra trên khắp thế giới thì quốc gia nào sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất?”.

Mô hình kinh doanh của Polkadot

Quay trở lại nội dung chính của bài viết là mô hình kinh doanh của Polkadot. Nếu xét về quy mô thì Polkadot vẫn còn khá nhỏ bé nếu so sánh với chính phủ liên bang Mỹ. Thế nhưng, mô hình kinh tế của Polkadot rất giống với mô hình in tiền của chính phủ liên bang Mỹ đã đề cập ở trên. 

Gioi thieu chi tiet mo hinh kinh doanh cua Polkadot - anh 2

Mạng lưới của Polkadot được thiết kế theo mô hình multi-sided platform, gồm hai thành phần chính: 

  • Thành phần thứ nhất: Người dùng đang có nhu cầu kiếm lợi nhuận từ việc staking, đầu tư, đầu cơ vào DOT (đồng coin của Polkadot), thậm chí là sử dụng các tiện ích của mạng lưới Polkadot như những dịch vụ common good (ví dụ như Statemint). 
  • Thành phần thứ hai: Các nhà lập trình xây dựng, phát triển các dự án parachain và parathread.

Một khi số lượng người dùng tham gia vào hệ sinh thái Polkadot càng đông, thì sẽ thu hút được nhiều nhà phát triển phần mềm, giải pháp để tạo ra thêm nhiều sản phẩm và dịch vụ khác. Ngược lại, khi sản phẩm, dịch vụ càng nhiều thì người dùng sẽ đến với hệ sinh thái này càng đông và cứ thế lập lại như một vòng tuần hoàn.

Bên cạnh đó, khi có nhiều thành phần sử dụng DOT và sản phẩm dịch vụ được tạo ra nhiều hơn, nhưng số lượng DOT vẫn không đổi thì giá trị của đồng coin này sẽ được tăng lên. 

Có thể bạn quan tâm: Tại sao token DOT chưa tăng giá?

Nhưng vì Polkadot là mô hình mạng lưới, nên một khi thành công thì sẽ phát triển rất nhanh và hiệu ứng mạng sẽ bùng nổ rất mạnh. Với hàng trăm parachain và mỗi parachain có thể sẽ có rất nhiều dịch vụ tương tự như mạng lưới Ethereum đã từng làm. Điều này sẽ khiến tốc độ gia tăng nguồn cung theo thuật toán của Polkadot có thể sẽ không đáp ứng kịp nhu cầu của người dùng, do đó giá DOT có thể sẽ tiếp tục tăng. 

Tuy nhiên, ở một trường hợp khác là nếu số lượng DOT không tăng mà giá DOT tăng. Trong trường hợp này, giá DOT tăng không được xem là điều tốt vì DOT là Utility token chứ không phải Currency token. Chính vì thế, nếu giá DOT tăng sẽ không khuyến khích được nhiều người tham gia vào mạng lưới, cũng như thúc đẩy việc tăng trưởng các sản phẩm và dịch vụ của các parachain trên Polkadot. Bởi lẽ, phần lớn người dùng thay vì sử dụng DOT thì họ sẽ giữ DOT lại để chờ giá của đồng coin này tăng cao. 

Thêm vào đó, các dịch vụ có sử dụng đến DOT lại không thu hút được đông đảo người dùng. Cho nên, đồng DOT sẽ được phát hành thêm nhằm giữ cho đồng coin này không bị tăng giá quá nhiều. Điều này có thể làm những nhà đầu tư muốn đầu cơ ngắn hạn vào DOT sẽ bị thất vọng vì giá của DOT không tăng trưởng như kỳ vọng của họ. 

Tuy nhiên, với những ai không muốn làm giàu nhanh nhờ vào sự tăng giá của một đồng coin bất kỳ. Họ sẽ có vô số cơ hội kiếm được lợi nhuận nếu đầu tư vào DOT, ngay cả khi DOT không tăng giá hoặc thậm chí là giảm giá.

Như đã đề cập, mô hình kinh doanh của DOT có nét tương đồng với mô hình của chính phủ liên bang Mỹ, tức là sẽ in thêm tiền. Chính vì thế, DOT sẽ có nguồn cung không bị giới hạn. Khi càng có nhiều dịch vụ, sản phẩm trên hệ sinh thái Polkadot được ra mắt, thì nó cần phát hành thêm đồng DOT để có thể kích thích sản xuất và tiêu dùng. 

Với mô hình kinh doanh này, thay vì nhà đầu tư mong muốn DOT tăng giá, thì họ sẽ mong đợi tạo ra dòng tiền mới. Cơ chế staking, cho thuê vị trí parachain và crowdloan là những cách giúp người dùng đầu tư vào DOT đạt được sự mong đợi đó. 

Game-play của DOT được thiết kế để nhắm đến nhà đầu tư dài hạn nhằm phù hợp với mô hình này. Khi đó, chính những nhà đầu tư này sẽ giúp hệ sinh thái Polkadot lựa chọn những dự án tốt nhất để cấp vốn. Vì đấu giá parachain không phải chỉ diễn ra một lần, cũng như vị trí parachain sẽ không cố định mà sẽ có sự thay thế và đào thải. 

Điều này có nghĩa là nếu dự án nào không thành công, hoặc không tạo ra đủ lợi ích kinh tế để duy trì vị trí parachain thì dự án đó sẽ không còn là parachain nữa. Do đó, nhà đầu tư DOT là nhân tố cần thiết trong suốt vòng đời của các dự án. Vì các dự án thành công cũng phải có những chiến lược đầu tư để giữ được vị trí parachain, hoặc phải thuê, mua thêm DOT để giữ được vị trí này. Điều này sẽ giúp cho nhu cầu sử dụng DOT tiếp tục tăng khi hệ sinh thái Polkadot được phát triển cùng với sự phát triển của các sản phẩm và dịch vụ trên hệ sinh thái này.

Kết luận

Nếu nhà đầu tư stake DOT và sử dụng số lượng DOT nhận được từ việc staking để đầu tư vào những dự án thực sự tiềm năng còn ở giai đoạn sơ khai thông qua crowdloan, thậm chí là mua coin/token của họ khi mới lên sàn… thì họ có thể thu về được một khoản lợi nhuận rất lớn. 

Tuy nhiên, nguồn vốn của nhà đầu tư là có hạn nên họ cần nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm ra những dự án tiềm năng nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn để gia tăng lợi nhuận cho bản thân. Một trong những chìa khóa giúp mọi người có thể thành công từ việc đầu tư sớm là họ phải dành nhiều thời gian nghiên cứu sâu các dự án để có thể thành công như những nhà đầu tư chuyên nghiệp. 

Và các cộng đồng trong lĩnh vực đầu tư tiền mã hóa, chẳng hạn như Coinvn, sẽ là nơi để mọi người có thể giao lưu, trao đổi những kiến thức hữu ích cho việc rèn giũa năng lực này.

Bài viết trên đã tham khảo từ bài phân tích chuyên sâu “Mô hình kinh doanh của Polkadot” của tác giả Kiên Bùi – Founder và CEO của SynerWork. Trước đó, các bài viết đánh giá chuyên sâu như “Tiềm năng của dự án HydraDX” của anh cũng được đăng tải trên Coinvn. Đội ngũ Coinvn chân thành gửi lời cảm ơn đến anh Kiên Bùi vì đã tạo ra những bài viết bổ ích dành cho độc giả.

Giới thiệu chi tiết mô hình kinh doanh của Polkadot